Chính quyền New Delhi hy vọng rằng "việc từ bỏ tạm thời bằng sáng chế độc quyền có thể được phê duyệt một cách nhanh chóng tại WTO”. Nhưng liệu có phải quá sớm để vui mừng về triển vọng nới lỏng Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS)?
Tuyên bố mà Mỹ đưa ra mới đây được chỉnh sửa kỹ lưỡng về mặt câu chữ và không có tính cam kết. Nó chỉ nói rằng “Chúng tôi sẽ tích cực tham gia vào các vòng đàm phán trên văn bản tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cần thiết để giúp điều đó xảy ra. Các cuộc đàm phán đó sẽ mất thời gian, do bản chất dựa trên sự đồng thuận của tổ chức này và sự phức tạp của các vấn đề liên quan”.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden trong khi đó vẫn nhấn mạnh rằng “nguồn cung vaccine của chúng tôi dành cho người dân Mỹ”.
Đây là một chiến lược “Nước Mỹ trên hết”. Tổng thống Joe Biden có kế hoạch tiêm chủng cho 70% người lớn ở nước Mỹ tính đến ngày 4/7, để đạt được miễn dịch cộng đồng với COVID-19, giúp giảm số ca nhiễm ở nước này.
Quyết định của chính quyền Biden về việc nới lỏng TRIPS chỉ có thể được xem như một nước đi chính trị. Một báo cáo của Reuters dẫn các nguồn tin nói rằng, “Quyết định này cho phép Washington hồi đáp lại những yêu cầu của các nước đang phát triển, cùng lúc tận dụng các vòng đàm phán ở WTO để thu hẹp phạm vi của đề xuất từ bỏ bằng sáng chế độc quyền. Do các cuộc đàm phán này chắc chắn tiêu tốn thời gian, nên quyết định của chính quyền Biden sẽ giúp cho Washington có thêm thời gian để tăng cường các nguồn cung vaccine thông qua các biện pháp truyền thống hơn”.
Trên thực tế, chính quyền Biden đang tung ra nhiều trái bóng. Ở trong nước, phe cánh tả cấp tiến ở Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ Bernie Sanders và hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez thuộc đảng Dân chủ, trước giờ vẫn đề nghị nới lỏng TRIPS đối với vaccine ngừa COVID-19. Các nước đang phát triển, được sự ủng hộ của WHO và LHQ, cũng đưa ra đề nghị tương tự.
Ấn Độ, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, là nước đi tiên phong trong đề xuất nới lỏng TRIPS, từ tháng 12/2020, và xét trên nguyên tắc thì chính quyền Biden cũng đã cam kết theo đuổi “chủ nghĩa đa phương”.
Ngoài ra, Tổng thống Biden – người đã dành phần lớn sự nghiệp chính trị của mình trong Quốc hội Mỹ - hiểu rất rõ thứ quyền lực kinh khủng của các tập đoàn dược phẩm đối với chính trường Mỹ. Từ khía cạnh vận động hành lang, từ bỏ tạm thời bằng sáng chế độc quyền “không khác gì cướp đi tài sản của các công ty dược đã đổ tiền đầu tư tài chính và sáng tạo để phát triển các loại vaccine COVID-19 đầu tiên”; như lời nhận xét của một học giả ở Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopskin.
Ngành công nghiệp dược và nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ liên tục chỉ trích tuyên bố của ông Biden, cho rằng nó gây ảnh hưởng tới động lực sáng tạo của Mỹ. Cũng có nhiều tranh luận cho rằng, ngay cả khi từ bỏ bằng sáng chế độc quyền thì việc sản xuất vaccine vẫn là một quy trình phức tạp mà không phải ai cũng làm được.
Thượng nghị sĩ Richard Burr, thành viên đảng Cộng hòa và thuộc Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ, từng chỉ trích quyết định của ông Biden. “Bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ là một trong những lý do mà chúng ta có được những sản phẩm cứu sống mạng người này”, ông nói. “Gỡ bỏ sự bảo vệ đó chỉ có nghĩa rằng chúng ta sẽ không có được những vaccine hay phương pháp điều trị mà chúng ta cần có, khi mà đại dịch tiếp theo xảy ra”.
Rõ ràng là ông Biden thà sử dụng hết nguồn lực chính trị để thúc đẩy chính sách cải cách của mình tại Quốc hội Mỹ, còn hơn là dành thời gian và công sức đi "đánh" ngành công nghiệp dược phẩm chỉ để đổi lấy hình tượng một nhân vật bác ái trong con mắt của thế giới.
Có thể hình dung được là ông Biden sẽ kỳ vọng vào khả năng “các vòng đàm phán trên văn bản” tại WTO sẽ kéo dài nhiều tháng, nếu chưa nói là nhiều năm, mà chẳng đạt được gì. Mỹ ủng hộ nới lỏng TRIPS có thể chỉ là một chiến lược để thuyết phục các công ty dược ủng hộ các bước đi nhỏ hơn như chia sẻ công nghệ và tăng cường hợp tác với công ty dược các nước khác để nhanh chóng tăng sản lượng vaccine trên toàn cầu.
Tính đến nay, các loại vaccine COVID-19 mới chỉ được phân phối chủ yếu tới các nước giàu có (những nước phát triển vaccine), trong khi đại dịch càn quét các nước nghèo hơn như Ấn Độ. Và sau cùng thì mục đích trên hết vẫn là tăng cường phân phối vaccine.
Tổng thống Biden chắc chắn lường trước được rằng đề xuất nới lỏng TRIPS sẽ vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Giới truyền thông Anh đưa tin rằng nước này đã đàm phán kín tại WTO trong vài tháng gần đây cùng với Australia, Canada, Nhật Bản, Na Uy, Singapore, EU và Mỹ - tất cả đều phản đối đề xuất trên.
Mặc dù Bộ Ngoại giao nói là “đề xuất được sự ủng hộ của hơn 120 quốc gia”, nhưng báo giới phương Tây lại đưa ra con số là 80 quốc gia. WTO có 164 thành viên, và tất cả các thành viên đều cần phải nhất trí thì đề xuất mới được thông qua. Đây chắc chắn là một tiến trình kéo dài. Đáng chú ý, Đức đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất của chính quyền Biden.
Đây là một cuộc đua với thời gian, bởi rất có khả năng một chủng biến thể mới COVID-19 có khả năng siêu lây nhiễm và né miễn dịch sẽ xuất hiện trong tương lai gần.
Theo Josh Schiffer, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, “Gần như không thể dự đoán được điều gì sắp xảy đến. Tôi cho rằng có khả năng rất cao là một chủng biến thể mới còn tồi tệ hơn các chủng mà chúng ta đang phải đối phó sẽ trỗi dậy, nếu như số ca nhiễm cứ cao như hiện nay…như điều đã xảy ra ở Mỹ Latin hay Ấn Độ”.
Bởi vậy mà nói, tăng tốc tiêm vaccine là điều cực kỳ quan trọng. Dù chỉ với sự bảo vệ cục bộ, Ấn Độ cũng có thể đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng cao hơn. Như ở Mỹ, miễn dịch cộng đồng cục bộ đã giúp số ca nhiễm mới giảm đáng kể, mặc dù có sự xuất hiện của chủng biến thể B.1.1.7.
Nhưng theo ý kiến chuyên gia, nếu như không có miễn dịch cộng đồng cục bộ như vậy, rất nhiều vùng của Mỹ và Anh có thể trải qua thảm kịch tương tự như ở Ấn Độ hiện tại, do chủng biến thể mới.
Stephane Bancel, Giám đốc điều hành của Moderna, từng cảnh báo rằng sẽ xuất hiện thêm nhiều chủng biến thể COVID-19 trong những tháng tới. Bởi vậy mà Ấn Độ càng phải đẩy nhanh nỗ lực tiêm vaccine. Nếu đề xuất nới lỏng TRIPS được thông qua, mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Nhưng nếu không, thì chúng ta sẽ không thể chờ đợi được, bởi nó có thể không bao giờ được thông qua.
Theo nhiều báo cáo, chính phủ Ấn Độ có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất vaccine Covaxin của hãng Bharat Biotech – có độ hiệu quả lên tới 81% trong kết quả phân tích thử nghiệm giai đoạn 3. Bharat Biotech đặt mục tiêu sản xuất ra 700 triệu liều vaccine COVID-19, từ 4 cơ sở của họ, tính đến cuối năm nay.
Một lựa chọn khác sẽ là sản xuất với quy mô lớn vaccine Sputnik V của Nga, có hiệu quả lên tới 91%, theo kết quả được đăng tải trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), bên tiếp thị vaccine Sputnik V, đã ký nhiều thỏa thuận để sản xuất hơn 750 triệu liều vaccine Sputnik V ở Ấn Độ, cùng với 6 hãng sản xuất vaccine, theo nhiều báo cáo.
Bài viết được M K Bhadrakumar, một nhà ngoại giao kỳ cựu đã nghỉ hưu của Ấn Độ, đăng tải trên Asia Times.
Huyền Chi (chuyển ngữ)