“Cáo buộc mà truyền thông đưa ra rằng vợ tôi Carole và các thành viên khác trong gia đình có vai trò trong vụ bỏ trốn khỏi Nhật Bản là sai lệch. Chỉ 1 mình tôi lên kế hoạch cho vụ bỏ trốn này. Gia đình tôi không liên quan”, ông Carlos Ghosn cho biết trong một thông cáo phát đi ngày 2/1. Đây là thông cáo thứ hai của ông trong tuần này kể từ khi đào tẩu khỏi Nhật Bản, trong đó thông cáo đầu tiên xác nhận ông đang ở Lebanon.
Bình luận này cho thấy ông Ghosn có thể bị thẩm vấn tại Lebanon.
Bình luận trên được đưa ra ngay sau khi giới chức Lebanon nhận được lệnh truy nã đỏ đối với ông Ghosn. Bộ trưởng Tư pháp Lebanon Albert Serhan xác nhận, các công tố viên của nước này đã nhận được thông báo từ Interpol vào sáng sớm ngày 2/1. Lệnh truy nã đỏ của Interpol yêu cầu cơ quan hành pháp của bất kỳ quốc gia thành viên nào bắt giữ nhân vật trong diện bị truy nã.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Serhan cũng nhấn mạnh hiện tại giữa Lebanon và Nhật Bản không có hiệp ước dẫn độ, do vậy loại trừ khả năng Lebanon sẽ giao Ghosn cho phía Nhật Bản. Quan chức này cho biết, các công tố viên sẽ triệu tập ông Ghosn để lắng nghe khai nhận của ông này và sẽ quyết định các bước đi tiếp theo.
“Chúng tôi là một quốc gia thượng tôn pháp luật và tôi có thể xác nhận rằng Lebanon sẽ tuân thủ pháp luật. Các công tố viên của chúng tôi sẽ không làm ngơ với Thông báo đỏ (của Interpol)”, Bộ trưởng Serhan cũng nhấn mạnh.
Cựu chủ tịch hãng chế tạo ô tô Nhật Bản Carlos Ghosn trở thành tâm điểm của dư luận những ngày qua sau khi ông đào tẩu khỏi Tokyo ngay cả khi bị quản thúc nghiêm ngặt tại nhà riêng và bị tịch thu toàn bộ 3 hộ chiếu.
Ông Ghosn bị bắt giữ hồi tháng 11/2018 với 4 cáo buộc gian lận tài chính. Ông được tại ngoại với số tiền bảo lãnh lên tới 1,5 tỷ Yên (hơn 13 triệu USD). Theo kế hoạch, ông Ghosn sẽ bị xét xử trong năm 2020 này.
Bà Carole, 53 tuổi, vợ của ông Ghosn, trở thành tâm điểm chú ý khi vận động chiến dịch thả tự do cho chồng. Tuy nhiên, hiện chưa rõ vai trò của bà trong cuộc đào tẩu của ông Ghosn. Hai người đã gặp gỡ nhau hôm 30/12 sau khi ông Ghosn đào tẩu trót lọt. Theo điều khoản tại ngoại, ông Ghosn bị cấm sử dụng điện thoại, internet hay các phương thức liên lạc khác, và bị hạn chế liên lạc với vợ.
Hiện chưa rõ cách thức ông Ghosn đào tẩu, song theo các tin tức truyền thông, ông này đã chui vào một hộp đàn để thoát khỏi sự quản thúc tại nhà riêng trước khi lên máy bay sang Thổ Nhĩ Kỳ để đến Lebanon.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã bắt giữ 7 người bị nghi ngờ tiếp tay cho ông Ghosn bỏ trốn, trong đó có 4 phi công, 2 nhân viên mặt đất của sân bay Ataturk và 1 nhân viên công ty vận chuyển hàng hóa.
Theo Dân Trí