E-magazine Cuộc phiêu lưu của Elon Musk ở Twitter: Góc nhìn từ bài học của 'ông trùm' xe hơi Henry Ford

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc CEO Tesla sở hữu mạng xã hội Twitter có thể gây ra nhiều rủi ro, giống như việc Henry Ford từng sở hữu một tờ báo khi ở đỉnh cao trước đây.

Có rất nhiều sự tương đồng giữa Elon MuskHenry Ford - hai 'ông trùm' trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, với khối tài sản khổng lồ và sự nổi tiếng khó ai sánh bằng, từ trước khi Musk mua lại nền tảng mạng xã hội Twitter.

Tuy nhiên, khi thực hiện chuyến phiêu lưu vào lĩnh vực mạng xã hội, CEO của Tesla có thể sẽ phải "tua lại" những chương bất ổn, kém thành công nhất trong sự nghiệp của Ford.

Cuộc phiêu lưu trong lĩnh vực truyền thông

Năm 1918, khi bước sang tuổi 55, ở đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, Ford đã mua lại một tờ báo địa phương tại Michigan, có tên "Dearborn Independent".

'Ông trùm' xe hơi lúc bây giờ đã bỏ rất nhiều công sức để vực dậy tờ báo đang thua lỗ. Nhưng sau cùng, khi phải đối diện với các thách thức pháp lý và làn sóng tẩy chay ở công ty xe hơi, Ford đã quyết định đóng cửa Dearborn Independent vào năm 1927.

Khi sự tập trung của Henry Ford bị chuyển hướng, ông đã bị vượt mặt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp xe hơi. Hãng Ford đã đi từ chỗ một hãng sản xuất xe hơi thống trị - vào năm 1919, họ bán ra số lượng xe hơi tương đương với số lượng xe của 7 hãng đứng ở các thứ hạng tiếp theo gộp lại - sang vị trí xếp sau General Motor.

Vậy điều tương tự có thể xảy ra với Tesla, hãng sản xuất xe điện (EV) đang thống trị thị trường Mỹ, khi vị CEO 51 tuổi của họ đang bị xao lãng bởi vấn đề khác (?).

Twitter đang bị một số đơn vị truyền thông cáo buộc là chưa có đủ chính sách để ngăn chặn những người có tư tưởng cực đoan. Kể từ khi được Musk thâu tóm, các nội dung mang tính thù hận tăng mạnh trên nền tảng mạng xã hội này, theo Network Contagion Research Institue, ĐH Rutgers.

Musk, Tesla và Twitter hiện chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề này. Sau khi đưa ra đề nghị mua lại Twitter vào mùa Xuân năm ngoái, Musk cho hay ông muốn biến nó thành một thứ đại khái như quảng trường, "một nền tảng công cộng được tin tưởng tuyệt đối và bao trùm."

Vào tháng 12, sau khi thực hiện xong thương vụ Twitter, Musk viết trên nền tảng này rằng: "Các nội dung mang tính thù hận tiếp tục giảm, trong khi tăng trưởng người dùng cao."

Musk và các nhãn hiệu mà ông quản lý đều hứng chịu tổn thất về danh tiếng kể từ sau thương vụ Twitter, theo các cuộc thăm dò của YouGov và Morning Consult. Bản thân Musk còn chịu tổn thất về tài chính và bị loại khỏi vị trí người giàu nhất thế giới.

Dan Ives là một nhân vật lên tiếng mạnh mẽ về "sự suy sụp" giá cổ phiếu của Tesla - giảm tới 65% trong năm ngoái - cho rằng nguyên nhân chính là việc Musk mua lại Twitter. Vị giám đốc quản lý quỹ Wedbush Securities này đã cắt giảm mục tiêu giá của ông với Tesla trong tháng 12 từ 250 USD xuống còn 175 USD. Mới đây, ông nâng nó lên 200 USD. Giá cổ phiếu của Tesla gần đây được giao dịch ở mức 173 USD, tăng 40% trong năm nay.

"Việc quan trọng nhất là Musk phải chỉ định một CEO cho Twitter và tập trung trở lại vào Tesla và SpaceX," Ives nói. "Tesla vẫn đang đi trước các hãng khác trên thị trường xe điện. Nhưng sau lưng họ có dán một tấm bia tập bắn, và mọi đối thủ đang nhắm bắn vào đó."

Ngủ vùi dưới ánh hào quang

Henry Ford cũng từng mang một tấm bia tập bắn như vậy trong năm 1919, và kể từ khi Model T được cho ra mắt vào 11 năm trước đó.

Ford không phát minh ra dây chuyền lắp ráp. Nhưng ông là người đầu tiên áp dụng sức mạnh của nó cho hoạt động sản xuất quy mô lớn, cho phép ông sản xuất xe hơi nhanh hơn và rẻ hơn so với các đối thủ. Model T chính là kết quả của quá trình đó, và nó thực sự tạo nên một cơn sốt.

Ra mắt vào năm 1908, mẫu xe có biệt danh "Tin Lizzie" này có giá 850 USD (khoảng 25.000 USD theo thời giá hiện nay). Khi Ford áp dụng dây chuyền lắp ráp để làm tăng hiệu quả sản xuất, giá của mẫu xe thực sự giảm, xuống còn 360 USD vào năm 1916, trong khi mức giá của các hãng Buick và Studebaker thường có giá trong khoảng 600 - 1.000 USD.

Năm 1919, Ford sản xuất 820.445 chiếc Model T. Đứng thứ hai là General Motor - trong đó Chevrolet chiếm nhiều nhất với 129.118 chiếc - với tổng số lượng xe xuất xưởng chỉ bằng một nửa của Ford.

Vào ngày 25/9/1922, trong một bài báo có tiêu đề "Người giàu nhất thế giới," chuyên trang Barron ước tính rằng Ford đã kiếm được 100 USD lợi nhuận trên mỗi chiếc Model T được bán ra (tổng số lượng bán ra là 1,1 triệu chiếc), và rằng công ty này "có thể được vốn hóa ở mức 2 tỉ USD."

"Thu nhập của ông ta," theo Barrons, "có lẽ là không ai sánh bằng trong suốt lịch sử."

Không chỉ giàu sụ, Henry Ford còn là một người nổi tiếng - là một đại diện cho lối sống tiêu dùng đang trỗi dậy của nước Mỹ lúc bấy giờ.

"Ford trở thành một tượng đài trong tiềm thức của người dân Mỹ," Watts viết trong tác phẩm "The People's Tycoon: Henry Ford and the American Century". "Ông ta dường như đại diện cho mọi thứ mang tính hiện đại, cách tân, và thiết yếu trong xã hội mới."

Báo chí theo chân Ford trong từng bước đi, một chiếc xe chở đầy các phóng viên luôn đi theo ông trong những dịp ông có kỳ nghỉ hàng năm cùng với Thomas Edison. Các bài phỏng vấn của ông luôn thuộc hàng "top-sellers".

"Henry Ford có lẽ là người đàn ông khó tiếp cận nhất ở đất nước này," Barrons từng viết trong bài báo ra ngày 21/5/1923. "Không có ai khó tiếp cận hơn ông ta."

Sự trỗi dậy của các đối thủ sừng sỏ

Nhưng trong lúc Ford đang tận hưởng vị thế người nổi tiếng của mình, được củng cố nhờ một cỗ máy PR hùng mạnh - cuốn tiểu thử được viết thuê năm 1922, thuộc hàng best-seller - thì các đối thủ cạnh tranh trong ngành xe hơi cũng dần bắt kịp.

Năm 1925, theo Barrons, General Motor lần đầu tiên đuổi kịp Ford về doanh thu, trong khi doanh số bán ra thấp hơn. Đó là nhờ các mẫu xe hơi của họ "được phân bổ ở tất cả các lớp giá."

Dưới thời chủ tịch Alfred P. Sloan (giờ đã trở thành huyền thoại), General Motor đã phát triển thành một doanh nghiệp hiện đại, được hoàn thiện bởi các khóa huấn luyện quản lý, và tập trung hơn vào nghiên cứu và hoạch định dài hạn.

Năm 1927, năm hoạt động cuối cùng của tờ Dearborn Independent, Ford cuối cùng đã thay thế mẫu xe "Tin Lizzie" bằng Model A, nhưng đã quá muộn. Khi Ford ngừng sản xuất trong nhiều tháng để thiết lập lại công cụ, Chevrolet lần đầu tiên đăng quang lên vị trí Số 1.

Ford đã bỏ ra bao nhiêu thời gian để lo cho tờ báo địa phương và bỏ bê Ford Motor? Cây viết tiểu sử Watts viết rằng, Ford tới thăm văn phòng của tờ báo này gần như mọi ngày để đưa ra chỉ đạo về nội dung cho biên tập viên William Cameron.

"Ford sẽ thảo luận, đôi lúc là ngay trong khi đang gác chân lên bàn làm việc của Cameron, rao giảng thứ triết lý của ông trong khi các tay viết thuê ghi lại," Watts viết.

Mặc dù không thể đo đạc đường tầm ảnh hưởng của nó đối với doanh số bán xe hơi, nhưng những nội dụng gây tranh cãi mà Dearborn Independent đăng tải đã vấp phải sự lên án gay gắt từ các đời Tổng thống Mỹ và các hồng y giáo chủ thuộc Giáo hội Công giáo, chưa kể tới những bài xã luận phản bác đến từ những ấn phẩm khác như The Wall Street Journal và Minneapolis Star.

Đối mặt với một vụ kiện tụng đắt đỏ về tội phỉ báng, và một một làn sóng tẩy chay do Liên đoàn Chống Phỉ báng tài trợ, Ford đã phải bỏ cuộc. Lời xin lỗi không thật lòng mà ông đưa ra lúc tờ Dearborn Independent bị đóng cửa đã thu hút được sự chú ý của người được mệnh danh là "Triết gia cao bồi" Will Rogers.

"Ông ta đã quen với việc nhắm tới người Do Thái," Rogers châm chọc, "cho đến khi ông ta nhìn thấy họ trên những chiếc xe Chevrolets."

"Tesla chính là Ford của thế kỷ 21"

Một bản thăm dò của YouGov cho thấy danh tiếng của Tesla đã suy giảm mạnh nhất trong số những người Dân chủ và tự do, trong khi lại trở nên nổi tiếng hơn đối với người thuộc phe Cộng hòa và người bảo thủ. Hãng Morning Consult cũng chỉ ra sự chia rẽ chính trị tương tự.

Ít nhất là ở thời điểm hiện tại, Tesla vẫn ở vị trí thống trị ngành xe điện, khi chiếm 65% thị trường trong năm 2022 (Ford: 7,6%, ở vị trí thứ 2). Và, như Barrons đã chỉ ra, Tesla hiện là hãng sản xuất có hiệu quả nhất xét về chi phí, có nghĩa rằng họ đủ sức để vượt mặt các đối thủ, giống như Ford cách đây 1 thế kỷ.

Thế nhưng điều đó không đủ để Ford duy trì vị thế đỉnh cao của mình. Dù cho có nhiều lợi thế vào năm 1919 - năm mà Henry Ford bắt đầu xuất bản tờ Dearborn Independent - tất cả đều tan rã vào thời điểm ông đóng cửa tờ báo vào năm 1927.

Ford đã bị mắc kẹt bởi kiểu lãnh đạo công ty độc đoán của một người duy nhất trong khoảng thời gian quá dài. Henry Ford mắc kẹt với mẫu Model T quá lâu. Và ông cũng đã tính toán sai lầm với tờ báo địa phương.

"Khi kết hợp với cuộc khủng hoảng trong công ty Ford Motor liên quan tới sự suy yếu của dòng Model T, sự thất bại của Dearborn Independent đã đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đỉnh cao của một người đàn ông," Watts viết.

Ngày nay, Ives đến từ Wedbush Securities nói rằng, "Elon Musk chính là Henry Ford của thế kỷ 21, và Tesla chính là công ty xe hơi quan trọng nhất kể từ sau Ford và mẫu Model T."

Tesla - mới đây nhắc lại kế hoạch dài hạn với mức tăng trưởng trung bình 50% mỗi năm - chỉ có thể hy vọng rằng họ sẽ không đi theo vết xe đổ của Model T năm xưa.

Nguồn tham khảo: Barrons