'Chìa khóa' cho chu kỳ tăng trưởng mới của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ chững lại do hiệu ứng 'bẫy niềm tin'. Vực dậy thị trường bất động sản được cho là một trong những giải pháp để siêu cường kinh tế này sớm lấy lại tăng trưởng.

1.png
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể chững lại do bẫy niềm tin (Ảnh: Getty)

"Bẫy niềm tin"

Giới trẻ Trung Quốc chỉ đại diện cho một phần nhỏ dân số đang trong độ tuổi lao động và thậm chí chẳng phải nòng cốt trong lực lượng lao động ở quốc gia này, theo The Economist.

Nhiều người trong số đó ở độ tuổi từ 16-24, tức vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, bởi vậy mà chưa đi tìm việc làm. Trong những năm gần đây, triển vọng việc làm của nhóm tuổi này nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc giảm từ 5,3% xuống còn 5,2%, theo dữ liệu mới được công bố vào ngày 16/5. Con số thoạt nhìn có vẻ tích cực này lại bị phủ bóng bởi tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi lên đến 20,4% - mức cao kỷ lục kể từ khi việc thu thập dữ liệu được thực hiện từ năm 2018.

Ông Xiangrong Yu và các đồng nghiệp ở Citigroup cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ là dấu hiệu của “bẫy niềm tin” đang xuất hiện ở Trung Quốc. Mặc dù đà phục hồi kinh tế của nước này trong 3 tháng đầu năm nay đã vượt kỳ vọng, nhưng giới đầu tư dường như lại chỉ quan tâm tới “những mắt xích yếu”.

Những 'mắt xích' này bao gồm hoạt động nhập khẩu ảm đạm, lạm phát thấp, ngành sản xuất không thể sánh bằng dịch vụ - và những người trẻ tuổi thất nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài càng lạnh nhạt với Trung Quốc hơn khi căng thẳng địa chính trị gia tăng. Đồng Nhân dân tệ (CNY) cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023 so với đồng USD.

Điều này cũng thể hiện trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc, khi mức tăng đồng loạt kể từ khi nước này mở cửa trở lại giờ đã bị quét sạch. Và những bất ngờ thú vị trong dữ liệu kinh tế hầu như không được ghi nhận trên các thị trường thu nhập cố định ảm đạm: lợi suất trái phiếu chính phủ chỉ cao hơn chút ít so với mức thấp ở giai đoạn COVID-19. Mặc dù niềm tin của người tiêu dùng có vẻ được nâng lên so với năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2019.

3.jpg
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc thấp hơn so với dự báo của giới kinh tế học (Ảnh: Nikkei)

Đà tăng trưởng gây thất vọng

Sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế Trung Quốc đến nay vẫn chưa thể cải thiện tâm lý chung. Điều nguy hiểm là tâm lý đó có thể nhấn chìm đà phục hồi của Trung Quốc.

Các chỉ tiêu vĩ mô tháng 4/2023 là ví dụ. Theo dữ liệu mới nhất được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/5, sản xuất công nghiệp của nước này tăng 5,6% so với năm trước đó, nhưng thấp hơn con số dự báo trung bình mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò do Bloomberg thực hiện. Doanh số bán lẻ tăng 18,4%, cũng thấp hơn so với con số dự báo 21,9%.

4388d8b35a0d42d20ab625cdf593e963f9fd4ef1.png
Đà phục hồi của Trung Quốc trong tháng 4 không được như kỳ vọng (Ảnh: Bloomberg)

Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định cũng chậm lại, ở mức 4,7% trong 4 tháng đầu năm nay, thấp hơn so với mức dự báo 5,7% mà các nhà kinh tế học đưa ra.

Tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị là 5,2%, giảm từ 5,3% trong tháng 3, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi lại cán mốc cao kỷ lục là 20,4%.

Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước tương đối mạnh, nhưng chi tiêu của các doanh nghiệp tư nhân lại chỉ tăng 0,4% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, theo hãng nghiên cứu Oxford Economics.

Những con số này đã tăng lên nếu so sánh với tháng 4/2022, thời điểm mà thành phố Thượng Hải vẫn đang áp dụng lệnh phong toả, làm giảm hoạt động kinh doanh và tiêu thụ vào thời điểm đó. Mặc dù vậy, những con số mới được công bố được cho là đáng thất vọng và cho thấy các nhà hoạch định chính sách cần phải tăng sự hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng.

2.jpg
Những con số đáng thất vọng khiến nhiều người giảm niềm tin vào đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Niềm tin cần được phục hồi

Một phần nguyên nhân dẫn đến đà tăng trưởng đáng thất vọng như vậy là do thị trường bất động sản của Trung Quốc, vốn đang bị nghi ngờ về khả năng phục hồi.

Trước sự hối thúc của chính phủ, nhiều hãng phát triển bất động sản đã ưu tiên hoàn thành các dự án xây dựng còn dang dở, thay vì đầu tư vào các dự án mới. Số lượng nhà xây mới đã giảm hơn 20%, ngay cả khi diện tích sàn hoàn thiện tăng gần 19%.

Sự suy yếu của thị trường bất động sản khiến một số nhà kinh tế học phải giảm dự báo đà tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay.

Ông Ting Lu, nhà kinh tế học đến từ ngân hàng Nomura, đã giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 5,9% xuống 5,5%. “Đà phục hồi đã chững lại”, ông giải thích, “một phần là do Bắc Kinh không thể củng cố niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư kinh doanh. Khi sự thất vọng xuất hiện, chúng tôi nhận thấy nguy cơ về một vòng xoáy suy giảm”.

Trung Quốc có thể tìm cách vực dậy đà phục hồi và niềm tin bằng cách nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Lạm phát đã giảm xuống còn 0,1% trong tháng 4, tạo điều kiện cho các gói kích thích. Nhưng do mục tiêu tăng trưởng chính thức của Trung Quốc trong năm nay chỉ là 5%, nên chính phủ có thể không quá vội trong việc giải cứu.

Các nhà đầu tư nước ngoài và người tiêu dùng Trung Quốc không có nhiều niềm tin vào đà phục hồi của Trung Quốc trong năm nay. Mục tiêu tăng trưởng ít tham vọng mà chính phủ Trung Quốc đề ra trong tháng 3 vừa qua cho thấy họ cũng không có nhiều niềm tin./.

Nguồn tham khảo: The Economist, Bloomberg