Trong suốt cuộc vận động tranh cử tổng thống, ứng cử viên Donald Trump đã nhiều lần tố cáo Trung Quốc là nguyên nhân của mọi vấn đề tại Mỹ như: Trung Quốc là kẻ thù của Mỹ, Trung Quốc đánh cắp việc làm của người dân Mỹ, đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng để Trung Quốc "cưỡng bức" Mỹ… Với những phát biểu hùng hồn như vậy, Trung Quốc buộc phải theo dõi sát sao việc Donald Trump đắc cử.
Nhưng theo Les Echos, thắng lợi của Donald Trump lại tạo ra một cơ hội lịch sử cho Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài lĩnh vực kinh tế và thực hiện được mục tiêu của mình là trở lại vị trí hàng đầu trên chính trường quốc tế.
Trước tiên, các đe dọa tiến hành chiến tranh thương mại của ứng cử viên Donald Trump có nguy cơ vấp phải thái độ thực dụng của chính bản thân ông Trump. Không một nhà kinh tế nào tin vào lời đe dọa của ông Trump là sẽ đánh thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc đến 45%. Nếu biện pháp này được áp dụng, thì đây sẽ là một vố đau cho Trung Quốc nhưng trong thời buổi các nền kinh tế tùy thuộc lẫn nhau, thì Mỹ cũng bị thiệt hại rất nhiều.
Thời báo Hoàn Cầu đã liệt kê danh sách trả đũa, bao gồm: Trung Quốc sẽ mua máy bay của Airbus thay vì đặt hàng ở Boeing, số lượng xe hơi và điện thoại Iphone của Mỹ được bán tại Trung Quốc sẽ giảm, Trung Quốc ngừng xuất khẩu sang Mỹ đậu nành và ngô. Tờ báo Trung Quốc nói thẳng rằng không bao giờ ông Trump, một doanh nhân khôn ngoan, lại ấu trĩ đến như vậy.
Ngay cả khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, cũng khó mà tưởng tượng được là tổng thống tương lai của Mỹ lại muốn gây sự với Trung Quốc, một trong những chủ nợ hàng đầu của Mỹ, bởi lẽ Bắc Kinh nắm trong tay tới 20% tổng số nợ của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Về lập trường bảo hộ của Donald Trump, Trung Quốc chẳng có gì phải lo ngại, ngược lại còn được hưởng lợi. Nước Mỹ của Donald Trump muốn co cụm lại, thì Trung Quốc của ông Tập Cận Bình sẵn sàng lấp chỗ trống đó. Ví dụ điển hình nhất là hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên ông vào Nhà Trắng vì coi đây là một thảm họa tiềm tàng đối với Mỹ.
Quyết định này mở ra một con đường rộng thênh thang cho Trung Quốc. Không chỉ chôn vùi được TPP vốn được thiết kế nhằm khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Bắc Kinh giờ đây càng rảnh tay hành động, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác kinh tế của mình, cụ thể là dự án Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP), được ký kết với 16 nước trong vùng châu Á-Thái Bình Dương mà không có Mỹ.
Tờ báo Pháp nhận định, việc Donald Trump thắng cử cũng đánh dấu sự chấm hết của chiến lược tái cân bằng hay còn gọi là «xoay trục» sang châu Á được thực hiện dưới thời tổng thống Barack Obama. Les Echos trích dẫn nhận định của chuyên gia Celine Pajon, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) đánh giá, việc từ bỏ TPP là tiếng chuông chấm hết một nhân tố chủ chốt trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ.
Theo công ty tư vấn Capital Economics, «nếu Mỹ ít dấn thân hơn vào châu Á, Bắc Kinh sẽ có cơ hội kiến tạo lại tiến trình hội nhập kinh tế và chính trị theo cách của mình». Vấn đề là phải xem liệu các đề xuất của Trung Quốc có đáp ứng các mong đợi của những nước láng giềng hay không, vì những quốc gia này luôn cảnh giác, dè chừng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nhiều tiêu chí đề ra trong RCEP thấp hơn nhiều so với các chuẩn mực của TPP.
Mặt khác, cũng không nên lầm tưởng rằng Trung Quốc sẽ ra tay hành động vì Mỹ co cụm. Bắc Kinh không đợi Donald Trump đắc cử thì mới đưa ra các sáng kiến. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã liên tục vận động cho dự án «con đường tơ lụa mới».
Les Echos cũng lưu ý là việc Mỹ và Nga có thể cải thiện quan hệ cũng làm cho Trung Quốc lo ngại. Chủ nghĩa biệt lập của ông Trump chắc chắn tạo cơ hội cho Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều yếu tố bấp bênh, không rõ ràng.