Đại hội Đảng XIII: Thế hệ lãnh đạo mới mở ra một trang mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo đội ngũ có đức có tài, “xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Đó là thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Một thế hệ lãnh đạo mới được lựa chọn

Trong bất kỳ giai đoạn nào của của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thì công tác cán bộ hay nói nôm na là lựa chọn người lãnh đạo (cầm quyền) là hết sức quan trọng. Trong giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền công tác cán bộ, lựa chọn nhân tài để phụng sự tổ quốc lại càng quan trọng hơn.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng Việt Nam đã có người cầm lái, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, càng dành sự quan tâm hơn đến công tác bồi dưỡng, đào tạo và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ.

Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng.

Trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, vì “cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức, thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ "phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư", "phải gắn bó mật thiết với nhân dân", v.v.. để được dân tin, dân phục, dân yêu; đồng thời chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân với những căn bệnh thường mắc như: cậy quyền và cậy thế, kiêu ngạo và xa hoa, quan liêu và coi thường quần chúng, tự kiêu và không muốn học tập, không thực hiện tốt tự phê bình và phê bình,… luôn là nguy cơ hiện hữu, dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của những cán bộ, đảng viên “thoái bộ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại buổi khai mạc lớp Chỉnh huấn cán bộ dân, chính, Đảng các cơ quan T.Ư, tại Việt Bắc năm 1953. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại buổi khai mạc lớp Chỉnh huấn cán bộ dân, chính, Đảng các cơ quan T.Ư, tại Việt Bắc năm 1953. Ảnh tư liệu.

Thấm nhuần lời dặn của Người, Đảng ta, qua các nhiệm kỳ, ngày càng chú trọng và đổi mới công tác lựa chọn nhân sự cho Bộ máy Đảng, nhà nước cho phù hợp hơn với nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói, chưa có đại hội nào mà công tác nhân sự lại được chuẩn bị một cách lớp lang, bài bản và cẩn trọng như Đại hội Đảng XIII.

Chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; “nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ. Trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương là phải làm việc này cho tốt. Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”- người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hai nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2020) Nguyễn Phú Trọng nói.

Nguyên lý gốc của công tác cán bộ cho Đại hội Đảng XIII là Đảng ta thực sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, “phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài”. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, mà của cả hệ thống chính trị.

Để thấy vì sao lại nói “chưa bao giờ công tác nhân sự cấp cao lại được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng như lần này” ta hãy nghe người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng- ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác nhân sự là công tác vô cùng quan trọng, nhưng cũng vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ chính sách… dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm khách quan.

Ông yêu cầu: “từng cơ quan địa phương, từng cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, phải toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết. “Tôi nghĩ rất nhiều về vấn đề này: đừng nghĩ đến người quen, đừng nghĩ đến người thân hay gia đình của mình, hay địa phương của mình. Ngày xưa hy sinh cho Tổ quốc còn không sợ, mà hy sinh lợi ích làm gì phải khổ sở thế. Hy sinh một tí tình cảm vì lợi ích quốc gia, dân tộc thế mới là đảng viên. Và lại càng thế mới là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị. Ta phải thống nhất với nhau tinh thần thế”.

Người đứng đầu Đảng ta nhiệm kỳ qua yêu cầu: “Lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình để làm thước đo chủ yếu. “Đừng bị đánh lừa bởi những động tác giả. Nhiều người khéo lắm, dễ đề cao thành tích, che giấu khuyết điểm… Phải trên cơ sở tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, để tạo ra một ê-kíp, một tập thể cộng sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh” và “Nói theo các cụ: “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, “đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”… Do vậy, phải có con mắt tinh đời, “anh hùng đoán giữa trần ai mới già...”, phải biết được, phát hiện được những người tài”.

“Tránh tình trạng “cua cậy càng”, “cá cậy vây”, tự cao tự đại, coi thường người khác, không phối hợp, hợp tác tốt vì cho mình là nhất. “Tinh đời là ở chỗ chọn anh này mạnh cái này, anh kia mạnh cái kia bổ sung cho nhau tạo nên một ê-kíp mạnh”. – Ông nêu rõ và khẳng định: “Ban chấp hành Trung ương mạnh, Bộ chính trị mạnh, cán bộ chủ chốt mạnh thì không sợ gì hết, nhân dân tin tưởng ủng hộ!”.

Phải nhắc lại những suy tư, trăn trở và yêu cầu của người đứng đầu Đảng ta- ông Nguyễn Phú Trọng mới thấy hết tầm quan trọng của công tác nhân sự nhiệm kỳ này.

Một BCH Trung ương mới, một Bộ Chính trị mới- một thế hệ lãnh đạo mới, được lựa chọn kỹ lưỡng, tài cao, đức trọng, có khát vọng cống hiến, nhất định sẽ mở ra một trang mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN trong một thế giới, ở một thời kỳ đầy biến động.

Cần lắm những “chiếu cầu hiền tài”

BCH Trung ương mới được chọn, Bộ Chính trị mới được chọn. Chúng ta có quyền tin rằng, công tác lựa chọn và bố trí cán bộ ở các bộ, các ngành, các lĩnh vực, các địa phương sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được những nhân tài trong và ngoài Đảng, trong nước cũng như người Việt ở nước ngoài đồng tâm, đồng sức đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự Đại hội XIII của Đảng.

Đây cũng là dịp để chúng ta phát huy hơn nữa học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm theo lời dạy của Người.

Chúng ta cũng cần nhớ lại, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “kiến quốc cần có nhân tài”. Người đã viết hai bài "Nhân tài và Kiến quốc", "Tìm người tài đức" đăng trên báo Cứu quốc để tìm người tài đức tham gia xây dựng Tổ quốc. Người giãi bày tâm can cùng nhân dân và yêu cầu chính quyền các cấp tiến cử nhân tài cho Chính phủ: “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những người hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.

Các bài viết nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là “chiếu cầu hiền tài”. Nhờ có tầm nhìn chiến lược, quan điểm đúng đắn đó mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã thu hút được rất nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu muôn vàn khó khăn của chính quyền cách mạng còn non trẻ.

“Dụng nhân như dụng mộc”, tùy tài đức mà dùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tài đức của cán bộ ở kết quả công việc vì dân, vì nước chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Người vẫn sẵn sàng sử dụng các công chức, quan chức trong chính quyền cũ và những người ngoài Đảng nếu họ thật sự có tài đức.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trí thức ngoài Đảng nhưng nổi tiếng tài năng, đức độ và lòng yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách mời cụ ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi Người đi Pháp năm 1946, tuy trong Chính phủ có nhiều cán bộ là đảng viên nhưng Người quyết định giao cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch nước.

Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt đúng chỗ. Suốt thời gian Người đi Pháp, ở trong nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng luôn giữ vững phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp và các quan chức khác trong Chính phủ giải quyết tốt việc quốc nội, giữ được thế phát triển của cách mạng trong lúc hiểm nghèo, góp phần ngăn chặn và đập tan âm mưu khiêu khích, phá hoại của các thế lực phản động.

Cụ Bùi Bằng Đoàn, vốn là quan Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mời ra làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi sau này làm tới chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, mặc dù là người ngoài Đảng nhưng vẫn được Người giao chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Trong suốt quá trình công tác dài 29 năm (từ 1946 đến 1975), Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Đó cũng là thời kỳ nền giáo dục nước nhà cung cấp được nhiều nhân tài cho công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và kiến thiết nước nhà.

Trong Chính phủ và Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trọng dụng đúng các quan đại thần khác như cụ Phan Kế Toại, cụ Phạm Khắc Hòe; trọng dụng “vua Mèo” Vương Chí Sình, Tổng đốc Vi Văn Định người dân tộc Tày... Bên cạnh đó là hàng loạt trí thức tài năng cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, giao trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước từ rất sớm như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Tố, Bồ Xuân Luật, v.v.

Có tâm và có tầm trọng dụng nhân tài, có nghệ thuật dùng người nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội tụ được nhân tài ở tất cả các miền Bắc, Trung, Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Giờ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa nhưng tư tưởng của Người về nhân tài vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta. Quan điểm của Người về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài chính là bài học vô giá để chúng ta có những chủ trương, chính sách đúng, trúng và hiệu quả trong công tác cán bộ hiện nay.