Nguồn kinh phí chưa rõ ràng, Luật có thể "đi vào dĩ vãng"
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không giấu được lo ngại khi trong dự thảo Luật hiện nay, nguồn kinh phí cho việc thực hiện các hoạt động được quy định chưa rõ ràng. Dự thảo cũng không quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, trong khi đây là vấn đề rất quan trọng để kiểm soát tác hại của rượu, bia; dự Luật cũng không quy định chi tiết các hoạt động nằm trong phạm vi được Ngân sách Nhà nước chi trả.
“Nếu Luật chỉ nói chung chung là lấy từ nguồn kinh phí Nhà nước, thì những hoạt động nào ngân sách nhà nước sẽ cấp? Đến lúc đó chúng ta biết có bao nhiêu kinh phí để hoạt động? 200 triệu/năm? 1 tỷ, 2 tỷ/toàn quốc?” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
|
Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế không ngần ngại chỉ ra: Bộ Luật dù có được thông qua nhưng sẽ "đi vào dĩ vãng" vì không có tiền để thực hiện, trong trường hợp việc phân bổ ngân sách không hợp lý, nguồn kinh phí eo hẹp.
Người đứng đầu ngành y tế lấy ví dụ về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá đã có một quỹ riêng, trong đó quy định những hoạt động cụ thể về hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng không quy định về các hoạt động phòng chống các bệnh kèm theo do hút thuốc lá…
"Chúng ta cũng đã có Nghị quyết Trung ương về chương trình Sức khỏe Việt Nam, hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe cho người dân thông qua chế độ ăn; tập luyện; phòng chống tác hại rượu, bia; tác hại thuốc lá; phát hiện sớm bệnh khi có các biểu hiện lâm sàng thông qua xét nghiệm sàng lọc ví dụ tiểu đường, ung thư, tim mạch,… Song, nhiều hoạt động trong cả Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Chương trình Sức khỏe Việt Nam đều rơi vào tình trạng quy định hoạt động thì có nhưng không có kinh phí" - Bộ trưởng chia sẻ.
Rượu, bia là chất gây nghiện có hại cho sức khỏe.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị: Ban soạn thảo Luật cần quy định rõ các hoạt động sẽ được chi ngân sách bao gồm: truyền thông; tư vấn về tác hại và phòng, chống tác hại của rượu, bia; tập huấn đào tạo cán bộ; phát hiện sớm 1 số bệnh do rượu bia gây ra vv...
3 điều luật không rõ ràng
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nêu ý kiến về 3 điều luật có nội dung phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, các bệnh có liên quan đến sử dụng rượu, bia; tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia qua nhiều lần chỉnh sửa nhưng vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý
|
Theo đó, 3 điều luật này gây khó hiểu, khi không quy định rõ đơn vị, địa điểm thực hiện, tính khả thi cũng không rõ ràng, đồng thời, một số nội dung quy định trong 3 điều luật bị trùng lặp, các hoạt động được quy định trong đó chưa sát với thực tế.
“Chẳng hạn như hoạt động tư vấn cần được thông qua lớp tập huấn, tài liệu truyền thông, các hoạt động thu hút sự chú ý của cộng đồng, không phải tự nhiên đến cộng đồng rồi ngồi tư vấn về tác hại của rượu bia. Rồi ai cung cấp thông tin, ở đâu, khi nào? Ai hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tác hại của rượu, bia? Hội chữ thập đỏ, hay chính quyền phường?” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu vấn đề.
Cần bổ sung các quy định
Về những băn khoăn của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng kinh phí phòng, chống tác hại rượu, bia được phân bổ sử dụng đúng mục đích, hiệu quả theo quy định pháp luật, Bộ Tài chính… Mức chi cho các hoạt động sẽ do Bộ Y tế đề xuất, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn các mức chi như thế nào cho hoạt động này… Quyền chủ động đề xuất được giao cho Bộ Y tế, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung những cơ sở để Bộ Y tế có thể đề xuất mức chi và mục chi.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. (Ảnh: TTXVN)
|
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phải đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia được thông suốt, liền mạch, giúp Luật có thể được thực thi, bà Nguyễn Thúy Anh đồng ý đề xuất của các ĐBQH về việc giao Chính phủ quyết định chi ngân sách.
Bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, dự thảo Luật cần có 3 điều luật nói trên để đảm bảo đủ các biện pháp thực thi luật, vì vậy cần phải xuất hiện trong dự thảo. Bà Thúy Anh ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim tiến về việc chưa rõ cơ quan thực hiện, đồng thời, cho rằng Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm giúp cơ quan quản lý nhà nước thực thi Luật này trong trường hợp điều luật không nói rõ về cơ quan thi hành.
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ y tế, bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị bổ sung các quy định chỉ rõ cơ quan thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong từng hoạt động.
Đọc thêm: