[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN]: ECB tăng lãi suất có thể làm tan vỡ đồng EURO, thậm chí cả châu Âu. Tại sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Châu Âu đang phải đối mặt với mùa hè đầy rẫy sự bất định. Giờ đây, khi ECB buộc phải nâng lãi suất 0,5% để chống lạm phát, rủi ro từ những khác biệt nội tại giữa các nền kinh tế của khối lại dần hiện hữu.

EU sắp chia tay 'lãi suất âm'. (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Getty Images)
EU sắp chia tay 'lãi suất âm'. (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Getty Images)

Giữa đợt nắng nóng như thiêu đốt vì sóng nhiệt, Đức như 'ngồi trên đống lửa' do lo ngại Nga sẽ cắt giảm hoặc cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt. Khi ấy, không những nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng mà hàng triệu hộ gia đình sẽ không được sưởi ấm trong mùa Đông khắc nghiệt.

Italy - nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) - đang chứng kiến chính phủ liên minh của Thủ tướng Mario Draghi tan rã.

Ở Pháp, vị thế của Tổng thống Emmanuel Macron đang bị suy yếu khi để mất đa số ghế trong Quốc hội.

Trong khi các nền kinh tế lớn của Eurozone đang gặp phải những thách thức nội tại, đồng Euro mới đây đã giảm xuống mức thấp nhất so với USD trong vòng 20 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu được cho là vì Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã bị tụt hậu so với Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc nâng lãi suất, nhưng điều này có thể sẽ không còn kéo dài thêm nữa.

Ngày 21/7, Chủ tịch ECB Christine Lagard đã công bố kế hoạch nâng lãi suất 0,5% - cao hơn nhiều so với dự kiến trước đó. Nếu kế hoạch này được thực hiện, ECB cũng sẽ chấm dứt thời kỳ 'lãi suất âm', với việc lãi suất tiền gửi sẽ tăng từ -0,5% lên 0%.

Bà Lagard cũng nói rằng sẽ cần có thêm các đợt nâng lãi suất trong những tháng tới, mặc dù đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và viễn cảnh rất bất trắc.

Hai vấn đề lớn của ECB

ECB đang đối mặt với 2 vấn đề lớn, theo Paul De Grauwe, nhà kinh tế học am hiểu về đồng Euro.

Thứ nhất, tương tự Fed, ECB cũng phải đối phó với tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong hơn 40 năm.

Thứ hai, đặc thù hơn, là vấn đề của một tổ chức hoạch định chính sách tiền tệ cho 19 quốc gia khác nhau – bất kỳ một đợt nâng lãi suất nào của ECB đều tiềm ẩn rủi ro tăng chi phí vay mượn ở một số nước cao hơn so với các nước còn lại.

Sau đợt nâng lãi suất này, lần đầu tiên kể từ năm 2011, lãi suất đối với trái phiếu 10 năm ở Italy đã tăng lên mức 3,6%. Ngược lại, lãi suất với trái phiếu 10 năm của Đức thay đổi ít hơn, ở mức 1,2%. Khoảng cách 2,4% này sẽ tạo nên sự khác biệt lớn trong khả năng đi vay mượn tiền của một chính phủ.

Lãi suất trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha cao hơn so với Đức và Pháp, gây rắc rối cho ECB (Ảnh: Bloomberg)

Lãi suất trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha cao hơn so với Đức và Pháp, gây rắc rối cho ECB (Ảnh: Bloomberg)

Sự chênh lệch này chẳng khác gì việc mở khoá chiếc hộp Pandora, khi nó có thể gây ra khủng hoảng đồng Euro như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2010 - 2012.

Trong giai đoạn đó, khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) suýt bị chia tách, khi một số nước chìm trong nợ nần phải đối diện với tình trạng tài chính căng thẳng một cách đột ngột do các nhà đầu tư ồ ạt bán trái phiếu.

Cuộc khủng hoảng năm đó thiếu chút nữa khiến Hy Lạp phải từ bỏ đồng Euro, và cuối cùng phải cần tới gói cứu trợ của 5 quốc gia.

“Nếu không muốn có một cuộc khủng hoảng nợ chính phủ thì đừng nên chống lạm phát quá tay," ông De Grauwe nói. “Điều này lý giải vì sao ECB lại tỏ ra hết sức thận trọng khi nâng lãi suất."

Để ngăn chặn vấn đề chênh lệch lãi suất trái phiếu ở các nước, ECB cho ra mắt một công cụ mới vào ngày 21/7, có tên gọi "Transmission Protection Instrument" (tạm dịch: công cụ bảo vệ truyền dẫn).

Cụ thể, công cụ này sẽ cho phép ECB mua các loại trái phiếu đang gặp vấn đề của các nước thuộc khối đồng tiền chung Eurozone “để chống lại những động lực thị trường lệch hướng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng".

Mặc dù chưa công bố chi tiết về kế hoạch này, bà Lagard vẫn nhấn mạnh rằng sẽ không có hạn chế về vốn.

Sẽ có 4 tiêu chí được đặt ra, liên quan tới kinh tế vĩ mô và các chính sách ngân sách của một quốc gia, nhưng cuối cùng việc áp dụng công cụ này hay không vẫn thuộc quyết định của ECB.

Đương nhiên cũng có một số lý do khác khiến cho ECB chờ đợi đến giờ mới nâng lãi suất cho vay, trong khi Fed đã tăng từ tháng 3 và giờ đang sắp sửa tăng thêm 0,75 điểm cơ bản nữa.

'Bom nợ' Italy và thế khó của ECB

Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đứng trước nguy cơ mất đi nguồn cung khí đốt nếu như Nga đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, Trung Quốc – một trong số những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức – đang chịu ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa chống COVID-19.

Chính phủ Italy, trong khi đó, đang ở bờ vực tan rã sau khi Thủ tướng Mario Draghi – cựu Chủ tịch của ECB – tuyên bố từ chức vào ngày 21/7. Không có diễn biến nào trong số này lại là điều kiện thuận lợi để thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chênh lệch lãi suất trái phiếu giữa các nước được cho là an toàn và các nước bị đánh giá là rủi ro không chỉ tạo ra nhiều vấn đề kinh tế mà cả những vấn đề về chính trị và xã hội.

Việc thưởng phạt không cân xứng có thể khiến những quốc gia chịu bất lợi tự hỏi rằng: liệu gắn bó với đồng Euro có đáng để đánh đổi với những rủi ro mà họ không thể kiểm soát không (?!).

Thế nhưng lựa chọn rời khỏi Eurozone có thể đẩy toàn bộ những nỗ lực hướng tới một liên minh gắn bó hơn vào chỗ bị ngờ vực. Có mối lo ngại cho rằng sự vỡ mộng của một quốc gia sẽ gây ra hiệu ứng 'domino'. (Vương quốc Anh, nước duy nhất từng rời khỏi EU, chưa từng chấp nhận đồng tiền chung euro).

Rủi ro càng lớn hơn khi đề cập tới khối nợ của Italy. Giống như Hy Lạp cách đây một thập kỷ, nước này không được để cho lãi suất trái phiếu của họ tăng quá cao. Italy khác Hy Lạp ở chỗ, họ là nền kinh tế lớn thứ 3 trong Eurozone.

Tuy nhiên, bất cứ giải pháp nào cho tình trạng chênh lệch lãi suất trái phiếu cũng sẽ đều kéo theo nhiều vấn đề mới.

Nếu ECB bán trái phiếu của Đức để mua trái phiếu của Italy, đó không phải là cách tăng lãi suất một cách không công bằng ở Đức hay sao (?!). Tốt nhất là làm sao để các quy định công bằng ở mức chấp nhận được với tất cả các bên.

Việc đồng Euro giảm giá 10% so với đồng USD càng khiến mọi chuyện thêm phức tạp.

Thông thường, đồng Euro yếu sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế nhờ xuất khẩu hàng hóa rẻ hơn. Nhưng đồng Euro giảm giá so với đồng tiền của các nước mà EU xuất khẩu sang, như Anh và Trung Quốc, lại không rõ rệt bằng mức giảm so với đồng USD. Đối với đồng yen Nhật, đồng Euro thậm chí còn tăng giá. Điều này tước đi nhiều lợi ích.

Cùng lúc, những vấn đề khác, như dầu và khí được định giá bằng đồng USD giờ trở nên đắt đỏ hơn, gây ra tình trạng lạm phát, lên tới 8,6% trong khối Eurozone vào tháng 6. ECB đặt mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát ở xung quanh mức 2%.

“Phần lớn đều chú ý tới việc đồng Euro mất giá và coi đó là việc tốt đối với châu Âu,” Cedric Gemehl, chuyên gia phân tích châu Âu của hãng phân tích Gavekal Research nhận định.

“Nhưng đây chỉ là làn gió thuận chiều đối với một phần của thị trường xuất khẩu, trong khi châu Âu cũng là một bên nhập khẩu năng lượng lớn, mà phần lớn là thanh toán bằng đồng USD. Bởi vậy việc đồng Euro mất giá đem tới nhiều tác động tiêu cực."

Dữ liệu mà Đức công bố mới đây đã thể hiện rõ vấn đề này. Là một cường quốc xuất khẩu, Đức đã rơi vào chỗ thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ năm 1991 vào tháng 5 vừa qua, khi lượng nhập khẩu vượt qua xuất khẩu.

ECB cũng đã tính tới việc phần lớn tình trạng lạm phát trong khu vực là được nhập khẩu từ bên ngoài thông qua đồng tiền yếu, nhưng nâng lãi suất sẽ chỉ làm suy yếu nhu cầu nội địa. Đây có thể là một vấn đề với các công ty bán hàng trực tiếp như Boozt (Thuỵ Điển), Jumbo BELA (Hy Lạp), vốn có 3/4 lợi nhuận đến từ châu Âu.

Trong khi đồng Euro suy yếu có thể không nâng được cả nền kinh tế của châu Âu, một số công ty có thể hưởng lợi nếu như Mỹ là một thị trường lớn của họ và chi phí năng lượng đầu vào không quá lớn. L’Oréal, hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp, có gần 70% doanh số bán bên ngoài châu Âu, theo dữ liệu của FactSet, trong khi tập đoàn chăm sóc da Beiersdorf của Đức thu được 52% lợi nhuận từ bên ngoài. Các công ty tương tự khác bao gồm Siemens Energy, Puma và Bayer.

Nhìn chung, tác động tới các thị trường do bất ổn ở châu Âu là khá mờ nhạt. Chỉ số Stoxx Europe 600 đã giảm 13% trong năm 2022, thấp hơn mức giảm 16% của chỉ số S&P 500.

Để kể ra một tín hiệu tốt trong tất cả những diễn biến nợ công và đại dịch COVID-19 mà châu Âu phải trải qua, thì đó chính là bộ công cụ chống khủng hoảng của ECB đã tốt hơn trước kia nhiều. Nó giúp cho việc giải quyết các vấn đề thị trường trái phiếu của châu Âu trở nên dễ dàng hơn nhiều.

“Chúng ta đã tiến bộ hơn,” ông De Grauwe nói. “Nhưng tiến bộ mức này liệu có đủ nếu như có một cú sốc thực sự lớn một lần nữa? Và một cú sốc lớn đã đang đến rất gần."

Đưa ra luận điểm cuối cùng, ông De Grauwe giải thích rằng Eurozone đã nhất trí về một liên minh tài chính, mà trong đó các nước phải chấp nhận từ bỏ chút ít chủ quyền của họ đối với chính sách thuế khoá và chi tiêu.

Đó sẽ là một cú sốc thực sự./.

Theo Barron's