Hàng chục lần bị “đạo” tranh
Gặp hoạ sĩ Hà Hùng Dũng, người luôn trăn trở với nét đẹp nữ tính trong đúng ngày 20/10, nghe trĩu nặng những tự sự buồn vì hễ tranh nào đẹp là lập tức bị “đạo”.
Mười lăm năm theo đuổi đề tài nét đẹp nữ tính, Hà Hùng Dũng đã hàng chục lần bị “đạo” tác phẩm lên nhiều loại hình khác nhau. “Tết thì tranh bị đưa lên lịch, lên áo dài, áo đầm, túi xách. Mùa dịch thì tranh lên resort, spa, quán cà phê, khách sạn, homestay… Nói chung là, nghệ sĩ đau đầu khủng khiếp mỗi khi phát hiện ra đứa con tinh thần của mình lại bị đánh cắp trắng trợn” – Hoạ sĩ Hà Hùng Dũng thở dài.
Mới nhất, hoạ sĩ của những bức tranh đặc trưng của vẻ đẹp người phụ nữ Sa Pa vừa phát hiện “Gốm chú tôi” (địa chỉ tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vừa “đạo” nhiều tác phẩm, đưa lên các bình, lọ gốm, bán mỗi chiếc trị giá từ 5 đến 7 triệu đồng.
Hà Hùng Dũng cho biết: “Người đại diện của Gốm chú tôi là ông Nguyễn Trường Sơn đã liên lạc với tôi để trao đổi sau khi bị tôi phát hiện vụ việc. Tuy nhiên, người này chỉ nói là: “Sẽ thu hồi lại các tác phẩm”, nhưng anh ta không chịu thừa nhận là đã “đạo” tác phẩm của tôi để kinh doanh trái phép, mà anh ta nói rằng: “Không có chủ ý, hình là do nhân viên của tôi lấy trên pinterest, tôi không kiểm soát hết được”.
Gốm chú tôi của Nguyễn Trường Sơn "đạo" tranh Hà Hùng Dũng |
Hà Hùng Dũng vượt qua cơn sốc bị "đạo" tranh bằng những sáng tác mới. Thực hiện video: Hoà Bình |
Hoạ sĩ Hà Hùng Dũng chia sẻ với phóng viên đoạn băng ghi âm lại cuộc nói chuyện qua điện thoại của người tên Nguyễn Trường Sơn. Đồng thời, hoạ sĩ cũng chia sẻ thêm, bức tranh gốc được hoàn thiện đã lâu nhưng vẫn đang lưu giữ tại Cọ Gallery. Hà Hùng Dũng cho hay, đại diện của Gốm chú tôi nhiều lần đến các triển lãm của hoạ sĩ được tổ chức trước đây để ngắm tranh, thậm chí, nhân viên của Gốm chú tôi còn tìm cách dò hỏi nhiều thông tin về lai lịch bức tranh của hoạ sĩ.
Hoạ sĩ buồn, sốc khi phát hiện những đứa con tinh thần của mình đã bị “đạo” trắng trợn, thậm chí hoạ sĩ cho hay, Gốm chú tôi có tới 3 xưởng sản xuất gốm đặt tại Bát Tràng, nên khó có thể đếm hết giá trị tài chính mà các xưởng gốm này đã thu về sau khi bán đi các tác phẩm “đạo” tranh.
“Những người tự xưng là nghệ nhân nhưng lại hành xử như những người thiếu văn hoá. Họ đã copy cô gái Sa Pa của tôi nhưng lại xào nấu, bóp méo tác phẩm, thêm vào bình gốm những hoạ tiết như cành dừa, lá chuối… Sa Pa làm gì có dừa mà lại có thể làm ra những thứ ngô nghê như thế? Đáng tiếc là những người này đã để xảy ra một vụ việc tai tiếng trong khi cơ sở sản xuất của họ lại đặt tại một làng gốm danh tiếng như Bát Tràng” – Hà Hùng Dũng thở dài.
Hà Hùng Dũng “bật mí”: “Ông Nguyễn Trường Sơn có nói, muốn gửi cho tôi 10 triệu đồng để “đền bù”. Nhưng tôi không muốn nhận số tiền nhỏ nhoi đó”.
Hoạ sĩ Hà Hùng Dũng cương quyết lên tiếng, yêu cầu người xâm phạm bản quyền tác phẩm phải chính thức xin lỗi và dừng ngay việc trắng trợn “đạo” tranh, kinh doanh phi đạo đức khi vi phạm bản quyền, bóp méo tác phẩm nguyên gốc.
Hà Hùng Dũng và bức tranh gốc đang lưu giữ tại Cọ Gallery TP.HCM |
Hoạ sĩ Hà Hùng Dũng với bức tranh gốc ở Cọ Gallery TPHCM. Ảnh: Hoà Bình |
Tranh của Hà Hùng Dũng bị "đạo" lên bình gốm, bán cho nhiều người |
Nhiều tác phẩm của Hà Hùng Dũng đã bị "đạo" đưa lên bình gốm tại Gốm chú tôi ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) |
Tìm cách vượt qua sốc, stress
Suốt thời gian vừa qua, mặc dù tình cảnh giãn cách xã hội kéo rất dài, liên tục gần nửa năm tại vùng dịch TP.HCM, nhiều hoạ sĩ bị ảnh hưởng nặng nề do không còn thị trường, không có khách mua tranh. Trong lúc nền kinh tế bị sụt giảm thê thảm, hầu như không có nhà sưu tập nào còn dành được kinh phí để mua vào cho mặt hàng nghệ thuật này.
Đã khó khăn giữa vùng dịch, lại còn bất ngờ phát hiện bị “đạo” mất những đứa con tinh thần, bị bóp méo tác phẩm với mục đích kinh doanh để tài chính chảy vào túi người khác. Thế nhưng, hoạ sĩ Hà Hùng Dũng tự sự, tìm cách vượt qua sốc, stress, hoạ sĩ vẫn miệt mài đắm đuối trong Cọ Gallery, vẽ hàng chục bức tranh mới, trong đó, đặc biệt là niềm say mê mới với thể loại tranh lụa được hoạ sĩ đầu tư thời gian tìm tòi, khổ luyện.
Hoạ sĩ “khoe” những bức tranh lụa mới vẽ, có nội dung về người phụ nữ nay đã “trưởng thành” hơn, không chỉ là những cô thiếu nữ với thời thanh xuân e ấp mà có thêm những người phụ nữ vất vả, cần cù, trầm lắng với tình mẹ bao la, trái tim ấm áp, ôm trọn cả cuộc sống.
Hoạ sĩ Hà Hùng Dũng miệt mài trong Cọ Gallery. Ảnh: Hoà Bình |
Hoạ sĩ Hà Hùng Dũng chia sẻ về sáng tác mùa dịch. Thực hiện video: Hoà Bình |
Bức “Sum vầy” hoạ sĩ vẽ một người bạn của mình, đang đưa con đi Singapore chữa bệnh máu không đông, thời gian chữa trị đã kéo rất dài nhưng hai mẹ con vẫn chưa được về vì kẹt dịch bệnh bùng phát quá mạnh. Bức “Sóng” được hoạ sĩ vẽ về một người mẹ khác cũng đang mang con đi nước ngoài chữa bệnh hiểm nghèo. Bức tranh mang ý nghĩa, tình mẹ che chở cho con, cho dù có sóng gió, bão táp thì đứa trẻ sẽ vẫn được ở trong vòng tay ấm áp của mẹ.
“Theo mẹ xuống chợ” được Hà Hùng Dũng coi như “con cưng”, ghi lại niềm hạnh phúc của những em bé vùng cao, cho dù thiếu thốn tiền bạc, vật chất nhưng không thiếu tình mẹ bao la.
Trong thể loại rất khó là tranh lụa, Hà Hùng Dũng tự sự, cảm thấy mình “thiền” hơn, mềm mại đi sau những bức xúc, stress, nóng giận mà ai cũng thường xuyên gặp phải hàng ngày.
Tháng 11 tới, Hà Hùng Dũng sẽ tham gia một triển lãm nhóm “Bình yên sau cánh cửa” cùng với hai hoạ sĩ khác. Cũng trong tháng 11 tới, hoạ sĩ dự kiến sẽ khai trương triển lãm cá nhân “Mơ”, trưng bày những tác phẩm của mình tại Cọ Gallery để người yêu nghệ thuật có thể tới thưởng lãm trong phạm vi đảm bảo giãn cách, tuân thủ 5K.