Chuyện về 75 năm trước, Bác Hồ vào Thanh Hóa

VietTimes – "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu" - Bác Hồ dặn trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, đầu năm 1947.
Bác Hồ đến thăm một vài hộ dân ở phố Vinh Sơn (Thanh Hóa) và gặp "cậu bé" Phạm Viết Quý đang nằm khóc trên chõng tre Bác liền tới bế lên dỗ dành.

Thanh Hóa đương long trọng tổ chức kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên... Tôi tò mò, lật giở vài trang chính sử.

… Ngày 7/2/1947, Bác đã gửi thư cho ông Hoàng Hữu Nam – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch - yêu cầu các tỉnh, trong đó có Thanh Hóa, trong 10 ngày phải cung cấp 31 điểm câu hỏi điều tra về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, dân cư, địa lý, ưu khuyết điểm để Người nắm tình hình. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh số 15/SL bổ nhiệm ông Đặng Việt Châu – nguyên Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ - làm đặc phái viên Chính phủ ở Thanh Hóa. Ngày 14/2/1947, sau 2 tháng "cầm chân" Pháp ở thủ đô, Bác chỉ thị cho Bộ Tổng chỉ huy rút các lực lượng chiến đấu ở trung tâm ra khỏi thành phố Hà Nội để đảm bảo an toàn lực lượng chủ lực, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Cùng ngày 14/2/1947, Bác đã thảo mật điện cho ông Đặng Việt Châu về chủ trương: “Có tối cao đặc phái Chính phủ vào Thanh Hóa kinh lý, chuẩn bị báo cáo công việc”.

Ngày 17/2/1947, Bác đã triệu tập cuộc làm việc với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Lê Văn Hiến, Hoàng Hữu Nam để thông báo về chuyến đi Thanh Hóa. Như vậy, chuyến đi Thanh Hóa lần đầu tiên với tư cách người đứng đầu Chính phủ non trẻ được Bác chuẩn bị rất kỹ và đã được Người vạch sẵn lộ trình. Từ địa điểm chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây – nay là Hà Nội), chiều 19/2/1947, chiếc xe Jeep được ngụy trang đưa Bác vào Thanh Hóa kinh lý.

Người lái xe cho Bác là đồng chí Nguyễn Văn Nên (Bác đặt tên là Ngọc); đồng chí bảo vệ tiếp cận Nguyễn Văn Lý (Bác đặt tên là Hoàng Hữu Kháng).

Từ nơi Bác làm việc lúc bấy giờ, đoàn công tác đưa Bác đi đường 6A ra Xuân Mai, rẽ trái theo đường 21 về Chi Nê. Đêm 19/2/1947, Bác nghỉ tại nhà khách Đồn Điền của ông Đỗ Đình Thiện – một cơ sở cách mạng của Bác, ông Thiện từng là thư ký của Bác trong chuyến đi Pháp năm 1946. 3 giờ sáng 20/2/1947, từ đồn điền Chi Nê sang đường 59 đi Nho Quan (Ninh Bình), đến đường 12 đi Ghềnh, theo quốc lộ 1A. 8 giờ sáng 20/2, Bác gặp đoàn cán bộ Thanh Hóa ra đón gồm các đồng chí: Bùi Đạt – Bí thư Tỉnh ủy, Lê Chủ - Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa, Đặng Việt Châu – đặc phái viên Chính phủ tại Thanh Hóa.

Sau khi nghe đồng chí Bùi Đạt báo cáo sơ bộ tình hình, Bác hỏi về cách thức, thành phần và nội dung cuộc họp, cũng như địa điểm tổ chức họp. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng đặc phái viên Chính phủ đưa Bác đi thẳng qua ga xe lửa lên cầu Cao, qua cầu Đống, cầu Trầu, cầu Cáo, đến ngã ba Rừng Thông rồi hướng vào làng Bản Nguyên thì gặp đường mòn.

Xe dừng lại, Bác cùng lãnh đạo Thanh Hóa chọn 2 nơi khai hội. Sau đó, Bác họp với lãnh đạo tỉnh tới hơn 1 giờ chiều mới nghỉ. Bác cùng với lãnh đạo tỉnh mở cơm trưa ra ăn, thực chất là xôi nếp đóng oản, muối vừng, do gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện chuẩn bị từ đêm 19/2 để ăn trong ngày.

Đến 15h15 ngày 20/2/1947, Bác cùng lãnh đạo tỉnh quay lại địa điểm 2, nơi có hòn đá nguyên thủy tại rừng Thông. Tại đây, Bác đã có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với đại diện nhân dân theo thành phần tỉnh đã triệu tập, ước chừng khoảng 300 người. Một số đại biểu lãnh đạo miền núi ngày sau mới xuống, tỏ ra rất tiếc nuối.

Tượng đài Bác Hồ ở thị trấn Rừng Thông - địa điểm đầu tiên Bác dừng chân khi về thăm Thanh Hóa ngày 20/2/1947

Theo một số tài liệu, buổi tối cùng ngày, Bác có cuộc nói chuyện với nhân dân thị xã Thanh Hóa trước Nhà thông tin thị xã. Khoảng 8h30 sáng 21/2/1947, xe đưa Bác về căn cứ chùa Thầy an toàn, kết thúc chuyến thăm lần đầu tiên tới Thanh Hóa. Sau khi vào Thanh Hóa, Bác quyết định lên chiến khu Việt Bắc.

Trong lần về thăm, làm việc lần đầu tiên với Thanh Hóa, Bác có 2 bài nói chuyện quan trọng. Đó là những văn kiện lịch sử, thể hiện đường lối kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến, tích cực tham gia sản xuất, đóng góp nhiều của, nhiều người cho kháng chiến. Đặc biệt, tại lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Bác đã nhấn mạnh đến việc xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Theo đó, qua các buổi nói chuyện, Bác bày tỏ mong ước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh kiểu mẫu.

“Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu” - Bác nói.

Bác cũng chỉ rõ xây dựng tỉnh kiểu mẫu trên mọi mặt phải bắt đầu từ cá nhân mỗi người trước tiên: Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu…

Trước lúc chia tay, Bác nhắn gửi tha thiết tới đồng bào với lời hẹn ngày trở lại: “Đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người 'kiểu mẫu”.

Sau đó Bác tới nói chuyện với quân, dân Thanh Hóa tại trung tâm thị xã Thanh Hóa

(Có nhiều ý kiến khẳng định, Cụ Hồ từ Việt Bắc bí mật theo đường Chi Nê, Hoà Bình qua phố Cát Kim Tân rồi rẽ ngay vào Gia Miêu ngoại trang này sau đó mới xuôi theo đường Vĩnh Lộc vào Rừng Thông sang Thọ Xuân, nơi có nhiều cơ quan kháng chiến đóng).

Sau này, tôi được tiếp cận với một tài liệu, trong cuộc nói chuyện với nhân sĩ, trí thức, phú hào xứ Thanh tại Rừng Thông hay Thọ Xuân ấy, Cụ Hồ đã gặp các bậc, các đấng như Cao Xuân Huy, Lê Thước, GS Nguyễn Mạnh Tường, GS Đào Duy Anh,...

Cụ Lê Thước thay mặt cho giới trí thức đứng dậy: “Thưa Bác...”

Cụ nói ngay với Cụ Thước rằng, chúng ta đồng lứa, “Bác” là để cho thanh niên gọi.

GS Lê Thước đồng tuổi, lại cùng quê với Cụ Hồ bèn nói, thưa Cụ, có anh em chúng tôi đây xin Cụ giải thích cho một điều, thế nào là chế độ cộng hoà dân chủ, dân chủ mới, v.v..

Buổi tối trong khoảng thời gian rất ngắn, Bác nói chuyện với đồng bào thị xã Thanh Hóa trong cuộc mít tinh đón Người tại nhà Bác Cổ (nay là Hiệu sách nhân dân thành phố Thanh Hóa). Sau đó Bác đi dâng hương tại đình Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung.

Nội dung các cuộc chuyện trò của Bác trong thời gian rất ngắn ở Thanh Hóa hình như vẫn thời sự, tươi mới. Có vẻ như Bác đã cảnh báo, đã chia ở thì tương lai gần lẫn xa, đã đưa ra một cái bùa để yểm trấn cái nạn mất đoàn kết của xứ Thanh?

Xin trích ra vài đoạn.

Thanh Hoá kiểu mẫu

I - Mục đích:

Làm cho người nghèo thì đủ ăn.

Người đủ ăn thì khá giàu

Người khá giàu thì giàu thêm

Người nào cũng biết chữ.

Người nào cũng biết đoàn kết yêu nước.

… Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt…

… Không phải tôi chỉ nói điều tốt, điều hay, mà cũng phải nói sự thực, nói thực hay mất lòng.

Tỉnh Thanh Hóa có tiếng là văn vật, nhưng nay xét số người biết chữ còn ít hơn số người chưa biết chữ. Cái đó các nhà văn hóa phải chịu một phần trách nhiệm. Tôi có ý kiến ra kỳ hạn trong một năm phải thanh toán cho xong nạn mù chữ, các ngài thấy có được không? (Mọi người trả lời: Thưa được).

Cái sức mạnh vô địch mà ta có thể thắng quân địch giành độc lập, thống nhất là sự đoàn kết.

Ngày xưa có những sự xích mích phe phái nhưng nay Tổ quốc lâm nguy mà chia rẽ thì bất lợi.

Ta có cái thù chung là bọn cướp nước thì dù có cái thù hiềm riêng cũng phải bỏ hết. Bỏ thù riêng để trả thù chung, đó là giành thắng lợi.

.... Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Thí dụ: một anh nói giỏi, một anh không, khi ra quần chúng anh nói kém sợ anh nói giỏi lên nói sẽ được công chúng vỗ tay hoan nghênh lấn át ảnh hưởng mình đi, nên không cho anh nói giỏi lên nó.

Cứ thấy thiêu thiếu bởi trong các dịp lễ kỷ niệm ngày Cụ về thăm Thanh Hóa không thấy nhắc đến một sự kiện?

Ấy là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé qua Miếu Triệu Tường ở Gia Miêu Ngoại trang.

Mới thôi, năm 1901 Niên Giám Đông Dương có những dòng như thế này.

Làng Quý Hương huyện Tống Sơn Phủ Hà Trung có tiếng là cái nôi của triều đại đương thời. Các miếu tháp thờ cúng các bậc tiên vương được xây dựng ở đây, có tường gạch bao quanh, tường được giữ phòng bằng luỹ như một toà thành nhỏ đó là Tôn Thanh hay còn gọi là Triệu Tường.

Ngày 12/12/1961 Bác về thăm Thanh Hóa lần thứ tư. Trong ảnh Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa và các cháu thiếu niên nhi đồng.

Đại Nam thống nhất chí chi tiết hơn:

Miếu Triệu Tường bao gồm 182 trượng bao quanh, thành có hào nước có cầu gạch bắc qua, lại có 2 lớp luỹ bao bọc. Luỹ ngoài xây vào năm Minh Mạng thứ 16- năm 1835) có 4 cửa trổ theo bốn phương.

Phạm vi lăng trong được chia làm 3 khu vực. Khu vực chính là Nguyên Miếu (thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng) khu vực bên đông là thờ Trừng Quốc Công (Nguyễn Hoàng Dụ cha của Nguyễn Kim) Khu vực Nguyên Miếu nằm trong thành Triệu Tường là khu trung tâm được xây dựng vào năm Gia Long thứ 2 (1804), trùng tu vào năm Minh Mệnh thứ nhất (1820). Độc đáo là sự trang trí và sắp đặt trong Nguyên Miếu được mô tả cụ thể sinh động trong sách của một sử gia Pháp tên là H. Le Bretstin.

Còn đây là Lăng Trường Nguyên nằm dưới chân Thiên Tôn đằng sau đình Gia Miêu. Năm 1808, Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là Lăng Trường Nguyên (suối dài vĩnh cửu). Vì mộ Nguyễn Kim không còn để lại dấu nên Gia Long chỉ cho xây một nền vuông để bái yết và cúng lễ.

Năm Minh Mệnh thứ ba, 1822 Minh Mạng về Gia Miêu thân đề một bài minh trên tấm bia dựng ở khu lăng miếu Triệu Tường.

Quy mô kiến trúc Miếu Triệu Tường, Gia Long muốn ngoài ý nghĩa thờ tự và ghi nhớ công ơn của Triệu tổ nhà Nguyễn, công trình như là một tặng vật cho quê hương. Kiến trúc lăng miếu Triệu Tường mang phong cách của các kiến trúc Lăng tẩm nhà Nguyễn sau này.

Sau này các vua Nguyễn khác như Khải Định trong các dịp tuần du Bắc Hà đều ghé Gia Miêu bái yết.

Đầu năm 1939, Bảo Đại đã cho phi cơ chụp không ảnh toàn bộ Miếu Triệu Tường.

Rồi một ngày cuối tháng 8 năm 1945, Bảo Đại - ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn, thời điểm ấy là công dân Vĩnh Thụy - được Chủ tịch Hồ Chí Minh vời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ.

Trên đường thiên lý từ Huế ra, Vĩnh Thụy khi qua địa phận Gia Miêu ngoại trang đã cho dừng đoàn xe 4 chiếc lại. Không biết nghĩ ngợi thế nào, chắc do vội chứ có ai cấm cản gì đâu, ông không về Triệu Tường mà bày hương án ngay chỗ ngã ba lối rẽ vào thì thụp khấn vái. Thủ tục hành lễ bái yết tiên tổ chỉ diễn ra hơn một tiếng đồng hồ thay vì cả ngày như trước đây của vua cha Khải Định.

Trở lại sự kiện Cụ Chủ tịch nước Việt Nam DCCH Hồ Chí Minh (có thể là ngày 20 hoặc 22/2/1947) đã ghé lăng miếu Triệu Tường thắp hương.

Cũng cần nói thêm, trên lộ trình đường số Một của Cụ Hồ Chí Minh bắt vào đất xứ Thanh để đến Rừng Thông không thiếu những di tích lịch sử. Rất gần Gia Miêu Triệu Tường có đền thờ Bà Triệu. Cách không xa nơi thờ Bà Triệu là Đền thờ Ngô Tuấn tức Lý Thường Kiệt.

Bác Hồ thăm Thanh Hóa năm 1957 nói chuuyện với hơn 1 vạn dân ở sân vận động TX Thanh Hóa và gặp ngư dân Sầm Sơn.

Tại sao Cụ lại chọn Gia Miêu?

Có phải CÁI GẠCH NỐI NHÀ NGUYỄN - HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA LIỀN MẠCH VỚI DÒNG CHẢY CỦA SỬ VIỆT?

Bây giờ chính sử (chỉ ghi đầu việc) lẫn dã sử đều không có dòng chi tiết nào tường thuật lại sự kiện lịch sử ấy. Có chăng chỉ chút ký ức lưu lại trong các bậc cao niên xứ Thanh.

Mà lần kỷ niệm 70 năm Bác Hồ vào thăm Thanh Hóa hình như trên phương tiên thông tin đại chúng không thấy nhắc về sự kiện này?

Là những ai thuở ấy được may mắn chứng kiến giây phút Cụ Chủ tịch sải những bước thư thả vào Gia Miêu Triệu Tường để thắp hương chiêm bái?

Cụ khấn gì, bạch những gì với các đấng tiền nhân thì chỉ có người trong cuộc biết được!

Nhưng cứ thiển ý mà suy, chế độ mới Dân chủ cộng hòa đã thay thế tiếp nối nhà Nguyễn đã hết vai trò lịch sử thì có lẽ khấn gì thì khấn thì Cụ nhà mình dứt khoát là bạch với tiên tổ nhà Nguyễn phù trợ cho chế độ mới DCCH cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc bớt xương bớt máu và mau đến thắng lợi?

Bác Hồ nói chuyện với người dân Thanh Hóa.

Mà chính sử cũng như các nhà làm sử không thấy có công trình nghiên cứu nào, sau sự kiện Cụ Hồ vào thăm Thanh Hóa ấy ?

Năm xa ấy, tôi may mắn được dự cuộc trao đổi trong một phạm vi hẹp với một số nhà sử học.

Có vài ý kiến cho rằng sau thời điểm nước sôi lửa bỏng Toàn quốc kháng chiến, biết bao việc cấp thiết bộn bề tại sao Cụ Chủ tịch lại có một cuộc kinh lý Thanh Hóa như vậy? Có thể Cụ (cùng Ban tham mưu tâm phúc) đã manh nha ý định chuyển Chính phủ cùng Bộ tham mưu kháng chiến vào đất Thanh Hóa – từng được lịch sử coi là đất căn bản, đất thang mộc - nên có một cuộc kinh lý thăm viếng gấp gáp bất ngờ ấy chăng? Rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc thăm đã quan sát, gặp gỡ, hỏi han này khác, đã thấy việc chưa thuận nên đã quyết định rời Quốc Oai, Chùa Thầy, rinh toàn bộ Ban tham mưu cùng lực lượng kháng chiến lên Chiến khu Việt Bắc?

Lẩn thẩn thử phác qua các triều đại chế độ nối nhau.

Đinh Tiền Lê 41 năm. Nhà Lý được 115 năm. Trần 175 năm. Triều Lê Trịnh tức Lê trung hưng hơn 200 năm. Nhà Nguyễn 9 chúa 13 vua tồn tại 219 năm. Và chế độ dân chủ cộng hòa bao kỳ tích này khác cũng chỉ mới hơn 70 năm nay thôi.

Đôi hồi mà ngẫm, càng thấy tiếc xót công trình nguy nga Lăng Miếu Triệu Tường. Không phải cái thời tiêu thổ kháng chiến, cũng chẳng phải đạn bom gì của đế quốc sài lang mà mới thôi, những năm cuối 50 đầu 60 những ấu trĩ nóng vội và cả ngớ ngẩn đã biến công trình lịch sử ấy thành bình địa!

May mắn, ông Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm (hậu duệ hay chi phái nào đó của cụ Nguyễn Hoàng) lần về thắp hương lẫn trồng một cây đa trước ngôi đình đổ nát hoang phế Gia Miêu. Sau đó ông cho tiền tu sửa ngôi đình.

Rồi Lăng Trường Nguyên được dòng Nguyễn Phước tộc tôn tạo. Lại xây mới cái nhà bia lưu lại bút tích của vua Minh Mạng: Đất lớn chúa thiêng sinh ra Triệu Tổ/ Vun đắp cương thường nêu rạng thánh võ/Nghĩa động quỷ thần công truyền vũ trụ... cùng nền phương cơ nơi thờ cúng và cũng là phần mộ của Triệu tổ Nguyễn Kim.

Hình như những việc thiện ấy cũng là cái cách tưởng niệm, nhắc nhớ sự kiện Cụ Hồ Chí Minh 75 năm trước từng đã qua đây?