|
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
Ngày 24/6/2021 đánh dấu tròn 55 năm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra đời với sứ mệnh sưu tầm, lưu giữ và phát huy giá trị những báu vật vô giá của nền mỹ thuật nước nhà. Nhân dịp kỷ niệm quan trọng này, TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng - đã có những chia sẻ về chặng đường đã qua và hướng đi trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Anh Minh: Trong tiềm thức của các thế hệ cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam luôn in đậm câu chuyện về hoàn cảnh ra đời của Bảo tàng. Năm 1966, trong bối cảnh đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức được mở cửa như một biểu tượng của sự tôn vinh cái đẹp, đối lập và chiến thắng sự tàn khốc của chiến tranh. Sự ra đời của Bảo tàng ngày ấy còn mang ý nghĩa quảng bá những giá trị văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ra ngoài thế giới. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong số hiếm hoi các Bảo tàng trên thế giới có hoàn cảnh lịch sử ra đời đặc biệt như vậy.
- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi lưu giữ hàng chục ngàn tác phẩm của các họa sĩ danh tiếng, nơi tỏa sáng của những bảo vật quốc gia. Xin ông cho biết, công tác sưu tầm đã được Bảo tàng triển khai qua các thời kỳ như thế nào?
Bộ sưu tập tài liệu, hiện vật và tác phẩm mỹ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sau 55 năm lên đến con số gần 20.000. Đây là bộ sưu tập phản ánh những chặng đường phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, trong đó có nhiều tác phẩm là niềm tự hào trong sự nghiệp của các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc như: sưu tập tác phẩm của các tác giả được đào tạo tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT; sưu tập tranh sơn mài, sơn dầu, lụa; những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Trong số này có 9 bảo vật quốc gia, bao gồm 3 tác phẩm mỹ thuật cổ và 6 tác phẩm mỹ thuật hiện đại. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập, Bảo tàng tổ chức trưng bày trực tuyến về những báu vật này để công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng, tự hào.
|
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung giới thiệu trưng bày trong ngày khánh thành Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (24/6/1966). |
Có nhiều câu chuyện đặc biệt trên hành trình sưu tầm của các thế hệ cán bộ Bảo tàng. Chẳng hạn như khi sưu tầm Bảo vật quốc gia Tượng Quan Âm Bồ tát chùa Hội Hạ, bức tượng giá trị có từ thời Mạc này gần như sắp bị biến mất và sự có mặt kịp thời của các cán bộ Bảo tàng đã như một nhân duyên, đưa Tượng Quan Âm về trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hay câu chuyện sưu tầm tác phẩm Bình phong của danh họa Nguyễn Gia Trí cũng là kỷ niệm khó quên. Hai bức tranh được thể hiện trên Bình phong gồm Thiếu nữ trong vườn và Phong cảnh (Dọc mùng) đã thể hiện đầy đủ tài năng bậc thầy của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong việc làm chủ chất liệu sơn mài và kỹ thuật tạo hình, tạo nên những không gian nghệ thuật huyền ảo. Thời điểm sau khi kết thúc chiến tranh, cán bộ Bảo tàng vào Dinh Bảo Đại (Đà Lạt) để đưa tác phẩm về bộ sưu tập của Bảo tàng, những vết hỏng trên tranh được tu sửa. Tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.
Hành trình 55 năm qua có nhiều mồ hôi, công sức của các thế hệ cán bộ Bảo tàng. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, di sản mỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức thì các bậc tiền bối đã đưa về “ngôi đền thiêng” của mỹ thuật Việt nhiều tác phẩm đặc biệt giá trị. Không chỉ tác phẩm ở các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà ở rất nhiều địa phương cũng in dấu chân họ, để bộ sưu tập của Bảo tàng có được những tác phẩm đỉnh cao.
- Thương hiệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày hôm nay là kết quả của nhiều nỗ lực. Con đường dài 55 năm chắc hẳn có nhiều trái ngọt nhưng cũng không ít thăng trầm?
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là thiết chế bảo tàng chuyên ngành sâu về mỹ thuật. Ngay khi mới thành lập, Bảo tàng là nơi lưu giữ tác phẩm của các danh họa thành danh từ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Thế hệ các họa sĩ Trí- Lân- Vân- Cẩn, Nghiêm- Liên- Sáng- Phái tài hoa cho đến bây giờ đã để lại cho nền mỹ thuật dân tộc những tài sản vô giá. Và trong các giai đoạn tiếp theo, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng trở thành địa chỉ được tin tưởng, gửi gắm tác phẩm mỹ thuật giá trị của các thế hệ họa sĩ sau này.
Bên cạnh những thuận lợi, đội ngũ cán bộ Bảo tàng đã phải nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí đầu tư sưu tầm tác phẩm còn hạn chế, một số tác phẩm giá trị chưa được hội tụ đầy đủ tại đây. Cơ sở vật chất còn khiêm tốn, không gian trưng bày hạn hẹp, đặc biệt ở phần trưng bày mỹ thuật đương đại. Chưa kể điều kiện vật chất để bảo quản hệ thống tranh, tượng cũng còn thiếu thốn, trong khi các tác phẩm mỹ thuật luôn đòi hỏi chế độ bảo quản nghiêm ngặt, tránh bị tổn thương do điều kiện độ ẩm, khí hậu khắc nghiệt.
|
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã có nhiều dấu ấn trong hoạt động tu sửa, bảo quản; trưng bày giáo dục; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học... Đặc biệt trong thời gian đây, Bảo tàng đã chuyển mình mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ số nhằm đưa những trưng bày, hiện vật đến gần hơn với công chúng. Ông có thể chia sẻ về hướng đi này?
Chuyển đổi số là lĩnh vực được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đặc biệt quan tâm. Đây không chỉ là giải pháp thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid- 19 mà còn là xu hướng tất yếu, sống còn trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển. Gần đây, bảo tàng đã cho ra mắt Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Đây là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa Bảo tàng với công chúng, nâng cao chất lượng tham quan các hiện vật ở bất kỳ nơi đâu, bất cứ khi nào. Kể từ khi ra mắt, ứng dụng đã được cả ngàn du khách ở khắp mọi nơi mua vé trực tuyến để bước vào không gian trải nghiệm đầy cuốn hút của các tác phẩm mỹ thuật Việt. Hiện nay, Bảo tàng đang tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các tính năng của ứng dụng như đưa âm nhạc vào phần giới thiệu tác phẩm, hiện vật; bổ sung ngôn ngữ thuyết minh và số lượng hiện vật trưng bày...
- Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, Bảo tàng có định hướng gì để tiếp tục phát huy kho tàng vô giá các tác phẩm hội họa, điêu khắc Việt Nam trong đời sống hôm nay?
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang tiếp tục phấn đấu để trở thành điểm tham quan hấp dẫn, giúp công chúng có cái nhìn đa chiều về lịch sử, văn hóa nói chung và mỹ thuật nói riêng; là điểm đến không thể thiếu trên hành trình khám phá di sản văn hóa Việt; là nơi tiếp sức, tạo động lực và niềm tin cho các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam sáng tạo...
Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi số, Bảo tàng mong muốn được mở rộng diện tích trưng bày; đổi mới, nâng cấp, chỉnh lý nội dung trưng bày; kết nối với các bảo tàng nghệ thuật quốc tế... Dự kiến trong vài năm tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ hình thành Trung tâm Mỹ thuật đương đại tại Cơ sở 2. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng để Bảo tàng có thêm điều kiện trưng bày, giới thiệu nhiều hơn những tác phẩm xuất sắc của nghệ thuật tạo hình Việt Nam thời hiện đại. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống 3D tour; đẩy mạnh truyền thông và xây dựng các hình thức trải nghiệm mới, nâng cao giá trị thương hiệu và sức hấp dẫn để cuốn hút du khách đến với Bảo tàng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu: “...Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, tuy phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đoàn kết một lòng, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng đã có nhiều đóng góp trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội, nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ của công chúng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn, với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, người dân hiền lành, thân thiện, mến khách.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chủ động hợp tác và kêu gọi được sự hỗ trợ về nhân lực, vật lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đồng thời đã cho ra mắt những sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và phát triển Bảo tàng. Đây là việc làm rất đáng được khích lệ, tuyên dương và cần tiếp tục phát huy...”.