Dân số Trung Quốc giảm năm thứ ba liên tiếp: Thách thức với nền kinh tế và xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mặc dù số lượng trẻ sơ sinh tăng nhẹ vào năm ngoái, xu hướng giảm dân số vẫn tiếp tục kéo dài và các nỗ lực của chính phủ để khuyến khích phụ nữ sinh con gặp nhiều khó khăn.

Tỷ lệ sinh đẻ giảm khiến các bệnh viện phải đóng cửa các khoa sản và chật vật trả lương cho bác sĩ và y tá. Ảnh: Chinatopix.
Tỷ lệ sinh đẻ giảm khiến các bệnh viện phải đóng cửa các khoa sản và chật vật trả lương cho bác sĩ và y tá. Ảnh: Chinatopix.

Sự gia tăng của số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc, dù là lần đầu tiên sau 7 năm, không đủ để đảo ngược thực trạng dân số già hóa và suy giảm ở nước này. Mặc dù chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích sinh con, nhưng tình hình dân số vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 17/1, năm 2024 ghi nhận 9,54 triệu trẻ sơ sinh – tăng nhẹ so với 9,02 triệu của năm trước. Tuy nhiên, con số này không đủ bù đắp cho 10,93 triệu người tử vong trong cùng năm, khiến dân số Trung Quốc giảm năm thứ ba liên tiếp.

“Về lâu dài, số lượng trẻ sơ sinh hàng năm ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm”, giáo sư Ren Yuan từ Đại học Fudan nhận định.

2.png
Dân số trong độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp đang gây áp lực lên hệ thống lương hưu. Ảnh: AFP.

Nỗ lực và thách thức trong việc đối phó với tình trạng sụt giảm dân số

Trong suốt ba thập kỷ, chính sách một con của Trung Quốc đã được thực thi nghiêm ngặt để kiểm soát dân số. Giờ đây, chính phủ đang nỗ lực đảo ngược xu hướng suy giảm tỷ lệ sinh – nhiệm vụ mà rất ít quốc gia trên thế giới thực hiện được một cách thành công. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi xây dựng “văn hóa hôn nhân và sinh con”.

Vào năm 2015, Trung Quốc nới lỏng chính sách một con, cho phép mỗi gia đình sinh hai con. Quyết định này đã tạo ra cơn "bùng nổ trẻ sơ sinh" ngắn hạn, khiến các bệnh viện phải kê thêm giường ở hành lang vì không đủ chỗ.

Nhưng "cơn sốt" ấy nhanh chóng lụi tàn. Đến năm 2017, tỷ lệ sinh bắt đầu sụt giảm liên tục mỗi năm và kéo dài cho đến hiện tại.

Năm 2021, trong nỗ lực cứu vãn tình hình, chính phủ tiếp tục mở rộng chính sách, cho phép mỗi gia đình sinh ba con. Nhưng lần này, mọi thứ dường như đã muộn. Chỉ một năm sau, số trẻ sơ sinh xuống mức thấp kỷ lục, đánh dấu lần đầu tiên dân số Trung Quốc sụt giảm kể từ thời kỳ Đại Nhảy Vọt.

Trung Quốc hiện có tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới, xa mức "tỷ lệ thay thế" – tức mỗi cặp vợ chồng cần sinh trung bình hai con để duy trì dân số.

Theo các chuyên gia, tình hình này sẽ còn biến động trong tương lai gần.

“Với một quốc gia 1,4 tỷ dân, việc tăng thêm nửa triệu ca sinh không phải là dấu hiệu phục hồi đáng kể”, giáo sư Vương Phong từ Đại học California, Irvine, nhận xét. “Con số này chỉ nổi bật khi so với năm 2023, thời điểm đại dịch khiến nhiều người tạm hoãn kế hoạch sinh con”.

Để thúc đẩy sinh con, chính quyền đã tung ra nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế, nhà ở giá rẻ và trợ cấp tiền mặt. Một số thành phố còn tài trợ chi phí thụ tinh trong ống nghiệm. Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương triển khai hệ thống cảnh báo sớm để giám sát biến động dân số.

Doanh nghiệp cũng không đứng ngoài cuộc. Năm 2023, Trip.com – một trang web du lịch – đã hỗ trợ nhân viên khoảng 1.400 USD mỗi năm cho mỗi trẻ từ khi chào đời đến 5 tuổi. Tuần trước, nhà sáng lập hãng xe điện XPeng tuyên bố sẽ thưởng gần 4.100 USD cho nhân viên có con thứ ba.

“Chúng tôi muốn nhân viên sinh thêm con”, ông He Xiaopeng, nhà sáng lập XPeng, chia sẻ trên mạng xã hội. “Công ty sẽ hỗ trợ tài chính để nhân viên có thể yên tâm sinh con”.

Trung Quốc hiện đối mặt với hai thách thức lớn: hệ thống lương hưu công cộng thiếu hụt nghiêm trọng và tâm lý ngần ngại, thiếu động lực cống hiến của thế hệ trẻ. Để giải quyết những vấn đề này, chính phủ đã triển khai kế hoạch điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, độ tuổi nghỉ hưu của nam giới là 63, còn của phụ nữ sẽ dao động từ 55-58, tùy theo tính chất công việc. Những thay đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng này.

Giờ đây, thời gian để ứng phó đã không còn nhiều. Theo dự báo, trong thập kỷ tới, hơn 400 triệu người ở nước này sẽ bước vào độ tuổi 60 trở lên.

3.png
Trung Quốc sẽ có hơn 400 triệu người trên 60 tuổi trong thập kỷ tới. Ảnh: AFP.

Tác động của xu hướng giảm sinh đối với xã hội và nền kinh tế

Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc chọn cách sống không sinh con, với hàng loạt lý do: chi phí giáo dục tăng cao, áp lực chăm sóc cha mẹ già và lối sống “hai thu nhập, không con cái”.

Đặc biệt, phụ nữ đang trở thành lực lượng dẫn đầu xu hướng này. Thế hệ phụ nữ trong các gia đình Trung Quốc đã được tiếp cận giáo dục và cơ hội việc làm mà thế hệ cha mẹ họ không có. Nhiều người trong số họ trưởng thành với tư duy độc lập, mạnh mẽ. Những lời kêu gọi từ chính quyền, nhấn mạnh “nghĩa vụ yêu nước” để sinh con, bị xem là điều vô lý. Ngoài ra, không ít phụ nữ cho rằng sự bất bình đẳng giới và thiếu sự bảo vệ pháp lý càng khiến họ e ngại chuyện kết hôn, chứ chưa nói đến sinh con.

Sự sụt giảm tỷ lệ sinh đã để lại những ảnh hưởng rõ rệt trên nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục cho đến thị trường tiêu dùng. Các doanh nghiệp từng kiếm bộn tiền nhờ bán sữa bột trẻ em giờ đây phải chuyển sang các sản phẩm dinh dưỡng cho người già, như sữa bổ sung canxi và selen chống loãng xương.

Nestlé, tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới, vừa tuyên bố đóng cửa một nhà máy chuyên phục vụ thị trường Trung Quốc, khiến hơn 500 người mất việc. Công ty này cho biết sẽ chuyển trọng tâm sang các sản phẩm cao cấp dành cho trẻ em và mở rộng danh mục dinh dưỡng cho người lớn tại Trung Quốc.

Trong khi đó, áp lực lên hệ thống y tế ngày càng rõ nét. Hàng chục bệnh viện và chuỗi phòng khám sản phụ khoa đã phải đóng cửa trong hai năm qua.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều y tá sản khoa than phiền về mức lương thấp và nguy cơ thất nghiệp. Một bác sĩ thậm chí còn chia sẻ trên truyền thông nhà nước rằng làm việc trong ngành sản khoa – từng được coi là công việc ổn định như “bát cơm sắt” – giờ đây chẳng khác gì “bát cơm sắt gỉ sét”.