[ĐỌC CHẬM] Mỹ lạm phát kỷ lục vì thiếu lao động, thiếu năng lượng và cái thiếu thứ 3 ít ai ngờ tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc lạm phát ở Mỹ tạm hạ nhiệt trong tháng 7/2022 là tin tốt cho nhiều nhà đầu tư (cả ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới), nhưng nó không quá tốt như nhiều người nghĩ.

Ít tuần trước, tại [ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN], VietTimes đã giới thiệu tới độc giả bài dịch "Chưa phải lúc dừng tăng lãi suất đâu!" của Lisa Beilfuss - cây viết chuyên trách mảng thị trường tài chính và kinh tế của Barron's.

Trong đó, bài chuyển ngữ đã đưa ra nhiều quan điểm cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được lạm phát tuy chỉ số kinh tế vĩ mô này đã có dấu hiệu giảm nhiệt vào tháng 7 vừa qua.

Tiếp tục những bàn luận về nỗ lực kiềm chế lạm phát ở Mỹ, VietTimes xin giới thiệu tới độc giả một bài viết phân tích sâu sắc khác của Lisa Beilfuss về nội dung này.

Lạm phát có thể đã đạt đỉnh, nhưng còn nhiều lực lượng khiến nó duy trì ở mức cao (Ảnh: Bloomberg)

Lạm phát có thể đã đạt đỉnh, nhưng còn nhiều lực lượng khiến nó duy trì ở mức cao (Ảnh: Bloomberg)

Mức tăng 8,5% chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7/2022 khiến các nhà đầu tư và nhà kinh tế học có lý do để vui mừng.

Lạm phát tăng chậm hơn trong tháng 7 nếu so với tháng 6 – thời điểm mà CPI có mức tăng kỷ lục trong vòng 40 năm, ở mức 9,1%. Và mức giảm chỉ số giá sản xuất đầy bất ngờ so với tháng trước đó đã làm tăng thêm sự lạc quan rằng lạm phát cuối cùng đã đạt đỉnh sau nhiều tháng.

Nhưng đó có lẽ là sự lạc quan quá mức, không chỉ vì những con số trên tiêu đề các bài báo quá cao. Lạm phát ở thời điểm này chỉ mang tính 'cơ cấu', có nghĩa rằng nó vẫn cao hơn so với nhiều người dự đoán và có thể đẩy nền kinh tế đi vào suy thoái.

Lạm phát ít co dãn

Hãy bắt đầu bằng cụm từ “Sticky Inflation” (Tạm dịch: lạm phát ít co dãn) – ám chỉ tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát cao kéo dài, chi tiêu của người dân và đà tăng trưởng kinh tế giảm.

Alfonso Peccatiello, tác giả của bản tin Macro Compass, nhấn mạnh rằng các ngành dịch vụ, đặc biệt là cho thuê, đại diện cho mức tăng sức ép của lạm phát.

Theo ông, điều này rất quan trọng, bởi các giá cả của các dịch vụ cốt lõi – không tính mảng năng lượng – là ít co dãn nhất bởi chúng thường có mức tăng giá ở cuối chu kỳ nhưng duy trì ở mức cao trong khoảng thời gian dài. Những chi phí này sẽ rất khó để hạ thấp, khó hơn nhiều nếu so với giá cả hàng hóa và năng lượng. Cũng bởi vậy mà nỗ lực cải thiện CPI sẽ khó đạt được, theo ông Peccatiello.

Các nhà kinh tế học đến từ Citi Group cảnh báo rằng, chi tiết có trong báo cáo CPI tháng 7 cho thấy lạm phát không hề chậm lại, và giá cả các dịch vụ trong chỉ số giá sản xuất (PPI), như dịch vụ y tế, tăng cao một cách bất ngờ.

Việc lạm phát tạm hạ nhiệt trong tháng 7 vừa qua là tin tốt, nhưng nó không quá tốt như nhiều người nghĩ.

Dữ liệu lạm phát được Fed Cleveland công bố (Ảnh: Fed Cleveland)

Dữ liệu lạm phát được Fed Cleveland công bố (Ảnh: Fed Cleveland)

Dữ liệu được Fed Cleveland công bố trong tuần này đã làm nổi bật vấn đề về lạm phát ít co dãn.

Thay vì loại trừ thực phẩm và năng lượng, Fed Cleveland cố gắng nắm bắt được lạm phát bằng cách điều chỉnh các mức tăng, giảm quá lớn đối với các loại hàng hoá này. Kết quả thể hiện, trong tháng 7/2022, cả CPI trung bình và CPI trung bình rút gọn đều ở mức cao hơn so với năm ngoái, lần lượt tăng 6,3% và 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu nhìn vào nguyên nhân đằng sau lạm phát ít co dãn, vấn đề sẽ rõ ràng hơn. Vincent Deluard, giám đốc chiến lược vĩ mô toàn cầu của hãng StoneX Financial, nói rằng giai đoạn lạm phát hiện nay là kết quả của 3 “thiếu”: Thiếu lao động, thiếu năng lượng và thiếu niềm tin.

Những nhân tố này không thể được cứu vãn bởi một cuộc suy thoái, do đó, nó dẫn đến việc lạm phát thực tế cao hơn so với mức các nhà đầu tư - và cả các ngân hàng trung ương - dự đoán.

3 'thiếu' của kinh tế Mỹ

Thứ nhất là thiếu lao động. Thị trường lao động của Mỹ vẫn thiếu khoảng 7 triệu nhân công tính ở thời điểm tiền đại dịch COVID, và theo tính toán của Deluard thì 12% lực lượng lao động của Mỹ đang bị thiếu.

Tình trạng nghỉ hưu sớm đã làm giảm nguồn cung lao động khoảng 2%, và ông Deluard nói rằng có 4% rời khỏi lực lượng lao động chính thức để làm những công việc thời vụ hoặc bị mất khả năng lao động dài hạn.

Có 3% lực lượng lao động bị nhiễm COVID-19 trong các tháng bất kỳ, và thêm 3% nữa bỏ công việc hiện tại của họ hoặc được đào tạo để làm công việc mới. Trong bối cảnh đó, và xét về tình hình nhân khẩu học bất lợi, dễ nhận thấy rằng tại sao lạm phát giá cả ngành dịch vụ lại duy trì mức cao dai dẳng đến như vậy.

Thứ hai là thiếu năng lượng. Deluard nói rằng quá trình chuyển dịch sang năng lượng xanh đòi hỏi phải tiêu thụ nguồn lực nhiều hơn để duy trì được sản lượng tương tự như hiện nay.

Kết nối luận điểm này với dữ liệu về lạm phát trong tháng 7 vừa qua, thì đóng góp lớn cho mức giảm của CPI và PPI đều là nhờ giá khí đốt đang giảm. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng, tình trạng này chỉ là tạm thời nhờ chính phủ Mỹ mở kho dự trữ xăng dầu chiến lược quốc gia.

“Khi kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) ngừng giảm, có thể trong mùa Thu năm nay, đà giảm của giá dầu có thể sẽ ngừng lại,” Lyn Alden, người sáng lập công ty Lyn Alden Investment Strategy, nhận định.

Ông Eric Nuttall, quản lý danh mục đầu tư tại Ninepoint Partners, nói rằng sau 80 ngày liên tục tung ra khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày, SPR có thể ngừng và thị trường gần như chắc chắn sẽ được thắt chặt. Và điều này chắc chắn xảy ra trước khi chính phủ Mỹ kịp mua thêm dầu để làm đầy lại kho dự trữ.

Như đánh giá của Deluard, mọi thứ trong nền kinh tế Mỹ đều quy lại ở năng lượng và lao động. Vị này ám chỉ rằng cung và cầu không còn nhạy cảm với giá cả như người ta nghĩ, có nghĩa rằng một cuộc suy thoái chưa đủ giảm phát.

Thứ ba là thiếu "niềm tin". Tình trạng “thiếu” thứ ba mà Deluard nhắc đến thì trừu tượng hơn và có thể là quan trọng hơn. Lạm phát tỷ lệ nghịch với niềm tin của người dân, có nghĩa rằng khi niềm tin vào các tổ chức giảm, lạm phát tăng cao, theo Deluard.

Ông đưa ra một ví dụ: Lạm phát là một cơn sốt để báo động với bạn rằng nền kinh tế đang “bị ốm” do suy giảm niềm tin, sau đó cơn sốt này làm cơ thể suy yếu, và mọi chuyện tồi tệ hơn. Nếu sự kỳ vọng của người dân về tiêu chuẩn sống ổn định là cốt lõi của khế ước xã hội, thì lạm phát giống như kẻ cướp ban đêm, Deluard nói.

Ông chỉnh sửa quan điểm của Milton Friedman về lạm phát và gọi nó là “một hiện tượng tâm lý dù ở bất cứ nơi đâu,” khi vấn đề càng tồi tệ thì nó càng kéo dài.

Deluard nhấn mạnh rằng đà giảm lạm phát mới đây cùng với một số dự đoán về lạm phát sẽ có tác động tới giá cả. Nhưng ông nói rằng vẫn có rủi ro là các thị trường và các nhà hoạch định chính sách sẽ tuyên bố chiến thắng quá sớm, khi mà lạm phát vẫn ở trong khoảng 5% và được hậu thuẫn bởi các yếu tố khác mà họ chưa thể nhận ra, bởi chúng phản ánh một nền kinh tế hậu COVID-19.

Xung quanh 5% là mức lạm phát mà Deluard cho rằng đã đủ để đe dọa tới sự ổn định xã hội không khác gì tình trạng bất ổn tài chính.

Ông mô tả tình trạng hiện nay như một khu rừng giữa mùa Hè khô nóng. “Chỉ cần một que diêm cũng có thể gây nên một đám cháy, và đám cháy lan rộng nhanh chóng. Lạm phát càng cao, chúng ta càng có thêm những que diêm như vậy,” Deluard nói.

Nỗ lực tăng tỷ lệ lãi suất của Fed chính là nhằm vãn hồi niềm tin của người dân và sự bình ổn giá. Nhưng vẫn còn khoảng trống giữa các mô hình và thực tế./.

Theo Barron's