Hiện tượng của năm
Tháng 3/2020, Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã chính thức cấp đăng ký bản quyền cho Chữ Việt Nam song song 4.0 (CVNSS 4.0). Giống như công trình cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền, CVNSS 4.0 đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận và báo chí cũng đã có rất nhiều bài viết về công trình này.
Tuy nhiên, khác với chữ quốc ngữ cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền, CVNSS 4.0 cho đến nay vẫn chưa được Viện Ngôn ngữ học chính thức thẩm định. Thế nên, các tác giả của CVNSS 4.0 vẫn có thể làm hết mình để tuyên truyền, quảng bá.
Theo các tác giả của CVNSS 4.0, họ làm ra công trình này không nhằm mục đích thay thế chữ quốc ngữ mà chỉ dừng lại ở việc lưu hành song song vì những ưu điểm là chỉ cần sử dụng 26 chữ cái cơ bản, không cần các con chữ có dấu và thuận tiện cho ứng dụng công nghệ thông tin.
Bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh được thể hiện bằng chữ quốc ngữ và chữ Việt Nam song song 4.0 |
Không dừng lại ở việc tuyên truyền, quảng bá, các tác giả của CVNSS 4.0 còn bỏ tiền túi ra để tổ chức các cuộc thi sử dụng CVNSS 4.0 với hy vọng thu hút người sử dụng. Thậm chí, họ còn khoe rằng đã có người làm thơ bằng CVNSS 4.0 để tặng các tác giả.
Tuy nhiên, tham vọng của các tác giả không dừng lại ở việc sử dụng song song mà thậm chí còn muốn cạnh tranh với chữ quốc ngữ. Theo họ, đây là sáng tạo của người Việt thì đáng được sử dụng chính thức. Còn chữ quốc ngữ hiện hành là sản phẩm của các giáo sĩ phương Tây và từng là công cụ của thực dân để đô hộ Việt Nam nên cần phải xem lại.
Mặc dù phần đông dư luận là không tán thành, ủng hộ CVNSS 4.0 nhưng các tác giả không hề chùn bước. Thậm chí, họ còn có lời rằng: Nếu ai muốn khen hay chê CVNSS 4.0 thì ít nhất cũng nên học để viết được một câu bằng CVNSS 4.0.
Có thực sự là tiện ích cho ứng dụng công nghệ thông tin?
Theo nhiều ý kiến, việc gán thêm cả cụm số 4.0 vào CVNSS là để đạt được mục đích cho xứng tầm thời đại chứ có lẽ các tác giả cũng không mấy hiểu biết xem công nghệ 4.0 là gì. Thực tế, công nghệ 4.0 đã và đang giải quyết được mọi vấn đề khó nhất của tiếng Việt với chữ quốc ngữ hiện hành. Không gian nhớ của máy tính và công nghệ điện toán đám mây hoàn toàn thừa lớn để xử lý được những sự phức tạp nhất của chữ Việt có dấu mà thực ra chỉ cần chuẩn hoá là đủ.
Theo TS Đặng Minh Tuấn – tác giả bộ gõ Vietkey, về mặt ngôn ngữ học, CVNSS 4.0 không tuân thủ cấu trúc của tiếng Việt và không thể sử dụng như là hệ thống ký âm, mà chỉ đơn thuần là hệ thống ký hiệu hay quy tắc gõ tắt. Nhưng tác giả cũng cho biết CVNSS 4.0 sẽ hữu ích trên môi trường Internet. Tuy nhiên, với hệ thống chữ Việt có dấu theo chuẩn Unicode thì mọi lỗi của các bộ mã trước đó không còn hiện diện nữa. Và thực tế, việc cài đặt thêm các bộ gõ cho tiếng Việt trên máy tính và điện thoại thông minh hoàn toàn không có gì quá khó và thậm chí là miễn phí. Vậy thì bảo rằng CVNSS 4.0 hữu ích trên môi trường Internet là không có cơ sở.
Thế nhưng các tác giả của CVNSS 4.0 lại khăng khăng rằng các chuyên gia công nghệ thông tin trong nước không giỏi bằng những đồng nghiệp ở nước ngoài. Vì thế, những đánh giá của họ về CVNSS 4.0 là không chuẩn xác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ, nhất là với tiếng Việt thì chưa chắc như vậy.
Bằng chứng là vào năm 1996 khi Microsoft tung ra hệ điều hành Windows phiên bản tiếng Việt đầu tiên thì TS Quách Tuấn Ngọc – tác giả hệ soạn thảo BKED, đã rỉ tai với chuyên gia Vũ Châu của Microsoft là có một trong hai lựa chọn. Hoặc là lên máy bay ngay để trở lại nước Mỹ, hoặc là ở lại Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước về xử lý tiếng Việt. Và thực tế, các sản phẩm bản địa hoá với tiếng Việt của Microsoft đã không thể chiếm lĩnh được thị trường sau nhiều năm.
Hãy nhìn vào bản chất
Về bản chất, CVNSS 4.0 cũng chỉ là để lưu hành song song với chữ quốc ngữ như mục tiêu ban đầu mà các tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm đặt ra. Tuy nhiên, đồng tác giả Kiều Trường Lâm lại có tham vọng nó sẽ cạnh tranh với chữ quốc ngữ trong tương lai. Thậm chí, viết trên Facebook của mình, tác giả này còn cho rằng các chuyên gia ngôn ngữ khi nhận xét về CVNSS 4.0 là “thầy mù xem voi” vì không viết nổi một câu tiếng Việt bằng CVNSS 4.0.
Tiếng Việt của chúng ta có một nét đặc thù hiếm có so với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới là có đủ mọi thanh dấu. Do đó, chữ quốc ngữ hiện hành là hoàn toàn thoả mãn cho sự phong phú đó. Việc cải tiến để đưa ra một loại chữ mới không dùng đến các thanh dấu chỉ làm cho tiếng Việt của chúng ta trở nên què quặt.
Tuy nhiên, theo TS Quách Tuấn Ngọc, vấn đề quốc ngữ ở Việt Nam hiện chưa được Nhà nước ban hanh một chính sách chuẩn mực rõ ràng. Đây là thực tế khiến Quốc ngữ bị thua kém và không có vị thế ngang bằng với Quốc ca, Quốc kỳ và Quốc huy. Vì thế, việc Quốc hội đang xem xét phải xây dựng Luật Ngôn ngữ là điều rất đáng hoan nghênh và đáng để dư luận quan tâm.
Diễn đàn Tôi yêu Chữ Việt 4.0 hiện mới chỉ có 74 thành viên |
Và cũng phải nói thêm về sự quan tâm của xã hội với CVNSS 4.0. Mặc dù các tác giả của nó đã tích cực tuyên truyền và thậm chí bỏ tiền túi ra để tổ chức các cuộc thi có thưởng với CVNSS 4.0, nhưng kết quả thu được rất hạn chế.
Bằng chứng là tuy có nhiều lượt truy cập nhưng cho tới thời điểm này, số lượng tham gia diễn đàn Tôi yêu chữ Việt 4.0 do các tác giả CVNSS 4.0 lập ra cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 74 thành viên. Với một số lượng ít ỏi như vậy, chắc hẳn còn rất lâu mới có đông người sử dụng chứ chưa hòng cạnh tranh với chữ quốc ngữ .
Tuy nhiên, với các nỗ lực của tác giả, có lẽ cũng nên có một giải thưởng tương tự Ig Nobel ở Mỹ để trao giải cho CVNSS 4.0 với tư cách là một công trình khoa học vô tích sự.