Nhiều người khi thấy triệu chứng giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ… đều tự ý mua thuốc bổ não trên thị trường về sử dụng mà không có đơn của bác sỹ. Con cái thấy bố mẹ có biểu hiện sa sút trí tuệ, thường mua các loại thuốc bổ não, bổ thần kinh cho uống, mà không đưa bố mẹ đi khám để có phương pháp điều trị kịp thời. Vì vậy, có tới 90% bệnh nhân đến viện đã trong tình trạng sa sút trí tuệ nặng, càng khó khăn cho việc điều trị.
Theo TS. Trần Thị Hà An - Trưởng phòng Điều trị người già (Viện Sức khỏe tâm thần), cũng cho biết, những người lạm dụng thuốc nhiều nhất là các cụ già. Các cụ cứ nghĩ thuốc bổ não giúp không bị đau đầu, tinh thần minh mẫn… nên tự đi mua về uống.
Thực tế, theo các bác sỹ, bất cứ thuốc nào, thuốc bổ não hay các loại thuốc bổ khác, đều có khả năng gây tai biến, thậm chí tử vong, nếu dùng không đúng cách. Việc tùy tiện sử dụng thuốc bổ, không riêng gì thuốc bổ não, hiện phổ biến ở mọi lứa tuổi. Đa số những người mua thuốc bổ về dùng đều không cần bác sĩ tư vấn, mà dùng theo kiểu truyền miệng và tin rằng đã là thuốc bổ thì không có tác dụng phụ, hay độc tố.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Doãn Phương cho biết, một số loại thuốc bổ thần kinh, bổ não, nếu dùng lâu ngày có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, suy gan, suy thận v.v... Vì vậy, các loại thuốc bổ não có tác dụng tăng cường trí nhớ, chủ yếu điều trị cho người già, sa sút trí tuệ hoặc các di chứng bệnh nhưng phải được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Nếu tự uống và lạm dụng thuốc lâu dài sẽ có hại cho sức khỏe, sinh hoang tưởng, thậm chí gây tác dụng ngược, nếu mua phải những loại thuốc kích thích thần kinh đang bị cấm, hoặc thuốc ít có tác dụng bổ não, tăng cường trí nhớ. Nhiều loại thuốc bổ, bổ sung vitamin, chất khoáng và các chất bổ khác thường ở dạng viên sủi bọt chứa ion natri mà lạm dụng, sẽ hấp thu nhiều natri, dẫn đến không có lợi cho sức khỏe, nhất là người đang điều trị bệnh tăng huyết áp có thể bị tăng vọt huyết áp, gây nguy hiểm. Do đó, khi cần sử dụng các loại thuốc, nhất định phải có sự tư vấn của bác sĩ.
"Khi thấy người cao tuổi trong gia đình có biểu hiện của sa sút trí tuệ, như: suy giảm trí nhớ, thay đổi nhân cách, dễ kích động, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, hoang tưởng, cần đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị; hoặc chăm sóc toàn diện sẽ giúp làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh" - TS. Phương khuyến cáo.
Những thông tin này rất đáng lưu tâm trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số, với số người trên 65 tuổi tăng nhanh, kéo theo các bệnh liên quan đến tuổi già, trong đó có tình trạng sa sút trí tuệ. Đặc biệt, khi việc khảo sát cũng cho thấy chính những người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ hay bị ốm hơn, nguy cơ trầm cảm cao hơn những người bình thường. "Vì thế ở Viện chúng tôi, bác sĩ chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ một, thì cũng phải tư vấn, hỗ trợ người chăm sóc hai" - TS. Nguyễn Doãn Phương chia sẻ.