Covid-19: Bộc lộ sự lạc hậu của hệ thống ngân hàng

VietTimes -- Việc doanh nghiệp khó tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19 được lý giải bằng một thực tế: Ngân hàng đang chung một thuyền với nền kinh tế và doanh nghiệp.
Đại dịch covid-19 đang làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam- Ảnh internet.
Đại dịch covid-19 đang làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam- Ảnh internet.

"Vua Nệm" liên hệ ngân hàng để tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với hi vọng có tiền duy trì công ty qua đại dịch, nhưng chỉ nhận được phản hồi “đang chờ hướng dẫn” và khuyến cáo khoản vay có thể được ghi nhận như nợ xấu của doanh nghiệp.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vua Nệm, cho biết, tất cả các cửa hàng bán lẻ thuộc công ty đã đóng cửa, nhiều khách hàng phải ngừng hoạt động vô thời hạn vì các biện pháp giãn cách xã hội. Hậu quả là nguồn thu của Vua Nệm đã giảm mạnh, doanh số quý I không đủ trả lương nhân viên và thuê cửa hàng.

Công cuộc tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp hiện tại gợi nhớ thời điểm nợ xấu đạt đỉnh vào 6 năm trước, khi doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất 20-22%. Tổng nợ xấu của tám ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, ACB, MB, Sacombank, Eximbank, BIDV và SHB, tăng gần 13.400 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết đến hết quý II/2014.

Chính phủ công bố gói tín dụng lên tới 250.000 tỉ đồng là cơ hội hiếm hoi của doanh nghiệp trong thời đại dịch. Trong tháng 3, Covid-19 đã khiến 18.600 doanh nghiệp phải nộp đơn xin tạm ngừng kinh doanh, số liệu của Tổng cục Thống kê.  

Covid-19 đã bộc lộ rõ nền tài chính ngân hàng tương đối lạc hậu Việt Nam đang sở hữu- Ảnh minh họa.
 Covid-19 đã bộc lộ rõ nền tài chính ngân hàng tương đối lạc hậu Việt Nam đang sở hữu- Ảnh minh họa.

Cơ hội vay được tiền từ gói hỗ trợ Chính phủ thông báo, hấp dẫn không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, mà còn thu hút các công ty quy mô vừa. Họ trông chờ vào gói hỗ trợ này như một cách thức duy nhất để duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, dù không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện.

Một cái nhìn lạc quan về gói hỗ trợ tín dụng có thể là yếu tố khích lệ doanh nghiệp và người dân trong thời điểm hiện nay, nhưng cũng cần nhìn nhận cả phần xám trong bức tranh tổng thể của hệ thống ngân hàng, để có những biện pháp và kế hoạch dự phòng phù hợp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia độc lập về tài chính ngân hàng, nói rằng, Covid-19 đã bộc lộ rõ nền tài chính ngân hàng tương đối lạc hậu Việt Nam đang sở hữu. Đầu tiên và rõ nhất là vấn đề nợ xấu, với ít nhất 3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu rất lớn, trong tình trạng vốn âm nếu tính tổng tài sản.

Sự tụt hậu về quản trị, một vấn đề khác của hệ thống ngân hàng, dẫn đến sự tồn tại của ba ngân hàng yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại với giá 0 đồng, bao gồm Ngân hàng Đại Dương (OCEAN Bank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP.Bank) và Ngân hàng Xây dựng (VNCB), cũng cho thấy chương phá sản trong Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 không nhiều ý nghĩa.

Thậm chí, tại nhiều ngân hàng, quyền lực của hội đồng quản trị đang nằm trong tay ông chủ tịch, đồng thời là ông chủ ngân hàng. Điều này, đi ngược lại xu hướng của thế giới, tổ chức ngân hàng như một công ty cổ phần, hội đồng quản trị đưa ra các định hướng và giám sát ban điều hành thực hiện.

Đến nay, các ngân hàng Việt Nam vẫn lặn lội trong Basel I trong khi Basel II đã trở thành chuẩn mực của của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việc ban hành Thông tư 41 chỉ là khởi động ban đầu để các ngân hàng Việt có thể tiến vào Basel II.

dịch bệnh đang tác động tiêu cực lên thị trường hàng hóa sẽ kéo theo thị trường tiền tệ đi xuống- Ảnh minh họa.
dịch bệnh đang tác động tiêu cực lên thị trường hàng hóa sẽ kéo theo thị trường tiền tệ đi xuống- Ảnh minh họa.

TS. Hiếu, người có 32 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và 10  năm tại Việt Nam, không biết khi nào đại dịch được kiềm chế và nền kinh tế mở cửa trở lại. Tuy nhiên, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thời điểm này, đang là vấn đề khiến ông lo ngại.

Ngoại tệ được giữ ở mức ổn định, điểm sáng hiếm hoi chứng minh tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam. 3 tháng đầu năm, tỷ giá của đồng Việt Nam chỉ trong biên độ từ 1,3 - 1,5% được Ngân hàng Nhà nước so với biến động mạnh tỷ giá đồng tiền một số nước trong khu vực và thế giới.

Tiền gửi dao động không đáng kể, nhưng thị trường chứng khoán lao dốc khi các nhà đầu tư lo ngại rủi ro và rút lượng tiền lớn ra khỏi thị trường. Tương tự với vàng, trong khi giá vàng thế giới chao đảo, giá vàng trong nước vẫn tăng, cho thấy người dân bắt đầu tìm nơi trú ấn an toàn cho tài sản.

Thị trường bất động sản lao đao kể từ phân khúc nghỉ dưỡng, khách sạn, công nghiệp, bán lẻ, đến nhà ở. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, cho biết: “Việc ồ ạt rút vốn của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã gây áp lực lên thanh khoản bất động sản”.

“Các nguồn vốn mà bất động sản có thể dựa vào, đang ít nhiều chịu tác động của Covid-19. Một số doanh nghiệp hướng nguồn vốn ra các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đại dịch đang lan rộng toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang gặp khó khăn”, bà Dung nói.

Dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng gây tổn hại mọi mặt nền kinh tế. Theo quan sát của TS. Hiếu, các ngân hàng đều có kế hoạch để bảo vệ thanh khoản, một mặt cố thủ để tránh nợ xấu, nhưng mặt khác vẫn khẳng định hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.

Tất nhiên, các ngân hàng hơn ai hết đã hiểu rằng cho vay lúc này rất nguy hiểm. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 1.2020 của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý 1/2020 chỉ tăng 0,68% so với mức tăng 1,9% của cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất của quý I trong 6 năm qua, cho thấy doanh nghiệp gần như không vay được vốn.

Một thực tế không quá khó để nhận ra, dịch bệnh đang tác động tiêu cực lên thị trường hàng hóa sẽ kéo theo thị trường tiền tệ đi xuống, nếu đại dịch kéo dài 6 tháng hoặc 1 năm. Lúc đó, không chỉ có các ngành nghề trong nền kinh tế chịu tác động, ngành ngân hàng cũng sẽ đi vào giai đoạn khó khăn.

Thời điểm này, nói chấn chỉnh ngành ngân hàng là rất khó, khi toàn ngành ngân hàng đang lăn lộn để bảo đảm sự tồn tại. Dù vậy, ông Hiếu vẫn muốn nhắc, các ngân hàng cần nhớ rằng họ đang sống bằng tiền gửi của khách hàng và cho vay, đồng nghĩa với việc ngân hàng đang chung một con thuyền với nền kinh tế và doanh nghiệp.

Có thể Moody's, một trong ba tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn nhất thế giới, vẫn cần thêm thời gian để xem xét kỹ lưỡng việc xếp hạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, ngay cả khi đã đưa ra cảnh báo: xét “hạ bậc lâu dài” ba công ty tài chính và hai ngân hàng Việt Nam chỉ sau 3 ngày hạ triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Tổ chức này cũng chỉ rõ các đơn vị bị xem xét hạ tín nhiệm lần này, bao gồm: Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit), Home Credit Việt Nam (HCV), Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng SHB (SHB Finance); Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPbank), sở hữu dịch vụ FE Credit và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). 

Động thái này, dù không gây nhiều ngạc nhiên khi dịch bệnh đang chi phối mọi sự quan tâm, nhưng nếu tình hình tiếp tục xấu đi, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng có thể bị kéo xuống mức “tiêu cực”. Khi đó, phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường thế giới sau khi hết dịch sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ công khi đã sát ngưỡng 65%.