Giải toả những thành kiến cùng bác bỏ ngộ nhận về Chữ quốc ngữ- Kỳ 2: Chữ QN có phức tạp về cấu tạo?

Đào Tiến Thi
Đào Tiến Thi

cựu Ủy viên Ban chấp hành Hội ngôn ngữ học Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cải tiến Chữ quốc ngữ là không thể và rất không có cơ sở khoa học. Mọi cải tiến chắc chắn không đi đến đâu và không có ưu thế gì hơn.

LTS: VietTimes xin giới thiệu tiếp Kỳ 2 bài viết về chữ quốc ngữ của Thạc sĩ Đào Tiến Thi - cựu Ủy viên Ban chấp hành Hội ngôn ngữ học Việt Nam. Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả.

Thành kiến một số phụ âm ghi bằng một tổ hợp chữ cái

Đó là các tổ hợp gi, ch, tr, kh, gh, ng, ngh, nh, ph.

Những người đề xuất cải cách thường chọn một chữ cái thậm chí một ký tự xa lạ để thay cho mỗi tổ hợp chữ cái trên.

Chẳng hạn, PGS TS Bùi Hiền mới đây (2017) dùng c thay cho tr/ch (đồng nhất 2 âm này theo tiếng Bắc), dùng w thay cho ng; q thay cho th,… Câu Kiều Những điều trông thấy mà đau đớn lòng được viết như sau:

Nhữw diều côw qấy mà dau dớn lòw

Trước đó khá lâu, những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, cụ Nguyễn Công Tiễu (1892 – 1976) cũng đề xuất:

Chữ cũ

Chữ mới

Ví dụ

Chữ cũ

Chữ mới

Ví dụ

ch

ĉ

ĉa (cha)

th

§

§ơ (thơ)

kh

k

ku (khu)

tr

ç

çi (tri)

ng/ngh

j

jủ (ngủ)

nh

n̈à (nhà)

Ví dụ, hai câu mở đầu Truyện KiềuTrăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau – được viết như sau:

Çăm năm çoj cõi jười ta

Çữ tài ĉữ mện̈ kéo là ghét n̈au

Thực ra một số âm vị được ghi bằng tổ hợp hai, ba chữ cái, trong thực tế không ảnh hưởng gì đáng kể. Nhiều thứ chữ ghi âm khác cũng có những trường hợp một âm được ghi bằng cả tổ hợp hai, ba chữ cái.

Nhìn vào "mặt chữ" ta thấy cách thay đổi trên cũng chẳng đơn giản hơn, vì ký tự ghi chữ cái lẫn cả vào dấu phụ biểu thị thanh điệu. Nhưng hậu quả lớn nhất là nó tạo ra gần như một thứ chữ khác, xa lạ với truyền thống, làm cho người đời sau không đọc được chữ của người đời trước.

Thành kiến về việc ghi rời tiếng (âm tiết) trong từ phức

Chữ quốc ngữ (CQN) tuy dùng hệ chữ cái La tinh nhưng khi dùng để ghi tiếng Việt thì lại ghi theo đơn vị tiếng (âm tiết), tức là mỗi tiếng – mỗi chữ, chứ không theo đơn vị từ như các tiếng châu Âu. Để khắc phục “nhược điểm” này, hai thập niên đầu thế kỷ XX, người ta đã dùng gạch nối trong các từ phức. Sau 1945 không còn dùng gạch nối nữa cũng chẳng sao. Nhưng những năm 60, khi trào lưu cải cách CQN nổi lên, người ta lại đưa ra những phương án cực đoan hơn cả gạch nối, như dùng cách viết liền.

Đề xuất của Viện Văn học (1960) trong “cải tiến bước 1”, ngoài nhất thể hóa c/k/q thành k, i/y thành i, thay đ bằng d, âm đệm u thành w thì còn có phương án viết liền từ phức. Dưới đây là câu trong bản viết thử Tuyên ngôn độc lập do Tiểu ban Ngôn ngữ của Viện Văn học đề xuất:

Tấtcả các zântộc trên thếzới dều sinh ra bìnhdẳng; zântộc nào cũng có cwiền sống, cwiền sungsướng và cwiền tựzo.

Cách đây chưa lâu, tác giả Hoàng Hồng Minh (2011), từ một ví dụ “Học sinh vật cô Na” nếu ngắt ở những chỗ khác nhau sẽ dẫn đến nghĩa khác nhau (Học / sinh vật cô Na“Học sinh / vật cô Na), chê lối viết rời các tiếng trong từ như hiện nay. Trong đoạn sau đây, tác giả vừa đưa ra lý do, vừa viết mẫu cách viết liền từ hai, ba tiếng: “Lối viết táchrời các từ trong một từ kép làm tăng tính mấtchínhxác của câuchữ, khuyếnkhích tính chủquanthẩmđịnh, làm giảm tốcđộđọchiểu, làm tốnkémlưutrữ trên giấytờvănbản hoặc trên các bộ nhớ điệntử, làm khókhăn cho người nướcngoài học tiếng Việt” (TC Tia sáng16/08/2011).

Các phương án trên thật khó chấp nhận, thậm chí nực cười. Vì như ta biết, CQN giai đoạn đầu hình thành (giai đoạn tiền Alexandre Rhodes) cũng viết liền từ do mô phỏng các chữ châu Âu. Phải qua một giai đoạn, các giáo sỹ phương Tây mới nhận rõ hơn đặc thù ngữ âm của tiếng Việt – một thứ tiếng đơn âm, trong đó tiếng là đơn vị phát âm – thì mới viết rời thành từng chữ cho mỗi tiếng (âm tiết). Viết rời từng tiếng khiến cho việc đọc, viết đều trở nên dễ dàng. Phải nói đó là một sáng tạo độc đáo chứ không phải một hạn chế. GS Nguyễn Quang Hồng cũng từng khẳng định: "Hẳn các vị khách quốc tế đầu tiên tiếp xúc với một văn bản chữ Việt La tinh sẽ nhận ra những nét đặc thù (…) và có lẽ không khỏi cảm thấy kinh dị. Thế nhưng chính những điều có vẻ kỳ quặc đó lại phản ánh khá sát, đúng và hợp lý những đặc điểm loại hình của bản thân tiếng Việt".

Alexandre Rhodes và những người kế tục tiếp tục hoàn thiện CQN đã chọn cách viết rời âm tiết. Sự hợp lý đó được thử thách qua thời gian, đến nay đã là hiển nhiên. Có thể thấy các lý do chính như sau:

– Viết liền từ vừa khó đọc vừa có thể đọc sai một số trường hợp: pháthành thành phá thành, phátâm thành phá tâm

– Đối với tiếng Việt, đơn vị phát âm là tiếng (âm tiết) chứ không phải âm vị như các tiếng châu Âu. Nếu các tiếng châu Âu bắt buộc phải phát âm đầy đủ các âm vị trong mỗi từ, kể cả phụ âm đứng cuối từ, thì tiếng Việt chỉ phát âm duy nhất một lần cho mỗi tiếng. Dẫu có viết liền thì khi đọc vẫn đọc rời từng tiếng. Cho nên viết liền từ là trái với ngữ âm tiếng Việt.

– Với tiếng Việt, đơn vị từ lỏng lẻo hơn nhiều so với đơn vị tiếng. Trước một tổ hợp gồm hai tiếng, nhiều khi ta khó biết đó là hai từ đơn hay một từ phức. Nếu trước mỗi tổ hợp ấy khi viết lại phải đau đầu suy nghĩ đây là "một hay hai từ” thì mệt quá, thậm chí là bất lực! Xem các sách báo khoảng hai mươi năm đầu thế kỷ XX, ta thấy cách dùng gạch nối chẳng giải quyết được điều gì mà lại không thống nhất hoặc bỏ sót, chỉ thêm phức tạp.

Thành kiến có nhiều dấu phụ để ghi chữ cái và thanh điệu

So với bộ chữ cái La tinh, CQN có 7 chữ cái thêm dấu phụ (ă, â, ê, đ, ô, ơ, ư) và 5 dấu ghi thanh điệu (huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng), tổng cộng tất cả là 12 dấu phụ. Ngày trước do phương tiện đánh máy chữ thô sơ và kỹ thuật in ấn kém xa bây giờ, cho nên dấu phụ cũng ít nhiều gây khó khăn. Còn gần đây do có máy vi tính để soạn văn bản, có máy in điện tử để in trực tiếp từ file dữ liệu, các khó khăn đó không còn đáng kể.

Bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh được các tác giả CVNSS 4.0 viết/ghi sang một đặc trưng không dùng dấu và theo họ là "thuận tiện" cho ứng dụng CNTT vì không cần phải cài đặt bộ gõ và font tiếng Việt (ảnh tư liệu VietTimes)

Bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh được các tác giả CVNSS 4.0 viết/ghi sang một đặc trưng không dùng dấu và theo họ là "thuận tiện" cho ứng dụng CNTT vì không cần phải cài đặt bộ gõ và font tiếng Việt (ảnh tư liệu VietTimes)

Dấu phụ có gây ra ít nhiều phức tạp nhưng so với việc thay vào đó là các chữ cái thì việc dùng dấu phụ vẫn đơn giản hơn nhiều. Các chữ cái có dấu phụ thường được đề xuất thay bằng một chữ cái khác, ví dụ, đ thay bằng d (và như thế, d lại phải thay bằng z hoặc gi). Các chữ có dấu phụ còn lại khó còn chữ cái nào để thay. Cho nên tác giả Nguyễn Hanh (2007) đề xuất thay bằng chữ cái “đúp”: â thành aa, ê thành ee, ô thành oo. Với chữ “có móc” thì ông đề xuất dùng chữ cái gốc + v:ă thành av; ơ thành ov; ư thành uv.

Với dấu phụ ghi thanh điệu, Nguyễn Hanh đề xuất mỗi thanh điệu ghi bằng một chữ cái. Ví dụ: ngày mai bão tố thành ngaymaif mai baox toos.

Phương án của ông Nguyễn Hanh chẳng đơn giản hóa mà lại phức tạp hóa:

– Thay dấu phụ bằng một chữ cái và đặt vào cuối mỗi chữ thực ra chỉ là thỏa mãn tâm lý nhìn cho giống chữ “Tây”, chứ về mặt giản tiện thì lại đổi một cái chỉ hơi phức tạp bằng một cái phức tạp hơn nhiều lần.

– Thanh điệu, như ta biết, phủ lên toàn bộ tiếng (âm tiết), vì vậy thanh điệu đặt ở âm chính (thường nằm ở giữa chữ) là phù hợp, giúp cho việc đọc được dễ dàng, tiện lợi hơn hẳn thanh điệu được ký hiệu bằng một chữ cái và đặt ở cuối mỗi chữ. Thanh điệu đặt như thế sẽ phải đọc từng chữ cái (ghi âm vị) rồi cuối cùng mới đọc đến dấu thanh (ghi thanh điệu), nó trái với đặc thù ngữ âm tiếng Việt như đã nói ở trên. Xin nhấn mạnh thêm: tiếng (âm tiết) tiếng Việt là một khối âm trọn vẹn, không thể chia cắt, khi đọc các âm vị và thanh điệu trong một tiếng xuất hiện đồng thời, phi tuyến tính, chứ không đọc từng âm vị theo trật tự tuyến tính như các tiếng châu Âu.

– Các hình dấu thanh cũng phản ánh một phần đặc trưng thanh điệu: khảo sát bằng máy cho thấy thanh ngang có đường đi ngang; thanh huyền có hướng đi xuống; thanh hỏi đi xuống rồi đi lên; thanh ngã đi xuống rồi vọt lên rất cao; thanh sắc có hướng đi lên; thanh nặng hướng đi xuống và ở vị trí thấp nhất so với các thanh. Tiếng Việt nghe "ríu rít như tiếng chim" trước người phương Tây là vì thế. Thay dấu thanh bằng chữ cái cuối mỗi chữ là bỏ qua một đặc trưng đồng thời cũng là vẻ đẹp của tiếng Việt và CQN.

Tổng hợp các đề xuất của ông Nguyễn Hanh, kết cục, trong nhiều trường hợp, một chữ phải thêm hai, ba chữ cái và tất cả các chữ cái thay thế ấy đều được dồn ra cuối chữ. Ví dụ, thời sự thành thoivf suvf (từ này cả thảy có 6 chữ cái nay thành 10 chữ cái). Sự phức tạp tăng lên nhiều lần.

Thành kiến CQN trông không được giống chữ “Tây”

Mọi đề xuất cải cách, ngoài lý do “tiện lợi”, có lẽ đều ít nhiều xuất phát từ mặc cảm: CQN dùng chữ cái của “Tây” mà trông không được giống như chữ “Tây”!

Ví dụ, tác giả Nguyễn Hanh sau khi tổng hợp các giải pháp của mình, đã tự hào vì kết quả được một thứ CQN không có dấu phụ, rất giống chữ "Tây", thậm chí hơn cả chữ "Tây". Ông viết: “Các văn bản thể hiện bằng chữ Việt mới sẽ rất đẹp, rất rõ ràng và rất giống với các văn bản viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha… Nếu phát biểu một cách khôi hài thì chữ Việt kiểu mới sẽ nâng Việt Nam lên ngang tầm các cường quốc trên thế giới, ít nhất là về mặt văn tự. Vì chỉ tiếng Mỹ, tiếng Anh mới không có dấu, còn tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha vẫn có dấu. Đặc biệt tiếng Pháp có đến 4 dấu giọng”.

Suy nghĩ như trên chắc không phải là số ít.

(Còn nữa)