Hoạ sĩ Hiền Nguyễn : “Mở” cõi lòng tìm ra vũ trụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hành trình của hoạ sĩ Hiền Nguyễn, từ “Ủ”, đến “Thở”, rồi bây giờ là “Mở” với những cung bậc cảm xúc từ sâu thăm thẳm cõi lòng đến những dải thiên hà huyền bí xa lắc.
Hoạ sĩ Hiền Nguyễn dặn dò hai bạn trẻ quan tâm theo đuổi đam mê mỹ thuật
Hoạ sĩ Hiền Nguyễn dặn dò hai bạn trẻ quan tâm theo đuổi đam mê mỹ thuật

Bước ngoặt mới về đề tài

Phóng viên: Chào họa sĩ, sau thời gian giãn cách xã hội chặt chẽ vì dịch bệnh COVID-19, hoạ sĩ xuất hiện với series vũ trụ lần này khác biệt hẳn với dòng tranh họa sĩ đã sáng tác gần 20 năm qua, điều gì đã khiến họa sĩ quyết định đổi mới, mở lòng với vũ trụ?

Hoạ sĩ Hiền Nguyễn: Gần 20 năm qua những sáng tác của tôi đều mang tính bản thể, chủ quan, là góc nhìn của tôi giữa những sự vật và hiện tượng, là dấu ấn của những tương tác gần giữa tôi và những câu chuyện, nhân vật trong cuộc sống hàng ngày, mang đậm những cảm xúc đời thường. Cho đến series này thì tôi bị cuốn hút vào những câu chuyện về vũ trụ, tôi đã thoát ra khỏi cái thực tại và lơ lửng giữa không gian, để cảm xúc vỡ òa với sự vô tận của vũ trụ.

Đầu tiên chỉ đơn giản là sự choáng ngợp và ngưỡng mộ với những huy hoàng của hệ mặt trời, với những tinh cầu rực rỡ vàng bạc hay biển plasma nung đỏ. Dần dần, tôi bị cuốn hút, ngụp lặn vào cái vĩ đại uy nghi và trầm mặc của những sự hội tụ thần bí, những thiên hà sinh ra và lụi tàn, những rìa vũ trụ cách xa hàng triệu triệu năm ánh sáng. Sự tò mò thôi thúc tôi tìm hiểu sâu hơn về vũ trụ thông qua những kiến thức tôi có thể tiếp cận. Đây là nguồn cảm hứng lớn đem lại năng lượng để tôi sáng tác 14 tác phẩm được trưng bày trong triển lãm "Mở" lần này.

PV: Tại sao triển lãm lần này lại được đặt tên “Mở” mà không phải là “Vũ trụ” hay “Thiên hà” như chủ đề của series?

Hoạ sĩ Hiền Nguyễn: "Mở" là mở lòng ra và đón nhận lấy những điều mới, những cảm hứng và tư duy mới. Khi vẽ series vũ trụ tôi cảm thấy được giải phóng cảm xúc và năng lượng một cách hào phóng nhất, được mở rộng về tư duy và kiến thức khi tìm tòi khám phá về thiên hà. “Mở” không chỉ tập trung vào chủ đề vũ trụ mà nó còn bao hàm cả những trải nghiệm quý giá trong quá trình sáng tác series này của tôi.

PV: *Qua serie “Mở”, Hiền Nguyễn đã khắc họa một dải thiên hà của riêng mình, vậy có bức tranh nào mang một câu chuyện đặc biệt nhất trong số 14 bức trong series lần này?

Hoạ sĩ Hiền Nguyễn gắn bó với chất liệu sơn mài trên hành trình dài
Hoạ sĩ Hiền Nguyễn gắn bó với chất liệu sơn mài trên hành trình dài

Hoạ sĩ Hiền Nguyễn: Bức tranh mang câu chuyện đặc biệt nhất với tôi trong series là "Bãi dài Nha Trang". Cuối năm 2019, khi tôi bắt đầu sáng tác về đề tài vũ trụ với tác phẩm: "Nơi chưa biết"; " Bốn mươi triệu năm ánh sáng"; "Hai mươi triệu năm ánh sáng" tôi chưa thực sự tìm hiểu sâu về vũ trụ. Cho đến tháng 8 năm 2020, tôi đã gặp một bước ngoặt bất ngờ. Khi đang thưởng thức hoàng hôn trên biển ở bãi dài Nha Trang trong trạng thái "thoát xác" sâu, vòm trời thăm thẳm trên bờ biển hoang sơ như hút linh hồn tôi vào khoảng không vô tận. Cảm giác khát chờ cứu rỗi. Một câu hỏi chưa có câu trả lời khiến tôi trăn trở, và quyết tâm tìm tòi sâu hơn về đề tài này. Sau đó, dường như mạch cảm xúc của tôi đã được khai mở, và series vũ trụ ra đời.

Bộc lộ tầng sâu nghệ thuật

PV: *Thưa hoạ sĩ, chị theo đuổi sơn mài đã nhiều năm, chịu bao vất vả nhưng vẫn gắn bó với sơn mài. Người thưởng thức sẽ khó hình dung những bức như “Gió mặt trời, “Plasma của mặt trờivới cảm quan vũ trụ, ẩn chứa rất nhiều tầng nghệ thuật, lột tả công sức cực nhọc trong quá trình sáng tác lại là tác phẩm của một nữ họa sĩ. Mặt khác, có vẻ như với thể loại sơn mài, cũng có nhiều thuận lợi để chị gửi gắm thông điệp về thiên nhiên, vũ trụ và sự hài hoà của đời sống con người với tự nhiên?

Tác phẩm Bãi dài Nha Trang, sơn mài trên vóc, 3 x 120cm x 145cm, 2021

Tác phẩm Bãi dài Nha Trang, sơn mài trên vóc, 3 x 120cm x 145cm, 2021

Hoạ sĩ Hiền Nguyễn: Không nhất thiết phải sử dụng chất liệu sơn mài, với các chất liệu khác như sơn dầu, arcrylic… vẫn có thể vẽ được những tác phẩm tốt về đề tài vũ trụ. Điều quan trọng nhất là trải nghiệm với chất liệu cũng như cảm xúc của hoạ sĩ phải đủ thì sẽ gây rung động được người thưởng thức.

Riêng tôi, vì đã gắn bó với sơn mài khá lâu nên có thể tự tin mình làm chủ được kỹ thuật và đã nhuần nhuyễn với chất liệu này nên trên biểu cảm và biểu màu của tác phẩm, tôi đã hoàn toàn thể hiện được đúng ý tưởng mà mình muốn.

Các hoạ sĩ khác khi vẽ sơn mài thường có mảng miếng rõ rệt còn tôi sử dụng bút pháp hơi khác. Tôi thiên về tả sự vô tận của không gian. Ở các triển lãm trước, nhiều bức tranh sơn mài của tôi đã có những đặc tả bầu trời khiến nhiều người thích thú. Và đúng là với tôi thì sơn mài rất phù hợp để thể hiện được ý nghĩa nghệ thuật mà tôi muốn. Không gian đặc tả trong tranh sơn mài rất sâu, đặc biệt là khi đặc tả vũ trụ thì chất liệu sơn mài cho tôi thoả sức bay vào không gian này.

Đúng là mất rất nhiều thời gian để vẽ hết lớp này đến lớp kia, mài đi, ủ tiếp rồi lại vẽ. Vẽ rất nhiều trên một tác phẩm mới có thể tả được một không gian mênh mông, sâu thăm thẳm, xa vời vợi, không thể nhìn thấy điểm tận cùng ở đâu.

Tác phẩm Gió mặt trời (120x145) sơn mài, 2021

Tác phẩm Gió mặt trời (120x145) sơn mài, 2021

PV: *Thưa hoạ sĩ, một con người trên hành trình trưởng thành sẽ lần lượt đi qua những nhận thức về bản thân, về hiện tượng, về cảnh vật, về thế giới, rồi mới quan sát tới thiên nhiên, vũ trụ. Đối với người làm nghệ thuật, từng bước của nhận thức này còn quan trọng hơn người làm các ngành nghề khác. Nhưng đào tạo nghệ thuật ở ta chưa giúp người theo học có thể đạt tới được những tầng sâu tư duy. Theo chị, làm thế nào để người làm nghệ thuật có thể chạm tới những khái niệm lớn trong đời làm nghệ thuật của họ?

Hoạ sĩ Hiền Nguyễn: Không có cách nào khác để tự đào tạo, tự nâng tầm mình lên ngoài miệt mài thực hành nghệ thuật. Và ngay cả khi đã miệt mài lao động rồi, thì vẫn chỉ đạt được đến mức độ nhuần nhuyễn về kỹ thuật – tức là có đủ phương tiện, có sự lựa chọn dùng kỹ thuật gì để đẩy ý tưởng vào tác phẩm khiến bản thân cảm thấy thỏa mãn nhất; nghĩa là đưa hoạ sĩ đạt đến mục đích có thể truyền tải thông điệp qua tác phẩm. Cho dù học đến trình độ nào, điều quan trọng nhất là bắt buộc phải vẽ, miệt mài, liên tục thì mới đạt được đến chiều sâu trong nghệ thuật chứ không phải chỉ thuộc lòng mớ lý thuyết suông hoặc chỉ thưởng thức đơn thuần.

Tác phẩm "Hoàng hôn" (120x145) Sơn mài trên vóc, 2021

Tác phẩm "Hoàng hôn" (120x145) Sơn mài trên vóc, 2021

Linh hồn Icarus hiển lộ trong nhật thực, sơn mài, 120cm x 145cm, 2021

Linh hồn Icarus hiển lộ trong nhật thực, sơn mài, 120cm x 145cm, 2021

Plasma của mặt trời, sơn mài trên vóc, 120cm x 160cm, 2021

Plasma của mặt trời, sơn mài trên vóc, 120cm x 160cm, 2021

Triển lãm cá nhân lần thứ 4 của hoạ sĩ Hiền Nguyễn (Solo Exhibition “Open” by Hien Nguyen) trưng bày 14 bức tranh sơn mài khổ lớn (5 bức sơn mài trên vóc và 9 bức sơn mài trên toan) sẽ khai mạc ngày 09/01/2022 và kéo dài đến hết ngày 19/01/2022 tại Eight Gallery (số 8 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1. TP.HCM).

Hoạ sĩ Hiền Nguyễn đã tham gia Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2010; Triển lãm cá nhân “Những cung bậc cảm xúc” lần thứ nhất năm 2012 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Triển lãm nhóm tại Vương quốc Anh, Malaysia các năm 2010, 2015 và 2016; Triển lãm cá nhân lần 2, “Ủ”, tháng 1/2019, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM; Triển lãm cá nhân lần 3, “Thở”, tháng 10/2019, tại Eight Gallery, phường Đa Kao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoà Bình – Kiều Anh