
Vũ khí Ukraine muốn có để tấn công vào nội địa Nga
Taurus KEPD 350 là tên lửa hành trình tầm xa ngoài tầm nhìn phóng từ trên không do công ty Taurus Systems GmbH của Đức và Thụy Điển sản xuất, được nghiên cứu phát triển trong thời gian 1998-2005 với đơn giá 950.000 EUR/quả. Hiện nay, tên lửa Taurus đã được đưa vào trang bị trong quân đội các nước Đức, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Công ty Taurus Systems GmbH là liên doanh giữa Tập đoàn tên lửa châu Âu (MBDA) và Saab Bofors Dynamics của Thụy Điển.
Tên lửa Taurus KEPD 350 sử dụng công nghệ tàng hình và có tầm bắn hơn 500 km. Tên lửa được trang bị động cơ phản lực cánh quạt và có tốc độ bay tối đa là Mach 1. Taurus có thể được lắp trên các máy bay chiến đấu của Mỹ và NATO như Tornado, F/A-18, F-15K, JAS 39 và Typhoon.

Về thông số cụ thể: trọng lượng toàn bộ đạn nặng 1.500 kg, chiều dài 5m, đường kính 1,015 m, sải cánh khi xòe ra: 2,065 m. Tên lửa sử dụng động cơ tua-bin phản lực Williams WJ38-15.
Tên lửa có hai đầu đạn nặng khoảng 500 kg được gọi là Mephisto (Multi-Effect Penetrator HIghly Sophisticated and Target Optimised, hay Đầu đạn xuyên phá đa hiệu ứng cực kỳ tinh vi và tối ưu hóa mục tiêu), với một đầu đạn nổ trước để phá hủy đất phía trên mục tiêu hoặc xuyên thủng các boongke được gia cố, cùng một ngòi nổ có độ trễ thay đổi để kiểm soát thời điểm phát nổ của đầu đạn chính.
Mục tiêu chính của tên lửa Taurus KEPD 350 là các boongke kiên cố, sân bay, bến cảng, cầu, kho đạn dược và các cơ sở chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc. Tên lửa này cũng có thể tấn công tàu thuyền trong cảng hoặc trên biển. Tên lửa cũng có nhiều biện pháp đối phó để tránh bị hệ thống phòng thủ của đối phương đánh chặn.

Người lập kế hoạch nhiệm vụ có thể thiết lập đường bay cho tên lửa, bay sát mặt đất bằng cách sử dụng các hệ thống dẫn đường hình ảnh, dẫn đường quán tính, so sánh địa hình và định vị toàn cầu. Nếu tên lửa không thể nhận được tín hiệu GPS trong khi bay, nó cũng có thể sử dụng hệ thống dẫn đường bên trong để bay gần mục tiêu. Khi đến gần mục tiêu, tên lửa bắt đầu leo lên để đạt đến độ cao cho phép nhận diện hình ảnh mục tiêu và có góc tấn công tốt nhất. Tên lửa sẽ sử dụng thiết bị hình ảnh nhiệt tích hợp để xác định và tấn công mục tiêu. Nếu không tìm thấy mục tiêu, tên lửa sẽ bay theo lộ trình đã định đến địa điểm rơi được cài đặt trước để tránh tấn công nhầm mục tiêu hoặc gây ra thiệt hại không đáng có.
Hiện nay Taurus đã có trong trang bị của một số nước: Đức 600 quả, Tây Ban Nha 43 quả, Hàn Quốc đã nhận 170 quả và đang chờ nhận 90 quả.

Theo truyền thông Đức, sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ và leo thang, chính phủ Ukraine đã chính thức gửi công hàm yêu cầu tới chính phủ Đức, đề nghị cung cấp tên lửa hành trình tàng hình Taurus.
Hồi tháng 7/2023, trang Deutsche Welle đưa tin Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn giữ vững lập trường và từ chối viện trợ tên lửa Taurus do Đức sản xuất cho Ukraine. Tuy nhiên, vào ngày 7/8/2023, Chernev, một thành viên cấp cao của Verkhovna Rada (Quốc hội) của Ukraine, tuyên bố rằng các phe phái chính của Quốc hội Đức đã "đạt được sự đồng thuận" về việc cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Taurus có tầm bắn 500 km, nhưng không có quyết định chính thức nào được đưa ra.
Ngày 22/2/2024, Quốc hội Đức đã tiến hành bỏ phiếu với kết quả 480 phiếu chống và 182 phiếu thuận, Đức đã từ chối cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine.

Tuy nhiên hôm 13/4, ông Friedrich Merz, Thủ tướng đắc cử của Liên minh cầm quyền CDU/CSU, người sẽ nhậm chức vào ngày 6/5/2025 tới đây, đã lên tiếng cho biết rằng Đức có kế hoạch cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa Taurus.
Tên lửa Taurus được trang bị động cơ phản lực cánh quạt, tầm bay tối đa 500 km. Nó sử dụng chế độ dẫn đường hỗn hợp, có khả năng chống nhiễu mạnh và có thể xuyên qua các kết cấu bê tông cốt thép dày sáu mét hoặc lớp đất dày 36 mét. Không quân Ukraine có thể sẽ cải tiến máy bay tiêm kích-ném bom Su-24 sau khi nhận được tên lửa Taurus từ Đức. Máy bay này đóng vai trò là nền tảng phóng tên lửa Taurus. Đối với quân đội Ukraine, việc sử dụng Taurus có thể mở rộng phạm vi tấn công hỏa lực và Su-24 cũng có thể phóng tên lửa từ vị trí xa hơn và an toàn hơn.
Nga có thể có biện pháp và công nghệ để đánh chặn Taurus
Sự xuất hiện của tên lửa Taurus thực sự là một rắc rối mới đối với quân đội Nga, nhưng độ khó về mặt công nghệ trong phòng thủ và đánh chặn không tăng lên. Hệ thống phòng không của Nga đã nhiều lần đánh chặn thành công loại tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất phóng từ máy bay.
Taurus chỉ vượt trội hơn Storm Shadow về tầm bắn và sức mạnh đầu đạn, còn khả năng xuyên phá của hai loại cũng tương đương nhau. Do đó, phía Nga chắc chắn cũng có biện pháp đối phó và công nghệ để khắc chế Taurus như đã đối phó Storm Shadow.