Đàm phán tại Minsk, lối thoát mới cho khủng hoảng Ukraine

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói chính phủ của ông có thể nối lại đàm phán hòa bình với phe ly khai được Nga hậu thuẫn và chính phủ Nga vào Chủ nhật này tại Minsk, VOA đưa tin.
Đàm phán tại Minsk, lối thoát mới cho khủng hoảng Ukraine
Đàm phán tại Minsk, lối thoát mới cho khủng hoảng Ukraine

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) nói chuyện với Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski trong một cuộc họp ở Warsaw, 17/12/2014.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói chính phủ của ông có thể nối lại đàm phán hòa bình với phe ly khai được Nga hậu thuẫn và chính phủ Nga vào Chủ nhật này tại Minsk, VOA đưa tin.

Ông Poroshenko cho phóng viên ở Warsaw biết "nhóm liên lạc," bao gồm những đại diện của chính phủ Ukraine và Nga, thành phần ly khai ở miền đông Ukraine, và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), sẽ tổ chức một cuộc họp qua video vào ngày thứ Năm và thứ Sáu để chuẩn bị cho một cuộc họp có thể diễn ra.

Đầu tháng 9, các thành viên của nhóm liên lạc đã ký một thỏa thuận ngừng bắn ở Minsk, nhưng hơn 1.300 người đã thiệt mạng trong chiến sự ở miền đông Ukraine kể từ lúc đó. Hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Lãnh đạo phe ly khai của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, Alexander Zakharchenko, nói với hãng tin Nga RIA Novosti rằng nhóm liên lạc vẫn chưa "hoàn toàn nhất trí" về nghị trình cuộc họp.

Trong khi đó, trong chuyến thăm Kiev, trưởng phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini cho biết bà và Tổng thống Poroshenko "có cùng chung ấn tượng rằng có thể Tổng thống Putin phần nào muốn giải quyết cuộc xung đột."

Phát biểu của bà Mogherini tương tự như phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm thứ Ba, nói rằng Nga đã có những "động thái mang tính xây dựng" về cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà có thể mở đường giải quyết cuộc xung đột và giảm nhẹ hoặc gỡ bỏ những biện pháp trừng phạt kinh tế của quốc tế.

Nhà Trắng hôm thứ Ba cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ ký dự luật mà Quốc hội Mỹ đã thông qua cho phép áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt hơn nhắm vào Nga vì vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tuy nhiên dự luật không bắt buộc Mỹ phải áp đặt những biện pháp trừng phạt hay cung cấp viện trợ quân sự.