Thực hư về tin đồn tiêm vaccine COVID-19 gây vô sinh và...bất lực?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một tin đồn không mới, nhưng rất dai dẳng ở nhiều nước: tiêm vaccine COVID-19 sẽ gây vô sinh và ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục. Nỗi lo ngại này có cơ sở không? Vậy sự thật liệu có đúng như thế?...
Tin đồn thất thiệt trên mạng về vaccine COVID-19 gây rối loạn cương dương đã khiến một bộ phận đàn ông không dám tiêm chủng (Ảnh: Deutsche Welle).
Tin đồn thất thiệt trên mạng về vaccine COVID-19 gây rối loạn cương dương đã khiến một bộ phận đàn ông không dám tiêm chủng (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 8/8, “Tiêm vaccine COVID-19 sẽ làm cơ thể bị mất chức năng sinh sản!” - Trong mấy tháng qua, luận điểm này đã lan truyền như đám cháy rừng trên các trang mạng xã hội, gây ảnh hưởng khiến một bộ phận dân chúng, nhất là giới trẻ một số nước phương Tây không muốn tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Tuyên bố ban đầu là “phụ nữ đặc biệt nên quan tâm đến khả năng sinh sản của họ trước khi quyết định tiêm vaccine”, được bổ sung bởi một giải thích về sinh học, cho rằng: “Các kháng thể được vaccine gây ta không chỉ làm cho coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) trở nên vô hại mà còn tấn công các protein liên quan đến sự hình thành nhau thai trong tử cung”.

Thông tin về vaccine COVID-19 gây vô sinh và chứng bất lực ở nam giới là tin giả (Ảnh: internet).

Thông tin về vaccine COVID-19 gây vô sinh và chứng bất lực ở nam giới là tin giả (Ảnh: internet).

Vaccine Pfizer và Modena hàm chứa một "bản thiết kế" ở dạng axit ribonucleic thông tin (mRNA) dùng cho protein bề mặt của virus SARS-CoV-2, tức cái gọi là “protein đột biến”. Sau khi tiêm vaccine, một số tế bào trong cơ thể người sẽ sản xuất ra protein đột biến, từ đó khởi động phản ứng miễn dịch, dẫn đến hình thành các kháng thể chống lại loại protein virus cụ thể này.

"Giả thuyết vaccine gây vô sinh hoàn toàn không có cơ sở"

Theo giả thuyết trên, các kháng thể cũng có ảnh hưởng đến một protein khác là “Syncytin-1”, có liên quan đến sự hình thành nhau thai trong tử cung và rất cần thiết cho quá trình thụ thai thành công. Những người ủng hộ thuyết “tiêm vaccine COVID-19 gây vô sinh” cho rằng lý do tại sao các kháng thể cũng tấn công nó là do protein đột biến và protein “Syncytin-1” có cấu trúc tương tự nhau.

Tin đồn tiêm vaccine COVID-19 có thể gây vô sinh là hoàn toàn không có cơ sở (Ảnh: Deutsche Welle).

Tin đồn tiêm vaccine COVID-19 có thể gây vô sinh là hoàn toàn không có cơ sở (Ảnh: Deutsche Welle).

Protein đột biến của SARS-CoV-2 bao gồm 1.273 axit amin, và protein “Syncytin-1” bao gồm 538 axit amin. Các nhà nghiên cứu chỉ phát hiện ra rằng hai loại protein này chỉ có 5 axit amin – tức chỉ 0,75%, giống nhau về trình tự, nhưng thứ tự của chúng không hoàn toàn giống nhau. Cho nên cái gọi là “protein đột biến và protein Syncytin-1 có cấu trúc tương tự nhau” chỉ như thế mà thôi.

Ông Udo Markert, người phụ trách phòng thí nghiệm nhau thai tại Bệnh viện Đại học Jena, Đức, chỉ ra rằng, nếu giả thuyết phản ứng miễn dịch do vaccine gây ra có thể gây vô sinh là chính xác, thì bệnh COVID-19 lại càng gây nên vô sinh.

Ông Ekkehard Schleußner, Chủ tịch đương nhiệm của Hiệp hội Miễn dịch Sinh sản Châu Âu (European Society for Reproductive Immunology), đồng thời là Chủ nhiệm Phòng khám Sản khoa tại Bệnh viện Đại học Jena, Phó Chủ tịch Hiệp hội Y học sinh sản Đức, một đồng nghiệp của Udo Markert, cho biết trong một tuyên bố: "Từ góc độ nghiên cứu nhau thai và y học sinh sản, những tuyên bố tràn lan như vậy là không hề có căn cứ!". Hai vị chuyên gia y học này tiếp tục khuyến nghị phụ nữ nên tiêm vaccine phòng COVID-19.

Phụ nữ mang thai cần đi tiêm vaccine COVID-19 để bảo vệ mình (Ảnh: womens.es).

Phụ nữ mang thai cần đi tiêm vaccine COVID-19 để bảo vệ mình (Ảnh: womens.es).

Nỗi sợ hãi của cánh mày râu

Không chỉ cánh phụ nữ mới cảm thấy không yên tâm trước những tuyên bố không có cơ sở và sai sự thật như trên về vaccine, những thông tin cho rằng tiêm phòng có tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của giới mày râu cũng đang lan truyền trên mạng xã hội.

Trên thực tế, một nghiên cứu ở Mỹ đã đưa ra một kết luận hoàn toàn khác về vấn đề này: Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tinh trùng của 45 người đàn ông trưởng thành trước và sau khi tiêm chủng vaccine mRNA và không tìm thấy bất cứ tác động tiêu cực nào đến khả năng sinh sản của nam giới.

Một trong những tác giả của báo cáo nghiên cứu, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu Daniel Nassau, nói: "Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ ảnh hưởng nào của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với tinh trùng ở bất kỳ người đàn ông nào được kiểm tra". Ông tin rằng dù có kiểm tra thêm bao nhiêu người nữa cũng sẽ không thay đổi kết quả này.

Đồng thời, ông Ranjith Ramasamy, Giáo sư khoa tiết niệu tại Đại học Miami, người tham gia nghiên cứu công trình trên cùng với Daniel Nassau, đã nhấn mạnh những nguy cơ của việc nhiễm SARS-CoV-2 trong một bài báo trên tạp chí The Conversation.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tiêm vaccine COVID-19 rất sớm để khuyến khích mọi người tiêm chủng (Ảnh: Deutsche Welle).

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tiêm vaccine COVID-19 rất sớm để khuyến khích mọi người tiêm chủng (Ảnh: Deutsche Welle).

Nhiễm COVID-19 nguy hiểm hơn nhiều việc tiêm vaccine

Giáo sư Ranjith Ramasamy viết rằng tiêm phòng không phải là nguyên nhân gây rối loạn cương dương hay vô sinh ở đàn ông. “Sự thật là: SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19 mới có nguy cơ khiến người nhiễm bệnh phát triển hai chứng bệnh này”.

Trong một nghiên cứu trước đây, vị bác sĩ tiết niệu và nhóm của ông đã phát hiện ra SARS-CoV-2 trong mô tinh hoàn của những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã tử vong. Ông Ramasamy cho biết, virus SARS-CoV-2 này không chỉ gây hại cho quá trình sản xuất tinh trùng và khả năng sinh sản mà còn gây nên rối loạn cương dương.

Giáo sư Ranjith Ramasamy viết rằng kết quả này không hoàn toàn gây ngạc nhiên. Thực ra, các virus khác như virus quai bị hoặc vi rút Zika cũng có thể gây viêm tinh hoàn và làm suy giảm khả năng sinh sản. Giáo sư Daniel Nassau chỉ rõ: “Nhiễm bệnh càng nặng, nguy cơ vô sinh và rối loạn cương dương càng lớn”. Ông nói: “Tôi chỉ có thể hết sức khuyên mọi người hãy đi tiêm vaccine COVID-19”.