Tổng thống Afghanistan trốn chạy với “xe hơi và trực thăng chở đầy tiền mặt”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đại sứ quán Nga tại Kabul cho hay Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã tháo chạy khỏi thủ đô cùng 4 chiếc xe hơi và trực thăng chở đầy tiền mặt; theo RIA Novosti.
Giới truyền thông cho rằng ông Ashraf Ghani đã trốn sang Tajikistan hoặc Uzbekistan (Ảnh: AP)
Giới truyền thông cho rằng ông Ashraf Ghani đã trốn sang Tajikistan hoặc Uzbekistan (Ảnh: AP)

Báo cáo trên dẫn lời phát ngôn viên của Đại sứ quán Nga tại Kabul, Nikita Ishchenko, nói rằng “sự sụp đổ của chính quyền này… đã được thể hiện rõ ràng nhất bằng cách mà ông Ghani chạy trốn khỏi Afghanistan: 4 chiếc xe hơi chở đầy tiền, họ cố gắng nhồi thêm tiền vào một chiếc trực thăng, nhưng không vừa. Và một số lượng tiền vương vãi khắp nơi”.

Khi được hỏi làm thế nào ông biết chi tiết về cuộc tháo chạy của ông Ghani, Ishchenko nói rằng “chúng tôi đang tìm hiểu ở đây”, tuy nhiên không đưa thêm chi tiết.

Ông Ghani đã rời khỏi Kabul trong hôm Chủ nhật tuần trước khi Taliban ập vào thành phố thủ đô. Nhiều báo cáo của giới truyền thông nói rằng vị Tổng thống này đã trốn sang nước láng giềng, có thể là Tajikistan hoặc Uzbekistan, nhưng thông tin chính thức thì chưa rõ.

Đặc phái viên của Nga về vấn đề Afghanistan Zamir Kabulov hôm đầu tuần này đã mô tả chuyến bay của ông Ghani khỏi Kabu là “nhục nhã”, thêm rằng ông Ghani “xứng đáng bị đem ra xét xử và phải chịu trách nhiệm trước toàn thể người dân Afghanistan”.

Trước đó, ông Kabulov nói rằng ông không rõ chính phủ đang bỏ trốn để lại bao nhiêu tiền ở trong nước.

Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov nói với kênh phát thanh Ekho Moskvy rằng, nếu quan sát tình hình trong vòng 24 giờ qua dưới sự kiểm soát của Taliban ở thủ đô, “hiện tại tình hình ở Kabul tốt hơn nếu so với thời ông Ashraf Ghani”. “Dưới quyền của khủng bố Taliban còn tốt hơn là dưới quyền kiểm soát của Ghani”; ông Zhirnov nói.

Sự chỉ trích của Moscow đối với ông Ghani, người đứng đầu chính phủ được hậu thuẫn bởi Washington, xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng cao độ giữa Nga và Mỹ.

Moscow từng có cuộc chiến kéo dài 10 năm ở Afghanistan và kết thúc bằng việc binh sĩ Liên Xô rút quân vào năm 1989, sau đó trở lại với tư cách một bên hòa giải, kết nối các phe phái đối lập ở Afghanistan và tranh giành tầm ảnh hưởng với Mỹ ở đất nước này.

Nga đã tổ chức một số vòng đàm phán về Afghanistan, gần đây nhất là trong tháng 3, với sự tham gia của Taliban – mặc dù Moscow coi Taliban là một tổ chức khủng bố.