Đài Loan cho phép tiêm vaccine nội mặc dù đang thử nghiệm giai đoạn ba

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ 23/8, Đài Loan bắt đầu tiêm cho dân chúng vaccine Cao Đoan (MVC) tự sản xuất. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã đi đầu tiêm chủng, toàn bộ quá trình được phát qua Facebook. Đợt đầu tiên 500.000 người sẽ được tiêm.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đi đầu tiêm vaccine nội địa do Cao Đoan (MVC). (Ảnh: Deutsche Welle).
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đi đầu tiêm vaccine nội địa do Cao Đoan (MVC). (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 23/8, bà Thái Anh Văn là người đầu tiên tiêm vaccine Cao Đoan (MVC) của Đài Loan vào sáng sớm hôm nay (23/8). Toàn bộ quá trình bà tiêm được phát trực tiếp trên Facebook. Sau khi tiêm, bà nói với giới truyền thông không hề căng thẳng và không cảm thấy gì khác khi tiêm.

Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đi đầu tiêm vaccine nội địa

Mặc dù Đài Loan đã triển khai tiêm các vaccine Modena và AstraZeneca từ lâu, nhưng bà Thái Anh Văn vẫn không tiêm loại nào, chủ yếu là chờ tiêm vaccine do Đài Loan tự chế. Trước khi tiêm, bà đã nhắc nhở các y tá cho phép giới truyền thông chụp ảnh vaccine Cao Đoan.

Theo thống kê, đã có tổng cộng 500.000 người đăng ký tiêm vaccine Cao Đoan. Sau khi tiêm, dân chúng tới tấp post ảnh lên mạng xã hội. Nhà văn trẻ nổi tiếng Hà Tắc Văn (He Zewen) là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine Cao Đoan đợt đầu, cho biết trên trang Facebook của mình rằng sau khoảng 1 giờ xếp hàng vào buổi sáng anh mới đến lượt tiêm.

Vaccine Cao Đoan (MVC) do Đài Loan nghiên cứu sản xuất (Ảnh: CNA).

Vaccine Cao Đoan (MVC) do Đài Loan nghiên cứu sản xuất (Ảnh: CNA).

Hà Tắc Văn nói anh nghĩ rằng chính quyền sẽ không làm hại người dân và nói: "Giờ đây, mọi quốc gia đều đang cố gắng sản xuất vaccine nội địa. Bất kể đảng chính trị nào nắm quyền, họ cũng sẽ phấn đấu có vaccine nội địa. Vì vậy, chúng ta cần cùng nhau bao phủ vaccine. Đã có vaccine là phải tiêm ngay".

Hà Tắc Văn không thấy lo lắng về việc vaccine Cao Đoan chưa được quốc tế chứng nhận. Anh cho rằng dịch bệnh ở Đài Loan đang được kiểm soát tốt và các quốc gia khác cũng sẽ đưa ra các chính sách nhập cảnh tương ứng; anh không có kế hoạch ra nước ngoài trong thời gian tới nên ảnh hưởng không đáng kể.

Nhiều nghị sĩ Đảng DPP cầm quyền cũng nằm trong danh sách những người đăng ký tiêm vaccine Cao Đoan đợt đầu tiên. Nhà lập pháp Thái Dị Dư đã tiêm vào sáng ngày 23/8. Ông nói với báo chí rằng ông "ủng hộ vaccine nội địa và ủng hộ ngành công nghệ sinh học Đài Loan" và cho biết “Nhiều dữ liệu khác nhau cho thấy Cao Đoan là một loại vaccine tốt".

Nhà lập pháp Trần Đình Phi nói, "ủng hộ vaccine trong nước có nghĩa là hỗ trợ mở rộng sức mạnh quốc gia. Nếu chúng ta không có khả năng nghiên cứu và phát triển, chúng ta không thể cạnh tranh với những người khác".

Hiện tại, chính quyền Đài Loan đã đặt hàng 5 triệu liều vaccine Cao Đoan và nhấn mạnh rằng không ai bị ép buộc phải tiêm loại vaccine này. Tuy nhiên, ông Hách Long Tân (Hao Longbin), cựu chủ tịch Quốc Dân Đảng (KMT) đối lập và những người khác, gần đây đã kiến ​​nghị Tòa án Hành chính cấp cao Đài Bắc dừng việc ủy quyền sử dụng khẩn cấp vaccine Cao Đoan (EUA), nhưng đã bị tòa án bác bỏ vào ngày 20/8.

Người dân Đài Loan bắt đầu đi tiêm vaccine nội địa Cao Đoan (Ảnh: Deutsche Welle).

Người dân Đài Loan bắt đầu đi tiêm vaccine nội địa Cao Đoan (Ảnh: Deutsche Welle).

Tuy nhiên, vẫn có không ít người ở Đài Loan giữ thái độ chờ đợi đối với vaccine Cao Đoan. Đại học Trung Nguyên của Đài Loan ngày 16/8 thông báo kết quả điều tra cho thấy xã hội Đài Loan vẫn còn nghi ngờ về việc liệu vaccine nội địa có bảo vệ được hay không. 69,1% người dân không tin tưởng vào vaccine nội địa và chỉ khoảng 6,6% bày tỏ sẵn sàng tiêm vaccine tự sản xuất của Đài Loan. chiếm chưa đầy 10%. Có tới 77% người dân bày tỏ mong muốn được tiêm vaccine mRNA.

Một phụ nữ họ Hoàng người Cao Hùng nói với phóng viên Deutsche Welle rằng cả gia đình vẫn chưa tiêm vaccin. Họ chỉ đăng ký tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Modena.

Bà nói với Deutsche Welle: “Bởi vì chưa ai tiêm nó bao giờ, có vẻ giống như làm chuột bạch, tôi không biết nó có bất kỳ tác dụng phụ nào không, vì vậy tôi sẽ chờ xem nó hiệu quả như thế nào, có an toàn không”.

Một phụ nữ 31 tuổi khác là cô Giản vẫn còn nghi ngờ về vaccine Cao Đoan. Cô nói với Deutsche Welle cô không mấy tin tưởng vào Cao Đoan, "Nếu có số liệu thống kê về số người có di chứng sau tiêm thì sẽ an tâm hơn".

Giản nói, ngay cả khi không còn vaccine nào khác, cô cũng không muốn sử dụng loại Cao Đoan, nguyên nhân chính là do vẫn chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn III. Cô nói: "Tôi không muốn tiêm Cao Đoan cho đến khi nó đạt tiêu chuẩn như vaccine nhập khẩu".

Nhà văn trẻ Hà Tắc Văn đã tiêm vaccine Cao Đoan sáng 23/8 (Ảnh: Deutsche Welle).

Nhà văn trẻ Hà Tắc Văn đã tiêm vaccine Cao Đoan sáng 23/8 (Ảnh: Deutsche Welle).

Chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn III

Do vaccine Cao Đoan sử dụng công nghệ "immunobridging" (bắc cầu miễn dịch) và sử dụng "kháng thể trung hòa" của vaccine AstraZeneca làm chỉ số hiệu quả thay thế, đây là vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới được phát triển với công nghệ "immunobridging" và được đưa vào sử dụng khẩn cấp. Vì vậy một số chuyên gia y tế vẫn đặt câu hỏi về hiệu quả của nó.

Nói chung có hai loại ý kiến ​​trong ngành y tế về việc tiêm vaccine Cao Đoan. Một là do tính chất khẩn cấp của tình hình dịch nên chấp thuận công nghệ “bắc cầu miễn dịch” sử dụng trước nhưng vẫn phải tiến hành thử nghiệm giai đoạn III; quan điểm khác cho rằng công nghệ “bắc cầu miễn dịch” thường được được sử dụng để sửa đổi vaccine và do đó vaccine cần hoàn thành giai đoạn III thử nghiệm mới được cung cấp tiêm cho dân chúng.

Adrian Esterman, một nhà dịch tễ học tại Đại học Nam Úc ở Australia chỉ ra rằng thông thường kết quả "bắc cầu miễn dịch" có thể được sử dụng như một sự cho phép khẩn cấp (EUA), nhưng đây thường là loại vaccine đã được phê duyệt trên cơ sở giai đoạn thử nghiệm thứ ba. Sau khi được sử dụng ở người lớn, hiệu quả của việc sử dụng ở trẻ em có thể được suy ra thông qua "bắc cầu miễn dịch".

Tuy nhiên, bà Nikki Turner, Giám đốc Trung tâm Tư vấn miễn dịch của Đại học Auckland, nói với Deutsche Welle rằng việc hoàn thành các thử nghiệm giai đoạn III của vắc xin thường được sử dụng làm cơ sở để phê duyệt. NHưng nếu vaccine này về bản chất là sản phẩm cùng loại với một vaccine khác đã thông qua thử nghiệm giai đoạn III, có một số nghiên cứu về cơ bản có thể kết nối dữ liệu. Điều này rất thường thấy trong vaccine cúm.

Bà cũng đưa ra một ví dụ, Pfizer vừa công bố dữ liệu về phản ứng miễn dịch và an toàn cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi, đây không phải là một thử nghiệm ba giai đoạn hoàn chỉnh, mà là dùng phương pháp bắc cầu miễn dịch để so sánh việc sinh ra các kháng thể ở thanh thiếu niên.

Vương Nhiệm Hiền, một bác sĩ điều trị tại Khoa Truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Đại học Y Trung Quốc, từng chỉ ra với cơ quan truyền thông Đài Loan "Sức khỏe Ngày nay" rằng vaccine Cao Đoan đã được cấp phép khẩn cấp khi giai đoạn ba của cuộc thử nghiệm chưa hoàn thành, là "thực sự khá không an toàn". Ông nói: “Thứ nhất là không thể xác định khả năng bảo vệ thực sự của vaccine. Thứ hai, không thể khẳng định rốt cục có những tác dụng phụ, phản ứng có hại gì”. Ông khuyên công chúng nên suy nghĩ kỹ trước khi tiêm.

Tuy nhiên, Công ty Cao Đoan rất tin tưởng vào vaccine của họ. Trần Sán Hiền (Chen Canjian), Tổng giám đốc của Công ty Cao Đoan, nói với Reuters: “Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều thử nghiệm và mọi người đều thấy vaccine của chúng tôi an toàn như thế nào. Có rất ít tác dụng phụ và hầu như không ai bị sốt, v.v ... Vì vậy, tôi nghĩ mọi người có thể yên tâm".

Trước ngày 23/8, người dân Đài Loan chủ yếu tiêm hai loại vaccine Modena và AstraZeneka (Ảnh: Deutsche Welle).

Trước ngày 23/8, người dân Đài Loan chủ yếu tiêm hai loại vaccine Modena và AstraZeneka (Ảnh: Deutsche Welle).

Trang web của Công ty Cao Đoan cho biết kháng nguyên của vaccine đã được chuyển giao công nghệ tái tổ hợp gene đột biến S-2P của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Công nghệ này sử dụng công nghệ tái tổ hợp gene để tạo ra các protein dạng gai trên bề mặt của virus, sau đó được sử dụng như một loại vaccine và được tiêm vào cơ thể người để tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2. Trang web nói rằng "vaccine sử dụng tá dược Dynavax của Mỹ".

Về việc vaccine Cao Đoan vẫn chưa được quốc tế công nhận, ông Trần Thời Trung (Chen Shizhong), chỉ huy của Trung tâm Chỉ huy chống dịch Đài Loan, tuần trước cho biết rằng trong tương lai, sẽ đàm phán với Mỹ việc chứng nhận vắc xin song phương và Mỹ coi trọng vaccine Cao Đoan, sẽ cố gắng để vaccine Cao Đoan được chứng nhận. Ông nói: “Về ngoại giao không phải cứ ngồi lại, nói một câu là xong, cần phải lên kế hoạch chi tiết”.

Trước đó, do sự cản trở của Trung Quốc, những nỗ lực của Đài Loan trong việc đặt hàng các nhãn hiệu vaccine COVID-19 nổi tiếng quốc tế đã gặp phải thất bại, vì vậy họ đã đẩy nhanh kế hoạch phát triển vaccine của riêng mình.

Khoảng 40% trong số 23,5 triệu người của Đài Loan đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 thương hiệu quốc tế, nhưng chưa đến 5% đã hoàn thành tiêm hai liều. Tuy nhiên, khác với một số quốc gia khác, Đài Loan có rất ít trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và áp lực tiêm chủng tương đối thấp.