Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, Văn phòng Sân bay Kansai (Osaka) thuộc Bộ Giao thông Đất đai Nhật Bản ngày 31 tháng 12 năm 2019 tiết lộ: vào tối ngày 29/12 một chiếc máy bay tư nhân đã cất cánh từ sân bay này để tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, không rõ những người đi trên máy bay là ai.
Tờ Yomiuri Shimbun dẫn thông tin từ chính quyền quân sự Lebanon cho biết, cựu chủ tịch hãng Nissan Carlos Ghosn bị cho là trốn trong một hộp gỗ và bay từ sân bay Osaka tới Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, ông được chuyển sang chiếc máy bay riêng chờ sẵn đón tới Lebanon. Hiện Tòa án Tokyo đã tịch thu 1,5 tỷ Yên (khoảng 13 triệu USD) tiền bảo lãnh tại ngoại do Ghosn nộp trước đây để được về chịu giam lỏng tại nhà riêng.
Ông Carlos Ghosn nguyên là Chủ tịch hãng xe hơi Nissan. ( Ảnh: VCG).
|
Đài truyền hình MTV của Lebanon đưa tin, vào ngày xảy ra vụ việc, một ban nhạc đã vào biệt thự của Carlos Ghosn ở Tokyo. Họ được ông Ghosn mời tới để thực hiện buổi biểu diễn đón năm mới. Mọi việc đều diễn ra với sự chấp thuận và dưới sự giám sát của cảnh sát Nhật Bản. Sau buổi biểu diễn, một số thành viên ban nhạc đã dọp dẹp các thùng đựng nhạc cụ họ đã mang vào rồi nhanh chóng rời đi. Carlos Ghosn đã trốn thoát bằng cách chui vào trốn trong một trong những hộp đàn đã được chế tạo riêng. Cảnh sát Nhật Bản không phát hiện thấy điều gì bất thường. Đội giải cứu ông Ghosn núp bóng ban nhạc này sau đó đã lái xe ra thẳng sân bay Kansai.
Báo cáo cho biết, thay vì chọn một sân bay Tokyo đông đúc và được bảo vệ cẩn thận, nhóm giải cứu đã chạy đến sân bay Kansai ở Osaka. Tại đây, Ghosn đã sử dụng hộ chiếu giả để qua mặt các nhân viên an ninh rồi lên một chiếc máy bay riêng đã được chuẩn bị sẵn. Máy bay nhanh chóng bay tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ rồi tiếp tục bay tới Beirut, thủ đô của Lebanon.
Sau đó, Ghosn, người mang ba quốc tịch Pháp, Lebanon và Brazil, đã đưa ra một bản tuyên bố thông qua người đại diện ở Mỹ vào ngày 30 tháng 12: “Tôi không chạy trốn việc bị xét xử mà là chạy trốn sự bất công và bức hại chính trị”. Carlos Ghosn nói: “Tôi đang ở Lebanon. Tôi không còn là con tin của một hệ thống tư pháp Nhật Bản không phù hợp kết tội tôi mà và bỏ qua các quyền cơ bản của con người”.
Carlos Ghosn bị bắt tại sân bay Tokyo ngày 19/11/2018 rồi được ký quỹ bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử. (Ảnh: Đa Chiều).
|
Carlos Ghosn đã bị chính quyền Nhật bắt tại sân bay Tokyo vào ngày 19 tháng 11 năm 2018 và phải đối mặt với 4 cáo buộc về các tội danh bao gồm che giấu thu nhập và biển thủ công quỹ..., nhưng Ghosn đã bác bỏ những cáo buộc này.
Về vụ việc này, một bài điều tra đăng trên Yomiuri Shimbun của Nhật tuyên bố, bỏ trốn là một hành động hèn nhát xem thường hệ thống tư pháp Nhật Bản. Báo này cũng nói, Ghosn rời Nhật Bản là tự đánh mất cơ hội chứng minh sự trong sạch và bảo vệ danh tiếng của bản thân ông.
Được biết, Lebanon và Nhật Bản không có hiệp định dẫn độ, vợ và các thành viên gia đình của Ghosn đã đoàn tụ với ông ta ở Beirut.
Ngoài ra, tờ Tokyo Shimbun theo khuynh hướng tự do cũng nhấn mạnh rằng hành vi của Ghosn đã xem thường hệ thống tư pháp Nhật Bản. Theo báo này, bị cáo Ghosn khẳng định ông ta đang chạy trốn sự đàn áp chính trị. Nhưng việc rời khỏi đất nước này không xin phép đã vi phạm các điều kiện bảo lãnh của ông cũng là sự coi thường hệ thống tư pháp Nhật Bản.
Bài báo của Tokyo Shimbun cũng viết, “rất có thể không chấp hành việc xét xử, luận điểm của Ghosn nhằm chứng minh sự vô tội của anh ta khiến người ta nghi ngờ”.
Đồng thời, một số cơ quan truyền thông Nhật Bản cũng đề cập rằng, quyết định cho phép Ghosn được bảo lãnh khi trước là không khôn ngoan; một số người vào thời điểm đó đã cho rằng quyết định cho phép bảo lãnh tại ngoại Ghosn rất bất thường. Tờ báo xu hướng bảo thủ Sankei Shimbun viết, các công tố viên cho rằng tòa án khi đó đã nhượng bộ “áp lực từ bên ngoài” nên mới cho phép Ghosn được bảo lãnh.
Theo Reuters, Carlos Ghosn sẽ tổ chức một cuộc họp báo ở Beirut vào ngày 8/1 tới đây. Được biết, ông Ghosn sinh ra tại Brazil, có ba quốc tịch Brazil, Pháp và Lebanon và cũng là cựu lãnh đạo của liên minh sản xuất xe hơi Renault-Nissan-Mitsubishi.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Lebanon nói, không rõ làm thế nào cựu chủ tịch của Nissan Ghosn có thể trốn thoát khỏi ngôi nhà ở Tokyo của ông dưới sự quản thúc tại gia và nhập cảnh Lebanon một cách hợp pháp. Tổng cục Cảnh sát Lebanon tuyên bố Ghosn vào Lebanon hợp pháp và sẽ không chịu bất kỳ hậu quả pháp lý nào.
Ông Ghosn là người có 3 quốc tịch Brazil, Pháp, Lebanon và rất nổi tiếng ở Beirut. (Ảnh: VCG).
|
Bộ Ngoại giao Lebanon nói họ đã chính thức trả lời các vấn đề liên quan đến Ghosn một năm trước đây và đã trao các tài liệu liên quan tới Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản trong chuyến thăm mới nhất, nhưng phía Nhật Bản đã không trả lời. Lebanon và Nhật Bản không có thỏa thuận hợp tác tư pháp hoặc hiệp định dẫn độ. Cơ sở cho việc chia sẻ tài liệu trước đây của hai nước liên quan đến Ghosn là hiệp định chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc.
Tòa án Tokyo cho biết họ chưa dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với Ghosn. Các công tố viên Nhật Bản chịu trách nhiệm về vụ án hình sự của Ghosn nói với truyền thông rằng ông không biết có bất kỳ thay đổi nào đối với các điều kiện bảo lãnh nghiêm ngặt của Ghosn. Phân tích cho rằng phản ứng của Nhật Bản có nghĩa là Ghosn đã từ một nghi phạm trở thành tội phạm quốc tế bỏ trốn.
Người đứng đầu đội ngũ pháp lý ở Nhật của Carlos Ghosn, ông Junichiro Hironaka đã tuyên bố công khai hôm 31 tháng 12 rằng ông chỉ biết Ghosn đến Lebanon từ báo chí điều này khiến ông “kinh ngạc và bối rối”, hiện ông không thể liên lạc được với Ghosn. Nhóm của ông hiện vẫn giữ tất cả hộ chiếu của Ghosn. Lần cuối cùng ông gặp Ghosn là vào ngày Giáng sinh và hai bên đã đồng ý gặp lại vào ngày 7 tháng 1 để thảo luận về các sách lược khi bị xét xử.
Hironaka nói: “Nếu tin tức về vụ bỏ trốn là đúng, chúng tôi cần phải giả thiết rằng ông ấy vi phạm các điều kiện bảo lãnh, điều không thể tha thứ và là sự phản bội lại hệ thống tư pháp Nhật Bản”.
Sinh ra ở Brazil, Carlos Ghosn lớn lên ở Beirut, Lebanon, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Lebanon, đầu tư vào bất động sản và nhà máy rượu ở nước này và rất có tiếng tăm. Sau khi Ghosn bị bắt vào tháng 11 năm 2018 vì vụ bê bối thu nhập, Lebanon đã từng dựng một bảng quảng cáo “Chúng tôi đều là Carlos Ghosn” để bày tỏ ủng hộ. Các quan chức Lebanon cũng đã gửi cho Ghosn một tấm nệm trong hơn 100 ngày ông bị chính phủ Nhật giam giữ.
Ông Ghosn bất ngờ xuất hiện tại Beirut trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông quốc tế. (Ảnh: VCG).
|
Có ý kiến phân tích nói, nếu Ghosn còn ở Nhật Bản, ông sẽ phải đối mặt với các phiên tòa hình sự từ năm 2020 và các cáo buộc hình sự của Nhật Bản có tỷ lệ kết tội gần 100%. Đây có thể là một trong những lý do khiến Ghosn bỏ trốn trước khi diễn ra phiên tòa. Điều này cũng có nghĩa là Ghosn sẽ không dễ dàng xuất hiện ở Nhật Bản, ông ta sẽ bị bắt ngay lập tức.
Nissan và Renault đã thành lập một liên minh vào năm 1999. Hiện tại, Renault đang nắm giữ 43,4% cổ phần của Nissan và có quyền biểu quyết. Nissan nắm giữ 15% cổ phần của Renault nhưng không có quyền biểu quyết. Để đảm bảo sự độc lập trong hoạt động của Nissan, ba bên Nissan, Renault và chính phủ Pháp đã đạt được thỏa thuận vào năm 2015, quy định phía Pháp sẽ không can thiệp bừa bãi vào hoạt động của Nissan. Nếu Renault can thiệp không đúng cách, Nissan có quyền tăng cổ phần của mình trong Renault.
Sau khi tin Ghosn bỏ trốn lan truyền, giá cổ phiếu tại Mỹ của Nissan Nhật Bản đã giảm 0,3% vào trưa ngày 31/12, mức thấp nhất trong hơn 10 năm kể từ cuối tháng 5 năm 2009; giá cổ phiếu ở Nhật Bản khi đóng cửa giảm gần 0,5%, mức thấp kỷ lục kể từ tháng 6 năm 2010.