Dịch COVID-19 ở Indonesia: số ca nhiễm trong ngày đạt kỷ lục, số bệnh nhân đã vượt mốc 2 triệu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lần đầu tiên, số ca bệnh COVID-19 ở Indonesia đã vượt mốc 2 triệu với số ca nhiễm mới kỷ lục do biến chủng Delta. Điều nguy hiểm là nhiều nhân viên y tế vẫn nhiễm bệnh dù đã tiêm đủ liều vaccine.
Số người bị nhiễm COVID-19 ở Indonesia đã vượt mốc 2 triệu, đứng đầu khu vực Đông Nam Á (Ảnh: CNA).
Số người bị nhiễm COVID-19 ở Indonesia đã vượt mốc 2 triệu, đứng đầu khu vực Đông Nam Á (Ảnh: CNA).

Theo hãng tin CNA ngày 22/6, tình hình dịch COVID-19 ở Indonesia đang diễn biến rất phức tạp. Theo số liệu của cơ quan Y tế nước này, ngày 21/6 đã ghi nhận thêm 14.536 ca bệnh mới, lập kỷ lục về số người nhiễm bệnh trong một ngày, đưa tổng số người bị COVID-19 ở Indonesia lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu. Thủ đô Jakarta ngày 21/6 có hơn 5.000 ca bệnh mới, 90% số giường bệnh trong các bệnh viện đã kín chỗ, chính quyền đang gấp rút cung ứng thêm giường bệnh.

CNA ngày 22/6 dẫn số liệu của chính phủ Indonesia cho biết, 14.536 ca lây nhiễm mới trong ngày 21 đã đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này lên 2.004.445 người; ngày 21/6 có thêm 294 người tử vong, đưa tổng số người chết do COVID-19 lên 54.496 người, 147.728 người hiện đang được cách ly điều trị.

Indonesia có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào tháng 3/2020, đến ngày 30/1/2021 thì dịch đạt đỉnh, khi đó số người nhiễm mới trong ngày là 14.518. Tình hình dịch ở Jakarta vẫn rất phức tạp. Ngày 21/6 có thêm 5.014 ca nhiễm mới, đưa tổng số người bị bệnh lên 479.043; ngày 21/6 thủ đô có thêm 71 người tử vong, đưa tổng số ca tử vong ở đây lên 7.976 và 32.060 người đang phải cách ly điều trị.

Biến chủng Delta của SARS-CoV-2 đang hoành hành ở Indonesia và 92 quốc gia trên thế giới (Ảnh: Deutsche Welle).

Biến chủng Delta của SARS-CoV-2 đang hoành hành ở Indonesia và 92 quốc gia trên thế giới (Ảnh: Deutsche Welle).

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sarkin ngày 21/6 thông báo: cả thành phố Jakarta có 37.456 giường bệnh, trong đó giành 17.752 giường để điều trị bệnh nhân COVID-19, hiện hơn 90% đã lấp đầy; chính phủ sẽ huy động thêm số giường. chính quyền thành phố cũng cho biết sẽ mở thêm các khu cách ly và đặt thêm 2.500 giường điều trị người bị bệnh COVID-19.

Chính phủ Indonesia cũng quyết định: kể từ ngày 22/6 sẽ tăng cường quản chế ở Jakarta trong vòng 2 tuần, hạn chế số lượng người đến các công sở làm việc, thực khách các nhà hàng quán ăn và khách nua tại cách thương trường không quá 1/4 sức chứa.

Trong khi đó, đội ngũ nhân viên y tế Indonesia đang bị SARS-CoV-2 tấn công dữ dội. Theo CNN ngày 18/6, các quan chức y tế Indonesia thông báo dù đã được tiêm đầy đủ vaccine COVID-19 nhưng hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế nước này vẫn bị nhiễm virus. Mọi người ngày càng lo ngại về hiệu quả của vaccine COVID-19 đối với chủng virrus đột biến Delta dễ lây lan hơn.

Theo Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI), các nhân viên y tế được chỉ định là nhóm ưu tiên là những người đầu tiên được tiêm vaccine khi họ bắt đầu tiêm chủng vào tháng 1/2021 và hầu như tất cả họ đều đã được tiêm vaccine.

Theo dữ liệu từ tổ chức Sáng kiến ​​dữ liệu Lapor, mặc dù số lượng nhân viên y tế Indonesia tử vong vì SARS-CoV-2 đã giảm nhanh từ 158 người trong tháng 1/2021 xuống còn 13 người trong tháng 5, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng tình hình điều trị y tế trong các bệnh viện ở Java vẫn rất đáng lo ngại.

Hơn 350 nhân viên y tế Indonesia đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 nhưng vẫn bị nhiễm SARS-CoV-2 (Ảnh: CNA).

Hơn 350 nhân viên y tế Indonesia đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 nhưng vẫn bị nhiễm SARS-CoV-2 (Ảnh: CNA).

“Dữ liệu cho thấy loại vi rút biến thể Delta (Ấn Độ) đã xuất hiện ở quận Kudus ở miền trung Java, Indonesia, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ lây nhiễm cao hơn trước. Mặc dù hầu hết các nhân viên y tế ở Indonesia đều đã được tiêm vaccine COVID-19, nhưng chúng tôi vẫn không rõ nó có hiệu quả như thế nào đối với biến thể Delta” - Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith ở Australia, cho biết.

Quận Kudus có khoảng 5.000 nhân viên y tế, họ đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch do biến thể Delta dễ lây lan hơn hiện đã chiếm hơn 90% số bệnh nhân COVID-19.

Nadia, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Indonesia cho biết, đã có một đợt bùng phát dịch mới trong các nhân viên y tế trong vài tuần qua nhưng không có ai tử vong. Hầu hết những người bị nhiễm virus mới đều có triệu chứng khá nhẹ.

Badai Ismoyo, người đứng đầu Văn phòng Y tế quận Kudus, cho biết hầu hết các nhân viên không có triệu chứng đều tự cách ly tại nhà, nhưng hàng chục người trong số họ phải nhập viện do sốt cao và giảm độ bão hòa oxy trong máu.

Vaccine Astra Zeneca và Pfizer/Biontech được cho là có tác dụng ngăn biến chủng Delta khiến người bệnh không nặng thêm và tử vong (Ảnh: Reuters).

Vaccine Astra Zeneca và Pfizer/Biontech được cho là có tác dụng ngăn biến chủng Delta khiến người bệnh không nặng thêm và tử vong (Ảnh: Reuters).

Lenny Ekawati của tổ chức dữ liệu Lapor cho biết nhiều người đã xuất hiện tâm lý mệt mỏi sau khi trải qua dịch bệnh trong suốt một thời gian dài và tâm lý cảnh giác của họ đối với COVID-19 đã giảm xuống rất nhiều sau khi được tiêm phòng.

Tại thủ đô Jakarta, Tiến sĩ Prijo Sidipratomo, một bác sĩ Khoa X quang, nói với Reuters rằng trong tháng qua, ông biết rằng ít nhất 6 bác sĩ đã phải điều trị COVID-19 dù đã được tiêm vaccine, trong đó có một người phải vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Ông nói: “Điều này khiến tôi bị sốc. Có vẻ như chúng ta không thể chỉ dựa vào việc phòng vệ bằng vaccine. Mọi người cần phải đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, chẳng hạn như đeo khẩu trang”.

Chỉ mấy tuần sau ngày lễ Hari Raya của người Hồi giáo Indonesia, số ca mắc bệnh ở Indonesia đã tăng vọt. Hôm thứ Hai (21/6), số ca mắc hàng ngày là là 14.518, mức cao kỷ lục mới.

Indonesia đang dốc hết sức ứng phó với một làn sóng bùng phát dịch mới. Số ca nhiễm hiện tại đã vượt quá 2 triệu người, số người chết vượt quá 54.000 người và số nhân viên y tế tử vong là 946 người. Trong báo cáo mới nhất, WHO đang hối thúc Indonesia phải tăng cường các biện pháp cách ly.

Liên quan đến biến chủng Delta, theo trang tin Đa Chiều, ngày 21/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức họp báo thường kỳ về COVID-19. Bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật dự án khẩn cấp y tế của WHO cho biết, chủng đột biến Delta hiện đã lây lan sang 92 quốc gia trên thế giới.

Bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật dự án khẩn cấp y tế của WHO: chủng đột biến Delta hiện đã lây lan sang 92 quốc gia khắp thế giới (Ảnh: WHO).

Bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật dự án khẩn cấp y tế của WHO: chủng đột biến Delta hiện đã lây lan sang 92 quốc gia khắp thế giới (Ảnh: WHO).

Do khả năng lây lan mạnh hơn, chủng đột biến này đang lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới và WHO lo ngại về điều này. Hiện chưa có dữ liệu chính xác về mức độ nghiêm trọng và khả năng gây chết người của biến thể Delta, nhưng vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả, giúp ngăn ngừa bệnh nặng thêm và tử vong.

Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO cho biết trong một cuộc họp báo ngày 18/6 rằng chủng đột biến Delta lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ tháng 10/2020 có khả năng lây nhiễm mạnh hơn các biến thể khác và đã trở thành biến chủng virus chính của đại dịch COVID-19.