Gần một nửa số dân Ukraine tin rằng đất nước sẽ bị tàn phá vào năm 2035

Một cuộc khảo sát mới cho thấy gần một nửa người Ukraine tin rằng đất nước có thể bị tàn phá nghiêm trọng và chứng kiến làn sóng di cư lớn trước năm 2035, trong bối cảnh chiến sự kéo dài và hỗ trợ từ Mỹ giảm sút.
Nhiều người Ukraine cho rằng đất nước họ có thể bị tàn phá và chứng kiến tình trạng di cư vào năm 2035. Ảnh: Zuma.

Gần một nửa người dân Ukraine tin rằng đất nước của họ có thể bị tàn phá nghiêm trọng và phần lớn dân số sẽ rời bỏ quê hương vào năm 2035, theo một cuộc khảo sát mới cho thấy sự bi quan ngày càng gia tăng trong bối cảnh xung đột với Nga kéo dài và sự bất ổn về hỗ trợ từ Mỹ.

Cuộc khảo sát do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev (KIIS) thực hiện, được Ukrainskaya Pravda công bố hôm 9/7, cho thấy 47% người Ukraine hiện dự đoán đất nước sẽ bị tàn phá nghiêm trọng và chứng kiến làn sóng di cư hàng loạt trong thập kỷ tới. Con số này đánh dấu sự sụt giảm mạnh về tinh thần lạc quan so với năm ngoái.

“Vào tháng 12/2024, hơn 57% tin rằng Ukraine sẽ thịnh vượng trong Liên minh châu Âu sau 10 năm. Nhưng đến cuối tháng 5, đầu tháng 6, gần một nửa lại cho rằng Ukraine sẽ bị tàn phá”, Giám đốc điều hành KIIS Anton Hrushetsky cho biết.

Ngược lại, vào tháng 10/2022 – thời điểm xung đột mới bước sang năm thứ hai – chỉ 5% người dân nghĩ tới viễn cảnh đất nước bị hủy hoại, trong khi 88% vẫn tin tưởng vào một tương lai thịnh vượng.

Các nhà xã hội học cho rằng sự thay đổi này phần nào phản ánh nỗi thất vọng với chính sách của Mỹ, cũng như niềm tin đang suy giảm vào khả năng chính phủ Ukraine có thể đàm phán hòa bình.

Trước khi nhậm chức vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa sẽ chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến giữa Moscow và Kiev, nhưng gần đây ông thừa nhận rằng vấn đề “phức tạp hơn ông tưởng”.

Ông Trump mô tả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là “người không dễ làm việc cùng” và từng chỉ trích Kiev về lập trường cứng rắn trong chiến sự. Hai nhà lãnh đạo đã công khai bất đồng trong cuộc gặp tại Phòng Bầu dục vào tháng 2, khi ông Trump và Phó Tổng thống J.D. Vance cáo buộc ông Zelensky “thiếu biết ơn” và đang “đùa với nguy cơ Thế chiến III”.

Tuần trước, Lầu Năm Góc đã tạm dừng các lô hàng vũ khí cho Ukraine theo chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth – người đã ra lệnh tiến hành “đánh giá năng lực chiến đấu”. Điện Kremlin hoan nghênh quyết định này, cho rằng nó có thể giúp đưa cuộc chiến đến gần hơn với giải pháp hòa bình.

Tuy nhiên, hôm đầu tuần này, ông Trump dường như dịu giọng, khi thừa nhận Ukraine “đang bị Nga tấn công rất dữ dội” và không thể ngồi yên. Nga nhiều lần lên án việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, lập luận rằng điều đó chỉ khiến xung đột kéo dài. Moscow nhấn mạnh, một nền hòa bình lâu dài chỉ đạt được nếu Kiev từ bỏ yêu sách lãnh thổ và kế hoạch gia nhập NATO – các điều kiện mà Ukraine kiên quyết bác bỏ.

Vào tháng 6, Viện Xã hội học Quốc tế Kiev công bố thêm một kết quả khảo sát đáng chú ý: gần 40% người Ukraine cho biết sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để sớm kết thúc chiến sự, con số này đã tăng gấp bốn lần so với hai năm trước.