Giá dầu Brent trên thị trường London hiện đã giảm xuống mức 34,26 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 6.2004. Chỉ tính riêng trong một tuần kể từ phiên giao dịch đầu năm, tổng cộng giá dầu đã sụt khoảng 10%. Nếu nhìn tích cực thì giá dầu càng xuống thấp, cuộc cạnh tranh khốc liệt này càng đến gần thời điểm kết thúc, khi một bên phải bỏ cuộc.
Tình hình có vẻ như đã trở nên bi đát với Nga và Ả Rập Saudi đến mức, hai "ông kẹ dầu lửa" này bắt đầu phải tính đến con bài cổ phần hóa các tập đoàn dầu quốc doanh chủ chốt của mình. Trong cuộc chơi này, ai nhanh tay kẻ đó sẽ thắng.
Giá dầu thấp đang ảnh hưởng nặng nề đến Nga và Ả Rập Saudi, đó là điều không cần bàn cãi. Hoạt động xuất khẩu dầu đang chiếm khoảng 13,7% GDP của Nga, còn với Ả Rập Saudi là 43,6% GDP.
Cả hai quốc gia này đều có mức độ phụ thuộc khá cao của hoạt động xuất khẩu dầu với ngân sách quốc gia, cao hơn nhiều so với "ông kẹ dầu lửa" còn lại trên thị trường dầu là Mỹ, vốn có nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vì giá dầu thấp, nên mức thâm hụt ngân sách của Ả Rập Saudi trong năm 2015 đã lên tới 15% GDP, buộc phải tăng giá một loạt mặt hàng thiết yếu trong nước như xăng, điện nước, và đánh thuế giới siêu giàu nặng hơn. Còn Nga phải cắt giảm một loạt chi tiêu công trong các lĩnh vực giáo dục và y tế để bù đắp lại khoản hao hụt do giá dầu.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn chồng chất đó, cuộc thi đọ sức chịu đựng giữa Nga và Ả Rập Saudi đang có vẻ giống một ván bài tất tay, trong đó cả hai đều tung ra hết tất cả những gì mình có để giành chiến thắng.
Trong cuộc chiến giá dầu giờ đây, kẻ nào gom góp được nhiều tiền hơn để bù đắp khoản thâm hụt do giá dầu, kẻ đó sẽ giành chiến thắng. Giảm chi tiêu công và tăng giá các mặt hàng thiết yếu là chưa đủ, con bài chủ chốt được cả Nga và Ả Rập Saudi nhắm đến ở thời điểm hiện tại là cổ phần hóa các tập đoàn dầu lửa quốc gia.
Theo đó, cả Nga lẫn Ả Rập Saudi đều đang thiết lập kế hoạch cổ phần hóa các tập đoàn dầu quốc gia lớn nhất của mình. Với Nga là Rosneft, còn với Ả Rập Saudi là Aramco Saudi.
Rosneft đang là tập đoàn dầu khí quốc gia lớn nhất của Nga, trong đó nhà nước sở hữu 69,5% cổ phần và điện Kremlin đang có kế hoạch chào bán khoảng 19,5% cổ phần của Rosneft ra ngoài thị trường, chính phủ Nga vẫn nắm quyền chi phối với 50% cổ phần trong tay.
Tương tự tại Ả Rập Saudi, hoàng tử trẻ tuổi Mohammed đang tiến hành cải tổ nền kinh tế theo hướng bớt phụ thuộc vào xuất khẩu dầu lửa hơn, với việc tập đoàn dầu lửa lớn nhất quốc gia Aramco Saudi sẽ được bán khoảng 14% cổ phần ra thị trường.
Việc cả Nga lẫn Ả Rập Saudi cùng lúc bán một lượng lớn cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí lớn nhất quốc gia ra thị trường có nhiều ý nghĩa.
Trước hết, nó sẽ đem lại một khoản tiền lớn đủ để bù đắp những khoản thâm hụt ngân sách do giá dầu. Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, điện Kremlin hy vọng 19,5% cổ phần của Rosneft có thể đem lại cho Nga khoảng 500 tỉ Rup (tương đương 6,68 tỉ USD).
Đây được xem là một mức giá khá hời, khi mà Rosneft đang là tập đoàn dầu lớn nhất của Nga; tổng giá trị vốn hóa của Rosneft chỉ đạt khoảng 33,4 tỉ USD, chỉ bằng 1/9 so với hãng dầu Mỹ Exxon Mobil với giá trị khoảng hơn 300 tỉ USD, trong khi doanh thủ của Rosneft lại bằng 1/3 tổng doanh thu của tất cả các hãng dầu lửa Mỹ cộng lại.
Trong khi đó Ả Rập Saudi chưa công bố khoản tiền kỳ vọng mà chính phủ nước này muốn nhận được từ khoản 14% cổ phiếu Aramco sẽ bán ra, nhưng được dự đoán sẽ còn lớn hơn con số mà Nga muốn thu được từ việc bán 19,5% cổ phiếu của Rosneft.
Mục đích thứ hai mà Nga và Ả Rập Saudi hướng tới trong việc cổ phần hóa này là tăng hiệu quả hoạt động của các tập đoàn này trong giai đoạn khẩn cấp hiện nay. Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập Saudi lúc này đã không còn đơn thuần là thử sức chịu đựng nữa mà đã đi vào giai đoạn cạnh tranh thị phần trực tiếp của nhau.
Cả Nga và Ả Rập Saudi đều đang cạnh tranh quyết liệt để giành các đối tác truyền thống trên thị trường dầu, mà một trong những chiến trường trọng yếu nhất là các quốc gia châu Âu.
Vào thập niên 1970, 50% lượng dầu xuất khẩu của Ả Rập Saudi là đến các nước châu Âu, nhưng sau đó gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của Liên Xô khi quốc gia này bắt đầu xây đường ống để vận chuyển dầu sang thị trường châu Âu.
Ưu thế về địa lý đã giúp cho Liên Xô và sau này là Nga chiếm vị trí lớn nhất trong vai trò cung cấp dầu cho châu Âu, đẩy Ả Rập Saudi vào thế bí tại thị trường này. Thị phần của Saudi tại châu Âu giảm xuống mức thấp nhất là 5,9% trong năm 2009, trong khi thị phần của Nga không ngừng tăng lên và đạt đỉnh ở mức 34,8% vào năm 2011.
Sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao và đứt gãy trong quan hệ thương mại giữa EU và Nga giờ đây đang là lợi thế cho Ả Rập Saudi tìm cách giành lại thị phần ở thị trường tiềm năng này. Liên minh châu Âu đang muốn đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào nguồn dầu và khí đốt từ Nga, và Saudi đã không bỏ lỡ thời cơ.
Thị phần cung cấp dầu của nước này ở châu Âu đã tăng lên 8,6% từ năm 2013 và không ngừng gia tăng trong thời gian qua. Thậm chí Ả Rập Saudi còn muốn tấn công thẳng vào những đối tác truyền thống của Nga ở Đông Âu, mà Ba Lan là một ví dụ điển hình.
Các nước Đông Âu như Ba Lan hầu hết phụ thuộc vào công nghệ và nguồn dầu từ Nga, nhưng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea thì Ba Lan muốn tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung dầu từ Nga và cũng ngỏ ý muốn chọn Saudi thay thế.
Trong khi Ả Rập Saudi tấn công Nga ở thị trường châu Âu và đặc biệt là Đông Âu vốn là đối tác truyền thống của Nga thì Nga lại đang tấn công Saudi ở thị trường châu Á, vốn là đối tác truyền thống của Saudi.
Trung Quốc từ lâu được xem là một trong những đối tác truyền thống lớn nhất của ngành dầu lửa Ả Rập Saudi, nhưng giờ đây ảnh hưởng của Nga ở trong việc cung cấp dầu cho Trung Quốc ngày càng tăng lên, khi mà những đường ống dẫn dầu từ Siberia đến Trung Quốc đang được xây dựng.
Hiện tại, có lẽ cả thế giới đều hiểu rằng ngoài việc các quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất giảm sản lượng, còn không thì không có cách nào khác để vực dậy giá dầu. Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ả Rập Saudi và Iran đang diễn ra có quy mô lớn nhất trong vài chục năm qua, vậy mà cũng không đủ khiến giá dầu tăng trở lại.
Nó đồng nghĩa với việc, giá dầu chỉ tăng trở lại khi ván bài tất tay giữa Nga và Ả Rập Saudi kết thúc với một bên chấp nhận thua cuộc. Trong tình hình đó thì giá dầu càng giảm sâu, đồng nghĩa với việc cuộc chiến khốc liệt này sắp đến hồi kết thúc.
Nhàn Đàm - Theo Bloomberg, Vneconomy, Một thế giới