Bà Thái Anh Văn đã giành chiến thắng với số phiếu áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hôm 11/1. Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, bà đã đề xuất nền tảng chính cho quan hệ hai bên Eo biển là “hòa bình, đối đẳng, dân chủ, đối thoại” và nhắc lại cam kết của mình duy trì hiện trạng ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Văn phòng vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc vẫn khăng khăng “một quốc gia, hai chế độ” và “Đồng thuận 1992 thể hiện nguyên tắc một Trung Quốc”, nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử ở Đài Loan “không thể thay đổi thực tế Đài Loan là một phần của Trung Quốc”.
Hôm thứ Năm (16/1), Liu Institute for Asia and Asian Studies tại Keough School of Global Affairs của Đại học Notre Dame đã tổ chức một cuộc tọa đàm chuyên đề về kết quả của cuộc bầu cử Đài Loan. Ông Randall Schriver, người vừa rời khỏi chức vụ Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về An ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương đã phát biểu, cho rằng có thể có một số người tin rằng sau khi Thái Anh Văn liên nhiệm, Bắc Kinh cần phải kết giao với bà; nhưng ông nói rằng Bắc Kinh đã không làm như vậy sau khi ông Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) được bầu lại vào năm 2004 và 2005.
“Rõ ràng là về truyền thống, họ không có một hộp công cụ rất tinh tế, rất linh hoạt và rộng rãi đối với Đài Loan”. Vì vậy, ông đoán rằng sau cuộc bầu cử, có thể thấy Bắc Kinh vẫn duy trì các phương pháp tương tự và áp lực tương tự trước cuộc bầu cử, giành giật các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan hoặc tiến hành các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan chứ sẽ không đối thoại với bà Thái Anh Văn.
Một số đại biểu tham dự cuộc hội thảo hôm 16/1 (Ảnh: VOA)
|
“Một lần nữa, tôi không thấy (Trung Quốc) mong muốn thay đổi quỹ đạo này và ngồi xuống nói chuyện với Thái Anh Văn. Tôi cho rằng đó là một sai lầm” - ông Randall Schriver nói.
Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gây áp lực với Đài Loan, ông Randall Schriver đã đề cập đến vai trò của Đài Loan trong chiến lược tự do mở cửa Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ.
Ông nói, Đài Loan là một đối tác được xác định rõ ràng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, Mỹ tìm cách thúc đẩy mối quan hệ đối tác này. Do Đài Loan luôn đứng ở tuyến đầu trong mối đe dọa của Trung Quốc, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Đài Loan khả năng tự phòng vệ đầy đủ theo “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”. Ông nói: “Chúng ta hy vọng Đài Loan ít nhất có thể duy trì được tuyến phòng thủ này, giữ vững vị thế, giữ nền độc lập thực sự và ứng phó được những thách thức trước mắt để chúng ta có một vị trí tốt hơn xử lý những thách thức rộng lớn hơn của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Joshua Eisenman, phó giáo sư về các vấn đề toàn cầu tại Đại học Notre Dame cho rằng nếu bị Trung Quốc giành giật hết các mối quan hệ ngoại giao, Đài Loan có thể tuyên bố độc lập (Ảnh: nd.edu)
|
Randall Schriver nói, lợi ích của Mỹ đối với Eo biển Đài Loan là hy vọng hai bên bờ có thể giải quyết sự khác biệt thông qua các biện pháp ngoại giao và hòa bình. Mặc dù việc bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan là sự kích thích lớn nhất đối với Trung Quốc Đại lục, nhưng “bán vũ khí và Mỹ hỗ trợ an ninh cho Đài Loan không phải là để hỗ trợ chương trình nghị sự chính trị của bất kỳ bên nào ở Đài Loan”, mà là để tạo ra một môi trường thuận lợi cho đối thoại qua Eo biển, đặc biệt là để Đài Bắc tự tin rằng “không có súng chĩa vào đầu khi ngồi vào bàn đàm phán”.
“Việc bán vũ khí của chúng ta rất tốt trong việc thúc đẩy đối thoại giữa hai bên eo biển Đài Loan”. Một nghiên cứu chung của “Project 2049” và Phòng Thương mại Hoa Kỳ - Đài Loan đã phát hiện ra rằng mối quan hệ xuyên eo biển của Hoa Kỳ đã được cải thiện sau một số vụ bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan. Chẳng hạn sau việc bán 150 máy bay chiến đấu F-16 của Tổng thống G.Bush cha vào năm 1992 diễn ra cuộc đàm phán giữa hai bên bờ Eo biển tại Singapore; sau vụ bán vũ khí lớn nhất của chính quyền Tổng thống G. W.Bush con năm 2001 ít lâu, hai bên cùng gia nhập WTO; hai bên đã ký thỏa thuận thương mại ECFA ngay sau khi Mỹ bán vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD vào năm 2008. Cả mấy lần sau khi Mỹ thực hiện doanh số bán vũ khí lớn cho Đài Loan, quan hệ hai bên Eo biển đều có những tiến triển đáng kể, thậm chí là bước đột phá.
Về khả năng xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan, Randall Schriver nói, luôn có nguy cơ xảy ra xung đột. Nếu Mỹ tiếp tục cung cấp cho Đài Loan các biện pháp phòng vệ cần thiết, sẽ có thể ngăn Trung Quốc ra quyết định hành động vũ lực. Mục tiêu của Bộ Quốc phòng Mỹ là cố gắng thực hiện điều này; tạo thêm nhiều hơn sự không chắc chắn để gia tăng cái giá phải trả nếu PLA sử dụng vũ lực. Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan để giữ cho khu vực này luôn mở. Dù sao, Eo biển Đài Loan vốn là vùng biển quốc tế.
Ông Sean King: “Phủ nhận sự tồn tại của Đài Loan là phủ nhận quyền của những người ở Đài Loan muốnnhận là người Trung Quốc và gần như dồn Đài Loan vào một góc để thiết lập sự độc lập của riêng mình” (Ảnh: Youtube)
|
Về vấn đề Randall Schriver đề cập trước đó về một cách khác để Bắc Kinh gây áp lực lên Đài Loan – là giành giật các mối quan hệ ngoại giao của Đài Loan, khiến người ta nghĩ rằng nếu Bắc Kinh “giành giật hết” các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan thì điều gì sẽ xảy ra.
Về vai trò quốc tế của Đài Loan trong tương lai, Randall Schriver cho rằng Đài Loan khó có thể tham gia một cách có ý nghĩa vào các tổ chức quốc tế vì Trung Quốc sẽ phủ quyết, nhưng ông cũng đề xuất rằng nên sáng tạo để tạo không gian quốc tế. Hiện thế giới có khoảng 20 nhà lãnh đạo nữ được bầu trên thế giới. Bà Thái Anh Văn có thể gặp gỡ hay thành lập một tổ chức quốc tế để tạo không gian quốc tế.
Joshua Eisenman, phó giáo sư về các vấn đề toàn cầu tại Đại học Notre Dame, đã đưa ra câu hỏi giả thuyết này, đồng thời nhắc nhở Bắc Kinh hãy suy nghĩ rõ ràng về những rủi ro mà nó có thể gây ra. “Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả các mối quan hệ ngoại giao của Đài Loan bị lấy đi? Ngoài mối đe dọa từ Bắc Kinh, còn điều gì khác có thể ngăn Đài Loan tuyên bố thành lập Cộng hòa Đài Loan ngay vào ngày hôm sau?”.
Sean King, cựu cố vấn cao cấp về vấn đề châu Á của Bộ Thương mại Hoa Kỳ và phó chủ tịch của Công ty tư vấn chính trị Park Strategies có trụ sở tại New York, cũng đồng ý với Joshua Eisenman. Ông nói: “Phủ nhận sự tồn tại của Đài Loan cũng tức là phủ nhận quyền của những người ở Đài Loan muốn tự nhận mình là người Trung Quốc và gần như dồn Đài Loan vào một góc để thiết lập sự độc lập của riêng mình”.
Sean King nói rằng sau khi ông Trump lên nắm quyền, hiện nay quan hệ Mỹ - Đài đang ở “thời kỳ hoàng kim nhỏ (mini golden-age)”, nhưng ông bày tỏ lo ngại về việc liệu ông Trump có vì về vấn đề thương mại Mỹ - Trung mà co lại quan hệ với Đài Loan sau khi các quan chức rất thân thiện với Đài Loan trong nhóm Trump, như Randall Schriver và Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton (John Bolton) rời đi.
Hôm 16/1, Mỹ đưa tàu tuần dương tên lửa USS Shiloh thực hiện chuyến đi xuyên eo biển Đài Loan đầu tiên kể từ sau khi bà Thái Anh Văn tái cử là người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều)
|
Tuy nhiên, Joshua Eisenman tin rằng trong khuôn khổ chính sách Mỹ - Trung hiện tại, vẫn còn chỗ để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ. Ông nói rằng khi Tổng thống Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông ngồi lại nói chuyện với nhau, Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn không công nhận nhau. Do đó, trong khuôn khổ chính trị Hoa Kỳ hiện tại, Hoa Kỳ và Đài Loan vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được khai thác để tương tác, nhưng tại sao vẫn chưa làm như vậy. “Bản thân Hoa Kỳ có nhiều nhân tố hơn Trung Quốc hay Đài Loan”.
Hôm thứ Năm (16/1), tàu tuần dương tên lửa USS Shiloh của Hải quân Mỹ đã vượt qua eo biển Đài Loan, là con tàu đầu tiên của Mỹ thực hiện một chuyến đi xuyên eo biển như vậy kể từ sau cuộc bầu cử Đài Loan. Người phát ngôn của Hạm đội Bảy nói rằng hành động này đã thể hiện cam kết của Hoa Kỳ về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do mở cửa và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, hàng hải và thực hiện các nhiệm vụ theo luật pháp quốc tế cho phép.
Tuần này, bà Thái Anh Văn cũng nói với BBC trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau cuộc bầu cử lại rằng Đài Loan “đã là một quốc gia độc lập và chúng tôi tự gọi mình là Đài Loan Trung Hoa Dân Quốc”. Tuyên bố này đã gây nên phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc.
Người phát ngôn của Văn phòng Đài Loan Quốc Vụ viện Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang nói, Đài Loan “trước nay chưa bao giờ là một quốc gia” mà là “một phần thiêng liêng và không thể chia cắt” của Trung Quốc. Ông cảnh cáo “Người lãnh đạo của chính quyền Đảng Dân Tiến” không nên thổi phồng, đánh giá sai tình hình và gây thêm căng thẳng hỗn loạn ở Eo biển Đài Loan, “đưa Đài Loan lâm vào tình thế nguy hiểm”.