Ông Lưu Hạc bất ngờ xuất hiện tại phòng họp
Cuộc đàm phán này là lần gặp nhau đầu tiên kể từ sau khi hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình gặp gỡ tại Buenos Aires hôm 1.12.2018 và đạt được thỏa thuận “ngừng bắn” cuộc chiến mậu dịch giữa hai nước trong vòng 90 ngày. Trưởng đoàn phía Mỹ là ông Jeffery Gerrish - Phó đại diện thương mại; phía Trung Quốc là Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn.
Trang tin Đông Phương cho biết, cuộc đàm phán diễn ra tại trụ sở Bộ Thương mại Trung Quốc tại Bắc Kinh, phái đoàn Trung Quốc đông tới trên 100 người, nhiều hơn gấp đôi số thành viên của đoàn Mỹ và đông hơn mọi cuộc đàm phán song phương diễn ra trước đây. Các đại biểu hai bên chia thành các tiểu tổ để thương thảo trực tiếp về các vấn đề như thuế quan, bản quyền sở hữu trí tuệ, việc mua các sản phẩm công nghiệp và nông sản.
Điều đáng chú ý là, tuy đây là cuộc đàm phán cấp thứ trưởng, nhưng Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người phụ trách vấn đề đàm phán thương mại với Mỹ của Trung Quốc đã bất ngờ xuất hiện tại phòng đàm phán trong ngày đàm phán đầu tiên hôm 7.1 cùng với Bộ trưởng Thương mại Chung Văn. Các nhà phân tích cho rằng, việc ông Lưu Hạc đến chào đoàn đại biểu Mỹ cho thấy Bắc Kinh rất coi trọng cuộc đàm phán này và bức thiết mong chấm dứt cuộc chiến mậu dịch gay gắt giữa hai nước.
Hình ảnh Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (người thắt cà-vạt đỏ, bên phải) bất ngờ đến phòng đàm phán được đăng tải trên mạng xã hội.
|
Trang tin Đa Chiều phân tích hình ảnh ông Lưu Hạc đến thăm cuộc đàm phán được đăng tải trên mạng: có đại biểu Trung Quốc ôm mặt, có vẻ bật khóc vì quá cảm kích; một đại biểu đoàn Mỹ thì vỗ tay hoan nghênh; ông Lưu Hạc cũng có vẻ xúc động, miệng cười tươi. Ông thắt cà-vạt đỏ, tựa hồ cho thấy cuộc đàm phán này diễn ra thuận lợi. Cũng có ý kiến cho rằng, không loại trừ cuộc đàm phán đã gặp khó khăn, phải cần đến sự xuất hiện của ông Lưu Hạc để thúc đẩy tiến triển; nhưng nhìn chung các ý kiến phân tích đều cho rằng sự có mặt của ông Lưu Hach là thể hiện thiện chí của nước chủ nhà.
Cũng có ý kiến phân tích, so với Mỹ và các quốc gia khác, trong vấn đề ngoại giao, Trung Quốc dụng công hơn nhiều trong động thái “hư”. Dù đàm phán thành công hay thất bại thì người Trung Quốc cũng đều tạo cho đối phương cảm giác “khách đến như về nhà mình”. Có vẻ đây là một thủ thuật ngoại giao, một “chiêu” đối đãi với khách.
Theo báo Anh Financial Times, việc quan chức kinh tế cấp cao nhất đột ngột xuất hiện tại hiện trường cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ cho thấy “Bắc Kinh rất cấp thiết muốn kết thúc cuộc chiến mậu dịch gay gắt giữa hai nước. Sự xuất hiện của Lưu Hạc khiến nhiều chuyên gia cảm thấy bất ngờ vì đây chỉ là cuộc đàm phán ở cấp thứ trưởng”.
Một số ý kiến phân tích cho rằng sự xuất hiện của ông Lưu Hạc khẳng định quan điểm của ông Donald Trump. Ông Trey McArver, người sáng lập Công ty tư vấn chính sách Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh nói: “Trung Quốc rất mong hạ nhiệt cuộc chiến tranh thương mại hiện nay và họ lo ngại tình hình kinh tế trong nước”.
Ông Jeffery Gerrish (giữa) và các thành viên đoàn đàm phán Mỹ tới Bắc Kinh.
|
Áp lực đàm phán gia tăng đối với Trung Quốc
Thực trạng tăng trưởng kinh tế “Mỹ tăng, Trung Quốc giảm” hiện đang gây áp lực ngày càng lớn đối với Trung Quốc. Đại đa số các nhà kinh tế độc lập đều cho rằng, năm 2019 tới đây tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm chỉ còn khoảng 6% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990.
Sau khi Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ bùng phát, mức tăng kinh tế quý 3/2018 của Trung Quốc đã giảm xuống còn 6,5%; đồng thời lượng xe hơi tiêu thụ giảm 16% so với cùng kỳ năm trước; số lượng nhà ở thương mại suy giảm mạnh, buộc các hãng kinh doanh phải hạ giá. Đồng thời, vào tuần trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng ban hành chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong một tháng qua, Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia cũng liên tiếp phê duyệt một loạt hạng mục xây dựng hạ tầng cơ sở, nhằm truyền đi tín hiệu kích thích tăng trưởng kinh tế cho thị trường.
Trong khi đó, kinh tế Mỹ quý 3 tăng 3,4%, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm qua. Hôm 4.1, ông Donald Trump nói với các nhà báo tại Nhà Trắng: “Tôi cho các bạn biết, tình hình kinh tế Trung Quốc hiện đang xấu, còn chúng ta đang rất tốt. Tôi cho rằng chúng ta và Trung Quốc sẽ đạt được hiệp nghị với Trung Quốc; tôi nghĩ họ cũng cần phải làm như thế”.
Ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS hôm 4.1 công bố báo cáo cho thấy, trong số 200 hãng chế tạo nước ngoài được điều tra, đã có 37% đã di chuyển khỏi Trung Quốc trong vòng 12 tháng qua. Gần một nửa số họ trả lời, nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến việc này là do Mỹ đe dọa điều chỉnh tăng thuế quan với Trung Quốc, kế đó là do giá thành tăng hoặc ảnh hưởng bởi sự quản lý giám sát của Trung Quốc.
Ngay ông Ngụy Kiến Quốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, hiện là Phó chủ tịch Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc cũng đã công khai bày tỏ: áp lực mà thị trường gặp phải sẽ trở thành động lực lớn để hai bên giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 7.1 lại phủ nhận tình hình kinh tế xấu đi là nguyên nhân khiến Trung Quốc muốn đạt được hiệp nghị về mậu dịch với Mỹ.
Mỹ mua gần 1 triệu tấn đậu tương của Mỹ trước ngày đàm phán để bày tỏ thiện chí.
|
Trước đàm phán, Trung Quốc chủ động bày tỏ thái độ cởi mở
Washington yêu cầu Bắc Kinh phải tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các công ty Mỹ, mở rộng thêm cánh cửa thị trường, bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và cắt giảm sự hỗ trợ không công bằng của chính phủ đối với các công ty của Trung Quốc.
Ông Jake Parker, Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc mậu dịch Mỹ - Trung của Mỹ nói, trước khi diễn ra cuộc đàm phán, phía Trung Quốc luôn chủ động thể hiện các động thái cải cách, còn các cuộc đàm phán trước đây thì họ chỉ hành động sau khi kết thúc đàm phán. Ví dụ, gần đây Trung Quốc ban hành dự luật đầu tư nước ngoài mới, cấm các công ty Trung Quốc cưỡng bức đối tác hợp tác nước ngoài chuyển giao bí mật công nghệ, cấm cơ quan chính quyền can thiệp trái phép vào nghiệp vụ của công ty nước ngoài - những cách làm lâu nay luôn làm khó các công ty phương Tây.
Đồng thời, Trung Quốc còn khôi phục mua gạo và đậu tương của Mỹ như một cử chỉ thiện chí. Tuy nhiên,giới quan sát cho rằng, cho đến nay chỉ mới thấy “Dự luật đầu tư của doanh nhân nước ngoài” có nội dung đề cập đến việc bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ, mà dù nó có được thông qua thành luật thì việc có được tuân thủ và thực thi không vẫn khiến người ta hoài nghi.
Ông Jake Parker nói: “Chúng tôi hy vọng nhìn thấy tín hiệu tích cực thực thi của Trung Quốc trong vấn đề này; cho nên chúng tôi giữ thái độ lạc quan thận trọng”. Giới kinh tế lo ngại, thời gian 90 ngày quá gấp gáp cho việc giải quyết tất cả các vấn đề khốn khó trong quan hệ Trung - Mỹ. Họ dự đoán, mục tiêu của Bắc Kinh có thể là thể hiện sự tiến triển đầy đủ để thuyết phục ông Trump kéo dài kỳ hạn cuối cùng.
Ông Đồ Tân Tuyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu WTO Trung Quốc thuộc Đại học Kinh tế - mậu dịch đối ngoại cho rằng, trong thời hạn 90 ngày, hiệp nghị “rất có thể chỉ đạt được vào ngày cuối cùng”. Ông cho rằng, cuộc đàm phán lần này sẽ chỉ tập trung thảo luận các chi tiết kỹ thuật, sau đó giới cấp cao hai nước mới “ra các quyết định chính trị khó khăn”. Ông dự đoán, kết quả cuối cùng không thể đạt được nhanh chóng, phải cần có thời gian, theo ông có lẽ phải mất vài năm.
Ông Trey McArver, người sáng lập Công ty tư vấn chính sách Trivium China: “Trung Quốc rất mong hạ nhiệt cuộc chiến tranh thương mại hiện nay và họ lo ngại tình hình kinh tế trong nước”. |
Những khúc mắc Mỹ muốn Trung Quốc tháo gỡ
Tờ Wall Street Journal dẫn lời một nguồn thạo tin nói: phía Mỹ tìm mọi cách để đảm bảo Bắc Kinh thực hiện những lời hứa của họ. Ví dụ, muốn Trung Quốc cụ thể hóa việc “mua những sản phẩm gì vào ngày nào”. Nếu Bắc Kinh nới lỏng quy định cho công ty Mỹ vào thị trường Trung Quốc, đại biểu đàm phán Mỹ hy vọng chính phủ Trung Quốc không sử dụng quyền lực để tài trợ hay hạn chế môi trường để gây sức ép, kiềm chế công ty Mỹ.
Sau khi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa 2 ông Donald Trump - Tập Cận Bình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từng nhắc đến cam kết của Trung Quốc mua 1.200 tỷ hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Sau ngày đàm phán thứ 2, Trung Quốc “đồng ý mua sản phẩm và dịch vụ Mỹ”, nhưng không bao gồm kim ngạch và chi tiết cụ thể. Trung Quốc phải mua bao nhiêu mới đáp ứng được yêu cầu của Mỹ về thu hẹp chênh lệch trong cán cân mậu dịch giữa hai bên là một tiêu điểm cần làm rõ. Đó được coi là một nguyên nhân khiến cuộc đàm phán kéo dài thêm ngày thứ 3.
Thách thức lớn nhất đối với Mỹ là buộc Trung Quốc chấm dứt cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ. Ông Michael Wessel, thành viên Ủy ban thẩm định an ninh kinh tế Mỹ - Trung cho rằng, một hiệp nghị thành công, ngoài các cam kết cụ thể, cần phải có cơ chế đảm bảo việc thực thi. Theo Wall Street Journal, giữa hai bên còn tồn tại bất đồng lớn nhất là làm thế nào đảm bảo Bắc Kinh không cưỡng ép công ty Mỹ chuyển nhượng kỹ thuật cho đối tác Trung Quốc. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã mời nhiều đoàn thể và think tank đề xuất kiến nghị làm thế nào để buộc Bắc Kinh tuân thủ cam kết.
Hồi tháng 12.2018, trong dự thảo Luật đầu tư của thương gia nước ngoài bằng hai thứ tiếng có đưa vào nội dung “không cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ”. Chuyên gia về pháp luật Trung Quốc Donald Clarke ở Đại học George Washington University nói, dự luật trên “không có bất cứ ý nghĩa thực chất nào”.Ông nói, ngôn từ mơ hồ không rõ, lại thêm không có pháp trị nên chính quyền địa phương có thực hiện hay không là một vấn đề.
Học giả Scott Kennedy của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) cho rằng, cho đến nay, các nỗ lực của Bắc Kinh chỉ là “điều chỉnh có mức độ chính sách kinh tế đối ngoại, chưa đạt được tiến trình tự do hóa mà Mỹ và các quốc gia khác yêu cầu”.
Các chuyên gia cho rằng, xem xét kết quả đàm phán đến hết ngày thứ 2 thì hai bên mới chỉ dừng ở tiến trình Trung Quốc mua sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, chưa giải quyết vấn đề cốt lõi là cơ chế thực thi của Trung Quốc.
Một biến số khác có thể khiến cuộc đàm phán trở nên phức tạp là ông Tập Cận Bình mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm Bắc Kinh 3 ngày trùng vào thời điểm diễn ra cuộc đàm phán mậu dịch. Việc này có thể gây áp lực đối với phía Mỹ, nhưng cũng có thể gây hiệu ứng ngược, tức khiến chính quyền Donald Trump tức giận.
Đoàn đàm phán Mỹ rời phòng họp khi kết thúc đàm phán về nước mà không thông báo kết quả cụ thể.
|
Kết thúc đàm phán nhưng không giải quyết được bất đồng
Kết thúc ngày đàm phán thứ 2, hãng Bloomberg nói hai bên đều phát đi các tín hiệu tích cực, phía Trung Quốc dự định sẽ ra một bản thông báo. Trong khi đó, ông Donald Trump vào lúc 20h16 phút ngày 8.1 đã viết trên trang Twitter: “Talks with China are going very well!” (Cuộc đàm phán với Trung Quốc tiến hành rất tốt!).
Chiều 9.1, sau khi kết thúc đàm phán, tuy cả hai bên đều nói đàm phán tiến triển tốt đẹp, nhưng không công bố kết quả chi tiết. Báo chí dẫn các nguồn tin đàm phán cho biết, hai bên đã thu hẹp bất đồng về một số vấn đề mậu dịch, nhưng bất đồng về vấn đề cải cách có tính kết cấu của Trung Quốc lại tăng thêm, vẫn còn một khoảng cách để có thể đạt được hiệp nghị, người ta quan tâm liệu Trung Quốc có nhượng bộ thêm hay không. Các vấn đề lập trường hai bên có khác biệt lớn là: ngăn cản việc ăn cắp và cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ của Mỹ, hàng rào phi thuế quan và việc Trung Quốc làm thế nào để thực hiện cam kết.
Chiều 9.1, ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, kết quả đàm phán sẽ sớm được công bố cùng thời gian diễn ra vòng đàm phán tiếp theo. Khi được hỏi việc kéo dài thời gian đàm phán có phải cho thấy cuộc đàm phán gặp khó khăn? Lục Khảng đáp: “Đàm phán diễn ra với thái độ tích cực, nỗ lực hóa giải bất đồng. Trung Quốc tuy muốn hóa giải tranh chấp, nhưng sẽ không có bất cứ nhượng bộ bất hợp lý nào”. Điều này cho thấy hai bên còn nhiều bất đồng nghiêm trọng. Có tin kết quả đàm phán sẽ được công bố vào sáng 10.1.