Giải mã “Nghệ thuật chiến tranh” giúp Taliban chiến thắng như chẻ tre

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul, Afghanistan trong khi Tổng thống Ashraf Ghani đã bỏ trốn. Nhóm phiến quân này đã làm thế nào?
Chiến binh Taliban tuần tra trên đường phố thủ đô Kabul, Afghanistan (Ảnh: The Nation)
Chiến binh Taliban tuần tra trên đường phố thủ đô Kabul, Afghanistan (Ảnh: The Nation)

Để hiểu được nguyên nhân tại sao Taliban lại hoàn thành chiến dịch bao vây thành phố thủ đô “nhanh như chớp”, và giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột, cần phải tìm hiểu chiến lược hành động của nó.

Điều đầu tiên phải lưu ý là, Taliban năm 2021 không còn là Taliban của những năm 1990. Taliban giờ đã nhuần nhuyễn trong việc tích hợp sức mạnh quân sự với phi quân sự để đạt được các mục đích chính trị của họ.

Các lực lượng chính phủ Afghanistan thua trận không phải hoàn toàn do lực lượng Mỹ rút quân khỏi nước này, mà do họ phải đối đầu với một tổ chức quân sự có khả năng thích ứng vượt bậc. Taliban đã vạch ra những mục tiêu cụ thể, liên tục cố gắng đánh đòn tâm lý với lực lượng an ninh Afghanistan và cuối cùng là cuộc vây hãm chiến lược thủ đô Kabul để buộc chính phủ đầu hàng.

Khái niệm về nghệ thuật chiến dịch sẽ giúp một tổ chức vạch ra nguyên bản kế hoạch của các chiến dịch quân sự, từ các mục tiêu chính trị đi tới hành động chiến lược cụ thể trên chiến trường. Một tổ chức sẽ cần phải học về lịch sử quân sự của Carl von Clausewitz và phương Tây, hoặc tham gia một học viện quân sự mới có thể nắm được thứ nghệ thuật như vậy. Nhưng trong trường hợp của Taliban, họ chỉ cần dựa vào lý thuyết về chiến thắng để định hướng cho những hành động của mình.

Qua thời gian, Taliban đã tiến hóa thành một nhóm vũ trang có khả năng hoạt động trên nhiều mặt trận cùng lúc. Từ chỗ một nhóm phiến quân lén lút chỉ giỏi tổ chức các chiến dịch đánh úp ở vùng nông thôn, hay cài các thiết bị nổ tự chế (IED), Taliban giờ đã trở thành một tổ chức tinh vi với 80.000 chiến binh, nhiều thành viên sử dụng mạng xã hội còn giỏi hơn dùng súng AK-47.

Nghệ thuật chiến dịch của Taliban hiện nay là sự kết hợp giữa các chiến dịch thông tin – bao gồm đăng tải lời kêu gọi của các thủ lĩnh bộ tộc, phát tán các đoạn tin nhắn, sử dụng Twitter – với các chỉ thị phi tập trung cho phép các thủ lĩnh địa phương vốn hiểu rõ địa hình và tình hình chính trị ở nơi họ ở tìm ra nhưng cơ hội tấn công.

Khi Taliban giành được thắng lợi, họ nhanh chóng củng cố thế thắng này bằng các lực lượng hết sức cơ động – những tay biệt kích dùng xe gắn máy – cho phép nhóm phiến quân này duy trì ưu thế trên chiến trường.

Một điểm chốt của Taliban ở thủ đô Kabul (Ảnh: Foreign Policy)

Một điểm chốt của Taliban ở thủ đô Kabul (Ảnh: Foreign Policy)

Tuy nhiên, mục đích chính của Taliban vẫn không thay đổi sau từng ấy năm: Giành quyền kiểm soát toàn bộ Afghanistan và thành lập lại một Tiểu Vương quốc Hồi giáo. Trong suốt chiến dịch quân sự, Taliban tỏ ra cực kỳ thực dụng về mục đích của họ. Thành công đối với Taliban có thể đơn giản là giành chiến thắng về mặt quân sự hay phức tạp hơn là một cuộc dàn xếp chính trị sau khi đàm phán, giúp cho họ có được chiếc ghế quyền lực, biến chính quyền Kabul thành nhưng kẻ lưu vong hoặc tù binh.

Thứ chủ nghĩa thực dụng này cho thấy Taliban hiểu rõ rằng họ không thể cai trị Afghanistan theo cái cách mà họ từng làm trong những năm 1990. Taliban sẽ vẫn hà khắc và muốn thu hẹp nhân quyền, nhưng họ vẫn tìm cách để Afghanistan kết nối với thế giới và nguồn tiền viện trợ cứ thế đổ vào.

Để tránh gặp phải thất bại như trong những năm 1990, Taliban đã kêu gọi các quan chức chính phủ giữ nguyên vị trí kỹ thuật của họ và đảm bảo các dịch vụ cơ bản được tiếp tục, nền kinh tế tiếp tục vận hành. Các chiến binh Taliban đã chiếm được nhiều khu vực có vai trò chủ chốt đối với nền kinh tế Afghanistan, như các cửa khẩu, cho phép tổ chức này có được đủ nguồn tiền để cai trị một đất nước gần 40 triệu dân.

Và để đạt được mục đích của mình, chiến dịch quân sự của Taliban đặt ra 4 mục tiêu hoạt động như sau

1. Cô lập quân đội Afghanistan

Một điểm chốt của lực lượng an ninh Afghanistan (Ảnh: ABC News)

Một điểm chốt của lực lượng an ninh Afghanistan (Ảnh: ABC News)

Sự sụp đổ của lực lượng an ninh Afghanistan là kết quả của hoạt động cô lập có chủ đích, được thực hiện ở quy mô chiến dịch. Trong học thuyết của quân đội Mỹ, sự cô lập được định nghĩa là tách kẻ địch khỏi cơ sở viện trợ của chúng, cả trên thực tế lẫn về mặt tâm lý – không cho phép kẻ địch di chuyển tự do và ngăn chặn lực lượng quân cứu viện.

Taliban đã đặt ra hướng tiếp cận có suy tính nhằm cô lập địch thủ của mình với quy mô chiến lược trong suốt hơn 18 tháng liền, bằng cách đào sâu những điểm yếu cơ bản của lực lượng an ninh Afghanistan.

Ban đầu, lực lượng chính phủ Afghanistan tập trung vào việc kiểm soát địa hình bằng cách thiết lập nhiều điểm chốt và đồn trú nhỏ trải dọc đất nước. Nhìn từ quan điểm chính trị, điều này cho phép Tổng thống Ashraf Ghani – vốn không nhận được nhiều sự ủng hộ về mặt chính trị - thuyết phục được các nhóm chính trị khác nhau rằng ông đã tước bỏ lợi thế địa hình của Taliban.

Nhưng thực tế chiến trường lại ngược lại: Cách tiếp cận của ông Ghani khiến cho các đơn vị vũ trang trên khắp đất nước bị chia tách nhỏ và khiến họ không thể tiếp viện cho nhau lúc cần.

Taliban đã tận dụng điểm yếu này, cắt đứt đường dây liên lạc dưới mặt đất để tiếp tục cô lập các điểm chốt, từ đó tạo nên điều kiện cần để đánh bại lực lượng an ninh Afghanistan. Do các điểm chốt này bị cô lập, cách duy nhất để họ có được nguồn cung ứng chính là bằng đường không, và thế là hoạt động cung ứng bằng đường không trở thành một gánh nặng cho Không quân Afghanistan. Kết quả là, Taliban kìm chân được rất nhiều máy bay quân sự của chính phủ trong khi chẳng cần tới vũ khí chống không.

Cũng do hoạt động này mà hàng loạt các điểm chốt quân sự của chính phủ Afghanistan thường xuyên bị thiếu lương thực, nước sạch hoặc đạn dược, gây ra sự bất đồng, chia rẽ trong nội bộ.

2. Giảm sĩ khí bằng chiến dịch tâm lý tinh vi

Nhiều binh sĩ chính phủ chưa chiến đấu đã buông súng (Ảnh: Daily Beast)

Nhiều binh sĩ chính phủ chưa chiến đấu đã buông súng (Ảnh: Daily Beast)

Khi các lực lượng chính phủ Afghanistan – đông hơn gấp 3 lần Taliban – đã bị cô lập, Taliban tăng cường các hoạt động theo hướng thứ hai: Sử dụng chiến dịch tuyên truyền được tính toán hết sức cẩn thận cùng với chiến dịch thông tin để làm suy giảm sĩ khí và sự đoàn kết của địch thủ. Taliban cũng thực hiện một chiến dịch tâm lý chiến tranh hết sức tinh vi nhằm tiếp tục cô lập lực lượng chính phủ.

Nhóm phiến quân này đăng hàng loạt thông báo lên mạng xã hội, trong đó đưa ra đề nghị với các binh sĩ chính phủ Afghanistan: Một là đầu hàng và được sống. Hai là chết trong khi không biết được Taliban có xử tử cả gia đình họ hay không!

Được biết hơn 70% dân số Afghanistan có sử dụng điện thoại di động, và Taliban đã tận dụng tốt điều này – sử dụng chiến tranh thông tin kiểu mới, trong đó lập ra nhiều tài khoản giả và bot tự động để phát tán thông tin, làm suy yếu chính phủ Afghanistan.

Taliban cũng kết hợp giữa cũ và mới, sử dụng lời kêu gọi từ các thủ lĩnh bộ tộc cùng với hệ thống tin nhắn để kêu gọi binh sĩ chính phủ đầu hàng.

Và một khi hạ bệ được các đồn trú quân sự của chính phủ, Taliban thu giữ được số lượng lớn trang thiết bị quân sự, vũ khí, khí tài để tái cung cấp cho các lực lượng của họ trên chiến trường, hoặc sử dụng chúng như chiến lợi phẩm, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội để tăng cường cho chiến dịch thông tin.

Hãy thử nghĩ đến tâm lý của binh sĩ chính phủ Afghanistan: Đang ở một đồn trú, lương thực cạn kiệt, hết đạn, chiến đấu cho một chính phủ không có nhiều uy tín, và buộc phải chi tiền hối lộ do nạn tham nhũng. Và khi nhìn vào điện thoại di động, tất cả những gì họ thấy là hình ảnh những người đồng đội đang đầu hàng. Kể cả có lựa chọn chiến đấu tiếp, sĩ khí của anh ta cũng đã bị dập tắt.

3. Hình thức khủng bố mới: Ám sát và reo rắc nỗi kinh hoàng

Taliban cũng sử dụng nỗi sợ hãi mà họ reo rắc để làm suy yếu lòng tin của chính phủ cùng với khả năng chiến đấu của lực lượng chính phủ.

Trước đây, Taliban thường chỉ dựa vào các cuộc tấn công gây chấn động lớn, như sử dụng bom tự chế gắn trên xe hơi (bom xe) để khủng bố người dân và nhằm vào chính phủ. Nhưng giờ, họ đã chuyển sang sử dụng chiến lược mới, hiệu quả hơn rất nhiều.

Trong 2 năm trở lại đây, Taliban đã thực hiện một chiến dịch ám sát ngầm nhằm vào các lãnh đạo dân sự và nhân vật quan trọng trong quân đội – như phi công. Mục đích của chiến lược này bao gồm 2 lớp.

Một là cho thấy chính quyền Ghani không thể bảo vệ người dân Afghanistan. Ai cũng biết Taliban đứng đằng sau phần lớn các vụ ám sát này, nhưng Taliban lại không hề tuyên bố nhận trách nhiệm nên những vụ ám sát kiểu này càng trở nên đáng sợ.

Thứ hai, cách tốt nhất để tiêu diệt lực lượng trên không lại chính là ở dưới mặt đất. Vốn không sở hữu vũ khí chống không tinh vi, Taliban lựa chọn tiêu diệt Không quân Afghanistan bằng cách…giết phi công ngay tại nhà của họ - một chiến lược man rợ nhưng lại hiệu quả. Những vụ ám sát này khiến các phi công khác của lực lượng an ninh Afghanistan do sợ hãi mà từ bỏ vị trí của mình.

4. Đàm phán để câu giờ, chế ngự sức mạnh của địch

Taliban cũng kết hợp chiến dịch quân sự với ngoại giao theo cách mà cả Mỹ lẫn chính phủ Afghanistan khó lòng mà học theo được. Chiến tranh chính là sự tiếp nối của chính trị. Mọi hoạt động trên chiến trường mà không liên kết với những mục đích chính trị cụ thể đều sẽ thất bại.

Taliban đã tận dụng thỏa thuận hòa bình được đàm phán giữa các đại diện của họ với phía Mỹ (thời chính quyền Donald Trump). Thỏa thuận này gần như bỏ qua chính phủ Afghanistan, giống một thỏa thuận song phương giữa Taliban và Mỹ, bởi vậy mà làm tổn hại ghê gớm tới uy tín của chính quyền Tổng thống Ghani, khiến chính quyền Afghanistan khó duy trì chiến dịch chống phiến quân với các đối tác.

Trong khi đó, Taliban lợi dụng tầm bao phủ của thỏa thuận hòa bình này để bố trí quân tới các địa điểm trên khắp cả nước, bao vây nhiều quận và trung tâm tỉnh, cùng lúc tận dụng tiến trình đàm phán để hạn chế các đòn tấn công của Mỹ. Mỗi vòng đàm phán ngoại giao như vậy đều làm giảm khả năng tấn công các mục tiêu Taliban của Mỹ, do Mỹ hạn chế không kích lúc hòa đàm.

Có thể nói, điểm quan trọng nhất giúp làm nên bước ngoặt trong cuộc xung đột này chính là thỏa thuận hòa bình được ký dưới thời Trump: Nếu không có thỏa thuận này, Taliban khó có cơ hội cô lập quân đội Afghanistan và thiết lập tiền đề để tấn công chớp nhoáng Kabul. Thỏa thuận này – giữa Taliban và Mỹ, trong khi chính quyền Kabul bị gạt sang một bên - cũng khiến các nước trong khu vực nghĩ rằng chính quyền Ghani rồi cũng sẽ sớm bị thất sủng.

Giai đoạn tiếp theo sẽ thế nào?

Sự sụp đổ chóng vánh của lực lượng an ninh Afghanistan càng làm tăng khả năng những "người chơi" trong khu vực sẽ có xu hướng hợp tác với Taliban, chuyển từ sự ủng hộ ngầm sang công khai mối quan hệ chính trị với tổ chức này.

Điều này có xảy ra cũng không có gì lạ, bởi các nước như Iran và Pakistan mong muốn đảm bảo an ninh khu vực biên giới của họ và các lợi ích an ninh của họ. Trong khi các nước như Nga, Trung Quốc và các nước láng giềng của Afghanistan ở Trung Á cũng muốn tăng cường lợi ích kinh tế và hạn chế dòng người tị nạn từ Afghanistan đổ sang nước họ.

Trong giai đoạn chuyển tiếp này, các nước trong khu vực và các cường quốc sẽ cân nhắc xem liệu có nên rót tiền cho một thế lực khác ở Afghanistan để tạo thế cân bằng với Taliban hay không – mặc dù điều này khó có thể xảy ra, nếu nhìn vào chiến dịch thành công của Taliban. Về trung hạn, các nước trong khu vực có thể quan sát Afghanistan dưới lăng kính diệt khủng bố, chuyển hướng tập trung của họ sang các tổ chức khủng bố khác như ISIS-Khorasan (ISIS-K) – kẻ thù chung của Taliban và nhiều nước trong khu vực.

Và trong viễn cảnh đó, Mỹ sẽ phải xoay trục chính sách sang tập trung giải quyết các khủng hoảng nhân đạo, và đưa ra những lựa chọn hợp lý để theo đuổi mục đích chống khủng bố của họ.

Cuộc chiến ở Afghanistan đã khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, bên cạnh đó là hạn hán ảnh hưởng tới toàn khu vực và đại dịch COVID-19 hoành hành. Chưa hết, các tổ chức khủng bố như ISIS-K sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng an ninh hậu xung đột để đào tạo nên một thế hệ chiến binh mới. Mỹ và các đối tác của họ sẽ cần phải chuyển hướng, từ việc ủng hộ một chính quyền thất bại sang ngăn chặn tình trạng bất ổn – gây nên do chiến thắng của Taliban.