Tổng giám đốc công ty đóng tàu sân bay Trung Quốc đối mặt án tử hình vì bán bí mật cho CIA?

VietTimes -- Ngày 17.12, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (UBKTKLTW) đã báo cáo, được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phê chuẩn quyết định “song khai” (khai trừ đảng tịch và công chức) đối với Tôn Ba, Phó Bí thư đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty hữu hạn Tập đoàn Công nghiệp nặng – tàu thuyền Trung Quốc (CSIC). 
Tôn Ba, Tổng giám đốc Công ty hữu hạn Tập đoàn Công nghiệp nặng tàu thuyền Trung Quốc vừa bị khai trừ đảng và công chức hôm 17.12.
Tôn Ba, Tổng giám đốc Công ty hữu hạn Tập đoàn Công nghiệp nặng tàu thuyền Trung Quốc vừa bị khai trừ đảng và công chức hôm 17.12.

Ông Tôn Ba bị tịch thu mọi thu nhập có được do vi phạm pháp luật, kỷ luật. Vấn đề phạm tội được chuyển sang cơ quan kiểm sát khởi tố theo pháp luật. Tờ SCMP ngày 18.12 dẫn lời nhân sĩ trong cuộc nói, Tôn Ba đang bị điều tra về việc tiết lộ văn kiện cơ mật về tàu sân bay Liêu Ninh và có nguy cơ đối mặt với mức án tử hình.

Theo thông báo của UBKTKLTW, Tôn Ba đã “vi phạm kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị, đi ngược lại yêu cầu của trung ương, dối trá bịp bợm, làm tổn hại lợi ích của công ty quốc doanh. Trong thời gian bị thanh tra đã che giấu sự thật, lừa gạt tổ chức, niềm tin lý tưởng dao động, hoạt động mê tín phong kiến trong thời gian dài, vi phạm tinh thần 8 điều chú ý của trung ương, tham dự tiệc tùng ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ công bằng, vi phạm kỷ luật tổ chức. Khi nói chuyện với tổ chức không nói rõ vấn đề, lợi dụng tiện lợi chức vụ điều động công tác cho người thân trái quy định, vi phạm kỷ luật liêm khiết, mưu cầu lợi ích phi pháp cho hoạt động kinh doanh của bạn bè, lạm dụng chức quyền gây thiệt hại đặc biệt lớn cho lợi ích quốc gia, có dấu hiệu phạm tội lạm dụng chức quyền, lợi dụng tiện lợi về chức vụ mưu lợi cho người khác và nhận tiền vật, có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ”.

Thông báo viết, “Tôn Ba là cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng, người phụ trách công ty quốc doanh, liều lĩnh độc đoán, không trung thành, không thật thà với đảng, dùng quyền đổi tiền, nhận hối lộ, sau Đại hội 18 vẫn không ngừng tay, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, cấu thành phạm tội chức vụ, đáng phải xử lý nghiêm túc. Vì vậy, UBKTKLTW báo cáo Trung ương quyết định khai trừ đảng và công chức đối với Tôn Ba, chuyển vấn đề phạm tội và manh mối, tang vật sang cơ quan kiểm sát để khởi tố, xét xử”.

Việc Tôn Ba bị điều tra có thể gây ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng các cụm tàu sân bay của Trung Quốc.
 Việc Tôn Ba bị điều tra có thể gây ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng các cụm tàu sân bay của Trung Quốc.

Theo tư liệu chính thức, Tôn Ba sinh năm 1961, năm 1982 tốt nghiệp Học viện công nghiệp Đại Liên, năm 2007 đỗ Tiến sĩ thiết kế - chế tạo tàu thuyền, kỹ sư cao cấp. Tôn Ba từng được giao giữ các chức Trưởng ban, Viện phó Kỹ thuật nhà máy, Trưởng phòng, Phó Tổng công trình sư, Phó giám đốc Nhà máy đóng tàu Đại Liên; Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó rồi Tổng giám đốc Công ty hữu hạn tàu thuyền Đại Liên; Trợ lý Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty tập đoàn công nghiệp nặng - tàu thuyền Đại Liên. Tháng 12.2009 là đảng ủy viên, Tổng Giám đốc Công ty tập đoàn công nghiệp nặng tàu thuyền Trung Quốc (CSIC); từ tháng 3.2015 là Phó Bí thư đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc CSIC. Ngày 16.6.2018, Tôn Ba đã bị UBKTKLTW - Ủy ban Giám sát quốc gia tiến hành điều tra vì có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng, trở thành quan chức quản lý cấp cao đầu tiên của một xí nghiệp do trung ương quản lý bị điều tra sau Đại hội 19.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 19.12 cho biết, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 18.12 dẫn nguồn của “nhân sĩ thạo tin” nói cơ quan kiểm sát Trung Quốc đang triển khai điều tra Tôn Ba theo hướng cáo buộc tiết lộ các văn kiện cơ mật về tàu sân bay Liêu Ninh cho tình báo nước ngoài. Người này cho biết, Tôn Ba có thể phải nhận án tử hình về tội bán tài liệu cơ mật về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc cho cơ quan tình báo nước ngoài (có tin nói là CIA).

Tàu Liêu Ninh được cải tạo từ tàu Varygard của Liên Xô cũ.
Tàu Liêu Ninh được cải tạo từ tàu Varygard của Liên Xô cũ.

Theo Đa Chiều, trước đây đã có tin nói việc Tôn Ba ngã ngựa có liên quan đến chất lượng của tàu sân bay Trung Quốc. Cả tàu Liêu Ninh và chiếc tàu Type-001A đầu tiên do Trung Quốc tự đóng đều có liên quan mật thiết đến CSIC.

CSIC là công ty quốc doanh loại đặc biệt lớn thành lập năm 1999, do Quốc Vụ viện quản lý, là 1 trong 10 tập đoàn công nghiệp quân sự lớn của Trung Quốc. CSIC có tới 46 xí nghiệp trực thuộc, 28 viện nghiên cứu, với 140 ngàn công nhân viên, tổng tài sản có tới 190 tỷ NDT.

CSIC cũng là cơ sở chính nghiên cứu, sản xuất trang bị phương tiện cho hải quân Trung Quốc: chịu trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, thí nghiệm, đảm bảo về tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm thông thường, tàu mặt nước và các loại vũ khí trang bị cho lực lượng hải quân. Vì vậy, việc Tôn Ba bị bắt đã gây xôn xao dư luận.

Tháng 6.2015, Tổ tuần thị của UBKTKLTW đã tiến hành thanh tra công tác chống tham nhũng của CSIC và nhận xét: tình hình quản lý tài chính hỗn loạn, nhiều viện nghiên cứu trong quá trình sản nghiệp hóa đã chuyển giao hạng mục và nghiệp vụ cho công ty tư nhân; có nơi tồn tại vấn đề cá nhân đắc lợi từ việc bán rẻ tài nguyên và kỹ thuật của đơn vị. Ngày 30.9.2017, Lưu Trường Hồng, đảng ủy viên, Chủ nhiệm UBKTKL đảng ủy CSIC đã bị “song khai” và chuyển sang cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật. Lưu Trường Hồng đã cộng tác cùng Tôn Ba hơn 5 năm.

Ngày 20.8.2018, tại cơ sở thí nghiệm quan trọng của Viện 760 trực thuộc CSIC đặt ở Đại Liên xảy ra sự cố nghiêm trọng khiến 3 chuyên gia hàng đầu chết đuối. Sự kiện này đã gây kinh động tới Trung Nam Hải. Một tháng sau, đến lượt Viện trưởng Viện nghiên cứu 712 và Viện phó Viện 704 bị bắt để điều tra. Đáng chú ý, Viện 704 là cơ sở nghiên cứu lớn nhất, có ảnh hưởng nhất chuyên về cơ và điện của tàu thuyền Trung Quốc.

Tàu Type-001A do Trung Quốc tự đóng trên cơ sở mẫu thiết kế của tàu Liêu Ninh được bổ sung, nâng cấp.
Tàu Type-001A do Trung Quốc tự đóng trên cơ sở mẫu thiết kế của tàu Liêu Ninh được bổ sung, nâng cấp.

Nguồn tin nội bộ cho SCMP biết, hiện vẫn chưa rõ mức độ cơ mật của tài liệu mà Tôn Ba đã trao cho cơ quan tình báo nước ngoài. Người này cho rằng, mức án mà Tôn Ba phải nhận nặng hay nhẹ sẽ được quyết định bởi mức độ quan trọng của tài liệu mật đã bị tiết lộ. Nếu viện kiểm sát phát hiện thấy đây là văn kiện có độ mật cao thì ông ta có thể đối mặt với án tử hình.

Với thông báo của UBKTKLT về vụ việc không nói gì đến nội dung liên quan đến tàu sân bay, SCMP cho rằng, vụ án này liên quan đến rất nhiều bí mật, cho nên nhà đương cục sẽ không công bố chi tiết vụ án. Báo chí Đài Loan thì cho rằng, đây là vụ án “phản quốc, tiết lộ bí mật” lớn thứ 2 của Trung Quốc sau vụ Du Cường Thanh, Trưởng phòng Bắc Mỹ của Bộ An ninh Quốc gia làm phản chạy sang Mỹ năm 1986.

Tàu sân bay Liêu Ninh vốn là chiếc tàu sân bay lớp Kuznetsov mang tên Varygard của Liên Xô cũ được hạ thủy năm 1988. Sau khi Liên Xô giải thể, Trung Quốc đã mua lại của Ukraine bằng con đường không chính thức với giá sắt vụn để “kinh doanh giải trí thương mại”. Năm 2002, con tàu này được kéo về Trung Quốc, được sửa chữa cải tạo tại Đại Liên, cho đến tháng 9.2012 chính thức được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc.

Ngày 21.6.2018, Hãng thông tấn Spunik của Nga từng đưa tin, Tôn Ba đã bán các tài liệu mật về thiết kế, quy cách... của tàu Liêu Ninh cho CIA rải rác trong mấy năm, khiến Mỹ hoàn toàn nắm được trình độ kỹ thuật của công nghiệp  đóng tàu sân bay của Trung Quốc.

Chiếc Type-001A do Trung Quốc tự đóng đầu tiên cũng được chế tạo mô phỏng theo tàu Liêu Ninh. Vì vậy, có ý kiến phỏng đoán Tôn Ba rất có thể cũng đã bán bản thiết kế của chiếc Type-001A cho CIA.