Giới theo quan điểm cứng rắn Trung Quốc cũng không quan tâm tới những lo ngại của thế giới, họ chỉ quan tâm tới việc tối đa hóa lợi ích của Trung Quốc. Rõ ràng các thông tin của giới truyền thông quốc tế về việc Trung Quốc mưu chiếm tới 90% diện tích Biển Đông đang thực sự mô tả luồng tư tưởng này.
Một điều đáng mừng là quan điểm trên không chiếm ưu thế trong giới hoạch định chính sách cấp cao tại Trung Quốc. Những nhân vật cứng rắn trong chính phủ thường là tướng lĩnh quân sự hoặc quan chức thuộc các cơ quan pháp luật. Chính sách tối đa hóa lợi ích trên Biển Đông chắc chắn sẽ phục vụ cho lợi ích cục bộ của giới này. Nhưng quan điểm cứng rắn cũng xuất hiện trong công chúng mà phần lớn trong số họ chỉ có cái nhìn hời hợt, thiển cận về tình hình Biển Đông. Những người theo tư tưởng cứng rắn kêu gọi ủng hộ yêu sách chủ quyền chẳng qua chỉ là hành động cảm tính do chủ nghĩa dân tộc bùng phát, chứ không phải xuất phát từ việc cân nhắc kỹ lưỡng các lợi ích của Trung Quốc.
Điểm khác biệt giữa phái cứng rắn và phái thực dụng là mặc dù quan điểm của phái cứng rắn dựa trên thực tiễn chính trị, nó lại được củng cố bởi chủ nghĩa siêu dân tộc, khiến cho việc chung sống với các quốc gia khác trở nên đặc biệt khó khăn. Mặc dù tư tưởng cứng rắn chưa chiếm ưu thế trong các chính sách hiện nay, giới lãnh đạo cũng không thể lờ nó đi hoặc bác bỏ vì lo sợ sẽ châm ngòi chủ nghĩa dân tộc, dễ dẫn đến mất kiểm soát.
Nhóm thứ ba là phái ôn hòa, họ tin rằng đã đến lúc Trung Quốc nên điều chỉnh chính sách để làm rõ mục đích của mình ở Biển Đông. Phái ôn hòa nhận thức được rằng sự mơ hồ hiện nay của Trung Quốc về yêu sách lãnh thổ và hoạch định chiến lược chỉ làm gia tăng sự lo sợ và mất lòng tin ở thế giới bên ngoài. Họ đổ lỗi cho chính phủ vì đã không đưa ra được một tuyên bố chiến lược hấp dẫn và thúc đẩy biện pháp truyền thông hiệu quả với thế giới.
Cách hành xử không cần lý lẽ (just-do-it) quen thuộc của Trung Quốc, khi áp dụng vào việc đưa ra các quyết sách chiến lược quan trọng như xây dựng các đảo nhân tạo đã gây tổn hại đến lợi ích của chính nước này. Trước việc không có bất kỳ nỗ lực nào để hợp pháp hóa việc xây dựng đảo nhân tạo (một việc mà Trung Quốc không bao giờ có thể làm được vì hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế mà thế giới văn minh không chấp nhận), thế giới chắc chắn sẽ chỉ ngờ vực thay vì đồng tình với Trung Quốc.
Các nhà ôn hòa lập luận rằng Trung Quốc cần dần dần làm rõ cái gọi là “đường chín đoạn”; rằng duy trì sự mơ hồ cố ý này sẽ chỉ khiến tấm bản đồ 9 đoạn trở thành một gánh nặng lịch sử, một trở ngại không đáng có ngăn cản những thỏa thuận ngoại giao.
Theo quan điểm của phái ôn hòa, việc diễn giải tấm bản đồ như là một đường phân định ranh giới lãnh thổ là một việc làm phản tác dụng, bởi vì làm như vậy chỉ khiến Trung Quốc thành kẻ thù của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á cũng như của Mỹ. Một khi Trung Quốc đi theo con đường này, nước này sẽ phải đối mặt với mối nguy bị kéo dãn chiến lược (strategic over-stretch). Phái ôn hòa nhận định, vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là nước này thiếu một chiến lược rõ ràng và hiệu quả cho vấn đề Biển Đông.
Phái ôn hòa khác nhiều so với phái hiện thực và phái bảo thủ. Nhưng cả ba phái này đều có chung một điểm đồng thuận cực kỳ quan trọng: đó là cho rằng cần thiết phải xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Foreign Policy cho biết, trong suốt các cuộc trao đổi với các học giả hàng đầu Trung Quốc và các quan chức chính phủ từ năm ngoái, không thấy bất kỳ ai coi việc xây dựng đảo là một sai lầm. Họ có thể đưa ra những lý do khác nhau cho việc xây dựng đảo và đưa ra những đánh giá khác nhau về hệ quả, nhưng tất cả đều tin đó là điều mà Trung Quốc phải thực hiện, không sớm thì muộn.
Những lý do rất đa dạng, từ chiến lược cho tới những nguyên nhân thông thường, từ thiết lập một chỗ đứng chiến lược trên Biển Đông tới việc đem lại một điều kiện sống tốt hơn cho người dân Trung Quốc sống tại đây. Nhưng họ đều cảm thấy rằng với sự trỗi dậy hiện nay của Trung Quốc, Bắc Kinh cần phải thiết lập sự hiện diện tương xứng với sức mạnh và vị thế mới của mình trên Biển Đông. Nực cười là họ còn lập luận rằng phải tăng cường hiện diện bởi vì hầu hết các quốc gia có yêu sách cũng đều đã hiện diện trong khu vực từ nhiều thập kỷ !
Cộng đồng quốc tế đã liên tục chỉ trích việc xây dựng đảo của Trung Quốc. Một nguyên trạng mới đòi hòi Trung Quốc phải xác định rõ các dự định chiến lược của mình. Ngay lúc này, thậm chí đến cả giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không đưa ra được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này. Trong ba luồng quan điểm kể trên, chỉ có phái cứng rắn có thể đưa ra câu trả lời một cách nhanh chóng nhưng lại gây bất ổn. Phần còn lại thì vẫn tranh cãi xem Trung Quốc nên có chiến lược gì đối với Biển Đông. Đây là một sự thật quan trọng. Nó cho thấy rằng chính sách Biển Đông của Trung Quốc vẫn chưa định hình, do đó vẫn có thể uốn nắn.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và ASEAN, nên đưa ra những điều kiện để định hình chính sách của Trung Quốc theo hướng hòa giải và hợp tác hơn. Đặc biệt, các nước này nên giúp nâng cao vị thế của phái ôn hòa trong việc ra quyết sách của Trung Quốc, biến tư tưởng của họ từ thiểu số trở thành một đồng thuận đa số. Hiệu ứng không mong muốn của một số bài diễn thuyết của các quan chức Mỹ về sự bá quyền của Trung Quốc ở Đông Á, vô tình đã xác nhận quan điểm của phái cứng rắn cho rằng Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc, và do vậy làm suy yếu vị thế của phái ôn hòa trong cuộc chiến nội bộ Trung Quốc.
Theo Foreign Policy, trong ba trường phái tư tưởng trên, chỉ có phái cứng rắn là dứt khoát tìm kiếm một thứ giải pháp bá quyền quân sự. Nếu các quan chức Mỹ coi đây chính là sách lược quốc gia của Trung Quốc, họ sẽ lạc đề khi đối thoại với những nhà đàm phái thuộc phái ôn hòa hơn, và sẽ tạo ra những hiểu lầm nguy hiểm trong truyền thông giữa hai phía.
Về phần mình, Trung Quốc cần phải xác định rõ mục tiêu chính sách và trấn an các nước láng giềng cũng như Mỹ. Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc từng nói rằng ngoại giao Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn “vị thành niên”. Nhưng một Trung Quốc đang trỗi dậy với trách nhiệm khu vực và trách nhiêm toàn cầu cần nhanh chóng học cách trở thành “người lớn”, Foreign Policy kết luận.