Ủy ban đưa ra quan điểm sơ khởi là hãng năng lượng khổng lồ của Nga đã vi phạm luật cạnh tranh của EU.
Cơ quan này nói thêm rằng Gazprom đã hạn chế quyền của khách hàng trong việc bán lại khí đốt, qua đó cho phép hãng tính giá bất hợp lý đối với một số quốc gia thành viên EU.
Gazprom bác bỏ lập luận của Ủy ban và nói đó là những nhận định "không có cơ sở".
"Gazprom tuân thủ chặt chẽ mọi quy định của luật pháp quốc tế cũng như luật sở tại ở các nước mà Tập đoàn Gazprom hoạt động," hãng nói trong một tuyên bố.
Hãng nay sẽ có 12 tuần để phản hồi các cáo buộc của Ủy hội.
Những gì diễn ra làm mối quan hệ với Moscow, vốn đã căng thẳng quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, càng trở nên tồi tệ.
Brussels bắt đầu điều tra Gazprom hồi ba năm về trước, nhưng Moscow nói các cáo buộc của Ủy hội hoàn toàn mang động cơ chính trị.
Hậu quả pháp lý
Tân lãnh đạo phụ trách mảng chống độc quyền của EU, Margrethe Vestager, nói Ủy ban kết luận rằng Gazprom "có thể đã đưa ra những rào cản nhân tạo nhằm ngăn cản việc để khí đốt từ một số nước Trung Âu sang các nước khác, qua đó hạn chế việc cạnh tranh qua biên giới."
"Duy trì các thị trường khí quốc gia riêng rẽ cũng cho phép Gazprom tính mức giá mà chúng tôi vào lúc này coi là không công bằng."
"Nếu như các quan ngại của chúng tôi được xác nhận thì Gazprom sẽ phải đối diện với những hậu quả pháp lý."
Giới chức ở Brussels có quyền áp mức phạt tới 10% tổng doanh thu toàn cầu của Gazprom.
Ủy ban nói trong phiên xem xét sơ bộ, Ủy ban cho rằng Gazprom đã cản trở cạnh tranh tại các thị trường khí ở tám nước thành viên EU tại Trung và Đông Âu, gồm Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Slovakia.
Nga cung cấp khoảng một phần ba nhu cầu khí đốt của EU, trong đó một nửa được chuyển bằng các đường ống dẫn chạy qua Ukraine.
Theo Bizlive