[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN]: Đằng sau cuộc 'suy thoái toàn dụng lao động' lạ kỳ của kinh tế Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kể từ Thế chiến II, Mỹ đã trải qua 12 cuộc suy thoái, với điểm chung là sản lượng kinh tế sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Nhưng nay, kinh tế Mỹ đang chứng kiến điều lạ kỳ: 'suy thoái toàn dụng lao động'.
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN]: Cuộc 'suy thoái toàn dụng lao động' lạ kỳ của kinh tế Mỹ (Ảnh minh họa: Wall Street Journal)
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN]: Cuộc 'suy thoái toàn dụng lao động' lạ kỳ của kinh tế Mỹ (Ảnh minh họa: Wall Street Journal)

LTS: Ít tuần trước, cũng tại [ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN], VietTimes đã cung cấp tới độc giả bài dịch "Một cú ‘hạ cánh mềm’ đã nằm ngoài tầm với...".

Bài viết này là cuộc phỏng vấn giữa The Barron’s với nhà kinh tế Lawrence H. Summers (cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ) liên quan tới những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Trong đó, ông Lawrence H. Summers đã chỉ trích cái gọi là 'mục tiêu lạm phát trung bình linh hoạt' (average-inflation targeting framework – viết tắt là: FAIT) mà Fed đã đề ra vào năm 2020.

Một trong những ‘trụ cột’ chính của khung hành động mới này là việc Fed sẽ xem xét trạng thái toàn dụng lao động của nền kinh tế Mỹ (full employment rate) để đưa ra các điều hành chính sách tiền tệ, bao gồm cả việc tăng lãi suất.

Nên biết, kể từ Thế chiến II, nền kinh tế Mỹ đã trải qua 12 cuộc suy thoái. Điểm chung của các cuộc suy thoái này là sản lượng kinh tế sụt giảm đi kèm với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Giờ đây, nền kinh tế Mỹ đang ở trong một trạng thái kỳ lạ, tăng trưởng kinh tế suy giảm nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, hay còn gọi là ‘suy thoái toàn dụng lao động’.

Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm của James Piereson – thành viên cấp cao tại Manhattan Institute – về nội dung này trên tờ Wall Street Journal.

Có phải nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái (!?). GDP Mỹ đã giảm 1,6% trong quý đầu tiên của năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính của Bureau of Economic Analysis. Trong khi đó, Fed Atlanta ước tính rằng, GDP Mỹ sẽ tiếp tục thu hẹp 1,2% trong quý 2/2022.

Nếu những ước tính này là đúng thì nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp trong 2 quý liên tiếp, hay còn gọi là suy thoái kỹ thuật.

Cuộc suy thoái này không giống như các cuộc suy thoái khác. Theo báo cáo về tỷ lệ việc làm gần nhất mà Bộ Lao động Mỹ đưa ra, nước này có thêm 372.000 việc làm mới trong tháng 6/2022, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định 3,6%. Cũng theo báo cáo trên, trong 12 tháng qua, thu nhập theo giờ trung bình ở Mỹ tăng 5,1%, một tín hiệu khác cho thấy thị trường lao động khoẻ mạnh.

Vậy điều gì đã gây ra 'cuộc suy thoái toàn dụng lao động' (!?). Câu trả lời nằm ở các triển vọng dài hạn của lực lượng lao động Mỹ.

Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, mức tăng theo năm cao nhất kể từ thập kỷ 80, và có thêm 6,1 triệu việc làm mới. Nhưng mức tăng này chỉ được xem như là sự phục hồi sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020 khi GDP của Mỹ giảm 3,4% và có khoảng 9 triệu việc làm 'bốc hơi'.

Kết hợp sự thay đổi về GDP trong các năm 2020 và 2021, tốc độ tăng trưởng thường niên trong 2 năm này chỉ ở mức 2%, rất sát với mức 2,3% trong năm 2019, trước khi các lệnh phong tỏa COVID-19 bắt đầu được thực thi.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ đã giảm theo từng thập kỷ kể từ những năm 1960, thời điểm mà GDP thực hàng năm tăng trưởng trung bình 4,5% trước khi giảm xuống còn 3,3% vào những năm 1970, 3,1% trong những năm 1980 và 3,2% trong những năm 1990.

Trong giai đoạn 2009 - 2010, tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm xuống còn 1,9%/năm, một phần là do suy thoái sâu và khủng hoảng tài chính năm 2008, và lên 2,2% trong giai đoạn 2010-2019 khi nền kinh tế dần dần hồi phục sau khủng hoảng.

Tốc độ tăng trưởng khoảng 2%/năm, tức chưa bằng một nửa mức của những năm 1960, dường như là một “bình thường mới” đối với nền kinh tế Mỹ. Mặc dù thị trường lao động vẫn dồi dào, nhưng Mỹ vẫn bị mắc kẹt trong vòng xoáy đà tăng trưởng thấp.

Có phải suy giảm dân số khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại?

Mỹ đã bắt đầu báo cáo về lực lượng lao động hàng tháng kể từ năm 1948. Đây là một thước đo toàn diện về lực lượng lao động, trong đó bao gồm tất cả những người trên 16 tuổi, dù là đang có việc làm hoặc đang kiếm việc làm. Lực lượng lao động Mỹ đã tăng trưởng nhanh, từ 61,6 triệu trong năm 1950 lên 163 triệu trong năm 2021, nhưng đà tăng trưởng đã chậm lại đáng kể tính từ cuối những năm 1990.

Trong khoảng những năm 1950, lực lượng lao động Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 1,1%/năm, tức mỗi năm thêm khoảng 600.000 – 1 triệu lao động. Sau đó, tốc độ tăng trưởng đã tăng tốc trong những năm 1950, với tốc độ trung bình 1,7%/năm, thêm khoảng 13 triệu lao động mới, tăng gần 20% trong thập kỷ này. Tốc độ tăng trưởng thường niên của lực lượng lao động đã đạt đỉnh trong những năm 1970, với mức tăng 2,7%/năm, khi những đứa trẻ trong giai đoạn bùng nổ dân số gia nhập lực lượng lao động, thêm nữa là tỷ lệ phụ nữ gia nhập lực lượng lao động cao. Trong thập kỷ đó, lực lượng lao động ở Mỹ đã tăng thêm 24 triệu người, tương đương mức tăng 30%.

Lực lượng lao động tăng trưởng với tốc độ thấp hơn trong vòng 2 thập kỷ tiếp theo, cụ thể là 1,8% trong những năm 1980 và 1,3% trong những năm 1990, do tỷ lệ sinh đẻ thấp trong khoảng thập kỷ 60 – 70. Nhìn chung, lực lượng lao động tăng thêm 18 triệu người trong khoảng 1980-1989, và gần 16 triệu người trong giai đoạn 1990-1999. Vào thời điểm đó, tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động đã giảm đột biến, xuống mức trung bình 0,9% trong giai đoạn 200-2009, tương đương 13 triệu lao động mới, và 0,6%/năm trong khoảng 2010-2019, tương đương 11,3 triệu lao động mới.

Như vậy, trong 2 thập kỷ qua, lực lượng lao động Mỹ chỉ tăng trưởng với tốc độ chưa bằng một nửa so với thập kỷ 80 và chưa bằng 1/3 so với thập kỷ 70, đây là một nguyên nhân quan trọng khiến đà tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cũng suy giảm trong những thập kỷ gần đây, bởi vậy mà thêm phần thách thức từ tăng trưởng dân số chậm. Tỷ lệ người lớn tham gia lao động hoặc đang tích cực tìm việc làm tăng từ 59% trong năm 1965 lên 67% cuối thập kỷ 90, tiếp theo đó là giảm xuống 62% trong năm 2022. Lực lượng lao động Mỹ hiện ở mức 163 triệu người, giảm 4%, tương đương 6 triệu việc làm.

Một phần trong sự suy giảm này phản ánh lại dân số già của Mỹ: Những người thuộc thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh giờ đã đến tuổi nghỉ hưu. Thêm nữa, tỷ lệ đàn ông tham gia lực lượng lao động đã giảm từ 88% trong năm 1950 xuống 70% trong thời điểm hiện tại. Do đàn ông chiếm 54% lực lượng lao động Mỹ, nên mức giảm 18% tương đương với 9 hoặc 10 triệu việc làm trong năm 2022.

Mặt khác, phụ nữ tham gia lực lượng lao động lại tăng từ mức 35% trong thập kỷ 50 lên 60% trong cuối thập kỷ 90. Mức tăng này rõ ràng là đã giúp đẩy mạnh đà tăng trưởng trong suốt khoảng thời gian từ thập kỷ 60 đến thập kỷ 90. Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động đã giảm nhẹ trong những năm gần đây, xuống còn 58%, bởi vậy cũng là một yếu tố tác động tới đà tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Các nhân tố này tác động tới sự suy giảm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong dài hạn.

Đà tăng trưởng lực lượng lao động Mỹ đã dần dần chậm lại trong vài thập kỷ qua, rõ ràng gây tác động tới đà tăng trưởng của nền kinh tế nước này. Tỷ lệ thất nghiệp thấp ngày nay đã che đậy đi mức giảm tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong những năm gần đây, do số người “bỏ việc” không được tính trong các báo cáo về thất nghiệp. Nếu con số này được thêm vào, như một số nhà phân tích đề xuất, thì tỷ lệ thất nghiệp thực chất sẽ không chỉ là 3,6% mà phải là hơn 9 hoặc 10%.

Không có giải pháp rõ ràng cho vấn đề này. Lương tăng đáng lẽ ra sẽ thu hút thêm nhân công vào thị trường lao động. Chính sách nhập cư hợp lý có thể mang thêm nhiều lao động có kỹ năng từ nước ngoài tới Mỹ. Các công nghệ thông tin mới cũng có thể giúp cải thiện sản lượng lao động.

Thiếu đi các giải pháp thực tế, người dân Mỹ có thể phải tự điều chỉnh để thích nghi với một đà tăng trưởng kinh tế chậm trong tương lai, tất cả điều đó đều ảnh hưởng tới sức mạnh của Mỹ trên trường quốc tế và xung đột chính trị ở trong nước./.

Nguồn: Wall Street Journal