Tờ Đa Chiều tiếng Hoa ngày 22/8 dẫn các nguồn tin cho biết đứng trước cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ không ngừng leo thang, Mỹ cho rằng Trung Quốc không thể thực hiện cam kết khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001.
Nhưng biện pháp đơn phương tăng thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có nguy cơ phải trả giá đắt để giành chiến thắng. Bởi vì đây là một sự vi phạm đối với quy tắc thương mại toàn cầu, trong khi đó, về tổng thể, loại quy tắc này có lợi cho lợi ích của Mỹ.
Vì vậy, Mỹ có thể sẽ áp dụng một phương án giải quyết hữu hiệu hơn, đó là đe dọa trục xuất Trung Quốc ra khỏi WTO. Mặc dù WTO thiếu cơ chế chính thức trục xuất một thành viên, nhưng chương 23 của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) có thể đạt được mục tiêu này.
Khi hành vi của một thành viên nào đó chưa vi phạm rõ ràng hiệp ước, nhưng đã gây thiệt hại cho lợi ích của tất cả các thành viên khác, chương này cho phép tiến hành kiện tương tự đối với thành viên như vậy.
Tháng 6/2018, tại Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (USCC), Giáo sư luật Jennifer Hillman từ Đại học Georgetown, Mỹ cho rằng kết cấu kinh tế Trung Quốc khác với bất cứ nền kinh tế chủ yếu nào khác, không phải là phương thức được đại diện đàm phán WTO chờ đợi.
Theo Giáo sư Jennifer Hillman, quy tắc của WTO không tương thích với mô hình trùng lặp cao giữa chính phủ, đảng cầm quyền và doanh nghiệp ở Trung Quốc. Chương 23 của GATT được xây dựng nhằm giải quyết vấn đề này.
Giáo sư Jennifer Hillman, Đại học Georgetown, Mỹ. Ảnh: Youtube.
|
Trung Quốc tuyên bố từ khi gia nhập WTO, kinh tế đã mở cửa hơn, vận hành nhiều hơn theo cơ chế thị trường, đồng thời nhấn mạnh hoàn toàn chưa chính thức lập pháp để ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài chuyển nhượng công nghệ cho công ty Trung Quốc.
Nhưng Giáo sư Jennifer Hillman, người từng là thành viên của Tiểu ban giải quyết tranh chấp cao cấp WTO cho rằng Trung Quốc nhiều lần vi phạm cam kết khi gia nhập WTO. Cùng với sự tăng trưởng quy mô của kinh tế Trung Quốc, sức mạnh của thị trường này đang suy yếu.
Một số doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc cho biết họ bị cưỡng ép chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Trung Quốc theo "thông lệ". Giáo sư Jennifer Hillman nhấn mạnh, cho dù là biện pháp bất thành văn thì cũng sẽ bị thách thức ở WTO.
Theo bà Jennifer Hillman, Trung Quốc rất ít bị kiện, bởi vì những vụ kiện như vậy rất khó thắng được. Các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại bị báo thù và không dám đưa ra chứng cứ.
Chad Bown từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Petersen cho rằng rất nhiều nước cũng không dám đơn độc kiện Trung Quốc vì nguyên nhân này. Nhưng nếu EU, Nhật Bản, Canada, Australia, Mexico và Hàn Quốc hợp tác kiện và thắng kiện, thì Trung Quốc có thể sẽ bị ép phải thay đổi chính sách hoặc đối mặt với biện pháp xử phạt như tiến hành trừng phạt đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Giáo sư Jennifer Hillman còn đề xuất, cần sửa đổi các quy định của WTO, công khai cấm các chính sách "mạo phạm". Nếu Trung Quốc không thể tuân thủ các quy định sửa đổi thì thực sự đã rút khỏi WTO. Làm được những điều nói trên không hề dễ dàng, Mỹ còn phải lôi kéo lại những đồng minh đã xa lánh vì chiến tranh thương mại.
Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett. Ảnh: Getty Images.
|
Tuần trước, trên mạng truyền hình thương mại Fox, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng (CEA) Kevin Hassett cho rằng Trung Quốc phải chăng sẵn sàng tiếp tục làm thành viên của WTO, hành động giống như các thành viên khác? Nếu không sẵn sàng thì cộng đồng quốc tế có còn để họ ở lại WTO không?
Trước khi làm Đại diện thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Robert Lighthizer từng đưa ra đề nghị tiến hành kiện Trung Quốc theo chương 23 của GATT.
Các quan chức thương mại của Nhật Bản và EU sẽ tổ chức gặp gỡ với các quan chức thương mại Mỹ ở Washington vào ngày 24/8/2018. Họ đã sớm đã yêu cầu Trung Quốc tiến hành cải cách theo lý do của riêng mình, nhưng hiện nay họ đã có những lý do khác, đó là ép buộc Trung Quốc hành động như các thành viên khác, điều này là điều kiện không thể thiếu đối với việc ngăn cản Mỹ rời khỏi WTO.
Tờ Hoa Nam buổi sáng Hồng Kông ngày 22/8 dẫn một cựu quan chức thương mại Mỹ cho rằng đối thoại thương mại Trung - Mỹ được tái khởi động trong tuần này không có nhiều khả năng đạt được đột phá mang tính thực chất, bởi vì chế độ kinh tế của hai nước khác nhau. Mỹ có nền kinh tế mạnh để chống đỡ, nên có thể không vội vàng triển khai đối thoại mang tính thực chất.
Timothy Stratford, người từng làm Trợ lý Đại diện thương mại Mỹ, hiện là đối tác quản lý Văn phòng Bắc Kinh của Covington & Burling cho rằng giao lưu kinh tế Trung - Mỹ giống như chơi một trận bóng đá giữa quán quân Giải vô địch Super Bowl Mỹ với quán quân World Cup. Hai đội này có triết lý hoàn toàn khác nhau trong cách chơi bóng, các bên đang thể hiện kỹ thuật và phương thức xử lý khác biệt.