Dịch cúm A bùng phát ở Trung Quốc: Các phòng khám quá tải, giá thuốc bị đẩy cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây, dịch cúm bùng phát ở Trung Quốc gây nên tình trạng quá tải ở các phòng khám, thuốc kháng virus cúm khan hiếm và bị tăng giá bán.

Các phòng khám chật kín bệnh nhân chờ đợi khám bệnh. Ảnh: Singtao.
Các phòng khám chật kín bệnh nhân chờ đợi khám bệnh. Ảnh: Singtao.

Theo báo cáo giám sát cúm hàng tuần mới nhất do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) công bố, trong tuần cuối của năm 2024 (23 – 29/12), tỷ lệ phát hiện dương tính với virus cúm ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc tiếp tục tăng mạnh, trong đó cúm A chiếm tỷ lệ trên 99%.

Các bệnh viện lớn đều đông nghẹt người đến khám. Có phụ huynh đưa con đi khám bệnh, đi qua nhiều bệnh viện chỉ trong một ngày nhưng vẫn không khám được, cuối cùng phải đăng ký khám ở bệnh viện với số thứ tự 1.000. Một số chuyên gia khuyên nên cho bệnh nhân xét nghiệm virus tại nhà.

Bệnh viện quá tải, chẩn đoán và điều trị khó khăn

Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh cúm A nghiêm trọng hơn các triệu chứng của bệnh cúm B. Vào mùa Đông, trẻ em thường bị đe dọa nhiều hơn người lớn. Vào thời kỳ cao điểm của các bệnh hô hấp cấp tính, bệnh viện quá tải, xếp hàng chờ đợi khám lâu, nguồn lực chẩn đoán và điều trị hạn hẹp là những vấn đề phổ biến.

Canh xep hang cho doi.png
Xếp hàng chờ đợi lấy số đợi khám. Ảnh: Singtao.

Theo trang Hồng Tinh (Red Star News), một bà mẹ trẻ tên Khổng ở Vũ Hán, Hồ Bắc cho biết, con trai cả của cô gần đây có triệu chứng ho và sốt. Sau khi tự xông khí dung và dùng thuốc tại nhà không hiệu quả, hôm 23/12/2024 cô đưa con đến khoa cấp cứu nhi của Bệnh viện Đồng Tế.

"Tôi đã đăng ký khám lúc 14h20 chiều và số thứ tự hơn 100, nhưng đến tận 17h05 chiều con tôi mới được khám", cô nói. Cô kể rằng không còn một chỗ ngồi nào ở sảnh bệnh viện do người đến quá đông. Cuối cùng, bác sĩ chẩn đoán không thể loại trừ mắc bệnh cúm nên đã kê đơn thuốc Oseltamivir (Tamiflu) để về nhà uống.

Cô Dương, sống tại Bắc Kinh, cho biết con cô xuất hiện các triệu chứng ho và sốt sau khi đi du lịch về. Ban đầu cô nghĩ rằng đó chỉ là cảm lạnh thông thường. Ngày 19/12, bà đã đến bệnh xá cộng đồng dân cư lấy uống thuốc trong ba ngày, nhưng các triệu chứng của con không thuyên giảm.

Ngày 23/12, cô đưa con đến Bệnh viện Vọng Kinh khám. Vào buổi chiều ngày khám trở về, con lại sốt cao. Tối hôm đó cô đã đưa con đến Bệnh viện Hoa Tín, nhưng được thông báo rằng bệnh viện chưa hoàn tất lịch khám cho các bệnh nhân đã lấy số buổi chiều ngày hôm đó và phải đợi ít nhất 2 đến 3 giờ để đến lượt. Dương cho biết, buổi chiều cô đã đưa con đến bệnh viện khác để khám nhưng không có kết quả vì quá đông. Đến tận 21 giờ tối cô quyết định mang con đến Bệnh viện Nhi và thấy số đăng ký của mình đã là 1.000. Sau khi khám sơ bộ và có kết quả, lúc hai mẹ con gặp được bác sĩ phòng khám đã là 12 giờ đêm.

So thu tu vuot qua 1000.png
Màn hình phòng khám Viện Nhi , Bệnh viện Đại học Y Bắc Kinh cho thấy số thứ tự bệnh nhân đợi khám trong ngày vượt mốc 1000 người. Ảnh: Singtao.

Chuyên gia khuyến cáo nên xét nghiệm tại nhà

Cuối cùng, bác sĩ chẩn đoán con cô Dương bị cúm A và kê đơn thuốc. Dương cho biết thực tế, lẽ ra nên sử dụng bộ kit xét nghiệm “ba trong một” để sàng lọc ban đầu tại nhà sớm hơn, nhưng cô luôn cảm thấy bệnh viện đáng tin cậy hơn nên cuối cùng lãng phí rất nhiều thời gian.

Ông Triều Sảng, Phó giám đốc kiêm bác sĩ Chủ nhiệm khoa Nhi Bệnh viện Thanh Hoa Trường Canh Bắc Kinh, cho biết đối với bệnh cúm, cần chẩn đoán càng sớm càng tốt, vì thuốc kháng virus cúm phải được uống trong vòng 48 giờ.

"Chẩn đoán sớm và sử dụng thuốc kháng virus sớm là tốt, nhưng có nhiều cách để xác nhận bệnh. Không cần phải đến bệnh viện lớn. Qua nhiều nền tảng Internet cũng có thể đặt lịch hẹn xét nghiệm tận nhà", ông cho hay.

Bo kit 3 trong 1.png
Các bác sĩ khuyên bệnh nhân tự thử virus tại nhà bằng bộ kit "3 trong 1".
Ảnh: YCWB.

Ông Triều Sảng nói rằng trong mùa không có dịch cúm, không cần phải vội vã đến bệnh viện, vì trong số các bệnh đường hô hấp cấp tính, cúm là một trong số ít bệnh có thuốc kháng virus thực sự, vì vậy hãy cố gắng không để lỡ việc uống thuốc.

Thuốc chữa cúm khan hiếm và bị đẩy giá

Sự bùng phát gần đây của nhiều loại virus gây dịch bệnh ở Trung Quốc đã gây ra sự hoảng loạn trong dân chúng và làm dấy lên làn sóng đổ xô đi mua thuốc. Trong số đó, Baloxavir marboxil, được gọi là "thuốc cúm thần kỳ", được bán với giá 300 NDT (hơn 1,05 triệu VND) cho hộp 2 viên tại các hiệu thuốc và nhiều hiệu thuốc đã hết sạch. Có bệnh viện bán với giá 480 NDT (1,7 triệu VND)

Theo số liệu mới nhất của CCDC, tỷ lệ dương tính với virus cúm đang tăng nhanh chóng. Hơn 99% tỷ lệ dương tính với virus cúm ở miền Bắc và miền Nam là cúm loại A H1N1 (viết tắt là cúm A) . Trong bốn loại virus cúm A, B, C và D, cúm A là loại dễ lây lan nhất và dễ đột biến nhất.

Than duoc chong cum.jpg
"Thần dược chống cúm" Baloxavir marboxil khan hiếm và bị đẩy giá tăng vọt.
Ảnh: Thepaper.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Bắc Kinh cho biết tính đến ngày 30/12/2024, trong số 5 tác nhân gây bệnh có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, virus cúm đứng đầu, Metapneumovirus (HMPV) đứng thứ hai và ba tác nhân tiếp theo là Mycoplasma pneumoniae, SARS-CoV-2 và Virus Adeno.

Khi số lượng người nhiễm cúm tăng lên, doanh số bán thuốc chống cúm gần đây cũng liên tục tăng. Hiện tại, thuốc kháng virus cúm có sẵn ở Trung Quốc bao gồm Oseltamivir (Tamiflu), Umifenovir (Arbidol), Baloxavir marboxil, Zanamivir và Peramivir...

Trong số đó, giá của Baloxavir marboxil (Xofluda) đã tăng vọt và nhiều hiệu thuốc đã bán hết nhẵn. Ngay từ mùa Đông năm ngoái khi dịch cúm bùng phát, Baloxavir marboxil đã "cháy hàng" tại các hiệu thuốc ở nhiều nơi trên cả nước và giá có lúc đã tăng vọt lên tới 599 NDT một hộp.

Do sự bùng phát đồng thời của nhiều loại virus gần đây ở Trung Quốc, các chuyên gia y tế lo ngại rằng một người có thể bị nhiễm nhiều loại virus cùng một lúc. Ở miền Bắc Trung Quốc, nhiều trẻ em đã bị nhiễm virus gây viêm phổi ở người (HMPV) , với các triệu chứng tương tự như triệu chứng của COVID-19.

Trang "Y học giới" (Yxj) dẫn lời ông Vương Tân Vũ, Phó chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phục Đán, cho biết virus HMPV gây viêm phổi ở người thường "phạm tội theo nhóm" với virus cúm, rhinovirus...Điều này có nghĩa là bệnh nhân có thể bị nhiễm "chồng chéo", khiến tình trạng bệnh trở nên phức tạp hơn.

Các triệu chứng của nhiễm HMPV phổ biến ở Trung Quốc tương tự như các triệu chứng của bệnh cúm và COVID-19, không có vaccine hoặc thuốc đặc hiệu. Do đó, HMPV đang gây nên một đợt hoảng loạn về dịch bệnh mới trong người dân Trung Quốc.

Theo Thepaper, Yangchengwanbao, Singtao