Triển lãm trưng bày 33 bức tranh trừu tượng. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 3 của Trần Vĩnh Thịnh, hai lần đầu diễn ra năm 1998 tại Nha Trang và tại Đà Nẵng. Ngoài ra, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh đã tham gia gần 20 triển lãm nhóm với các họa sĩ đồng nghiệp.
Xét về bảng màu, “Từ trong vô tận” là cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ vàng-đen sang xanh-đen-trắng. Chuyên gia nhận xét, với tranh trừu tượng, bảng màu chiếm yếu tố quan trọng, nó không chỉ là tín hiệu cho bề mặt thị giác, mà còn là chìa khóa của nhận thức, của quan niệm.
Trần Vĩnh Thịnh sinh ra tại Thuận An, đến năm 14 tuổi thì vào chùa, sau gần 10 năm thì xin trở ra, lang bạt kỳ hồ, trước khi tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Khánh Hòa. Quê xứ Thừa Thiên-Huế, nơi còn nhiều gốc tích cung đình và những năm tháng ở chùa đã để lại dấu ấn không nhỏ trong bảng màu vàng-đen, vốn làm nên phong cách trừu tượng và một phần sức hút của tranh Trần Vĩnh Thịnh.
Khi chuyển sang xanh-đen-trắng, Trần Vĩnh Thịnh tự do hơn, trần thế hơn và buông lỏng hơn, vài bức phảng phất chất thư pháp bị xóa nhòa.
Tác phẩm Dòng chảy phù sa (acrylic, 100cm x 100cm, 2022) |
Từ trong vô tận được sáng tác trong một thời gian ngắn, chỉ vài tháng của năm 2022, nhưng lại là kết quả của sự chiêm nghiệm trong rất nhiều năm, nhất là ký ức về giai đoạn lưu lạc khắp miền Trung trước đây. Trần Vĩnh Thịnh nói rằng các con đường miền Trung thời tuổi trẻ là chủ đề và ý niệm chính của Từ trong vô tận.
Trần Vĩnh Thịnh tâm sự, thuở nhỏ đã sớm xa quê hương xứ Huế vô cư ngụ Nha Trang, mỗi năm về nhà hai lần, thường đi bằng tàu lửa hoặc xe đò, những năm tháng ấy vất vả theo đời lênh đênh trên những chuyến xe, cảm giác ngày tháng dài vô tận, thấy quê hương qua bóng lá chuối, xuyên lũy tre, lướt cánh đồng..., đất miền Trung ngút ngàn núi đồi, sông biển, ruộng đồng…, tít tắp mù khơi. Cảm giác buồn thương nhen nhóm trong lòng đứa trẻ thuở nào, qua bao năm tháng cứ luôn ám ảnh, giờ đây hiện lên loạt tranh với những nét cọ màu đen đi một đường xuyên suốt, như một nét "sổ" quét dài dãy đất miền Trung.
Vốn là người từng học chữ Hán và mê thư pháp, Trần Vĩnh Thịnh muốn áp dụng vào hội họa để thỏa mãn những đường nét nhấn nhá sâu mà cạn, thô nhưng như mềm mại, có mà như không...
Tác phẩm Khúc nhạc bốn phương (acrylic, 100cm x 100cm, 2022) |
Hơn nữa, ở độ tuổi U50 và độ chín trong kỹ thuật trừu tượng, Trần Vĩnh Thịnh không chỉ thong dong hơn, mà còn sâu lắng hơn, thi vị hơn với Từ trong vô tận.
Việt Nam ngày nay có nhiều họa sĩ vẽ trừu tượng, nhưng theo đuổi trừu tượng liên tục vài chục năm, hoặc gần như suốt đời, thì vẫn là số ít. Trần Vĩnh Thịnh là một trong số ít đó.
Thời trước khi Internet phổ biến tại Việt Nam, điều kiện tiếp cận trừu tượng của Thịnh còn hạn hẹp, thỉnh thoảng biết chút ít qua sách báo có được. Có lẽ vì vậy mà trừu tượng thời kỳ này chịu ảnh hưởng của Trịnh Cung, Nguyễn Cầm, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Trung, Đỗ Minh Tâm, Phạm An Hải... Trừu tượng sau này của Thịnh đã phong phú và cởi mở hơn, nhiều nỗ lực vượt thoát hơn. Và cũng bắt đầu tự tại hơn.
Trần Vĩnh Thịnh nói: “Sau này vẽ hoàn toàn tranh trừu tượng, tôi cũng nghĩ rất nhiều và luôn muốn tìm kiếm, khai thác vấn đề sâu hơn cho mỗi tác phẩm. Nhưng càng nghĩ tôi càng thấy mọi thứ thật gần mà cũng thật xa, vì vậy tôi không còn nghĩ vẽ gì và vẽ như thế nào nữa. Và dĩ nhiên, tôi luôn muốn đến được sự tối giản, rỗng lặng nhất”.
Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh và hành trình trừu tượng |
Ngay khi còn đi học mỹ thuật, việc vẽ trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh vừa nhận về những ngạc nhiên, vừa nhận về cả thị phi. Những năm cuối thế kỷ 20, ở Nha Trang và miền Trung, mà theo đuổi trừu tượng, thì thường bị cho là “không biết vẽ nên mới quậy bậy”.
Vượt qua sự thị phi và cả sự ngạc nhiên đó, Trần Vĩnh Thịnh cứ nhẩn nha đi với trừu tượng cho đến ngày nay. Và triển lãm cá nhân “Từ trong vô tận” là một ví dụ thú vị cho hành trình phiêu du và kiên định của Trần Vĩnh Thịnh.
Nói về tranh của Trần Vĩnh Thịnh, họa sĩ Phan Thiết nhận xét: “Trần Vĩnh Thịnh, người con xứ Huế, có số phận tuổi thơ thấm đẫm Phật giáo, nên khi trở thành họa sĩ, tranh anh cũng từng thấm đẫm sắc vàng... Màu vàng ấy là chặng đường “sắc nhiễm”, là lý trí tu tập của anh. Và nay tranh trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh “vượt thoát” ám ảnh số phận để tâm thức Thịnh, tâm tình Thịnh… khởi cuộc riêng từ “từ trong vô tận” bước ra vô tận bên ngoài của hành trình hội họa ngày càng riêng tư hơn...
Tác phẩm Con đường miền Trung (acrylic, 100cm x 140cm, 2022) |
Tác phẩm Bóng làng (acrylic, 100cm x 140cm, 2022) của Trần Vĩnh Thịnh |
Tác phẩm Vùng hoang dã (acrylic, 100cm x 140cm, 2022) |
Là người đã xem “thời vàng” của Thịnh, nay xem “black time” của Thịnh, thấy tranh Từ trong vô tận đã thực sự hé mở cái vô tận bên ngoài của Trần Vĩnh Thịnh... Và đó là luân hồi, là vô tận của sáng tạo... Trong cảm thức Thịnh đã nối được sắc vàng số phận với “black time” của đời người bằng sợi dây vô hình vô tận”.
PGS-TS Phan Thanh Bình nhận định: “Tranh của Thịnh xa dần những khoảng trống gợi nhớ xa xăm, trở nên lắng trầm suy tư với những vệt đen đan xen, những mảng trắng đen chồng lấp và chợt lóe sáng đâu đó chút cam vàng, xanh bích và rồi bỗng tan biến. Đó phải chăng là một cách tiếp cận khác về trừu tượng của Thịnh khi họa sĩ muốn phá cách, đổi mới chính mình và tìm tòi, đi vào những thử thách khác đầy nghĩ suy và hướng nội hơn bao giờ hết".