“Chiến binh áo trắng” trên tuyến đầu chống COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để chiến thắng loại virus giết người SAR-CoV-2 và ngăn chặn dịch COVID-19 lan tràn, đã có bao "bóng hồng" cùng các đồng nghiệp hợp sức, gồng mình ngày đêm ở tuyến đầu của "cuộc chiến".
"Chiến binh áo trắng" - những người trên tuyến đầu chống COVID-19.
"Chiến binh áo trắng" - những người trên tuyến đầu chống COVID-19.

Trên mọi miền của dải đất hình chữ S thân thương ngay từ những ngày đầu dịch bệnh đã có bao bác sĩ ngày đêm cứu người. Họ đến các tâm dịch, bệnh viện dã chiến chống bệnh cứu người… Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, “Đâu có giặc là ta cứ đi”, họ đã viết nên bản ca tình người mà không giấy bút nào chép trọn.

Một trong những “chiến binh áo trắng” ở tuyến đầu chống COVID-19 đồng cảm với những đồng nghiệp đồng chí và bao tình nguyện viên, người chăm sóc bệnh nhân… không quản đêm vắng, xa nhà, đã từng giờ từng phút bám trụ ở các bệnh viện dã chiến để chống dịch đã xúc động bật ra những câu thơ:

“Thương lắm đồng nghiệp tôi miệt mài trong tâm dịch

Chẳng kịp tội thân mình, chẳng kịp nghĩ xa xôi

Thương lắm những giọt mồ hôi trong lớp áo

Ai đã thử rồi… đã biết khổ cùng nhau

Ngày tết đã trôi mau, nỗi đau thì còn đó

Cuộc chiến vẫn xoay vòng mong mỗi sự bình an

Người người còn lầm than… sao lo riêng thân mình được nữa

Hôn con rồi đi với trái tim rực lửa

Mai chị có về sau trận chiến vinh quang?”

Bài thơ trĩu nặng tình thương tới những nữ y bác sĩ, khi có ca bệnh, họ bỏ lại sau lưng là gia đình, là những đứa con thơ, bỏ qua những hiểm nguy,… Họ chỉ biết lao vào cuộc chiến quyết liệt để điều trị cho người bệnh thoát khỏi virus hiểm nghèo - đó là mệnh lệnh từ trái tim. "Thầy thuốc như mẹ hiền” là vậy.

Để chữa trị, giành lại sự sống cho người bệnh, họ chấp nhận tất cả một cách vô điều kiện vì “người người còn lầm than… sao lo riêng thân mình được”. Cái ý thức mình vì mọi người ấy lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc tạo nên một sức mạnh ngăn chặn COVID-19.

Chứng kiến rất nhiều sinh viên như những sinh viên Đại học Y tỉnh Hải Dương khi dịch bệnh bùng phát đã tình nguyện cùng những bậc anh chị thầy cô mình chung tay chống dịch. Họ chia sẻ, họ học và thực tập ở hiện trường, mới thấy tinh thần yêu thương con người bao đời nay của dân tộc ta mãi bừng sáng soi đường đến chiến thắng vinh quang.

Khi mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch “lương y như từ mẫu” với trái tim rực lửa bệnh dịch sẽ được kiểm soát, uy tín của Việt Nam càng được nâng tầm cao mới trong mắt bạn bè quốc tế và các nước trên thế giới. Những người tiên phong trên trận chiến COVID-19 ở nước ta, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, "mỗi người dân là một chiến sĩ", đội ngũ thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch với tấm lòng “thấy thuốc như mẹ hiền” được Tổ chức y tế thế giới đánh giá cao.

Mở ra hy vọng…

Một trong những “bông hồng” chống dịch cùng đồng đồng đội đó là ThS. BS. Võ Ngọc Anh Thơ - Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. Sau khi bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) được điều trị thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cô là cái tên thu hút sự quan tâm của truyền thông. Báo giới gọi cô bằng những danh từ đầy cảm phục và ngưỡng mộ: “Người hùng tóc dài”, “Chiến sĩ xung kích”, “Nữ bác sĩ có trái tim rực lửa”,…

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ (bên trái) cùng các đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ (bên trái) cùng các đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cô cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy - đơn vị y tế đầu tiên của cả nước tiếp nhận, điều trị thành công cho hai bệnh nhân COVID-19 là ông Li Ding (65 tuổi) và Li Zichao (28 tuổi, con trai ông Li Ding), quốc tịch Trung Quốc. Đặc biệt, bệnh nhân Li Ding tuổi cao, tiền sử bản thân mắc nhiều chứng bệnh nan y, sức khỏe yếu, nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến nặng. Việc điều trị thành công cho hai ca bệnh COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đã khẳng định trình độ, khả năng và nỗ lực vượt bậc của ngành y tế nước ta, mở ra hy vọng, tạo sự an tâm, tin tưởng trong đời sống xã hội.

Giới chuyên môn coi đây là chiến thắng trận đầu, có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Bộ Y tế nghiên cứu, thống nhất phương án, lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước theo phương châm “4 tại chỗ” là: lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Khi bó hoa chúc mừng bệnh nhân COVID-19 xuất viện vẫn còn tươi màu thì những thông tin về các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới lại khiến các bác sĩ nơi tuyến đầu khó có nổi một bữa ăn ngon, một giấc ngủ tròn. Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập 2 đội phản ứng nhanh, sẵn sàng cơ động mọi lúc, mọi nơi để chi viện, ứng cứu cho các địa phương. ThS. BS Võ Ngọc Anh Thơ là thành phần chủ chốt, tiên phong của lực lượng này.

Đêm 11/3, sau khi nhận được thông tin có bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Bình Thuận, đội phản ứng nhanh do ThS. Anh Thơ chỉ huy “xuất kích” ngay trong đêm. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, họ có mặt tại Bình Thuận lúc 1h sáng ngày 12/3. Cô và các đồng nghiệp lao ngay vào nhiệm vụ, phối hợp với Bệnh viện Đa khoa và Sở Y tế tỉnh Bình Thuận triển khai khẩn cấp các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, tiến hành hội chẩn, lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Sau những ngày đêm làm việc quên ăn, quên ngủ tại Bình Thuận, khi tình hình đã được kiểm soát, cô mới trở về TP Hồ Chí Minh. Với tinh thần của những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, họ xác định, bệnh nhân chưa khỏi, chưa rời bệnh viện; chưa hết dịch, chưa thể nghỉ ngơi.

“Dáng đứng Bến Tre”

Võ Ngọc Anh Thơ sinh ra ở quê dừa Bến Tre, trong một gia đình mà cả bố mẹ cô đều là giáo viên. Từ nhỏ đã là học sinh giỏi văn có tố chất làm báo. Cô ước mơ và phấn đấu khi trưởng thành sẽ là nhà báo giỏi để đươc đi viết về quê hương, đất nước con người,...

Rồi một lần bố cô bệnh nặng, đời sống gia đình có lúc lâm vào cảnh kiệt quệ. Chăm sóc bố khi bệnh nặng, cô chứng kiến những cơn đau quặn thắt ruột gan của đấng sinh thành thế là cô học trò giỏi văn xứ dừa đã quyết định từ bỏ ước mơ bay bổng cùng trang viết và những bức ảnh… để theo nghề thầy thuốc chữa bệnh, cứu người...

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh năm 2006, cô gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy từ đó đến nay. Vừa công tác, vừa học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nay, cô đã học xong chương trình cao học và đang nghiên là cứu sinh chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành bệnh nhiệt đới.

Khoa Bệnh nhiệt đới hằng ngày đón tiếp và điều trị cho rất nhiều bệnh nhân và hầu hết trong số họ là những ca bệnh nặng. Cũng vì thế, cường độ làm việc của các bác sĩ cũng như toàn thể nhân viên y tế rất cao. Trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, ngoài đảm nhiệm công việc ở khoa, bác sĩ Thơ phải tham gia hội chẩn, kiểm soát dịch ở các khâu, các khoa trong bệnh viện, tham gia hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện, cơ sở y tế khác trong khu vực.

Là “sếp” nữ trẻ tuổi, bác sĩ Thơ đến các giường bệnh kiểm tra các chỉ số, cùng cộng sự theo dõi từng nhịp thở và diễn biến sinh tồn của bệnh nhân. Công việc luôn tay nhưng mọi công đoạn đều diễn ra tỉ mỉ, thận trọng với phong cách dịu dàng và giọng nói nhẹ nhàng, trong veo. Điều đó khiến không chỉ các đồng nghiệp mà cả bệnh nhân đều yêu mến cô và thêm sự tin tưởng vào y học...

Một trong những dấu ấn là thời điểm hơn 3 tuần căng sức giành giật mạng sống cho hai bệnh nhân người Trung Quốc bị nhiễm COVID-19, bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - bận đi công tác nước ngoài. Việc lãnh đạo, điều hành khoa được giao lại cho bác sĩ Thơ. Quyết tâm cứu chữa bệnh nhân bằng mọi giá là mệnh lệnh từ trái tim của cô và các bác sĩ.

BS Anh Thơ (người ôm hoa đứng giữa) trong buổi tiễn bệnh nhân Li Ding ra viện

BS Anh Thơ (người ôm hoa đứng giữa) trong buổi tiễn bệnh nhân Li Ding ra viện

Ngày bệnh nhân xuất viện, hình ảnh bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ trong chiếc áo blouse trắng ôm bó hoa, nở nụ cười tươi bên cạnh các đồng nghiệp chúc mừng và tiễn bệnh nhân rời viện được chia sẻ rộng rãi trên truyền thông và mạng xã hội. Hình ảnh này đã trở thành biểu tượng đẹp của nghề thầy thuốc gây xúc động hàng triệu con tim… Thành tích xuất sắc của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh khen thưởng.

Gần 15 năm làm bác sĩ và nay là nữ chiến sĩ tiên phong trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy và ngành y tế phía Nam, ThS. Võ Ngọc Anh Thơ đã góp phần đem lại hạnh phúc cho hàng ngàn bệnh nhân, tư vấn sức khỏe, phòng, chống dịch cho hàng triệu khán giả truyền hình. Cô chính là một trong những hình ảnh đẹp góp phần khắc hoạ lên bức tranh "lương y như từ mẫu".