Chuyến đi của ông Donald Trump tới Iraq: lợi bất cập hại, lộ bí mật đặc nhiệm Mỹ

VietTimes -- Ngày 26.12, Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump đột nhiên tiến hành chuyến đi bí mật tới thăm úy lạo quân đội Mỹ đóng tại Iraq. Đây là chuyến đi thăm binh sĩ Mỹ tại chiến trường đầu tiên của ông kể từ khi vào Nhà Trắng cách đây 2 năm. Tuy nhiên, chuyến thăm chớp nhoáng này đã đem lại cho ông nhiều rắc rối hơn là thành công về mặt chính trị.
Chuyến thăm bí mật tới Iraq của vợ chồng ông Donald Trump gây nên nhiều rắc rối.
Chuyến thăm bí mật tới Iraq của vợ chồng ông Donald Trump gây nên nhiều rắc rối.

Hành trình bí mật

Ông Donald Trump có thói quen viết Twitter, bình thường mỗi ngày ông có ít nhất 10 lần viết trên trang cá nhân. Thông qua tài khoản Twitter cá nhân của ông, người ta có thể nắm được các chủ trương, chính sách và cả biện pháp cụ thể về đối nội lẫn đối ngoại của Nhà Trắng. Thế nhưng, từ sau trưa ngày lễ Noel, trang Twitter của ông đột nhiên ở trong trạng thái “chết”, không được cập nhật thông tin gì nữa.

Dư luận xôn xao, hay Nhà Trắng xảy ra chuyện gì? Trước đó ông Trump đã thông báo đóng cửa chính phủ vì hết kinh phí, liệu chuyện gì đang xảy ra đây?

Binh sĩ Mỹ hào đứng chụp ảnh chung với vợ chồng ông Donald Trump.
Binh sĩ  Mỹ hào đứng chụp ảnh chung với vợ chồng ông Donald Trump.

Thì ra ông Donald Trump đang ngấm ngầm tiến hành cho một “đại sự”! 0h06 phút ngày “Boxing Day” 26.12, chiếc chuyên cơ “Air Force One” bí mật cất cánh từ Washington sau 11 giờ bay trong im lặng, đã hạ cánh trong màn đêm tại nơi nó cần tới: căn cứ không quân al-Asad ở miền Tây Iraq. Lý do ông Trump và phu nhân đến đây là để úy lạo binh lính Mỹ.

Trong 4 giờ đồng hồ sau đó, ông Trump đã bắt tay, ký tên lưu niệm, chụp ảnh chung, trò chuyện với các binh sĩ. Sau đó, chiếc chuyên cơ chở vợ chồng ông lại rời căn cứ trong màn đêm để quay ngay về Mỹ. Bay đi bay về hơn 20 giờ chỉ để có được 4 giờ đồng hồ ở trên “chiến trường Iraq”. Khi đang trên máy bay, khi đã ra khỏi không phận Iraq, ông Trump mới mở máy tính, update lên Twitter một đoạn video cùng mấy dòng ngắn gọn: “Melania và tôi đã vinh hạnh đến thăm quân đội cừ khôi của chúng ta tại căn cứ không quân al-Asad ở Iraq. Cầu Chúa phù hộ cho nước Mỹ!”. Khi đó cả thế giới mới biết ông đi đâu, làm gì, vì sao lại biến mất trong suốt một ngày một đêm.

Bản tin trên Twitter gây nên những rắc rối về lộ bí mật quân sự.
Bản tin trên Twitter gây nên những rắc rối về lộ bí mật quân sự.

Lý do được đưa ra cho hành trình bí mật đó là: an toàn là số một.

Tuy nhiên, sau khi chuyến đi bí mật này được đưa tin, ông Trump đã chuốc lấy những rắc rối, phiền hà mà ông có thể không ngờ tới, trước hết là từ phía đồng minh Iraq.

Gây nên rắc rối ngoại giao với Iraq

Theo trang tin Đa Chiều, chuyến đi bí mật của vợ chồng ông Trump tới căn cứ không quân al-Asad để úy lạo lính Mỹ đã khiến những lãnh đạo cả chính trị lẫn quân sự của nước chủ nhà Iraq bất bình. Ông Sabah Al-Saidi, lãnh tụ Liên minh Cải cách Islah trong quốc hội Iraq yêu cầu triệu tập ngay kỳ họp quốc hội để thảo luận về việc “Donald Trump ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Iraq”. Ông Saba Al-Saidi nói: “Ông Trump cần phải biết giới hạn ở đâu, sự chiếm đóng của Mỹ đối với Iraq đã kết thúc rồi”. Liên minh Cải cách Islah do giáo sĩ phái Shia Moqtada al-Sadr lãnh đạo. Ông Moqtada al-Sadr là người nổi tiếng có tư tưởng chống Mỹ, luôn phản đối sự có mặt về quân sự của Mỹ tại Iraq.

Ông Falih Khazali, lãnh tụ một tổ chức dân quân đồng minh của Islah cũng chỉ trích Mỹ muốn tăng cường sự có mặt tại Iraq. Ông nói: “Giới lãnh đạo Mỹ đã bị đánh bại tại Iraq, giờ lại muốn tìm cớ để quay lại. Đó là điều chúng tôi không bao giờ cho phép”.

Tập đoàn Bina đối lập với Islah trong Quốc hội Iraq cũng phản đối chuyến đi của ông Donald Trump. Người phát ngôn của Bina nói: “Chuyến thăm của ông Donald Trump là hành vi ngang nhiên vi phạm những nguyên tắc về ngoại giao quốc tế, cho thấy sự coi thường và thù địch của ông ta với chính phủ Iraq”. Đảng Hồi giáo Dawa của Thủ tướng Adil Abdul-Mahdi cũng lên án chuyến thăm của Tổng thống Trump “không tôn trọng chủ quyền hoặc các chuẩn mực ngoại giao”.

Cựu thủ tướng Haider al-Abadi cũng chỉ trích cách nhà lãnh đạo Mỹ thăm căn cứ al-Asad là “không phù hợp với các chuẩn mực ngoại giao và quan hệ giữa những quốc gia có chủ quyền”. Ông nói: “Cách ông Trump ứng xử với Iraq và chủ quyền quốc gia sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Iraq - Mỹ. Mọi quốc gia trong khu vực và trên thế giới cần ý thức rằng một nước Iraq vững mạnh và đảm bảo chủ quyền có ý nghĩa quan trọng đến an ninh và ổn định của khu vực lẫn toàn cầu”.

Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi từ chối tới căn cứ không quân al-Asad để gặp gỡ ông Donald Trump.
Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi từ chối tới căn cứ không quân al-Asad để gặp gỡ ông Donald Trump.  

Văn phòng của Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi cũng ra tuyên bố cho biết một cuộc gặp được lên kế hoạch từ trước giữa ông Adil Abdul-Mahdi và Tổng thống Trump đã bị hủy vì có những bất đồng. Chính phủ Iraq vốn dự định tổ chức một lễ đón chính thức và cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng cuối cùng ông Trump và ông Abdul-Mahdi chỉ điện đàm với nhau. Reuters cho biết, ông Donald Trump muốn Thủ tướng Mahdi tới căn cứ không quân al-Asad để gặp gỡ mình, nhưng vị thủ tướng Iraq đã từ chối.

Bà Sarah Sanders, người phát ngôn Nhà Trắng thì tuyên bố, việc hủy bỏ cuộc gặp gỡ giữa hai người đứng đầu chính phủ Mỹ và Iraq là do xem xét vấn đề an ninh và bởi lịch trình gấp gáp. Nhưng bà nói: hai nhà lãnh đạo đã “có cuộc điện đàm rất tốt” và Thủ tướng Abdul-Mahdi đã nhận lời mời của ông Donald Trump tới thăm Nhà Trắng vào năm tới.

Hôm 19.12, ông Donald Trump đã gây bất ngờ khi tuyên bố Mỹ đã giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) và quyết định rút quân khỏi Syria. Hành động này khiến dư luận phỏng đoán liệu ông Donald Trump có rút quân ra khỏi Iraq. Nhưng theo một số nguồn tin khi tới Iraq, ông đã cho biết “không có kế hoạch rút quân đội khỏi Iraq”.

Thậm chí, ông Trump còn nói, ông không định rút 5.200 binh sỹ Mỹ khỏi Iraq mà Mỹ còn dự định sử dụng căn cứ không quân al-Asad này để làm nơi xuất phát tiếp tục oanh kích Syria. Tuyên bố này càng khiến người Iraq tức giận vì al-Asad là căn cứ quân sự của Iraq, người Mỹ thích đến thì đến, muốn gặp ai thì gọi người đó tới, muốn đánh ai thì đánh; như thế khác nào coi Iraq như là một bang lệ thuộc Mỹ. Chính vì vậy, người ta lo ngại chuyến đi này của ông Trump sẽ làm gia tăng thêm làn sóng chống Mỹ và đòi Mỹ rút quân của dân chúng Iraq.

Ông Donald Trump để lộ hình ảnh lính biệt kích hải quân SEALs không che mặt trên Twitter cá nhân.
Ông Donald Trump để lộ hình ảnh lính biệt kích hải quân SEALs không che mặt trên Twitter cá nhân.

Làm lộ bí mật quân sự

Người phương Tây có câu “Ma quỷ ẩn náu trong chi tiết”. Chuyến thăm úy lạo binh lính chớp nhoáng của ông Donald Trump và vợ đã gây nên rắc rối lớn, không chỉ là tiết lộ bí mật quân sự.

Theo cách nói của ông Trump, chuyến đi bí mật này rất mạo hiểm, trong suốt quá trình đi và về đều được giữ bí mật tuyệt đối, cả về thông tin liên lạc. Thế nhưng, như trên đã nói, sau khi rời khỏi Iraq, ông đã viết dòng thông báo ngắn gọn trên Twitter nói mình và vợ đã đến thăm binh lính tại căn cứ không quân al-Asad ở Iraq. Kèm theo là đoạn video ghi cảnh ông bắt tay, ký tên, chụp ảnh với binh lính. Binh lính Mỹ rất phấn khởi, ông Trump cũng vui mừng. Nhưng có một chi tiết khiến Lầu Năm Góc "ngớ người". Đó là hình ảnh vợ chồng ông đứng giữa toán lính đặc nhiệm mặc đầy đủ trang phục tác chiến với kính nhìn đêm, ông Trump cười rạng rỡ, còn giơ ngón tay cái tỏ vẻ rất hài lòng.

Đoạn video đó nhanh chóng đạt trên 5 triệu view chỉ sau 1 ngày. Theo lời một phóng viên theo đoàn kể lại, khi đó một viên Trung úy tên là Kyu Lee nói với Trump, anh ta là mục sư Tin Lành - tuyên úy trong Phân đội 5 của lực lượng biệt kích Hải quân SEALs. Thấy thế, ông Trump liền chủ động: “Thế sao, vậy thì chúng ta chụp ảnh nào!”. Hẳn ông cho rằng việc chụp ảnh chung với lực lượng Biệt kích Hải quân SEALs là sự kiện đặc biệt nên mới cố tình ghép nó vào đoạn video này.

Ông Trump chụp ảnh chung với Trung úy biệt kích Kyu Lee.
Ông Trump chụp ảnh chung với Trung úy biệt kích Kyu Lee.

Thế nhưng, các tướng lĩnh quân đội khi xem thấy hình ảnh này đều kêu lên: “Hỏng rồi, Tổng thống làm lộ bí mật rồi!”. Theo báo chí thì: Iraq hiện nay vẫn được coi là vùng chiến trường. Tác chiến của lực lượng đặc biệt có tính nguy hiểm cao nên theo quy định dù có chụp ảnh nếu công bố thì cũng phải làm mờ mặt hoặc yêu cầu các lính biệt kích mang mặt nạ để tránh nguy hiểm đến tính mạng của họ nếu để lộ thân phận. Chính vì vậy, các phóng viên quân sự khi đưa hình ảnh ông Donald Trump đi thăm lính Mỹ đều không bao giờ đưa ảnh ông chụp cùng các lính Biệt kích Hải quân SEALs.

Thế nhưng ông Trump lại “hồn nhiên” khoe đoạn video trên mạng với các binh sĩ hoàn toàn lộ diện. Chuyên gia tình báo hải quân Malcom Nance nói: đoạn video của tổng thống là sự phá hoại nghiêm trọng trình tự an toàn truyền thống, “sự cao hứng của tổng thống đã tiết lộ bí mật quân sự khiến các lính đặc nhiệm này lâm vào tình thế rất nguy hiểm”. Mặt khác, bản thân việc Mỹ bố trí lực lượng Biệt kích Hải quân SEALs ở Iraq đã là một bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt.

Chưa hết, theo CNN, khi thăm hỏi các lính Mỹ, ông Trump còn nổi hứng rút bút viết mấy chữ MAGA (viết tắt của Make America Great Again – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) lên mũ của họ và ký tên. Hành động này cũng vi phạm nghiêm trọng  quy định của quân đội. Đây là khẩu hiệu tranh cử của ông, không được phép tuyên truyền trong các đơn vị quân đội Mỹ.

Việc ông Donald Trump ký tên lên mũ lính bị CNN phê phán.
Việc ông Donald Trump ký tên lên mũ lính bị CNN phê phán.

Khi thấy CNN phê phán hành động này của mình, ông Donald Trump đã tức giận chửi CNN là “truyền thông dởm”. Ông viết trên Twitter: đám truyền thông dởm CNN điên thật rồi. Nếu các binh sỹ dũng cảm của chúng ta đề nghị tôi ký tên lên mũ của họ, đương nhiên tôi sẽ ký. Các người có thể tưởng tượng tôi sẽ từ chối sao?

Hứa hẹn tăng lương bừa  

Theo AP, khi nói chuyện với các binh sĩ tại căn cứ không quân al-Asad, ông Donald Trump còn đột nhiên tuyên bố binh sĩ sẽ được tăng lương lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua và mức tăng sẽ rất lớn.

AP hôm 28.12 nói,ông Trump nói các binh sĩ ở Iraq đã hơn 10 năm chưa được tăng lương và ông sẽ dành cho họ “lần tăng lương với mức lớn nhất trong lịch sử” và ám chỉ “mức tăng tốt nhất là trên 10%”. Bản tin của AP nói, ông Trump đã nói: “Có một số người nói, tăng lương cho quân đội ít thôi, 3% hoặc 2% là được, nếu không thì 4%. Tôi đã nói với họ: không được, cần phải tăng 10% hoặc nhiều hơn 10%”.

Hãng này cho biết, ông Trump đã nhầm lẫn khi nói như trên. Qua điều tra thì thấy mấy chục năm nay quân đội Mỹ vẫn tăng lương; trong 10 năm qua đã tăng mấy lần, như năm 2018 tăng 2,4%, năm 2019 chính ông Trump đã thông qua mức tăng 2,6%; các năm 2008, 2009 và 2010 đều tăng 3,4%. Sự thật cho thấy, mặc dù ông Trump hứa hẹn thế nào, nhưng mức tăng 2,6% của năm 2019 theo kế hoạch rõ ràng thấp hơn nhiều mức “10% hoặc hơn” mà ông hứa hẹn.

Ông Trump phát biểu hứa hẹn tăng lương bừa cho binh lính.
Ông Trump phát biểu hứa hẹn tăng lương bừa cho binh lính.

Đây không phải là lần đầu ông Trump nhầm lẫn về vấn đề này. Hồi tháng 5.2018 khi phát biểu trước một đơn vị quân đội, ông cũng đã nói: “Tôi vừa thông qua dự toán ngân sách quân sự 700 tỷ USD, quân đội Mỹ sẽ có được những trang bị quân sự tốt nhất. Sang năm sẽ tăng lên 716 tỷ USD, tôi nói điều này để mọi người biết. Còn nữa, tôi biết các anh có lẽ đang quan tâm xem trong đó có bao gồm việc tăng lương cho quân đội không. Có tăng, đây là lần tăng lương đầu tiên trong 10 năm nay”.

Donald Trump khẳng định như thế mà không biết rằng, từ 1983 đến nay, hầu như năm nào lương của quân đội cũng được điều chỉnh tăng lên. Theo tư liệu thống kê lương của binh sĩ lục quân trong Sổ tay trưng binh lục quân thì mức lương của tân binh năm thứ nhất hiện là 19.659 USD/năm; lương của Thượng sĩ lục quân năm thứ 6 là 38.059 USD/năm.