|
Xe tăng Leopard 2 của Đức trong cuộc tập trận ở Munster, Đức vào ngày 7/2/2022. Ảnh: Getty. |
Đức nên viện trợ 30% số xe bọc thép và máy bay quân sự mà họ hiện có cho Kiev, theo đề xuất của ông Andrey Melnik, đại diện thường trực của Ukraine tại Liên hợp quốc. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia EU đang tìm cách tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, giữa lúc còn nhiều hoài nghi về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có tiếp tục hậu thuẫn Kiev hay không.
Ông Melnik - người từng giữ chức Đại sứ tại Berlin từ năm 2015 đến 2022, đã gửi thư ngỏ đến Thủ tướng tương lai của Đức, ông Friedrich Merz, đăng trên tờ Welt am Sonntag vào thứ Bảy tuần trước. “Với tư cách là người kiến tạo hòa bình, ông có đủ khả năng chấm dứt cuộc chiến này trước cuối năm 2025”, ông viết.
Nhà ngoại giao này cũng đưa ra một loạt các bước mà ông cho là ông Merz cần thực hiện để “buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải ngồi vào bàn đàm phán”.
Theo ông Melnik, Đức nên viện trợ cho Ukraine 30% lượng khí tài mà lực lượng vũ trang nước này (Bundeswehr) hiện có, bao gồm khoảng 45 tiêm kích Eurofighter Typhoon, 30 máy bay chiến đấu Tornado, 100 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, cùng với 115 xe chiến đấu bộ binh Puma và 130 xe Marder. Ông cũng kêu gọi Berlin vượt qua “sự phản đối có thể dự đoán trước” từ đảng Dân chủ Xã hội để chuyển giao 150 tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine.
Đảng Dân chủ Xã hội đã phản đối việc chuyển giao tên lửa, với lý do lo ngại nguy cơ leo thang thêm trong quan hệ với Nga. Hiện đảng Dân chủ Xã hội và Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của ông Merz đang tiến hành các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền.
Ông Melnik thúc giục chính phủ Đức cam kết dành 0,5% GDP - tương đương 21,5 tỷ EUR (24,5 tỷ USD) mỗi năm cho viện trợ quân sự cho Ukraine đến năm 2029. “Số tiền này nên được đầu tư vào sản xuất vũ khí hiện đại cả ở Đức lẫn Ukraine”, ông viết. Đồng thời, ông cũng đề xuất lấy mức 0,5% này làm chuẩn chung cho toàn Liên minh châu Âu như một “tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ” gửi tới Nga.
Gần đây, ông Merz đã bày tỏ sự sẵn sàng xem xét chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine, điều này đã vấp phải chỉ trích từ lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Matthias Miersch và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechayev cảnh báo rằng các lô vũ khí này “sẽ không làm thay đổi cục diện chiến trường” mà chỉ khiến Đức lún sâu hơn vào cuộc xung đột.
Quan chức Ukraine kêu gọi Thủ tướng tương lai của Đức chuyển gấp tên lửa Taurus và viện trợ Kiev
Tên lửa hành trình tầm xa Taurus Đức sắp cung cấp cho Ukraine nguy hiểm cỡ nào?
Nga cảnh báo sắc lạnh trước khả năng Đức cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine
Theo RT