Hồi tháng Chín, AP đưa tin Ayman al-Zawahiri, người kế nhiệm nắm giữ chiếc ghế thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaeda sau khi Osama bin Laden bị quân đội Mỹ tiêu diệt, đã cho công bố đoạn ghi âm công khai chỉ trích người đứng đầu Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS Abu Bakr al-Baghdadi là "kẻ nổi loạn" đồng thời tuyên chiến chống lại IS.
IS được xem là một chi nhánh của al-Qaeda song phương thức hoạt động của hai tổ chức này lại hoàn toàn khác nhau. Thậm chí IS còn thành lập một "vương quốc hồi giáo" chiếm lĩnh nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria. Trong đó, Baghdadi tự phong cho mình là "ông Vua Hồi giáo".
Ngoài Iraq và Syria, IS còn đang nỗ lực thành lập mạng lưới chân rết hoạt động tại Afghanistan trong cuộc chiến chống lại cả lực lượng Taliban và al-Qaeda đóng quân tại đây.
Tờ ABC News cho hay, trong đoạn clip hồi tháng Chín, thủ lĩnh al-Qaeda Zawahiri đã nhắc tới cuộc chiến giữa các tay súng hồi giáo IS và nhóm Jabhat al-Nusra, chi nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Syria. Zawahiri còn cáo buộc thủ lĩnh IS Baghdadi đã gây ra sự nổi loạn trong hàng ngũ thánh chiến của mạng lưới khủng bố al-Qaeda và khiến nhiều người quy hàng lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Cũng theo Zawahiri, những tuyên bố của Baghdadi "gây ra không ít ngạc nhiên" và thậm chí việc làm của thủ lĩnh IS còn không "chiểu theo nguyện vọng của cộng đồng người Hồi giáo".
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ Matthew Olsen nhận định đoạn tuyên bố chỉ trích của thủ lĩnh al-Qaeda là một diễn biến "đầy thú vị".
"Cho tới nay, Zawahiri vẫn chưa thể mở lòng chấp nhận Baghdadi và IS. Điều này thể hiện sự chia rẽ sâu sắc dường như không thể hòa giải giữa thủ lĩnh al-Qaeda và IS", ông Olsen nhấn mạnh đây là cơ hội để đẩy IS và al-Qaeda vào một cuộc đua quyền lực, dẫn tới sát hại lẫn nhau.
Điều đáng nói là dù công kích mạnh mẽ Baghdadi nhưng thủ lĩnh al-Qaeda Zawahiri vẫn khẳng định sẵn sàng sát cánh chiến đấu cùng IS chống lại những địch thủ chung như Mỹ.
"Chúng tôi không công nhận Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Nhưng nếu tôi ở Iraq và Syria, tôi sẽ hợp tác với IS để chống lại kẻ thù chung dù tôi không công nhận tính hợp pháp của tổ chức này", Zawahiri nhấn mạnh.
Trên thực tế, xét về mặt tài chính lẫn khí tài, al-Qaeda đang thua xa IS. Tờ Guardian dẫn lời giới chức Jordan cho hay "mạng lưới khủng bố al-Qaeda đang cạn kiệt cả nhân lực và tiền tài sau khi tuột khỏi tay nhiều vùng lãnh thổ từng chiếm đóng". Trái lại, IS vẫn tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động ở Iraq và Syria cũng như phạm vi toàn cầu.
Al-Qaeda vẫn nguy hiểm hơn IS
Trang tin Breitbart tại Mỹ dẫn nghiên cứu của Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Chiến dịch Đặc biệt (SOCOM) tại căn cứ không quân MacDill ở Tampa thuộc bang Florida nhận định al-Qaeda vẫn là mối đe dọa lâu dài và nguy hiểm hơn so với "người anh em" IS.
Bản nghiên cứu nhấn mạnh: "Sự cạnh tranh giữa hai nhóm sẽ ngày càng dữ dội với những diễn biến đầy bất ngờ". Ngoài ra, chiến lược của al-Qaeda mang tính lâu dài bất chấp việc IS đang là thế lực nổi lên gây nhiều sức ép với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Mỹ đánh giáal-Qaeda vẫn là mối đe dọa lâu dài và nguy hiểm hơn so với "người anh em" IS. |
Một điều không thể phủ nhận là hiện IS cũng đang được giới truyền thông quan tâm nhiều hơn so với đối phủ al-Qaeda.
Trong quá trình nghiên cứu sự khác biệt trong phương thức hoạt động giữa IS và al-Qaeda, bản nghiên cứu nhấn mạnh thực chất, IS trước đây là một chi nhánh của al-Qaeda ở Iraq. Song IS lại thông thạo về mặt công nghệ hơn al-Qaeda và tổ chức này hiểu rằng việc sử dụng mạng truyền thông mang lại vô vàn lợi ích đồng thời giúp tiếp cận với giới trẻ nhanh hơn.
Xét về ngắn hạn, IS đã gặt hái được những thành công lớn hơn al-Qaeda. Cụ thể, trong khi al-Qaeda phát triển một chiến lược dài hạn nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cư dân địa phương thì IS cho rằng thời gian đã chín muồi để chiếm đóng nhiều phần lãnh thổ rộng lớn, cũng như loại bỏ các địch thủ để tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo.
"Việc có chung tư tưởng và mục đích thành lập nhà nước Hồi giáo với những quy định khắt khe đã đẩy al-Qaeda và IS rơi vào một cuộc đua khốc liệt", bản nghiên cứu của SOCOM nhấn mạnh.
Theo SOCOM, có 2 khả năng diễn biến trong cuộc đua tranh giành vị trí khủng bố số 1 thế giới giữa al-Qaeda và IS.
Thứ nhất, nhiều khả năng IS vẫn sẽ duy trì là một tổ chức khủng bố tàn bạo và quy mô lớn trong khi al-Qaeda vẫn loay hoay tái thiết lực lượng và củng cố sự ủng hộ chính trị cũng như lợi dụng quan điểm của các địch thủ cho rằng al-Qaeda đang lụi tàn.
Thứ hai, khả năng "al-Qaeda cảm thấy áp lực từ IS ngày càng công khai cả về quy mô tổ chức cũng như năng lực hoạt động. Kết quả là al-Qaeda buộc phải cạnh tranh với IS, dẫn tới cuộc đua chiến lược giữa hai nhóm khủng bố".
Theo SOCOM, điều quan trọng là Mỹ cần hiểu về viễn cảnh chiến lược của al-Qaeda và IS bởi trong tình hình hiện nay, Mỹ đang nắm trong tay cơ hội cực lớn để lợi dụng những bất đồng giữa IS và al-Qaeda. Song nếu không hiểu rõ chiến lược của hai nhóm khủng bố cũng như những điểm yếu và mạnh, nhiều khả năng phong trào Hồi giáo cực đoan của cả IS và al-Qaeda sẽ trở nên "mạnh hơn bao giờ hết".
Trên thực tế, các vụ tấn công gần đây ở Paris và Beirut cùng vụ rơi máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Nga Metrojet rơi trên bán đảo Sinai, Ai Cập cho thấy giới thủ lĩnh IS đang chuyển đổi trọng tâm chiến lược khủng bố nhằm vào các "mục tiêu ở nước ngoài".
Và theo một quan chức chống khủng bố cấp cao của châu Âu, vụ tấn công nhằm vào khách sạn Radisson Blu ở Mali hôm 20/11 có khả năng do 2 nhóm có mối quan hệ với al-Qaeda thực hiện. Hành động này cho thấy "đang xảy ra một cuộc đua giữa IS và al-Qaeda xem ai là người có thể tấn công phương Tây khủng khiếp nhất"
Theo AP, Infonet