Đó là thông tin được đưa ra tại buổi hội thảo về chứng sa sút trí tuệ do Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chiều 9/4.
TS. Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viên Sức khỏe tâm thần chia sẻ với báo giới về chứng sa sút trí tuệ ở người già
|
Theo TS. Trần Thị Hà An - Trưởng phòng Điều trị người già của Viện, sa sút trí tuệ xảy đến khi não bộ bị tổn thương. Khi đó, bệnh nhân có biểu hiện suy giảm nhiều lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục,… Sa sút trí tuệ có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer – chiếm 60 đến 80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, chứng sa sút trí tuệ để lại nhiều gánh nặng cho người bệnh, gia đình, như chăm sóc khó khăn, tốn kém chi phí điều trị cũng như nhân lực, vật lực cho dịch vụ y tế. Lấy ví dụ cụ thể về trường hợp của bệnh nhân Bùi Thanh Q. (66 tuổi, quê Thái Nguyên) đang điều trị tại đây, bác sĩ Hà An cho biết chứng sa sút trí tuệ khiến bệnh nhân mất trí nhớ hoàn toàn, không nhận ra vợ, con, thường xuyên lảm nhảm một mình. Căn bệnh có thời gian điều trị kéo dài khiến vợ ông phải ăn chực nằm chờ ở Viện, giám sát bệnh nhân mọi lúc mọi nơi, gây tốn kém tiền của.
Bác sĩ Trần Thị Hà An chăm sóc cho bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ
|
TS. Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viên Sức khỏe tâm thần cũng cho biết: Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng cao, trong khi tỷ lệ sinh có xu hướng giảm, khiến tỷ lệ người già trong dân số tăng lên. Ước tính cứ mỗi 3 giây có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ và số người mắc sa sút trí tuệ tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm. Như vậy, chứng sa sút trí tuệ đã, đang và sẽ tạo ra gánh nặng xã hội rất lớn.
Vì vậy, bác sĩ Hà An nhấn mạnh, người bệnh cần được chăm sóc và điều trị càng sớm càng tốt. “Khi có các dấu hiệu sớm như giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày, khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề, khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc, nhầm lẫn về thời gian và không gian, khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian, phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/đọc, đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ, giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định, thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội, thay đổi cảm xúc và nhân cách, bệnh nhân phải tới gặp bác sĩ ngay” – Bác sĩ Hà An cho biết.
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc, dùng thuốc và chăm sóc toàn diện không những có thể làm giảm các triệu chứng mà còn làm chậm quá trình tiến triển của bênh.