Trước hết, xin ông cho biết đôi nét về những nghiên cứu của PGS TS Bùi Hiền cùng những thực tế phải đặt ra?
Trước hết, tôi xin nói là những nghiên cứu của PGS TS Bùi Hiền không phải là đầu tiên nhằm cải tiến chữ quốc ngữ của Việt Nam. Thực ra, đã có rất nhiều nghiên cứu từ nhiều năm trước cho vấn đề này song giới ngôn ngữ học đã cùng gác lại những nghiên cứu đó để tập trung cho những nhiệm vụ thiết thực hơn.
Còn nếu nói về sự chưa hợp lý thì thực ra là vẫn chấp nhận được và thực tế là chúng ta vẫn đang sử dụng mà không gặp phải vấn đề gì. Thứ hai nữa là việc sử dụng chữ quốc ngữ hiện hành đã ăn sau vào tiềm thức, thói quen trong suốt 3 thế kỷ qua thì bây giờ sửa đổi là cả một câu chuyện lớn. Đơn cử việc thay chữ “ư” thành “w” hay thay dấu nặng ở dưới lên trên mỗi chữ cần đánh dấu như các thanh dấu khác là đủ thấy không dễ gì được chấp nhận. Bất luận một sự thay đổi nào dù lớn, hay nhỏ đều không thể là vấn đề đơn giản gì. Đối với tiếng Nga, việc đưa thêm vào bảng chữ cái dù chỉ một ký tự là “dấu mềm” đã phải đưa ra Duma Quốc gia để thảo luận. Rồi với tiếng Anh, cũng rất không ổn khi nói và viết khác nhau (từ điển tiếng Anh phải in kèm phiên âm quốc tế với mỗi từ cụ thể) nhưng người ta cũng quyết định không thay đổi gì. Nói như vậy, các nước phát triển đã nghĩ như ta, thậm chí xa hơn ta nhưng mọi sự thay đổi là không thể thực hiện được. Riêng với tiếng Trung Quốc, chữ “giản thể” được xã hội chấp nhận thay vì chỉ sử dụng chữ “phồn thể” vì nó dễ học, dễ nhớ hơn và góp phần phổ cập hoá giáo dục dễ dàng hơn với đông đảo người dân.
Theo PGS TS Bùi Hiền, nếu những nghiên cứu của ông được áp dụng vào thực tiễn thì cả nước sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc do có thể viết, nhập dữ liệu nhanh hơn, tốn ít giấy mực hơn. Xin ông cho biết, điều đó có đúng không?
Về những nghiên cứu của PGS TS Bùi Hiền, đương nhiên ông có lý khi đưa ra vấn để giảm bớt số lượng chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt. Việc giảm bớt số lượng chữ cái đi sẽ làm cho tiếng Việt ngắn gọn hơn với từng từ ngữ cụ thể. Đương nhiên, đó là một trong những ưu điểm mà tác giả muốn hướng tới. Tuy nhiên, những ưu điểm đó không lấn át được những sự phức tạp nếu công trình nghiên cứu này trở thành hiện thực.
Hệ lụy xảy ra với việc thay đổi chữ quốc ngữ là sẽ phải chi ra những khoản tiền khổng lồ để thay đổi sách giáo khoa, giáo viên phải dạy lại, học sinh phải học lại, hệ thống văn bản của nhà nước, các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng buộc phải thay đổi… Đương nhiên, toàn dân sẽ phải làm lại căn cước công dân và dù có “xã hội hoá” thì cũng tiêu tốn ngay những khoản tiền không nhỏ. Tên đường, tên phố, biển hiệu, biển quảng cáo cũng phải làm lại và chắc rằng chủ nhân của các biển hiệu, biển quảng cáo sẽ không chấp nhận sự thay đổi này nếu nó xảy ra. Nhân đây, tôi cũng đặt vấn đề với giới báo chí là liệu các bạn có chấp nhận sử dụng chữ quốc ngữ cải tiến cho tờ báo của mình hay không? Không lẽ nào tất cả những người nói tiếng Việt (ít nhất ba phần tư dân số) phải học lại để thích ứng với chữ quốc ngữ cải tiến? Một khi đã trở thành thói quen thì không dễ dàng thay đổi đâu!
Còn việc kỷ yếu của Hội thảo do chúng tôi tổ chức có đăng báo cáo của PGS TS Bùi Hiền thì cũng không phải rằng đó là ý kiến quan trọng. Các nhà ngôn ngữ học đã gác lại chủ đề này từ rất lâu để tập trung cho những nghiên cứu mang tính thực tiễn hơn với các vấn đề như hội nhập quốc tế, ngôn ngữ trong thời đại công nghệ thông tin… đúng như chủ đề đã đặt ra của Hội thảo năm nay là “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và phát triển”. Vì thế, tôi rất ngạc nhiên khi Hội thảo đã trôi qua được nhiều tháng thì có người lại lôi một vấn đề mà giới chuyên môn không bàn đến nữa và đưa ra thành chuyện lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng dừng lại ở chỗ ghi nhận sự cố gắng của tác giả là PGS TS Bùi Hiền. Thế thôi! Vì ngoài ra không có câu chuyện gì để bàn tiếp!
Xin cám ơn ông!