Trong bối cảnh một cuộc chiến nóng bỏng đang diễn ra ở châu Âu và một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc, phần còn lại của thế giới đang đứng trước sức ép chọn phe. Các nhà lãnh đạo thế giới đang đặt ra những ưu tiên kinh tế mới do phải đương đầu với tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu – từ khí đốt cho tới chip bán dẫn – và sử dụng những hàng hóa mà họ có thể kiểm soát được để làm đòn bẩy.
Tất cả những sự kiện trên đánh dấu một bước chuyển dịch khỏi một kỷ nguyên mà trong đó các mối quan hệ trên toàn cầu trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết, một kỷ nguyên mà các doanh nghiệp lớn tin rằng họ đã thành công trong việc tạo ra thế giới phẳng. Nhưng giờ, kỷ nguyên đó có lẽ đã chấm dứt.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức mới đây, các diễn giả chủ yếu tập trung vào những nguy cơ địa chính trị đang trỗi dậy này. Một số khác lại tập trung vào các loại hàng hóa quan trọng hay các thị trường – như sự tập trung của toàn thế giới vào vấn đề an ninh năng lượng kể từ sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, hay chiến dịch của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến. Ngoài ra còn có nguy cơ xảy ra xung đột ở Đài Loan.
Nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên bất ổn (Ảnh: Bloomberg) |
“Chúng ta đang sống trong một thế giới bị phân mảnh, bao gồm bất ổn tài chính, bởi vậy có một câu hỏi rất rõ ràng trong tâm trí mọi người là: Nên đầu tư vào đâu, như thế nào, trong một thế giới đa cực,” Karen Harris, giám đốc quản lý của Macro Trends Group tại công ty tư vấn Bain & Co., nhận định.
Thế giới trong năm 2023 được giới quan sát nhận định là sẽ tồn tại một số điểm nóng có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới nền kinh tế toàn cầu.
Năng lượng bị vũ khí hóa
Năng lượng được xem là tâm điểm của cuộc chiến kinh tế mà Mỹ và các đồng minh của họ nhằm vào Nga. Cả hai bên đều tìm cách vũ khí hóa năng lượng, bởi vậy mà đây là thứ hàng hóa thiết yếu có khả năng sẽ gây thêm bất ổn trong năm 2023.
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ không bán dầu cho bất cứ quốc gia nào tham gia áp mức giá trần mà Mỹ và các đồng minh thuộc nhóm G7 của họ cố gắng áp đặt. Ở hiện tại, giá mỗi thùng dầu bị hạn chế ở mức dưới 60 USD. Các quy định của G7 đã khiến cho giá dầu thô xuất khẩu của Nga giảm xuống dưới ngưỡng đó – vắt kiệt khả năng rót tiền cho cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, Nga vẫn có nhiều khách hàng lớn, đáng chú ý nhất là Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cũng nắm trong tay lựa chọn ngừng nguồn cung đồng loạt, có thể làm chao đảo các thị trường dầu – và gây ra những đợt tăng giá đột biến như từng thấy trong năm ngoái, làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát cao.
Lượng xuất khẩu dầu thô trung bình của Nga tới các khu vực khác (Ảnh: Bloomberg) |
Vấn đề không chỉ là dầu thô. Những hạn chế được áp đặt với các sản phẩm dầu tinh của Nga, như diesel, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng tới, và một số quan chức phương Tây lo ngại rằng chúng có thể gây thêm tình trạng khan hiếm.
Thêm vào đó, các đường ống dẫn khí tự nhiên của Nga bị đóng cửa cũng để lại một lỗ hổng lớn trong nguồn cung toàn cầu. Tính đến thời điểm này, một mùa Đông ấm áp ở châu Âu đã giúp cho tình trạng thiếu hụt năng lượng đỡ trầm trọng hơn, làm giảm giá khí đốt và năng lượng. Nhưng trong năm nay, rất có khả năng là nhiều quốc gia vẫn phải đổ xô đi tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế, như khí hóa lỏng.
Cuộc đấu chip bán dẫn
Lĩnh vực chip bán dẫn, linh kiện quan trọng trong mọi thứ từ xe điện cho tới tên lửa đạn đạo hay công nghệ trí tuệ nhân tạo, ngày càng có xu hướng trở thành một trong những “chiến trường” căng thẳng của nền kinh tế toàn cầu.
Sản xuất chip bán dẫn tại một nhà máy ở Malta, New York (Ảnh: Bloomberg) |
Trong năm 2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố hàng loạt công cụ - bao gồm kiểm soát xuất khẩu – nhằm ngăn chặn Trung Quốc mua hay chế tạo ra những con chip tối tân nhất. Washington cũng cho ra mắt chương trình hỗ trợ trị giá 52 tỉ USD dành cho ngành sản xuất chip trong nước, để chuyển dây chuyền sản xuất từ nước ngoài về Mỹ.
Mỹ nói rằng những biện pháp hạn chế của họ là nhằm vào khả năng quân sự của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh nói chúng là một phần trong nỗ lực kìm hãm đà tiến của nền kinh tế nước họ. Dù nguyên nhân là gì, các đồng minh của Mỹ sẽ cần phải chung tay thì các biện pháp này mới có hiệu quả. Hà Lan và Nhật Bản, những nơi có các công ty chip tiên tiến bậc nhất, đã tham gia.
Thị phần của Mỹ trong lĩnh vực thiết kế chip được dự báo sẽ thấp hơn Trung Quốc vào năm 2030 (Ảnh: Bloomberg) |
Tuy nhiên, việc tham gia với Mỹ sẽ đi kèm cái giá, đó là nhiều công ty sản xuất chip hoặc sản xuất ra máy móc chế tạo chip có thể mất đi thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang đổ nguồn lực lớn vào ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà – mặc dù khó có thể sao chép được các công nghệ tiên tiến – và có thể tìm cách trả đũa nếu như Mỹ và các đồng minh tiếp tục siết chặt biện pháp.
Xung đột ở Đài Loan?
Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ là Đài Loan.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và cần phải được thống nhất, dù là bằng vũ lực. Lầu Năm Góc mới đây nói rằng họ không nhận thấy bất cứ tín hiệu nào về một cuộc tấn công. Nhưng họ dự báo sẽ có thêm những hành vi hung hăng vốn đã trở thành bình thường mới kể từ sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thực hiện chuyến thăm đảo Đài Loan trong tháng 8, khiến Bắc Kinh tức giận.
Tổng thống Joe Biden từng hứa hẹn sẽ điều động lực lượng quân sự Mỹ trong trường hợp đảo Đài Loan bị tấn công, trong khi từ chối làm vậy ở Ukraine.
Một cuộc tập trận được tổ chức trong tháng 7 ở Đài Loan (Ảnh: Bloomberg) |
Ngoài những nguy cơ hiện hữu về một cuộc xung đột trực diện giữa các siêu cường, còn có một phương diện xung đột về kinh tế. Là nơi có nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, TSMC, Đài Loan đóng một vai trò quan trọng đối với đủ kiểu chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay cả một sự kiện phi quân sự nhỏ xảy ra, như bị Trung Quốc phong tỏa, cũng có thể gây ra hiệu ứng domino khổng lồ.
Một động thái Trung Quốc có thể đưa ra nhằm vào Đài Loan, và khả năng phương Tây đáp trả, “là một sự kiện mà mọi người đều đang chuẩn bị sẵn tinh thần,” Tim Adams, giám đốc điều hành của Viện Tài chính Quốc tế, nói. “Mọi công ty đang cố gắng hình dung xem các lệnh trừng phạt đó sẽ như thế nào, và ai sẽ là đồng minh của Mỹ.”
“Friendshoring” và cuộc đua trợ cấp
Chính phủ các nước ngày càng trở nên sẵn lòng sử dụng nền kinh tế của họ như công cụ. Về mặt tấn công, họ có thể ngăn chặn các đối thủ tiếp cận hàng hóa hay thị trường của nước họ. Về phòng thủ, họ chỉ cho phép các nước đồng minh mà họ tin tưởng phân phối nguồn cung chiến lược.
Tất cả chiến lược này được gói gọn trong cụm từ Friendshoring, hay nói ngắn gọn là chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng về các nước thân thiện.
Tuy nhiên, ngay cả những người bạn cũng có thể gục ngã, trong khi môi trường thân thiện nhất của chuỗi cung ứng vẫn là ở trong nước. Đó là lý do vì sao mà nhiều quốc gia đang tăng cường trợ cấp cho các hãng sản xuất trong nước của mình – một sự chuyển dịch khỏi thương mại tự do vốn đang gây ra nhiều bất đồng.
Chính quyền Tổng thống Biden đã chi hơn 50 tỉ USD để hỗ trợ các hãng sản xuất chip trong nước, và cũng hỗ trợ cả ngành công nghiệp xe điện như một phần trong kế hoạch chống biến đổi khí hậu trị giá 437 tỉ USD. Châu Âu đã phản ứng một cách phẫn nộ, cáo buộc Mỹ có hoạt động thương mại không công bằng khi khuyến khích các công ty đến Mỹ làm ăn, và cảnh báo rằng họ cũng sẽ đưa ra những gói hỗ trợ tài chính tương tự.
Một cuộc đua trợ cấp trên phạm vi toàn cầu có thể xảy ra, và bên thắng là những quốc gia có hầu bao lớn nhất, bên thua là các nền kinh tế đang phát triển vốn đang phải gánh những khoản nợ tăng dần.
Sự thống trị của đồng USD
Ngày càng có thêm nhiều quốc gia – không có nước nào là địch thủ của Mỹ - đang tìm cách làm ăn mà không sử dụng đồng USD, bởi họ cho rằng Mỹ đang biến đồng tiền của mình thành một công cụ để thực hiện các mục tiêu chính sách ngoại giao.
Chính quyền Biden đã đóng băng khoảng 7 tỉ USD tiền dự trữ của Ngân hàng trung ương Afghanistan, để tránh cho tiền rơi vào tay chính quyền Taliban. Mỹ và EU cũng đang tìm cách để thu giữ một cách hợp pháp khoảng nửa nghìn tỉ USD dự trữ ngoại hối của Nga và sử dụng số tiền đó cho công cuộc tái thiết Ukraine.
Đồng USD vẫn đang thống trị (Ảnh: Bloomberg) |
Chắc chắn sẽ phải mất nhiều năm mới có thể thay thế vị thế tài sản dự trữ thế giới của đồng USD, chưa kể tới khả năng điều đó sẽ không xảy ra. Vị thế nơi đầu tư an toàn của đồng bạc xanh đã được chứng minh trong năm ngoái, khi nó tăng giá mạnh trong những tháng bất ổn do cuộc chiến ở Ukraine. Nó xuất hiện ở mọi nơi, từ ngân hàng trung ương cho tới trao đổi hàng hóa, và rõ ràng là không có sự thay thế.
Tuy nhiên, một số nước như Trung Quốc, Nga và Iran – thêm Ấn Độ và các nước lớn xuất khẩu năng lượng ở Vùng Vịnh – vẫn đang tìm cách thiết lập quan hệ thương mại mà không dùng đồng USD. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Arab Saudi trong tháng trước, và hai bên đã thảo luận về nhiều hợp đồng năng lượng chi trả bằng đồng NDT.
Mỹ và các đồng minh phải đối diện với nguy cơ 2 mặt. Thứ vũ khí cấm vận vốn dựa vào sự thống trị của đồng USD của họ có thể sẽ mất đi đôi chút sức mạnh. Và họ có thể đối diện với lạm phát cao hơn, khi các thỏa thuận thương mại giữa các nền kinh tế không phải phương Tây khiến cho nhiều loại hàng hóa quan trọng biến mất khỏi thị trường, khiến các bên mua khác phải chịu mức giá cao hơn.
“Đồng USD là thứ bùa ma thuật ám lên tất cả chúng ta,” George Yeo, cựu Ngoại trưởng Singapore, phát biểu tại WEF. “Nếu các bạn vũ khí hóa hệ thống tài chính quốc tế, những hệ thống khác sẽ tăng trưởng để thay thế nó.”
Suy giảm dân số - 'cơn gió ngược' của nền kinh tế Trung Quốc
Suy giảm dân số - 'cơn gió ngược' của nền kinh tế Trung Quốc
18/01/2023
Toàn cầu hóa 'thay hình đổi dạng' giữa cuộc đấu của các siêu cường
Kinh tế toàn cầu bấp bênh giữa suy thoái và 'hạ cánh mềm'
Theo Bloomberg