Ngay từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh ban hành gói kích thích 1,9 nghìn tỉ USD, giới kinh tế học đã có nhiều cuộc tranh luận về tác động của nó tới nền kinh tế Mỹ,
Một số nhà kinh tế học đã sớm lên tiếng cảnh báo và nhấn mạnh gói kích thích khổng lồ mà chính phủ Mỹ đưa ra sẽ gây hậu quả cho nền kinh tế, trong đó có thể kể tới cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers.
Nhưng không phải ai cũng ủng hộ quan điểm này, cho đến khi lạm phát ở Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm ông Paul Krugman - nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Kinh tế 2008 hiện đang giảng dạy tại Trường Sau đại học và Trung tâm Đại học của Đại học Thành phố New York - được đăng tải trên tờ The New York Times về nội dung này.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Kinh tế 2008, Paul Krugman (Ảnh: NYT) |
Đầu năm 2021, giới kinh tế học đã có không ít tranh luận về những tác động khó lường của gói kích thích 1,9 nghìn tỉ USD (thường gọi là American Rescue Plan, tạm dịch: Kế hoạch giải cứu người dân Mỹ) mà vị Tổng thống mới của đảng Dân chủ (Tổng thống Joe Biden - PV) và quốc hội Mỹ (do đảng Dân chủ nắm đa số ghế) thực thi.
Một số người cảnh báo rằng gói kích thích này sẽ gây ra tình trạng lạm phát ở mức đáng lo ngại, trong khi số khác lại tỏ ra khá bình thản (Team Relaxed). Lúc đó, tôi theo quan điểm của nhóm lạc quan.
Nhưng hóa ra đó là nhận định rất tồi tệ!
Tôi đã sai ở đâu (!?) Cả trong cuộc tranh luận đầu tiên và về cách mà mọi thứ diễn ra đều hết sức phức tạp, đến nỗi mà tôi cho rằng phần lớn mọi người sẽ không nhận ra.
Đó không phải một cuộc tranh luận giữa những hệ tư tưởng kinh tế đối lập. Từ Larry Summers cho đến Dean Baker, họ đều là những nhà kinh tế học theo trường phái kinh tế của Keynes (nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes). Và tất cả chúng tôi đều có quan điểm tương đồng, ít nhất là về định tính, về cách mà chính sách kinh tế vận hành.
Tất cả các nhà kinh tế tham gia tranh luận đều nhất trí rằng, việc chính phủ tăng bội chi ngân sách sẽ làm tăng tổng cầu, và một nền kinh tế khỏe mạnh hơn với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn – trong khi mọi thứ khác không đổi – sẽ sản sinh ra mức lạm phát cao hơn.
Nhưng rồi chúng tôi có một cuộc tranh luận về độ lớn.
Kế hoạch giải cứu này quá khổng lồ, và như bên phe cảnh báo lạm phát dự báo, chỉ cần với 'số nhân tài khoá' (Fiscal Multiplier - chỉ số đo lường mức tăng GDP được tạo ra khi chi tiêu chính phủ tăng thêm 1 USD) ở mức bình thường, nó sẽ dẫn tới việc nền kinh tế tăng trưởng quá 'nóng', từ đó gây ra lạm phát cao.
Trong khi đó, những người thuộc Team Relaxed như tôi lại tranh luận rằng cấu trúc của kế hoạch này sẽ dẫn tới một đợt tăng GDP ở quy mô nhỏ hơn. Phần lớn của kế hoạch này là chi tiền một lần cho những người thuộc diện chịu thuế, bộ phận mà chúng tôi cho là sẽ tiết kiệm thay vì chi tiêu; một phần lớn khác là viện trợ chính quyền địa phương và cấp bang, mà chúng tôi cho là chỉ nên phân bổ dần trong nhiều năm.
Chúng tôi cũng tranh luận rằng, nếu xảy ra tình trạng GDP hay tỷ lệ có việc làm tăng lên tạm thời, nó sẽ không đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức quá cao, bởi kinh nghiệm trong lịch sử cho thấy mối quan hệ giữa tỷ lệ có việc làm và lạm phát khá bình ổn. Điều đó cũng đồng nghĩa, nền kinh tế phải tăng trưởng rất 'nóng' mới đủ để khiến lạm phát tăng đột biến.
Có một điều cần lưu ý, 'số nhân tài khoá' trong kế hoạch giải cứu này, trên thực tế, dường như khá thấp.
Rất nhiều người tiêu dùng đã tiết kiệm khoản tiền họ nhận được; chi tiêu của chính quyền địa phương và chính quyền bang chỉ tăng dưới 1% GDP. Tỷ lệ có việc làm vẫn ở dưới mức tiền đại dịch, và GDP thực - mặc dù đã phục hồi - vẫn chưa vượt qua được mức trước đại dịch.
Biến số Covid-19
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, mức tăng lạm phát này dường như phản ánh lại sự gián đoạn do đại dịch gây ra.
Lo ngại về rủi ro nhiễm COVID-19 và sự thay đổi trong cách mà chúng ta sống đã gây ra sự thay đổi thói quen chi tiêu: Người ta chi ít tiền hơn cho các dịch vụ và thay vào đó bỏ tiền nhiều hơn mua hàng hóa, dẫn đến tình trạng thiếu container vận chuyển, các cảng biển bị quá tải…
Những sự gián đoạn này giúp lý giải tại sao lạm phát lại tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứ không riêng gì Mỹ.
Nhưng mặc dù lạm phát được kìm hãm chủ yếu nhờ một phần thu hẹp hoạt động nền kinh tế khi đại dịch bùng phát, nó vẫn tiếp tục lan rộng.
Và nhiều chỉ số, như số việc làm chưa có người nhận, dường như cho thấy một nền kinh tế đang tăng trưởng 'nóng' hơn các con số thể hiện qua GDP hay tỷ lệ thất nghiệp thể hiện. Sự kết hợp của nhiều nhân tố – như nghỉ hưu sớm, nhập cư giảm, thiếu chăm sóc trẻ em – dường như đã làm giảm khả năng sản xuất của nền kinh tế so với trước đây.
Nhưng ngay cả vậy, kinh nghiệm trong quá khứ khiến chúng tôi không lường trước được lạm phát sẽ cao đến như vậy.
Bởi thế, có gì đó đã sai trong mô hình dự báo lạm phát của tôi – nhắc lại rằng đây là mô hình được nhiều người khác đồng tình, bao gồm cả những người lo ngại về lạm phát tăng vào hồi đầu năm 2021. Tôi biết nghe có vẻ yếu đuối khi cho rằng phe lạm phát đã đúng vì những lý do sai lầm, nhưng cũng vẫn được cho là đúng.
Có một khả năng là dữ liệu trong quá khứ đã gây ra những dự báo sai lệch (misleading) bởi cho đến mãi gần đây nền kinh tế vẫn thể hiện nó đang ở trạng thái lạnh – sản xuất ít hơn khả năng – và lạm phát không phụ thuộc nhiều vào mức độ lạnh của nó. Có thể trong một nền kinh tế nóng, mối quan hệ giữa GDP và lạm phát đã sâu sắc hơn.
Ngoài ra, những sự gián đoạn liên quan tới các biện pháp ngăn chặn đại dịch và hậu quả của nó có thể đóng một vai trò lớn. Và đương nhiên cả cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine, cũng như lệnh phong tỏa các thành phố lớn của Trung Quốc đã đẩy sự gián đoạn đó lên một mức độ cao hơn.
Lạm phát ở Mỹ đã đạt đỉnh?
Nhìn về phía trước, nền kinh tế Mỹ hiện đang dần hạ nhiệt – sự suy giảm trong GDP quý đầu tiên có thể là tình cờ, nhưng đà tăng trưởng tổng quan dường như đang dần đi theo xu hướng thấp.
Các chuyên gia kinh tế mà tôi thảo luận cùng, phần lớn trong số họ tin rằng lạm phát đã đạt đỉnh hoặc sẽ sớm đạt đỉnh. Bởi vậy mọi thứ dường như sẽ đỡ phức tạp hơn trong vài tháng tới.
Trong mọi trường hợp, toàn bộ câu chuyện này là một bài học về sự khiêm tốn. Sẽ không có ai tin điều này, nhưng sau khủng hoảng tài chính năm 2008, các mô hình kinh tế tiêu chuẩn thể hiện khá tốt, và tôi cảm thấy hài lòng khi áp dụng những mô hình đó vào năm 2021.
Nhưng giờ thì tôi nhận ra, rằng khi đối diện với một thế giới mới được hình thành bởi COVID-19, phép ngoại suy kiểu đó không phải là một ván cược an toàn./.
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN]: ECB tăng lãi suất có thể làm tan vỡ đồng EURO, thậm chí cả châu Âu. Tại sao?
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] "Trò chơi khí đốt" của Putin
[ĐỌC CHẬM] 'Made in China 2025' đã giúp các hãng công nghệ, xe điện Trung Quốc phất lên như thế…
Nguồn: New York Times