Đó là những điều được ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ tại buổi thông tin báo chí về Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia chiều 6/5 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phát biểu tại buổi họp
|
Đã có bao vành khăn tang ...
“Rượu bia không buông tha bất cứ người nào, từ người có tri thức văn hóa cao, tới người có tri thức văn hóa hạn chế”- Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định.
Bà Trang tâm sự, một người kỹ sư công trình, trong cơn mê man vì rượu đã không kiểm soát được bản thân rồi rơi từ hành lang tầng 9 xuống đất tử vong. Người kỹ sư đó chính là chồng của cô giáo gắn bó với gia đình của bà trong nhiều năm.
Mới đây, vụ tai nạn của nữ nhân viên Nhà hát kịch Việt Nam và nữ công nhân quét rác mà nguyên nhân cũng do thủ phạm uống rượu bia cũng khiến bà bị ám ảnh. “Mất đi người thân, những đứa trẻ bơ vơ không ai chăm sóc về thể chất và tinh thần. Rồi ở Kiên Giang có trường hợp bé gái chỉ mới 15 tuổi bị ép uống rượu để lạm dụng tình dục. Những đứa trẻ ấy chỉ tầm tuổi con tôi, chúng không đáng phải chịu những hệ lụy như vậy” – Bà Trang xa xót.
Đáng chú ý khi nguyên nhân sâu sa của những vụ việc đau lòng đó đều đến từ rượu, bia. Chỉ với vài cốc bia, chén rượu, một cuộc vui, trong phút chốc những tay tài xế trở thành "sát thủ", cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, nhiều đứa trẻ mất mẹ, mất bố, gia đình mất đi một người con, người cháu, một người thân yêu ...
Bên cạnh đó, những hệ lụy khác về mặt xã hội như nhiều cuộc đời lầm than, đói nghèo đeo bám dai dẳng vì rượu, bia và các chất có cồn: 11,6% hộ nghèo và cận nghèo bị thiệt hại về kinh tế do các hậu quả của sử dụng rượu bia, 9,1% hộ nghèo và cận nghèo có người lao động chính phải nghỉ việc, mất thu nhập chính để giải quyết hậu quả của rượu, 3,9% hộ nghèo đã phải vay mượn tiền để trang trải các khoản chi phí liên quan. Đó là những con số thống kế được Bộ Y tế đưa ra.
Và hàng chục hệ lụy khác của rượu vẫn đang diễn ra hàng ngày như bệnh tật, bạo lực...
Luật vẫn đang nằm trên giấy vì những ngổn ngang
Những hệ lụy khôn lường của rượu gây ra cho xã hội đã được báo chí, truyền thông phản ánh quá nhiều lần. Song, những vụ tai nạn vẫn xảy ra, người dân vẫn tiêu thụ rượu, bia hàng ngày.
Trước thực trạng đó, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chính phủ đã trình Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nhiều chế tài, biện pháp để phòng, chống tác hại của rượu, bia được đưa ra như kiểm soát cung, cầu và giảm tác hại của rượu, bia… Trong đó chú trọng các giải pháp đã được thực hiện thành công tại nhiều nước trên thế giới như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, để tác động đến giá nhằm hạn chế tiếp cận; kiểm soát quảng cáo, tiếp thị rượu bia khi tham gia giao thông; kiểm soát giờ bán, địa điểm bán, đối tượng được mua…
Toàn cảnh buổi hội nghị
|
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia còn lấp đầy nhiều khoảng trống pháp luật tồn tại bấy lâu trong việc kinh doanh, quảng cáo, tiếp cận rượu, bia.
Nhưng, tới nay, khi chỉ còn 2 tuần nữa Luật sẽ được thông qua, nhưng vẫn còn ngổn ngang, nhiều ý kiến làm cho luật trở nên lỏng lẻo, “yếu ớt”, vẫn mãi nằm trên giấy.
Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang cho biết, hiện có những tranh luận xung quanh tên của bộ Luật, nhiều cái tên đã được đưa ra như: Luật phòng, chống tác động có hại và kiểm soát rượu, bia vì sức khỏe con người; Luật phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn…
Theo ông Nguyễn Huy Quang, bộ Luật không chỉ phòng chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe mà còn phòng, chống ở các lĩnh vực khác như an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, thiệt hại kinh tế; điều chỉnh toàn diện, hiệu quả, rõ ràng mục tiêu, được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội và được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình.
“Vì vậy, đáng lẽ tên là Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được thống nhất và không cần phải chọn tên khác, do đã bao quát được hết mục tiêu hướng tới, song vẫn xuất hiện những tên khác không đáp ứng được tiêu chuẩn, gây tranh cãi, không thể hiện được phạm vi điều chỉnh của Luật, không có tính truyền thông mạnh mẽ…” – Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang nói.
Bên cạnh đó, lại có ý kiến phân biệt rượu và bia trong luật, cho rằng chỉ nên kiểm soát quảng cáo đối với rượu và không cấm đối với bia, hoặc bỏ quy định quảng cáo về rượu và bia để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật... Theo các chuyên gia, khi quy về nồng độ cồn nguyên chất, bia có tác hại và tác động giống hệt như uống rượu.
“Do đó, không thể quan niệm rằng bia không có tác hại và có thể uống lan tràn, đó là quan niệm sai lầm" - bà Trần Thị Trang cho biết.
Ông Nguyễn Huy Quang cũng bổ sung, chúng ta nên áp dụng mạnh mẽ để kiểm soát, tác động vào nguyên nhân cốt lõi là việc sử dụng rượu và bia, điều chỉnh các vấn đề xã hội mới nảy sinh mà các luật khác chưa kịp cập nhật, điều chỉnh.
Vụ tai nạn giao thông tại hầm Kim Liên (Hà Nội) khiến 2 người chết ngày 1/5 vừa qua do tài xế có sử dụng rượu bia.
|
Ngoài ra, quy định về quảng cáo rượu có khuyến mại; độ tuổi sử dụng rượu, bia; khung giờ được phép sử dụng rượu, bia và chất có cồn,… cũng đang gây tranh luận gay gắt, khiến cho dự thảo Luật có nguy cơ bị chậm thông qua.
Trước những hậu quả đau lòng do rượu bia gây ra, Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang mong muốn Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia sớm được Quốc hội thông qua. Song, Luật cần có hiệu lực mạnh, tác động ngay vào thực tiễn, vào những vấn đề thời sự đang diễn ra hàng ngày. Nếu nội dung của Luật quá yếu ớt, sẽ thêm những vành khăn tang cho hàng trăm trẻ em nghèo đói.
Còn bà Trần Thị Trang cho biết: “Với một chính sách tốt, chúng ta sẽ cứu được hàng triệu người, còn các khẩu hiệu vui tai chỉ là nhất thời giúp an ủi một vài số phận không may mà thôi”.