Theo Les Echos, gần đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là bận dự hội nghị Bắc Đới Hà. Một hội nghị về mặt chính thức không hiện hữu, nhưng mọi người đều biết rằng các đường hướng kinh tế, chính trị quan trọng được vạch ra tại đây. Tuy không có gì được tiết lộ, nhưng chắc chắn chương trình nghị sự thảo luận tập trung bàn cách đối phó cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Trước đó, Trung Quốc ngỡ rằng đã "dỗ dành" được tổng thống Mỹ Donald Trump với lời hứa sẽ mua hàng tỷ USD hàng hóa của Mỹ, nhưng nay đành phải từ bỏ hy vọng nhanh chóng kết thúc xung đột. Ngược lại, cuộc chiến tranh thương mại sẽ còn leo thang trong những ngày tới: Washington cho biết muốn đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc (ông Trump còn muốn đánh thuế tới hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc).
Cho dù Bắc Kinh dọa sẽ ăn miếng trả miếng, đây là một đòn nặng với người khổng lồ châu Á. Vẫn rất lệ thuộc vào xuất khẩu, Trung Quốc thiệt thòi nhiều trong trò chơi đánh thuế qua lại hàng hóa của nhau. Lý do hết sức đơn giản : lượng hàng nhập từ Mỹ chỉ bằng một phần tư so với số 506 tỷ USD hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ hàng năm, và ông Donald Trump không loại trừ khả năng đánh thuế toàn bộ.
Thị trường tài chính hoang mang, đồng nhân dân tệ sụt giá, Bắc Kinh đành phải thay đổi chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Mục tiêu chống rủi ro tài chính đành trở thành thứ yếu, và một số nhà quan sát lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ nóng lên trở lại, khi nợ nần đã vượt quá 260% GDP.
Ban đầu bị bất ngờ trước quyết tâm của Donald Trump, nay Trung Quốc chấp nhận một cuộc chiến lâu dài và mở rộng với Mỹ. Báo chí nhà nước Trung Quốc lâu nay vẫn đắc chí xỏ xiên sự bất nhất, tự làm hại mình của tổng thống Mỹ nay coi sự tấn công của Washington không chỉ có mục đích làm giảm thâm hụt thương mại, mà nằm trong một chiến lược tổng thể nhằm ngăn chận đà tiến của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Một trong những nhà kinh tế nhiều ảnh hưởng nhất Trung Quốc là Long Quốc Cường trong một bài viết đăng trên Nhân Dân Nhật Báo nhận định Mỹ coi Trung Quốc là người "cạnh tranh chiến lược", như trước đây từng chặn bước Liên Xô. Bắc Kinh nay cho rằng xung đột thương mại chỉ là cái cớ, đây là tiền đề của một cuộc chiến tranh lạnh mới mà Trung Quốc phải đối phó và không thể nhường bước. Cơ quan tư vấn Trivium ở Bắc Kinh nhận xét: "Các lãnh đạo không còn coi đây là cuộc đấu đá thương mại, mà là sự tấn công vào mô hình kinh tế chính trị Trung Quốc".
Kế hoạch Made in China 2025 nhằm nâng Trung Quốc lên hàng đầu thế giới về công nghệ mới, bị Washington coi là biểu tượng của tham vọng hất cẳng Thung lũng Silicon. Và bao trùm lên tất cả : trong khi Donald Trump hứa làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, thì ông Tập Cận Bình khẳng định "Giấc mơ Trung Hoa" và mục tiêu đại phục hưng dân tộc. Ông Tập liên tục nhấn mạnh ngôi vị hàng đầu thế giới của Trung Quốc, trong lúc quyền lực cá nhân của ông đã được tăng cường.
Giờ đây tại Trung Quốc đã có một số tiếng nói cho rằng chính sự huênh hoang về sức mạnh kinh tế và địa chính trị chỉ làm Mỹ thêm nghi ngại. Báo chí Trung Quốc đã được chỉ thị không nhắc đến kế hoạch Made in China 2025 – một động thái mà theo Les Echos là chưa đủ để làm dịu bớt căng thẳng với Mỹ.