Đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi, cần chuẩn bị những gì?

Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi là một thay đổi đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên nếu không có sự chuẩn bị bài bản, nghiêm cẩn thì rất dễ rơi vào tình trạng rối loạn.

Đổi mới thi cử sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền là một sự tự điều chỉnh toàn bộ các hoạt động giáo dục trước nó, đặc biệt là hoạt động học của học sinh. Chính vì thế, đối với môn văn, chủ trương đưa tác phẩm ngoài chương trình vào đề thi đã được đặt ra, tuy nhiên hiện nó đang gây ra những ý kiến trái chiều. Xin lưu ý, trong bài viết này, chúng tôi tự giới hạn phạm vi bàn luận chủ yếu đối với cấp Phổ thông trung học.

Đây là vấn đề quan trọng và đáng bàn, tuy vậy, theo quan sát của chúng tôi, trên các diễn đàn của giáo viên thì chủ trương này lại không phải đang được nhiều người đồng tình, sự phản đối nhiều hơn lại thuộc về phía người dạy! Và tất nhiên những sự lo lắng băn khoăn/phản đối ấy không phải là vô căn cứ.

Đầu tiên, phải nói ngay, từ lâu chúng tôi vốn đã đề xuất ý tưởng này, vì nó đúng đắn, tiến bộ và phổ biến trong các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, và nhất là sẽ chữa được những căn bệnh trầm kha trong dạy - học văn ở ta hiện nay. Điều này cũng đã được chương trình 2018 tường minh: “việc đánh giá kết quả học tập cuối năm, cuối cấp không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá”. Tuy thế, chúng ta phải cẩn trọng mà nhìn nhận rằng không phải cái gì đúng thì cũng có thể làm, hay ít nhất là có thể làm ngay được. Điều chúng tôi muốn bàn ở đây không phải chuyện nên hay không nên, mà là làm thế nào để nó thật sự mang lại hiệu quả, vì đây hiển nhiên là một hướng đúng mà chúng ta buộc phải tiến hành, không sớm thì muộn.

Việc đưa một tác phẩm ngoài chương trình vào đề thi trong những kỳ thi quốc gia quan trọng không thể được quyết định một cách cảm tính và duy ý chí. Đã có những lý lẽ được đưa ra để tạo niềm tin và bệ đỡ cho quyết định này, như chương trình mới (2018) cho phép sử dụng những tác phẩm tự chọn bên cạnh tác phẩm bắt buộc, như mục tiêu dạy học phát triển năng lực (thay cho mục tiêu kiến thức), như tiền đề tri thức thể loại văn học cũng đã được trang bị ít nhiều. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chừng ấy là chưa đủ, nếu không nói là còn quá thiếu.

Vấn đề không phải là việc chúng ta đã đặt ra được 3 (hay thậm chí nhiều hơn 3) cơ sở ấy, mà quan trọng là triển khai thế nào để thật sự hiện thực hóa được những cơ sở ấy thành những sự thay đổi trong thụ đắc kiến thức, kỹ năng ở học sinh. Và giả sử có đạt được đi nữa thì như vậy đã đủ chưa? Chỉ mỗi tri thức về thể loại văn học thôi có đủ để giúp người học đánh giá, thẩm bình một tác phẩm không? Theo chúng tôi, nó không những không đủ mà còn thiếu thốn ở mức nghiêm trọng. Còn việc dạy học phát triển năng lực tất nhiên không thể dừng lại ở một “mong muốn” hay một “đề án”. Nó phải rất cụ thể, không những cụ thể trong mục tiêu mà còn phải cụ thể trong phương pháp để đạt được mục tiêu ấy.

Việc thi bằng tác phẩm ngoài sách giáo khoa một khi không được chuẩn bị chu đáo học sinh ắt sẽ sa vào tình trạng bình tán, suy diễn, lan man, mơ hồ – nó sẽ là một thảm họa. Để một người có năng lực đánh giá, phân tích, “phê bình” một tác phẩm văn học thì sự chuẩn bị phải rất nghiêm cẩn, không thể chủ quan hay hời hợt được. Chuẩn bị cái gì? Chuẩn bị bộ tri thức công cụ. Tri thức ấy không phải là chuyện học thuộc bài văn bài thơ hay nhớ được tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác v.v., mà phải là một tri thức liên ngành được y cứ trên những hiểu biết căn bản về văn học.

Những hiểu biết ấy gồm những gì? Có 2 thứ quan trọng nhất, một là lịch sử văn học Việt Nam, đặt trong bức tranh và dòng chảy của văn học nhân loại. Và hai là lý luận văn học. Một nhận thức thông thường: không có công cụ thì không thể sản xuất, công cụ cùn mòn thì sản phẩm kém chất lượng. Giáo dục không phải là dạy cho người ta nhớ bài, mà là “dạy phương pháp” và “học phương pháp”. Phải mang đến cho học trò những chiếc chìa khóa để chúng có thể mở vào những căn phòng khác nhau.

Tuy nhiên, chương trình 2018 lại chưa thể hiện được một cách cơ bản những đòi hỏi trên. Cả tri thức về lịch sử văn học lẫn lý luận văn học đều ít ỏi, hạn chế và chủ yếu xoay quanh vấn đề thể loại văn học. Ở đây gần như vắng bóng các lý thuyết phê bình văn học được cung cấp một cách có hệ thống. Học sinh không thể khai thác tác phẩm một khi không có được một chỗ đứng và những công cụ cần thiết.

Đọc một bài thơ mà chỉ có những tri thức chung chung về thơ thì không thể khai thác được gì. Và tình trạng có thể diễn ra là chúng ta sẽ chỉ có những bài làm cùng một khuôn mẫu vì thiếu những góc nhìn và phương pháp đa dạng. Dường như chương trình 2018 là một bước “hạ chuẩn” so với chương trình cũ khi nhiều đơn vị lý luận đã bị giảm trừ. Ở đây chúng tôi nhận thấy, vấn đề của nội dung dạy học không phải là khó hay dễ mà là làm thế nào để tạo ra sự hấp dẫn. Việc nắm được ý nghĩa của một bài thơ cụ thể và việc hiểu được thế nào là phê bình Phân tâm học thì khó nói chắc cái nào khó hơn; tuy nhiên chúng ta lại điềm nhiên gạt nội dung phía sau ra, trong khi nó mới chính là công cụ để hiểu cái phía trước! Đây là một cách xây dựng chương trình chứa đựng những khiếm khuyết khá rõ và không đảm bảo tính khoa học cần thiết.

Tóm lại, chúng tôi muốn nhắc lại và nhấn mạnh vào một điểm then chốt: nội dung chương trình phải tập trung vào dạy và học công cụ/phương pháp. Vì chỉ có nó mới giúp người học tự mình “đọc” được tác phẩm văn chương. Điều này cũng đúng với các môn học khác: học là học phương pháp tư duy, chứ không phải để trở thành thợ giải toán hay những cái máy viết văn.

Có một điểm quan trọng liên quan đến không những công cụ tư duy mà còn là câu chuyện của nhận thức, của nhân sinh quan và thế giới quan: triết học. Học sinh cần được tiếp xúc và có những ý niệm cơ bản về triết học và các trường phái triết học. Việc này không phải là một đòi hỏi quá trớn. Các trường phái văn học cho đến các lý thuyết phê bình văn học đều được sinh khởi từ cội nguồn các tư tưởng triết học cụ thể, cho nên việc dạy và học triết học để hiểu văn học là một điều hoàn toàn hợp lý và không có gì quá đáng cả. Trong khi đó, triết học lại chính là môn học có vị trí quan trọng bậc nhất trong việc rèn luyện tư duy độc lập, lập luận logic dựa trên lý tính cùng khả năng phản biện.

Tức là triết học không phải chỉ cần cho môn văn, triết phải là nền tảng cho mọi môn học. Cần đưa triết học trở lại nhà trường phổ thông. Nếu không có nó, việc “đọc” tác phẩm văn học bao giờ cũng nông cạn và luôn có nguy cơ sa vào chuyện bình tán miên man vô căn cứ. Các nền giáo dục tiến bộ trên thế giới đều làm như thế, và cả giáo dục miền Bắc, miền Nam trước đây cũng đã có nơi có lúc xây dựng chương trình phổ thông như thế – có sự hiện diện của triết học. Ở miền Nam, trong cả 4 ban của Trung học đệ nhị cấp (nay gọi là "cấp III") gồm Văn chương sinh ngữ, Văn chương cổ ngữ, Khoa học Toán, và Khoa học Thực nghiệm đều đưa triết học vào. Điều ấy chứng tỏ triết học đã từng đóng một vai trò quan trọng trong nhà trường phổ thông Việt Nam. Vấn đề này, triết học trong nhà trường phổ thông, chúng tôi sẽ trở lại trong bài sau để cùng bàn sâu hơn.

Môn văn lâu nay vốn đã bị lạm dụng quá nhiều về sự cảm tính (không phải cảm xúc), tức là thiếu một cơ sở, một điểm tựa về mặt văn hóa hay lý thuyết, thành ra nó luôn sa vào chuyện "chặt câu, chẻ chữ", nếu không là suy diễn. Chúng ta thường phải đọc những bài văn không những thiếu cá tính mà còn thiếu luận điểm; ở một cực khác là sự xa rời văn bản mà người ta hay gọi là "tán hươu tán vượn", diễn dịch một cách tùy tiện để phục vụ cho sự ca ngợi một chiều hoặc "phê phán" kiểu đấu tố. Tất cả những điều này đã tạo ra một cái "hồn" của văn học nhà trường mấy chục năm qua: sự diễn – vụng về, khuôn sáo, gượng gạo. Đó chính là tính hoa mỹ nhưng sáo rỗng, là những bài văn vô hồn vô cảm, vô thưởng vô phạt.

Tất cả tình trạng này phải được nhìn thấy từ trong nguyên nhân gốc rễ của nó: khi người học không có quan điểm (điểm nhìn/điểm quan sát – tức cơ sở về mặt lý thuyết và tư duy) mà chỉ có những kiến thức được học thuộc dưới dạng văn mẫu thì không cách gì có thể tạo lập được một "tác phẩm" mang dấu ấn cá nhân.

Và một điều xuyên suốt rất cần phải nhấn mạnh: việc đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi không phải là để đổi mới thi cử như là một khâu độc lập. Mục đích ở đây là để tác động vào toàn bộ quá trình giáo dục và thay đổi chất lượng dạy văn, học văn – tức nhằm vực dậy năng lực tiếng Việt và bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tư duy cho người học. Nếu xa rời những mục tiêu căn cốt này thì chuyện đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi sẽ lại rất dễ lâm vào tình trạng "đầu voi đuôi chuột" hoặc sa vào chủ nghĩa hình thức – những thứ vốn đã tồn tại quá lâu trong nền giáo dục của ta.