Khách sạn Ryugyong - được đặt tên theo một di tích lịch sử ở Bình Nhưỡng - đáng lẽ ra được hoàn thiện 2 năm sau đó, nhưng đến nay vẫn chưa được mở cửa.
Dù kiến trúc này đã đạt được độ cao như dự kiến từ năm 1992, nhưng nó vẫn chưa được lắp cửa sổ và trống rỗng trong suốt 16 năm sau đó, phần thân bằng bê tông vẫn trần trụi, như một con quái thú nhìn ra khắp thành phố thủ đô. Trong thời gian xây dựng, Ryugyong được mệnh danh là "Khách sạn bị nguyền rủa".
Sau này, khách sạn trên đã được ốp kính, kim loại và đèn LED để biến nó thành một cột sáng đầy màu sắc trong đêm. Công tác xây dựng cứ được nối lại rồi đình trệ nhiều lần liên tiếp, khiến người ta đặt câu hỏi rằng liệu có bao giờ nó mở cửa đón khách. Ngày nay, vẫn đóng cửa, khách sạn Ryugyong vẫn được mệnh danh là tòa kiến trúc cao nhất thế giới không có người ở.
Di sản Chiến tranh Lạnh
Ryugyong với trục cần cẩu rỉ sét bên trên vào năm 2008 (Ảnh: CNN)
|
Khách sạn Ryugyong là sản phẩm có từ thời Chiến tranh Lạnh, trong lúc cuộc đối đầu giữa Hàn Quốc (được Mỹ hậu thuẫn) và Triều Tiên (được Liên Xô hậu thuẫn) bùng phát. Năm trước khi nó được khởi công xây dựng, một công ty Hàn Quốc đã xây dựng tòa khách sạn cao nhất thế giới, Westin Stamford, ở Singapore. Trong khi đó, thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị tổ chức Thế vận hội mùa Hè 1988.
Một phần trong kế hoạch phản ứng về mặt chính trị trước những thành tựu của Seoul, Bình Nhưỡng đã tổ chức Lễ hội Sinh viên và Thanh niên Thế giới năm 1989, một phiên bản xã hội chủ nghĩa của Thế vận hội. Đất nước này cũng lên kế hoạch xây dựng một khách sạn quy mô lớn ngay trong lúc diễn ra sự kiện nhằm thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.
Nhưng do các vấn đề về kỹ thuật, khách sạn trên không thể hoàn thiện trong khoảng thời gian diễn ra lễ hội. Chính quyền Triều Tiên lúc bấy giờ đã đổ nhiều tỷ USD vào tổ chức sự kiện, xây dựng một sân vận đọng mới, mở rộng sân bay Bình Nhưỡng và xây nhiều tuyến đường mới. Điều này khiến nền kinh tế của họ giảm sút, trong khi sự kiện Liên bang Xô viết sụp đổ cũng khiến họ thiếu nguồn cung và các khoản đầu tư quan trọng.
Triều Tiên lúc bấy giờ thực sự bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Dù cho phần bên ngoài của khách sạn Ryugyong đã hoàn thiện, nhưng công tác xây dựng đã bị trì hoãn vào 1992.
Cấu trúc "trơ xương"
Khách sạn được ốp kính vào năm 2011 (Ảnh: CNN)
|
Tòa nhà này bao gồm 3 cánh, mỗi cánh có độ dốc 75 độ, ôm lấy phần chóp gồm 15 tầng mà theo dự tính là gồm các nhà hạng hạng sang và đài quan sát. Hình dạng kim tự tháp của khách sạn này không chỉ là về tính thẩm mỹ - mà là do nó được cấu thành bởi bê tông cường lực thay vì thép.
"Nó được xây dựng như vậy là bởi các tầng trên cần phải nhẹ hơn"- Calvin Chua, một kiến trúc sư Singapore chuyên nghiên cứu về quá tình đô thị hóa ở Bình Nhưỡng, nói trong một cuộc phỏng vấn - "Họ không có các vật liệu xây dựng tiên tiến, bởi vậy nó được xây hoàn toàn bằng bê tông. Bạn không thể xây một tòa tháp mỏng theo cách đó, mà cần có một phần nền vững chắc cùng phàn chóp thon gọn".
"Nếu nhìn vào lịch sử xây dựng ở Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên, phần lớn các tòa nhà đều làm bằng bê tông: Đó là thứ vật liệu quen thuộc với họ, và công nghệ đó được chuyển giao từ Liên Xô".
Theo ông Chua, người từng làm việc với các kiến trúc sư Triều Tiên, khách sạn Ryugyong được thiết kế để trông giống một ngọn núi hơn là một kim tự tháp, bởi núi là hình ảnh quan trọng của đất nước này. Cố lãnh đạo Kim Jong-il từng tuyên bố rằng ông được sinh ra trong một trại quân sự bí mật trên núi Paektu, ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên và được xem là biểu tượng của Triều Tiên.
"Đó là một tòa nhà biểu tượng, nhưng tôi nghĩ rằng quan trọng hơn nó nằm ở khu vực trung tâm cảu thủ đô Bình Nhưỡng" - ông Chua nói - "Nó giống như một tượng đài vậy".
Một khởi đầu mới
Màn trình diễn ánh sáng ấn tượng năm 2018 (Ảnh: CNN)
|
Vào năm 2008, sau 16 năm tạm ngừng, việc thi công hoàn thiện khách sạn Ryugyong bất ngờ được tái khởi động với sự hỗ trợ từ Orascom, một tập đoàn Ai Cập được Bình Nhưỡng lựa chọn để giúp xây dựng mạng 3G của Triều Tiên.
Sau gần 2 thập kỷ phơi sương chịu nắng, cần cẩu đứng trơ trọi trên mái của khách sạn Ryugyong được dỡ bỏ. Các công nhân Triều Tiên, dưới sự hỗ trợ của kiến trúc sư Ai Cập, đã lắp đặt kính và những tấm kim loại vào bề mặt bên ngoài của tòa nhà chọc trời. Dự án cải tạo trị giá 180 triệu USD, hoàn thành năm 2011, đã khoác lên khách sạn Ryugyong một diện mạo mới sáng loáng bóng bẩy, không thua kém bất cứ tòa nhà cao tầng nào ở thủ đô Seoul của nước láng giềng Hàn Quốc, đồng thời làm dấy lên hy vọng khách sạn này sẽ sớm đi vào hoạt động.
Cuối năm 2012, tập đoàn khách sạn hạng sang Kempinski của Đức tuyên bố Ryugyong sẽ mở cửa một phần vào giữa năm 2013, dưới sự quản lý của Kempinski. Tuy nhiên, tập đoàn này rút khỏi dự án hợp tác chỉ vài tháng sau đó, tuyên bố việc tham gia thị trường Triều Tiên ở thời điểm đó là "bất khả thi".
Sự rút lui của tập đoàn Đức càng làm dấy lên những nghi vấn về chất lượng thi công và vật liệu sử dụng tại khách sạn Ryugyong. Nghi vấn này càng có cơ sở khi năm 2014, một căn khu vực ở tầng 23 của khách sạn đã bị sập. Truyền thông Triều Tiên xác nhận vụ việc xảy ra do công tác thi công "không được thực hiện phù hợp".
"Nhìn từ bên ngoài, cấu trúc tòa nhà trông rất ổn, tuy nhiên cấu trúc bên trong thì lại là câu chuyện khác. Do được xây dựng bằng bê tông và đã được thiết kế với thông số kỹ thuật từ thập kỷ 1980, sẽ mất nhiều thời gian để lắp đặt các dịch vụ và hệ thống hỗ trợ cần thiết" - ông Chua nhận định.
Các bức ảnh chụp bên trong khách sạn này được công bố năm 2012 cho thấy, nội thất gần như chưa có gì. Các bức ảnh trên được chụp bởi ông Simon Cockerell, quản lý trưởng của tập đoàn du lịch Koryo có trụ sở tại Trung Quốc, chuyên thiết kế các chuyến du lịch Triều Tiên và một trong số ít những người nước ngoài được đi vào bên trong khách sạn Ryugyong.
Tương lai sáng hơn?
Khách sạn Ryugyong một lần nữa "sống lại" vào năm 2018, khi những chiếc đèn LED của nó được lắp đặt ở mặt tiền được bật lên, biến tòa nhà này thành một màn trình diễn ánh sáng ấn tượng, và cũng là công cụ để tuyên truyền. Chương trình kéo dài 4 phút về lịch sử của Triều Tiên cùng nhiều khẩu hiệu chính trị được trình chiếu, trong khi phần nóc khách sạn có hình ảnh quốc kỳ Triều Tiên.
"Đó thực sự là hình ảnh ấn tượng nếu bạn chứng kiến lần đầu tiên, đặc biệt là sau nhiều năm tòa nhà này chìm trong bóng tối" - Will Ripley, phóng viên của CNN, người từng có nhiều chuyến thăm tới Bình Nhưỡng, nhận định.
Vài năm qua, nhiều hoạt động xây dựng đã diễn ra tại khu vực xung quanh khách sạn. Hiện nay, người ta có thể đi lại xung quanh và thậm chí tiến vào ngay trước mặt tiền của tòa nhà, tuy nhiên không được phép vào bên trong. Tháng 6/2018, một tấm biển với dòng chữ "Khách sạn Ryugyong" viết bằng tiếng Anh và tiếng Triều Tiên đã được gắn vào tòa nhà.
Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: Liệu khách sạn này có bao giờ mở cửa?
"Rất khó nói, bởi do khách sạn được ốp kính, bạn rất khó nhìn vào bên trong. Đây là một tòa nhà rất lớn. Có khả năng là một số phần của khách sạn sẽ được mở cửa trước khi toàn bộ tòa nhà đi vào hoạt động. Nếu đây là tòa nhà của tôi, tôi sẽ tập trung vận hành phần mái và các tầng thấp trước" - ông Cockerell nói.
Và khách sạn Ryugyong giờ đây không còn là tòa kiến trúc cao nhất trên bán đảo Triều Tiên: Tháp Thế giới Lotte ở Seoul, hoàn thiện năm 2017, đã vượt qua nó tới 240 m. Nhưng nó vẫn là kiến trúc cao nhất ở Triều Tiên, dù cho có nhiều tòa kiến trúc cao tầng xuất hiện ở khắp Bình Nhưỡng thời gian gần đây.
Trong suốt nhiều năm liền, để tránh sự hổ thẹn, chính quyền Triều Tiên đã loại khách sạn Ryugyong khỏi những bức ảnh về Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc lắp đặt thêm đèn LED có thể là một tín hiệu mới về tương lai của kiến trúc này.
"Tôi nghĩ rằng chính quyền Triều Tiên sẽ muốn làm gì đó với nó" - ông Ripley nói - "Suốt nhiều năm qua, đó là một nỗi thẹn - đặc biệt là trước khi được ốp kính. Tôi có thể tưởng tượng ngay đến khi họ hoàn thiện tòa nhà, và lãnh đạo Kim Jong-un tới thị sát nó, và hình ảnh của nó tràn ngập các hãng truyền thông, nó sẽ trở thành niềm tự hào của thành phố thủ đô".
Theo CNN