WHO cảnh báo: biến chủng Delta nguy hiểm đang trở thành virus chính gây COVID-19 trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà khoa học chính của WHO ngày 18/6 nói biến chủng Delta lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ tháng 10/2020 lây lan mạnh hơn các biến thể khác, hiện đã trở thành chủng virus chính gây ra dịch COVID-19 toàn cầu.
Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới,tuyên bố biến chủng Delta lây lan mạnh hiện đã trở thành chủng virus chính gây dịch COVID-19 (Ảnh: Sohu).
Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới,tuyên bố biến chủng Delta lây lan mạnh hiện đã trở thành chủng virus chính gây dịch COVID-19 (Ảnh: Sohu).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 20/6, kênh truyền hình Mỹ CNBC ngày 18/6 đưa tin bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Geneva: virus đột biến Delta đã "tăng mạnh khả năng lây nhiễm".

Bà Swaminathan nói rằng sự lây lan của các chủng biến thể đã dẫn đến những thay đổi liên tục trong tình hình dịch bệnh toàn cầu. Các nhà khoa học cần thêm thông tin về biến thể Delta, bao gồm cả tác động của nó đối với hiệu quả của vaccine. WHO cũng đang theo dõi chặt chẽ xem có bao nhiêu người đã bị nhiễm bệnh, bao nhiêu người trong số họ phải nhập viện và bị nặng.

Tin cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng lây nhiễm của biến chủng Delta cao hơn 60% so với chủng đột biến Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, mà Alpha trước đó đã cho thấy có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng SARS-CoV-2 xuất hiện ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Ngoài ra, có thông tin cho thấy biến thể Delta gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, nhưng vẫn cần các nghiên cứu thêm để xác nhận ý kiến này. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Delta có thể gây ra các triệu chứng khác hẳn các biến thể khác.

Đột biến chủng Delta của SARS-CoV-2 hiện đã lây lan ra hơn 80 quốc gia trên thế giới, trở thành virus chính gây dịch COVID-19 (Ảnh: Đa Chiều).

Đột biến chủng Delta của SARS-CoV-2 hiện đã lây lan ra hơn 80 quốc gia trên thế giới, trở thành virus chính gây dịch COVID-19 (Ảnh: Đa Chiều).

CNBC chỉ ra rằng WHO đã tuyên bố vào ngày 16/6, biến thể Delta đã lây lan đến hơn 80 quốc gia và vẫn đang tiếp tục biến đổi. Khi mà một số quốc gia đang dần bãi bỏ các biện pháp giãn cách xã hội sau khi tiêm chủng và cố gắng trở lại cuộc sống bình thường, khả năng lây truyền cao của virus đột biến Delta đã phủ bóng đen lên xu hướng này:

Vương quốc Anh: 99% các ca nhiễm mới trong tuần qua bị nhiễm chủng Delta

Vào ngày 18/6 theo giờ địa phương, Cơ quan Y tế Công cộng của Anh đã đưa ra một báo cáo cho biết kể từ ngày 11/6 đến nay, số ca bị nhiễm chủng Delta đã tăng 33.630 trường hợp. Theo dữ liệu giải trình tự và kiểu gene mới nhất, đã có 99% số trường hợp mới nhiễm ở Vương quốc Anh trong tuần qua được xác nhận đã bị nhiễm chủng Delta. Nếu tính về tổng số bệnh nhân COVID-19 từ trước tới nay thì số nhiễm biến chủng Delta là hơn 60%.

Nga: tìm thấy chủng Delta trong cơ thể 89,3% bệnh nhân COVID-19 ở Moscow

Ngày 19/6, Nga công bố cả nước ghi nhận thêm 17.906 ca mắc, riêng Moscow là 9.120, tăng 30% so với ngày hôm trước.

Thày thuốc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện ở Moscow (Ảnh: AP).

Thày thuốc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện ở Moscow (Ảnh: AP).

Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin hôm 18/6, cho biết 89,3% bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 ở Moscow có virus biến chủng Delta được tìm thấy trong cơ thể. Ông nói rằng mức độ miễn dịch quần thể (hay cộng đồng) ở Moscow đã vượt quá 60%, nhưng để có hiệu quả chống lại chủng Delta, mức kháng thể trong cơ thể cần phải cao hơn. Theo tiêu chuẩn này, mới chỉ có khoảng 25% cư dân có kháng thể.

Điều đáng nói là người dân Nga không hào hứng với việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đến nay cả nước mới có 9.9% dân số đạt “fully vaccinated” (tiêm chủng đủ liều), trong ở Mỹ tỷ lệ này đã đạt 44%.

Đức: chủng đột biến Delta sẽ trở thành chủng virrus chính ở Đức chậm nhất là vào mùa thu

Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang Đức Jens Spahn và ông Lothar Wieler, Giám đốc Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Đức Robert Koch Institute, ngày 18/6 đã tổ chức một cuộc họp báo chung để cảnh báo về khả năng lây lan chủng đột biến Delta, kêu gọi dân chúng tiếp tục cảnh giác.

Giám đốc cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Đức Lothar Wieler cảnh báo tỷ lệ người nhiễm chủng Delta ở Đức đang tăng nhanh (Ảnh: AP).

Giám đốc cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Đức Lothar Wieler cảnh báo tỷ lệ người nhiễm chủng Delta ở Đức đang tăng nhanh (Ảnh: AP).

Ông Lothar Wieler chỉ ra rằng chủng đột biến Delta sẽ trở thành chủng virus chính ở Đức chậm nhất vào mùa thu này. "Chúng ta rất vui và hài lòng với những con số hiện tại, nhưng dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Đức không thể hài lòng về những kết quả hiện có và cần phải tiếp tục thận trọng, từng bước nới lỏng các biện pháp chống dịch". Hiện tỉ lệ người bệnh COVID-19 ở Đức nhiễm chủng Delta là 6% và đang gia tăng rất nhanh.

Mỹ: Chủng Delta có thể gây ra một đợt bùng phát mới vào mùa thu

Theo CNN ngày 14/6, một nghiên cứu từ Scotland cho thấy tỷ lệ nhập viện của những bệnh nhân nhiễm chủng Delta Ấn Độ cao gấp đôi so với chủng Alpha ở Anh.

Với tỷ lệ nhập viện cao và tính chất lây nhiễm cao của chủng Delta, các dữ liệu dịch bệnh khác nhau ở Mỹ gần đây cho thấy xu hướng dịch bệnh tăng trở lại trong thời gian gần đây. Các chuyên gia bày tỏ lo ngại về điều này và cho rằng điều này có thể dẫn đến một đợt bùng phát mới dịch COVID-19 ở Mỹ vào mùa thu. Hiện nay, 10% số bệnh nhân mới bị nhiễm biến chủng Delta trong khi tuần trước tỷ lệ này mới là 6%.

Hãng tin Reuters hôm 19/6 đăng bài cảnh báo của nhà khoa học WHO

Hãng tin Reuters hôm 19/6 đăng bài cảnh báo của nhà khoa học WHO

Trung Quốc: đợt dịch này ở Quảng Châu được xác nhận là do biến chủng Delta gây ra

Tại cuộc họp báo của Cơ chế chung ngăn ngừa và kiểm soát dịch của Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 11/6, ông Phùng Tử Kiện, nghiên cứu viên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, đã chỉ ra rằng đơt dịch ở Quảng Châu hiện nay là do chủng đột biến Delta Ấn Độ gây nên. Dữ liệu nghiên cứu hiện có cho thấy khả năng lây truyền của chủng đột biến này là mạnh nhất trong số các chủng SARS-CoV-2 đột biến đã được xác định cho đến nay. Khả năng lây truyền cao hơn 100% so với các chủng cũ trong quá khứ và cao hơn biến thể Alpha đầu tiên được lưu hành ở Anh hơn 40%.

Từ ngày 21/5 đến ngày 18/6, thành phố Quảng Châu đã ghi nhận tổng cộng 173 ca lây nhiễm trong nước. Ngoài ra, theo tin tức từ Ủy ban Y tế và sức khỏe thành phố Thâm Quyến ngày 19/6, trong ngày 18/6, Thâm Quyến có thêm 2 trường hợp mới được ghi nhận, đều là nhân viên sân bay quốc tế Bảo An, Thâm Quyến, cả hai đều nhiễm chủng chủng đột biến Delta.

Theo Sohu ngày 20/6, báo cáo của Chính quyền đặc khu hành chính Ma Cao ngày 19/6, kết quả xét nghiệm sơ bộ của ca nhiễm COVID-19 thứ 53 ở Ma Cao cho thấy người bệnh bị nhiễm biến chủng Delta. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nam Ninh, Quảng Tây ngày 11/6 báo cáo sau khi giải trình tự gene của người nhập cảnh từ Indonesia, đã xác nhận người này bị nhiễm biến chủng Delta mới.

Astra Zeneka là một trong hai loại vaccine được cho là có hiệu quả tốt đối với biến chủng Delta của SARS-CoV-2 (Ảnh: Reuters).

Astra Zeneka là một trong hai loại vaccine được cho là có hiệu quả tốt đối với biến chủng Delta của SARS-CoV-2 (Ảnh: Reuters).

Nghiên cứu của The Lancet: Hai loại vaccine có hiệu quả chống lại SARS-CoV-2 biến thể Delta

Các quan chức y tế công cộng của Anh mới đây đã tuyên bố rằng họ cho rằng vaccine COVID-19 mới có thể cung cấp sự bảo vệ quan trọng chống lại biến thể Delta mới.

Trong hai bài báo được xuất bản trước đây, các nhà nghiên cứu ở Anh và Scotland nhận thấy rằng mặc dù hiệu quả của vaccine COVID-19 đối với biến thể Delta bị kém hơn so với các biến thể cũ, nhưng vaccine này đã ngăn chặn hiệu quả việc bệnh chuyển sang nặng và phải nhập viện.

Cụ thể, cơ quan Y tế Công cộng Anh phân tích hơn 14.000 trường hợp mắc các biến thể Delta cho thấy vaccine mRNA do Pfizer/BioNTech phát triển sau khi tiêm hai liều có thể giảm 96% nguy cơ nhập viện sau khi nhiễm Delta; vaccine vectơ adenovirus AstraZeneca do Đại học Oxfoxt và hãng AstraZeneca phát triển sau khi tiêm hai liều có thể giảm 92% nguy cơ nhập viện.

Một nghiên cứu khác của các học giả và các quan chức y tế công cộng Scotland, được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, báo cáo rằng so với các biến chủng trước đó, vaccine kém hiệu quả hơn đối với biến thể Delta, nhưng có mức độ bảo vệ tương tự tránh nguy cơ làm bệnh nặng lên.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 là cách tự bảo vệ bản thân và cộng đồng tốt nhất trước đại dịch (Ảnh: WHO).

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 là cách tự bảo vệ bản thân và cộng đồng tốt nhất trước đại dịch (Ảnh: WHO).

Theo ước tính của nghiên cứu, hai liều vaccine Pfizer có thể giảm 79% nguy cơ nhiễm biến thể Delta và 92% nguy cơ nhiễm biến thể Alpha; đối với vaccine do Oxford và AstraZeneca phát triển, hai chỉ số này lần lượt là 60% và 73%. Ngoài ra, sau khi tiêm 2 liều vaccine, nguy cơ nhập viện sau khi nhiễm biến thể Delta đã giảm khoảng 70%.

Trong một cuộc hội nghị điện thoại với các phóng viên, ông Jim, Giám đốc phụ trách Các sự kiện về dịch COVID-19 của Cục Y tế Công cộng Scotland, nói rằng có cơ hội đối phó với mối đe dọa do biến thể Delta gây ra bằng cách khuyến khích tiêm 2 liều vaccine.

Ngoài ra, WHO gần đây đã đưa loại biến thể mới Lambda vào danh sách các chủng biến thể cần chú ý. Biến chủng virus này được phát hiện lần đầu tiên ở Peru và hiện đã lây lan sang 29 quốc gia như Argentina, Chile và Ecuador.

WHO lo ngại rằng tỷ lệ lây truyền và khả năng kháng thuốc của biến thể Lambda này có thể còn cao hơn. Kể từ tháng 4 đến nay, 81% trường hợp ca nhiễm mới ở Peru đã được xác nhận bị nhiễm biến thể Lambda.

Theo báo cáo, WHO vào tháng trước đã liệt kê Delta là "biến chủng lo ngại cao". Được phân loại là "mối lo ngại cao" có nghĩa là virrus có khả năng lây nhiễm cao hơn, gây chết người nhiều hơn hoặc các loại vaccine và liệu pháp hiện có khó đối phó hơn.

Giới y học cũng cảnh báo về mối đe dọa của chủng đột biến Delta. Ông Frank Montgomery, chủ tịch World Medical Association (Hiệp hội Y khoa Thế giới, WMA) nhấn mạnh tính lây nhiễm của biến chủng virus này đặc biệt mạnh, mọi người có thể đã lây nhiễm cho người khác trước khi họ nhận ra rằng mình đã bị nhiễm bệnh. Do đó, ông cảnh báo mọi người vẫn phải đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng, tới các trung tâm mua sắm và khi ở trong nhà./.